“Thầy ơi, con muốn đi nói với họ rằng, chúng ta không phải là cặn bã.” Tôi nắm chặt tay thành nắm đấm hướng về phía sư phụ biểu lộ ý nghĩ của mình.
“Đứa nhỏ ngốc, phải có lửa thì mới có khói, môn phái suy bại, chỉ dựa vào sức lực của một mình con thì có thể làm được gì. Thầy chỉ hy vọng con có thể đem môn phái này truyền bá, đừng dập tắt hương hỏa của tổ tiên là được.”
“Dạ vâng ạ” Tôi ủ rũ gục đầu xuống.
“Còn nữa, hãy cất giữ vật này” Thầy chống thân thể lên, từ dưới gối nằm lấy ra một lá thư đặt trong túi càn khôn mà nó chưa từng rời khỏi người bao giờ: “Con hãy đến nhà thờ Hồi giáo Ngưu Nhai* tìm một vị người Tân Cương tên là A Phàm Đề Hải Lực Tư, từ nay, con hãy đi theo ông ấy đi.”
(Nhà thờ Hồi giáo Ngưu Nhai là nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nó được xây dựng lần đầu tiên vào năm 996 dưới triều đại Liêu và được tái thiết cũng như mở rộng dưới thời Hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh)
“Không, thầy ơi, con không rời xa thầy đâu!” Tôi lắc đầu lia lịa rồi ôm chặt lấy thầy, sợ rằng chỉ cần buông tay thôi, thầy tôi sẽ lập tức biến mất.
“Thầy cũng không nỡ rời xa con đâu!” Thầy run run chìa tay ra, vuốt ve đầu của tôi: “Thủ Chuyết, hãy nghe lời thầy, đừng dập tắt hương hỏa của Mao Sơn, Dịch Bốc Lạp Hân sẽ nói cho con biết nên làm thế nào.”
Ngày rời khỏi Bạch Vân quán, cứ một bước đi xuống tôi lại ngoảnh đầu ba lần, cho tới khi xuống đến dưới chân núi, tôi vẫn còn mơ hồ nhìn thấy dáng vẻ lom khom của thầy. Tôi biết, mặc dù tôi sẽ không bao giờ quên đi hình bóng ấy, nhưng e rằng đời này tôi không thể gặp được người nữa rồi.
Tôi nhớ năm đó là năm 1946.
Thầy và tôi đều từ Đông Bắc đến đây, mặc dù ở Bạch Vân quán nhiều năm như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Bắc Kinh, cũng là lần đầu tiên rời ra sư phụ. Lúc ấy, đã gần một năm kể từ ngày Nhật Bản đầu hàng, đầu xuân ở Bắc Kinh thì vẫn lạnh thấu xương như ngày nào, đạo bào trên người tôi là đổi từ áo bào đã cũ của thầy, mặc dù làm từ vải bông, nhưng tấm lót vải đã mục nát không nhìn ra hình dạng nữa.
Tôi vừa thổi nhiệt vào bàn tay vừa tiến vào cổng thành Bắc Kinh cổ kính, ánh mắt lén lút lại kính sợ nhìn những binh lính Quốc Dân Đảng cầm súng ống đạn thật đứng hai bên cửa.
“Đạo sĩ nhỏ, nhìn gì mà nhìn!” Một người lính phát hiện tôi đang nhìn lén, liền thực hiện một động tác nổ súng, dọa tôi sợ đến mức bỏ chạy, sau lưng lại vang lên những tiếng cười sảng khoái… Kể từ đó, tôi liền trở nên căm ghét binh lính lắm.
Người Bắc Kinh hồi đó rất nhiệt tình, tôi tình cờ hỏi thăm được một bà lão đạo Hồi, tôi còn nhỏ nên cảm thấy không có gì, nhưng lúc đó mà một đạo sĩ lại đi tìm kiếm nhà thờ Hồi giáo Ngưu Nhai thì thật kỳ quái, bà lão không biết vì tò mò hay là tốt bụng (tôi tình nguyện tin tưởng vế sau hơn), một mạch đưa tôi đến trước mặt A Phàm Đề Hải Lực Tư rồi mới rời đi, khi rời khỏi còn một bước quay đầu lại ba lần, giống như sợ đánh rơi thứ gì vậy.
A Phàm Đề Hải Lực Tư độ chừng sáu mươi tuổi, thân hình cao lớn vạm vỡ, khuôn mặt màu đồng, mũi cao trán rộng, đôi mắt sâu thẳm sáng ngời và có thần, mặc một bộ trường sam màu xám.
“Thủ Chuyết ư? Tên hay đấy, hiến xảo bất như thủ chuyết*, chỉ tiếc là không thể dùng lại tên này nữa, con đến vừa đúng lúc, hai ngày tới ta có việc phải xuất hành.” Sau khi đọc bức thư, ông ấy thân thiết nói với tôi: “Con à, lát nữa thay bộ quần áo đi nhé, kể từ nay con sẽ ở đây cùng với mọi người. Vẫn chưa ăn cơm phải không, ta lấy chút gì đó cho con ăn nhé.”
(Thể hiện sự thông minh không bằng giả vờ mình ngốc nghếch)
“Dạ vâng ông A Phàm Đề.” Tôi gật gật đầu, nhìn ông ấy đi ra ngoài, tôi có chút kỳ quái, tại sao tên của tôi lại không được dùng nữa vậy?”
“Này! Cậu là con trai hay con gái vậy” Tôi thuận tiện đi ra khỏi đây, vừa bước qua bậc cửa, một ngón tay giống như cọng hành chạm vào trán tôi.
“Tôi…tôi…là con trai.” Tôi lắp bắp không nói nên lời, một cô bé có làn da trắng như mỡ dê đột nhiên xuất hiện trước mặt, tò mò nhìn chằm chằm vào búi tóc đạo sĩ trên đầu tôi.
“Là nam sao? Cho dù là nam đi chăng nữa thì đến nhà tôi làm gì?” Cô nhóc chống nạnh, đồng thời miệng vẫn không ngừng dò xét.
Cái gì cho dù là nam chứ? Tôi chớp chớp mắt, căn bản là không nói nên lời.
“A Tư Lệ, không được bắt nạt khách!” May mắn ông A Phàm Đề đã trở lại.
“Thủ Chuyết, mau ăn cơm đi con” Ông ấy ân cần kêu tôi ăn cơm.
“Dạ vâng ạ” …
"Ông An Lực Mãn ơi, ông muốn đi xa nhà phải không?” Mã Nhã tò mò nhìn tôi chuẩn bị hành lý.