Mục lục
Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Kiếp này không tìm được anh, kiếp sau em nhất định sẽ tìm ra anh để hỏi cho rõ ràng…


Bầu trời cao xanh, trong vắt.


Trong không khí có một chút se lạnh, cứ thế quấn chặt lấy cái oi ả của mùa hè, cùng ngang nhiên hoành hành trong thành phố Bắc Kinh này.


Niên Bách Ngạn lái xe quay trở về tứ hợp viện.


Sau khi đi vào phòng khách, anh tảng lờ Diệp Uyên đang nằm trên sofa, vừa ăn vừa xem tivi mà đi thẳng vào phòng sách.


Diệp Uyên thì đang mải cảm thán sự đãi ngộ khác biệt giữa cơ trưởng nội địa và cơ trưởng Hồng Kông khi xem bộ phim “Bao la vùng trời” được phát lại, thấy Niên Bách Ngạn trở về với nét mặt u ám, anh ấy cảm thấy vô cùng kỳ lạ.


Cửa phòng sách được đóng chặt.


Niên Bách Ngạn mệt mỏi dựa vào chiếc ghế xoay, rất lâu sau mới lục từ trong túi áo ra một mảnh giấy, rồi nhìn nét chữ trên đó. Một lúc nữa, anh lại kéo ngăn tủ ra, rút từ trong ra một mảnh giấy khác.


Anh vuốt phẳng hai mảnh giấy, đặt lên mặt bàn.


Một mảnh anh nhận được khi ở trong bãi đậu xe. Mảnh còn lại nhận được vào ngày cưới của anh và Tố Diệp.


Anh nhìn lướt qua nét chữ.


Giống y hệt nhau!


Ánh sáng trong phòng sách rất tối. Tấm rèm cửa nặng trịch màu cafe đậm che toàn bộ những tia nắng muôn vàn rực rỡ bên ngoài. Cả người Niên Bách Ngạn bao trùm trong bóng tối ấy. Gương mặt tuấn tú đã đóng băng lại.


Đương cong giữa bờ môi mím chặt và khuôn cằm trở nên sắc lẹm.


Đáy mắt anh gần như không còn một chút nhiệt nào.


Qua những tia sáng yếu ớt, anh nhìn chằm chằm vào nét chữ trên hai mảnh giấy.


Một mảnh viết: Chúc mừng hai người cuối cùng cũng đã gặp lại nhau. Duyên phận… quả là kỳ diệu!


Mảnh còn lại viết: Tao biết bí mật của mày…


Niên Bách Ngạn cầm một trong hai mảnh giấy lên. Ngón tay mảnh khảnh nhẹ nhàng cuộn lại. Đầu mày anh nhíu chặt, sắc mặt cực kỳ nghiêm nghị.


Từ hôm tân hôn ấy khi nhận được mảnh giấy này, anh đã không cho rằng đó chỉ là một trò đùa ác ý.


Anh không điều tra một cách mù quáng, mục đích chính là chờ đợi đối phương chủ động xuất hiện.


Và hôm nay, đối phương một lần nữa gửi cho anh một mảnh giấy.


Bí mật?


Đối phương biết được bí mật gì của anh?


Ánh mắt Niên Bách Ngạn dừng lại trên mảnh giấy đầu tiên.


Tuy rằng ánh mắt đã hiểu ra nhưng chỉ càng thêm lạnh lẽo.


Nếu như đối phương thật sự có liên quan tới chuyện năm ấy, vậy thì, anh càng không thể hành động khinh suất.


Nghĩ tới đây, Niên Bách Ngạn bất ngờ siết chặt nắm đấm trong tay.


Trên đời này, anh hận nhất là bị kẻ khác uy hiếp. Xem ra đối phương đang rục rịch hành động rồi.


Bầu không khí xung quanh dường như cũng giá lạnh hơn. Từng tầng, từng lớp lan rộng khiến nhiệt độ của cả phòng sách cũng hạ xuống điểm đóng băng.


Bỗng nhiên, có người gõ cửa.


Thanh âm rất nhẹ, rất rời rạc.


