Tạ Thiên Hoa rời khỏi Hàn gia, liền bắt đầu bay xuôi nam, trong lòng lo lắng không thôi cho ba người Lý, Đỗ, Trương. Tuy ra ngoài lần này, bọn họ đều đã xác định sẽ phải đối mặt nguy hiểm, song hai chữ “nguy hiểm” trừu tượng và một mối đe dọa thực chất quả thật không giống nhau. Cái trước chỉ có thể khiến người ta lo lắng thoáng qua, nhưng cái sau lại có thể khiến con người ta hồi hộp, bồn chồn không ngừng.
Đỗ Thải Hà và Trương Mặc Sênh hiện tại ở cùng một chỗ, dễ bề chiếu ứng bảo vệ lẫn nhau. Thành thử, trong lòng Tạ Thiên Hoa lo lắng cho ông sư huynh ngố nhất. Tuy chiến lực của Lý Thanh Vân có thể nói là cao nhất trong bốn người, song đầu óc y cũng đơn thuần nhất. Tất nhiên, ngoại trừ lý do khách quan này, nhị đồ đệ của cổ viện còn lý do chủ quan nào khác để lo lắng cho ông đại sư huynh hay không thì chắc cũng chẳng còn ai từng gặp hai người này chưa nhận ra nữa.
Thế nhưng, dù sao Tạ Thiên Hoa vẫn là người lý trí. Cô nàng nhanh chóng tìm được lý lẽ để tự an ủi mình: còn may đại sư huynh ở Đại Việt, gần sư phụ nhất, hẳn là trước mắt sư phụ có thể bảo đảm an toàn cho anh ấy. Nghĩ thông điều này, cô nàng cũng bắt đầu lên kế hoạch: trước tiên đến Đại Hàn hội họp với Trương Mặc Sênh và Đỗ Thải Hà, sau đó mới trở lại Đại Việt, tiếp ứng cho Lý Thanh Vân.
Đáng tiếc, khi Tạ Thiên Hoa vạch ra kế hoạch này, Lý Thanh Vân cũng mới chỉ vừa từ dưới đáy biển đi lên. Sau đó, cô nàng vừa cấp tốc xuôi nam, vừa trốn tránh truy sát, đương nhiên cũng không có thời gian cập nhật tin tức để mà biết thay đổi trong hành tung của y. Nhưng đó cũng là chuyện sau này…
oOo
Tạm ngưng chuyện Tạ Thiên Hoa xuôi nam tìm đồng môn, giờ kể tiếp chuyện Trương Mặc Sênh và Đỗ Thải Hà.
Chiến tranh với Hải Thú là chuyện trường kỳ, cũng không phải sự việc ngày một ngày hai. Thành thử, Nho môn cùng núi Long Hổ đương nhiên cũng không định chỉ dùng biểu hiện trong một ngày hôm ấy để phân thắng bại với cổ viện, Kiếm Trì. Kết quả cuối cùng sẽ được đem ra để so sánh, định đoạt là quân công.
Sau một thời gian, chiến tranh cũng đã vào guồng. Liễu Ân sau khi thấy việc giữa cổ viện và Nho môn, Đạo môn bớt căng thẳng, bản thân lão không cần thù lù ở đó làm chỗ dựa cho hai người Trương, Đỗ nữa, thì đã sớm bái biệt, lui về Kiếm Trì quản chuyện hậu cần từ xa. Dẫu sao, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, thì cũng còn phải mấy tháng sau lão mới cần ra trận.
Khác biệt lớn nhất giữa hai thành Hải Nha, Tuyết Hoa có lẽ nằm ở hình thức tổ chức quân đội. Quan Hạ Băng dẫu sao cũng là tướng lĩnh trực thuộc binh mã Đại Việt, dưới trướng cô nàng đa số cũng là quân đội chính quy tinh nhuệ. Nhân sĩ giang hồ như Lý Thanh Vân tuy có nhưng cũng không nhiều, chỉ là thiểu số trong quân. Tuyết Hoa thành thì gần như ngược lại, quân thủ thành chính quy chỉ chiếm cỡ một phần tư toàn lực lượng, còn lại là nhân sĩ giang hồ. Nếu không phải đạo đồng, thiên sư của Long Hổ Sơn, sĩ tử đại nho của Lam Ba Thư Quán, thì cũng là đệ tử của Kiếm Trì hoặc người của các môn phái nhỏ khác. Mà bởi quân số đa phần là nhân sĩ giang hồ, nên hậu quả tất yếu là kỷ luật quân đội ở thành Tuyết Hoa có phần lỏng lẻo hơn.
