Trong lúc Hán Vũ Đế tại vị, dù hùng tài đại lược nhưng lại thích lập công to, cực kỳ hiếu chiến, cuộc sống hằng ngày hết sức xa xỉ. Bởi vì “Bên ngoài tấn công bốn di, bên trong ăn chơi hưởng lạc, nhiều lần trưng tập, trăm họ túng quẫn” (Hán Thư – Hình pháp chí), đến những năm cuối thời Hán Vũ Đế, nhà Hán đã “quốc lực suy vi, dân số chỉ còn một nửa”. (Hán Thư – Chiêu Đế kỉ.)
Hán Vũ Đế chinh chiến nhiều năm không ngừng, cuộc sống xa hoa, dẫn đến quốc khố hư không. Để bù đắp chi phí, Hán Vũ Đế cho phép mua quan và cho người phạm pháp dùng tiền chuộc tội. “Chi phí không đủ, liền thi hành cải cách tạm thời, người phạm pháp được chuộc tội, người nộp ngũ cốc được làm quan lại, vì thế thiên hạ xa xỉ, quan loạn dân nghèo, trộm cướp nổi lên, nhiều người mất mạng.” (Hán Thư – truyện Cống Vũ.)
Quan lại cai trị hỗn loạn, người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo, mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, các nơi tới tấp khởi nghĩa. “Bách tính túng quẫn, dân nghèo phạm pháp.” (Hán Thư – Hình pháp chí.) “Đạo tặc sinh sôi, Nam Dương có Mai Miễn, Bách Chính, Sở có Đoàn Trung, Đỗ Thiếu, Tề có Từ Bột, giữa Yên và Triệu có Kiên Lư, Phạm Chủ. Có toán đông đến mấy ngàn người, tự xưng hiệu, công thành ấp, cướp kho binh, thả tử tù, bắt quận thủ, đô úy, giết quan viên, viết hịch yêu cầu huyện chuẩn bị đồ ăn, toán nhỏ thì vài trăm người, còn cướp bóc nhỏ lẻ ở thôn xã thì không đếm xuể.” (Hán Thư – Truyện ác quan Hàm Tuyên.)
Chính sách Hán Vũ Đế dùng là ủy nhiệm các ác quan Trương Thang, Triệu Vũ, Vương Ôn Thư, Hàm Tuyên, Doãn Tề, Dương Bộc, thực hiện chính sách áp bức tàn khốc. Trước thời Hán Vũ Đế, từ Cao Tổ đến Cảnh Đế, trải qua bốn đời hoàng đế, truyện ác quan trong Hán Thư chỉ ghi lại hai ác quan, mà riêng trong thời Vũ Đế đã có mười một ác quan.
Hình phạt không ngừng tăng cao. Pháp lệnh từ chín chương thời Lưu Bang tại vị tăng đến ba trăm năm mươi chín chương, riêng tử hình đã có bốn trăm lẻ chín điều, một ngàn tám trăm tám mươi hai việc. Luật hình theo án lệ khung tử hình lên tới mười ba ngàn bốn trăm bảy mươi hai việc. “Công văn chất đầy mấy gác, người tra không thể tìm được.” (Hán Thư – Hình pháp chí.)
Ngay cả hình phạt nghiêm khắc như vậy cũng vẫn không ngăn cản được bách tính đến bước đường cùng đứng lên khởi nghĩa.
Hán Vũ Đế vẫn hy vọng thần phục bốn di, nhưng đến tận lúc Hán Vũ Đế chết, vấn đề bốn di vẫn chưa được giải quyết. Bởi vì nhà Hán có loạn trong, các ngoại tộc như Hung Nô, Tây Khương, Tây Nam Di, Ô Hoàn cũng không ngừng gây họa ngoài.
Lúc Hán Vũ Đế về già, đối mặt với thiên hạ Đại Hán nguy cơ tứ bề, nghĩ đến vết xe đổ của triều Tần chết vì dân nghèo khởi nghĩa, mới ý thức được tội lỗi của đời mình, ban chiếu tự trách tội mình với thiên hạ. “Từ khi trẫm lên ngôi tới nay, hành vi cuồng ngạo khiến thiên hạ sầu khổ, trẫm không thể không hối hận.”
Có điều, tuy Hán Vũ Đế có lòng sửa đổi nhưng tuổi tác đã cao nên không còn sức thực hiện, chỉ có thể giao lại xã tắc Đại Hán đang bấp bênh cho Hán Chiêu Đế mới tám tuổi.
Chuyện tôi muốn kể xảy ra trong bối cảnh loạn trong giặc ngoài này.
Đây chỉ là một câu chuyện, chỉ có thể xin lỗi các bạn đọc am hiểu lịch sử, lại muốn nghiêm khắc tuân thủ lịch sử. Chuyện chỉ là chuyện, xin được trích lời của Alexandre Dumas: “Lịch sử là gì đối với tôi? Nó chỉ là cái đinh để tôi treo các bức họa của mình.”