Niên Bách Ngạn thu lại vẻ giá lạnh trong đôi mắt. Một giây sau anh cất hai mảnh giấy ấy vào trong ngăn kéo, khi ngước mặt lên đã trở lại vẻ bình thản: “Vào đi!”


Cửa phòng sách được mở ra.


Diệp Uyên đi vào, trong tay cầm một trái táo, uể oải tựa người bên cửa: “Cậu gặp phiền phức à?” Dứt lời, anh ấy lại gặm một miếng táo.


Niên Bách Ngạn đứng dậy, ngồi lại xuống sofa. Đồng thời lúc ấy, anh giơ tay lên, từ từ mở rèm cửa ra bằng hệ thống cảm ứng.


Cả một khoảng nắng sốt sắng ùa vào phòng.


Rải khắp phòng một màu vàng ruộm.


Có bóng đổ xuống nền nhà, bắn ra vô số quầng sáng.


Cuộc đời vẫn luôn tươi đẹp.


Chỉ có nhân tính là hoàn toàn không tốt đẹp.


“Em đang nghĩ có cần phải thu tiền sinh hoạt của anh không đây.” Niên Bách Ngạn không trả lời câu hỏi của anh ấy.


Diệp Uyên đi vào phòng, ngồi đối diện với anh. Sau gặm thêm mấy miếng chỉ còn lại hạt táo, anh ấy vứt nó vào thùng rác rồi mỉm cười: “Cậu có tiền mua đứt Tinh Thạch, lẽ nào lại không có tiền nuôi tôi ăn uống?”


Dứt lời, anh ấy liếc nhìn Niên Bách Ngạn, như cười như không.


Gương mặt Niên Bách Ngạn không có lấy một chút kinh ngạc. Anh cười khẽ, đun sôi nước rồi bình thản pha trà: “Người đã chết một lần thì sẽ trở nên cực kỳ nhạy bén sao? Ít nhất thì anh của bây giờ cũng phải khiến em có cái nhìn khác.”


“Phải rồi! Nếu trước đây mà tôi cũng nhanh nhạy được như cậu thì giờ đã chẳng phải trốn trong nhà cậu, làm một kẻ đã chết.” Diệp Uyên cong môi cười.


Niên Bách Ngạn không nói gì, chỉ hừ khẽ một tiếng.


Anh rót ra hai cốc trà. Một cốc đưa cho Diệp Uyên, một cốc anh đặt trước mặt mình.


Diệp Uyên đón lấy tách trà, khẽ nhấp một ngụm rồi nói: “Niên Bách Ngạn! Không phải tôi oán trách gì chuyện cậu giấu tôi thu mua Tinh Thạch. Thật lòng mà nói, Tinh Thạch có thể rơi vào tay cậu là tôi yên tâm nhất! Chọn giữa chú hai và cậu, tôi mong là cậu hơn.”


“Đúng là em có ý định mua trọn Tinh Thạch. Một thế lực còn lại trên thị trường cổ phiếu chính là em.” Niên Bách Ngạn không giải thích nhiều mà nói thẳng kết quả.


Chuyện này không khó điều tra. Nếu Diệp Uyên có ý muốn điều tra thì chắc chắn sẽ biết được đối phương chính là Niên Bách Ngạn. Đồng thời, nếu Diệp Hạc Thành cũng muốn biết ai là kẻ đứng đằng sau giở trò thì nhất định cũng có thể tìm ra.


Niên Bách Ngạn tin rằng những hành vi điên rồ của Diệp Hạc Thành trên sàn giao dịch thời gian này là vì đã biết chắc có sự tham gia của anh.