Song, bù lại, phân chia công việc tại đây lại có phần… chuyên nghiệp hóa hơn so với ở Hải Nha. Quân đội chính quy của phủ thành chủ chỉ cần tập trung vào thủ thành, bảo vệ bá tánh trăm họ, còn việc đánh giết Hải Thú toàn bộ giao cho nhân mã các phe phái giang hồ.
Hai đệ tử cổ viện tính ra có chút đặc biệt. Tuy Lão Thụ cổ viện không phải trực thuộc quân đội chính quy, song cả hai người Trương, Đỗ lại được Hàn trưởng lão xin cho chức vụ trong quân. Đỗ Thải Hà quản kho, Trương Mặc Sênh thường xuyên ra vào nhà bếp, làm các việc liên quan đến nấu nướng cho quân. Về lý, cả hai đều làm về hậu cần, không cần tham chiến nếu không muốn. Thế nhưng, phần vì cá cược với người của Nho môn, Đạo môn, phần vì bản thân cũng cần luyện tập, nên hai người họ cũng cứ vài hôm lại lĩnh thêm nhiệm vụ ra tiền tuyến trợ giúp một tay. Thành thử, tính ra thì gọi hai đệ tử cổ viện là hậu cần cũng được, mà bảo là tiền tuyến cũng đúng.
Đương nhiên, việc hai người là đệ tử của vị Bích Mặc tiên sinh “đại danh đỉnh đỉnh” kia thu hút rất nhiều chú ý. Thế nên, mỗi lần họ ra tiền tuyến chiến đấu là lại có vô số ánh mắt theo dõi. Ai ai cũng tò mò liệu sư muội cùng sư đệ của Toái Đản Cuồng Ma – huyền thoại dùng sức người phàm đánh được với tu luyện giả – sẽ có bản lĩnh ra sao. Nhất là kể từ khi chiến tranh với Hải Thú nổ ra, vì mục đích tăng sĩ khí cho các quân, chuyện Lý Thanh Vân xông pha chiến đấu với Hải Thú ở thành Hải Nha cũng đã bắt đầu được loan truyền ra, lại được các thuyết thư tiên sinh thêm mắm dặm muối, kể không biết mệt mỏi ở khắp nơi. Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà Lý Thanh Minh nóng lòng muốn tiễn đưa cậu em cùng cha khác mẹ của y về chầu tổ tiên đến vậy...
Trương Mặc Sênh còn đỡ, dẫu sao cậu chàng tu là Trù đạo, chiến đấu chủ yếu vẫn chỉ dựa vào Nghênh Phong Bách Đao Trảm của lão tổ. Cho nên, mặc dù thành tựu luyện tập cũng khiến các phe thế lực phải trầm trồ một phen, song cũng không làm ra sự tình gì thách thức thường thức và trí tưởng tượng của mọi người. Nhưng Đỗ Thải Hà thì khác, mỗi lần cô nàng tế “máy bay” và “xe tăng” ra, là lại một lần các phe thế lực hoài nghi nhân sinh.