Diệp Uyên đặt tách trà xuống, trầm tĩnh một lúc mới nói: “Tôi đã lái máy bay bao nhiêu năm nay, gặp không ít lần nguy hiểm. Có mấy lần đã bất đắc dĩ phải thông báo tới hành khách hãy thảo sẵn di chúc. Trong từng lần nguy hiểm ấy tôi đều nhìn thấy người ta quyết không từ bỏ dù chỉ còn giây phút cuối cùng. Sự kiên trì ấy khiến tôi cảm thấy con người thật ra rất lương thiện. Nhưng tại sao khi đối mặt với lợi ích, người ta lại cũng có thể trở nên tồi tệ? Tôi không muốn đối mặt với những điều này. So với việc bắt tôi hoàn toàn thất vọng về nhân tính, chẳng bằng để tôi tin rằng người ta sắp chết vẫn còn lương thiện. Lần này, việc làm của chú tôi đã hoàn toàn khiến trái tim tôi giá lạnh, cũng triệt để chán ghét hoàn cảnh để lợi ích thúc đẩy này. Tôi biết rõ nếu để Tinh Thạch rơi vào tay chú hai sẽ tệ hại đến mức nào. Một người đã có thể giẫm lên thi thể của người thân để có được thành công thì người này có bao nhiêu đức hạnh để quản lý công ty? Sợ rằng sẽ có một ngày Tinh Thạch cũng sẽ bị bán mất vì lòng tham của ông ta. Nhưng Niên Bách Ngạn! Tôi tin cậu sẽ không làm vậy.”


Niên Bách Ngạn nhìn anh ấy rất lâu, ngữ khí cũng trầm hơn đôi chút: “Có lẽ em cũng sẽ có ngày lực bất tòng tâm.”


“Có ư?” Diệp Uyên nhìn anh lo lắng.


Nhớ lại mảnh giấy kia, một chút nhiệt lại tan đi trong đôi mắt Niên Bách Ngạn. Anh nói: “Em cũng chỉ là một người quá đỗi bình thường, cũng có những việc nằm ngoài khả năng.”


“Trước đây cậu đâu có tự ti như vậy!” Diệp Uyên nhíu mày.


Niên Bách Ngạn rót thêm trà cho hai người. Hương trà nhẹ nhàng lan tỏa rồi cũng từ từ tan biến.


Anh lên tiếng, giọng nói cũng điềm đạm, trầm tĩnh như hương trà trước mắt.


“Con người ai cũng có thứ mà mình sợ hãi.”


Diệp Uyên kinh ngạc.


Niên Bách Ngạn khẽ nhấp một ngụm trà.


“Tôi nghĩ không ra liệu có chuyện gì có thể khiến một thương nhân nổi tiếng sắt đá như cậu phải chùn bước.” Gương mặt Diệp Uyên càng lúc càng khó đăm đăm.


Niên Bách Ngạn không trả lời, chỉ khẽ cong môi.


“Nếu thật sự có ngày đó, đến cả cậu cũng phải bất lực…” Rất lâu sau, Diệp Uyên trầm ngâm rồi nhìn Niên Bách Ngạn: “Vậy thì, cậu nhất định phải bảo đảm cho Tinh Thạch được chu toàn. Chỉ có người cậu giao phó, tôi mới yên tâm.”


Niên Bách Ngạn nhướng mày: “Anh nghĩ kỹ rồi ư?”


“Có rất nhiều thân phận vốn dĩ là gông cùm, tôi chưa bao giờ thèm muốn. Làm vậy tuy là rất ích kỷ nhưng tôi chỉ muốn con mình sau này được sống vui vẻ.” Diệp Uyên chân thành nói.


Niên Bách Ngạn nghịch nghịch tách trà như đang suy nghĩ điều gì đó rồi cười nhạt: “Có lẽ ai cũng mệt mỏi rồi…”


Liêm Chúng, trong phòng làm việc của Tố Diệp.


Dương Nguyệt ngồi trên chiếc ghế nằm, mồ hôi đầm đìa trên trán. Nước mắt men theo hốc mắt chảy xuống, như những hạt ngọc đứt dây, tràn tới bờ môi, cực kỳ đắng chát.


Cô ấy tỉnh rồi.


Khi câu nói “Hải Sinh… bị bố mẹ em giết chết” bật ra khỏi miệng, Dương Nguyệt đã khóc rất thương tâm.


Tố Diệp nhận ra, đó là nỗi đau xé ruột xé gan.