Có người đưa ra giả thuyết, có thể đây là thượng cổ dị thú. Sử gia của Nho môn đương nhiên không cho là phải, song do sau Phản Thiên Chi Chiến, nhiều sự kiện đã thất truyền, nên cũng chẳng thể khẳng định được điều gì. Đạo môn thì ghen tức đến đỏ mắt, cho rằng đây có thể là một nhánh đã thất truyền của thuật người giấy. Lắm kẻ động lòng tham, có ý muốn cướp bí kíp từ Đỗ Thải Hà. Đương nhiên, đây cũng chỉ là thiểu số vài kẻ hay tin Nguyễn Đông Thanh ngã bệnh mà bị cái lợi trước mặt làm mù mắt. Còn đa số những kẻ lọc lõi thì đều án binh bất động, tiếp tục quan sát tình huống. Chính trong lúc nhân tâm hỗn loạn, lòng người rục rịch, lắm kẻ đứng ngồi không yên, thì tin về buổi luận đạo giữa Bích Mặc tiên sinh và Phật môn như một làn sóng quét qua toàn bộ Huyền Hoàng giới…
Chuyện Bích Mặc tiên sinh bỗng dưng đổ bệnh đương nhiên Kiếm Trì đã sớm biết. Song vì không muốn hai người Trương, Đỗ lo lắng mà vẫn luôn giấu giếm. Tất nhiên, người của Kiếm Trì không nói, không có nghĩa là đám tiểu nhân muốn khích bác, chọc tức hai người họ không nói. Thành thử, Trương Mặc Sênh và Đỗ Thải Hà cũng đã nghe được tin này. Tuy trong lòng thì cả hai bọn họ đều bất an, nhưng dẫu sao cũng không làm gì được, nên họ cũng chỉ có thể an ủi động viên lẫn nhau rằng sư phụ ắt sẽ bình yên. Thế nên, khi Liễu Ân một lần nữa đích thân từ Kiếm Trì chạy đến báo tin bình an, lại cho hai người Đỗ, Trương xem cả một đoạn ghi chép bằng lưu ảnh thạch, thì họ như trút được gánh nặng trong lòng.
Có người vui thì đương nhiên cũng có kẻ buồn. Hai đệ tử cổ viện sảng khoái bao nhiêu, thì đám người đạo môn lại càng rụt cổ vào bấy nhiêu. Nhất là những kẻ mới đây vừa động tà tâm thì ai nấy đều chột dạ. Theo như bọn chúng thấy, đây chắc chắn là Bích Mặc tiên sinh sờ gáy, cảnh cáo chúng, vì vậy mà nơm nớp lo sợ. Ngược lại, Nho môn lại có phản ứng khá là… đặc biệt.
Tính ra thì sáu vị viện trưởng còn luận đạo với Nguyễn Đông Thanh từ trước cả Kim Thiền Tử. Thành thử, Nho môn đã sớm hiểu rõ hơn ai hết sự kinh khủng của Bích Mặc tiên sinh. Chả thế mà mặc dù bị Đỗ Thải Hà chơi một vố lớn, các vị Đại Nho, học sĩ ở thành Tuyết Hoa vẫn tránh nặng tìm nhẹ, không dám trực tiếp gây sự với hai người Trương, Đỗ. Mà cũng bởi vậy, nên khi Phật môn ăn quả đắng, đám người của Nho gia không có gì là ngạc nhiên hay sợ sệt, trái lại, còn có chút hả hê.
Chuyện Ngũ Lộ Triều Thiên có ganh đua, đấu đá lẫn nhau chả phải là bí mật gì lớn. Khi trước Nho Đạo sụp một góc từng là chủ đề khiến bốn nhà còn lại đem ra làm trò cười. Người của Nho môn khi ấy coi đó là một sự sỉ nhục. Chả thế mà phải bịa ra bài thơ bóp méo sự thật về buổi luận đạo, cốt là để tự sướng với nhau cho bớt nhục. Mà cũng quãng thời gian đó, Phật môn dấy lên tin tức chuẩn bị luận đạo với Bích Mặc tiên sinh, không ít tăng lữ cũng từng vỗ ngực nói nhà Phật đã có chuẩn bị mà đến, chắc chắn sẽ không dẫm vào vết xe đổ của Nho môn. Khi ấy, kẻ đọc sách trong thiên hạ tức giận mà không có chỗ phát tiết, chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Có câu “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Đến nay, khi hay tin về thảm cảnh của Phật Đạo, một đám tiểu nhân của Nho gia sao có thể không đắc chí?
Cũng không rõ là ai khởi xướng, chỉ biết Nho môn bắt đầu cho lưu truyền một câu nói, rằng:
“Quân tử co được duỗi được. Sáu vị viện trưởng là kẻ thức thời, nào có như đám lừa trọc nào đó không biết tốt xấu? Cứ nhìn vào hiện trạng của Nho Đạo và Phật Đạo là thấy…”
Lời này được kẻ đọc sách trong thiên hạ nhiệt liệt hưởng ứng, truyền ra. Tăng lữ khắp nơi nghe mà tức, song lại chẳng phản bác nổi.
Mà tất cả những chuyện vặt vãnh này kỳ thực chỉ như một khoảng lặng trước cơn bão tố chuẩn bị ập tới…