Trông Phương Bội Lôi rất mệt mỏi. Cô ta cũng dựa ra sau ghế, yên lặng đợi Dương Nguyệt khóc, không nói câu nào. Tố Diệp cũng không thúc giục Dương Nguyệt, càng không khuyên cô ấy đừng khóc. Cô cũng giống như Phương Bội Lôi, đợi cho cô ấy giải tỏa hết cảm xúc của mình.


Dương Nguyệt có phản ứng này không phải chuyện gì tồi tệ. Chí ít thì tiềm thức của cô ấy đã nhớ lại một số chuyện. Hơn nữa những chuyện này hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề hiện tại của cô ấy.


Dương Nguyệt khóc đúng hơn hai mươi phút.


Cho tới khi điện thoại trên bàn đổ chuông, Tố Diệp mới đứng dậy nghe máy.


Là Lý Thánh Đản gọi tới, nhắc Tố Diệp rằng thời gian trị liệu cho Dương Nguyệt hôm nay sắp hết, mười lăm phút nữa sẽ có một bệnh nhân khác.


Tố Diệp nhìn đồng hồ rồi lại nhìn Dương Nguyệt trên ghế. Cô suy tính mấy giây rồi nói với Lý Thánh Đản: Lập tức thông báo cho khách hàng kia, thay đổi thời gian khám bệnh một chút.


Cô cần có đủ thời gian để xử lý chuyện của Dương Nguyệt.


Lý Thánh Đản nhận ra ngữ khí nặng nề của Tố Diệp, bèn đồng ý.


Sau khi đặt điện thoại xuống, tiếng khóc của Dương Nguyệt cũng nhỏ đi nhiều.


Phương Bội Lôi đưa khăn giấy cho cô ấy.


Tố Diệp cầm sổ ghi chép bước tới, ngồi xuống, khẽ thở dài rồi hỏi: “Bây giờ em đã nhớ lại tất cả những chuyện liên quan tới Hải Sinh rồi chứ?”


“Một ký ức kỳ lạ!” Dương Nguyệt thút thít.


“Đừng ngại, cứ kể ra!”


Dương Nguyệt rưng rưng nước mắt nhìn Tố Diệp: “Em nghĩ chỉ là mơ, trước giờ luôn là mơ, nhưng lại cảm thấy Hải Sinh đích thực tồn tại. Giờ em biết rồi, anh ấy đã từng tồn tại.”


Tố Diệp khẽ gật đầu.


Khó khăn lắm Dương Nguyệt mới kìm chế được tâm trạng bi thương. Sau khi hơi ngừng lại giây lát, cô ấy kể lại từ đầu tới cuối những chuyện đã nhớ ra.


Đó là một câu chuyện tình yêu đẹp mà thê lương.





Câu chuyện xảy ra tại một làng chài xinh đẹp tên là Đại Áo, nằm tại một mảnh đất có nền văn hóa cổ xưa nhất Hồng Kông. Trên vùng biển đó có những người ngư dân hiền lành, chân chất sinh sống. Hằng ngày, họ ra khơi kiếm sống, bắt cá làm kế sinh nhai với sự tôn trọng quy luật của mẹ thiên nhiên. Lúc ấy, cả mảnh đất Hồng Kông vẫn còn là thuộc địa của thực dân Anh. Làng chài Đại Áo càng không bị khai thác quá mức nên còn khá mới mẻ với thế giới bên ngoài.


Nghi Anh không phải người của làng chài Đại Áo. Cô đi theo bố mẹ làm quan, chuyển tới sống ở đó. Nói một cách khác, so với những người dân chài nơi đây, Nghi Anh chính là một tiểu thư khuê các. Mười sáu tuổi, cô đã tới làng chài Đại Áo, được chứng kiến một cảnh đẹp chấn động chưa từng thấy.


Chưa bao giờ cô biết thì ra nhìn những người dân chài ra biển đánh cá cũng là một chuyện thú vị. Lúc rảnh rỗi, cô lại kéo lê đôi giày quý giá của mình, thảnh thơi dạo bước trên bãi cát, nhìn từng đàn hải âu lớn tung cánh bay qua mặt biển.


Nửa năm sau khi chuyển tới Đại Áo, cuối cùng Nghi Anh đã quen biết với Hải Sinh.


Người con trai hơn cô bốn tuổi ấy.


À không. Một Hải Sinh hai mươi tuổi, ở làng chài Đại Áo này nên được gọi là đàn ông rồi.


Từ nhỏ anh đã lớn lên bên bờ biển. Thời gian rảnh ngoài giờ học, anh lại cùng bố ra biển đánh cá. Thế nên anh luyện được cho mình một cơ thể với những cơ bắp cuồn cuộn và khung xương rắn chắc một cách tự nhiên.


Ông trời dường như đặc biệt thiên vị Hải Sinh. Anh không bị phơi nắng tới sạm đen như những ngư dân khác. Anh có một nước da màu đồng đậm đà, tuyệt đẹp. Đôi mắt anh mới đặc biệt hút hồn. Khi anh không cười, đôi mắt ấy cũng tựa như đang khẽ mím môi cười.


Trong làng chài Đại Áo, có rất nhiều cô gái thầm mến mộ Hải Sinh.


Anh là sinh viên đại học hiếm hoi trong làng chài. Trong mắt ngư dân ở đây, anh có học thức, có văn hóa. Còn trong mắt các cô gái, anh cao lớn, đĩnh đạc, “văn võ song toàn”.


Nhưng Hải Sinh lại chỉ yêu mình Nghi Anh.


Và Nghi Anh cũng đã trao tình cảm sâu sắc cho một Hải Sinh không yếu đuối như những người con trai ở thành thị.


Họ đắm chìm vào tình yêu rất nhanh.


Khi ấy, Nghi Anh còn chưa học đại học, Hải Sinh phải vòng một nửa Hồng Kông để tới thăm cô. Mỗi lần, anh đều mang cho cô các loại cá khô tuyệt ngon hoặc những món quà vặt khác. Nghi Anh biết gia cảnh nhà Hải Sinh không khá giả cho lắm, thế nên chưa bao giờ yêu cầu anh phải mua cho cô những món quà đắt đỏ gì. Chỉ cần ăn món cá khô hay những món quà vặt anh mang cho là cô đã rất vui rồi.


Họ gặp nhau vào mùa xuân, mùa hạ thì bắt đầu yêu nhau.


Điều Nghi Anh thích nhất là được nghỉ hè.


Vì cứ tới kỳ nghỉ hè cũng tức là cô sẽ có nhiều thời gian ở bên cạnh Hải Sinh hơn.


Hải Sinh sẽ nắm tay cô, đi dạo trên bãi cát, hít thở làn gió biển trong lành, nhìn từng đàn hải âu chao nghiêng, kêu râm ran trên mặt biển.


Hải Sinh vẫn hay nói: Nghi Anh! Anh sẽ đợi tới ngày em trưởng ngày, rồi anh sẽ cưới em làm vợ.


Nghi Anh sẽ ngượng ngùng đáp: Giờ em đã lớn rồi mà.


Hải Sinh mỉm cười lắc đầu: Em mới có mười sáu tuổi thôi.


Nghi Anh nói: Vậy em phải nhanh lớn tới mười tám tuổi rồi anh sẽ cưới em, được không?


Hải Sinh ôm chặt lấy cô: Được!


Bình thường bố mẹ của Nghi Anh đều bận rộn công việc. Họ làm công việc quản lý cả một làng chài, thế nên hoàn toàn không biết gì về mối tình của Nghi Anh. Cứ như vậy, Hải Sinh và Nghi Anh bình an vô sự yêu nhau được hai năm.


Nghi Anh đã mười tám tuổi.


Còn Hải Sinh trở thành chàng trai hai mươi hai.


Nghi Anh càng lớn càng xinh đẹp, động lòng người, còn Hải Sinh mỗi ngày một tuấn tú, mạnh mẽ.


Ra biển đánh cá không còn là công việc duy nhất của Hải Sinh nữa. Anh đã có việc làm của riêng mình trong thành phố. Chỉ những lúc rảnh rang, anh mới trở về Đại Áo phụ bố ra biển.


Nghi Anh cũng đã lên đại học. Cô gần như phải lấy cái chết ra ép buộc mới được ở lại Hồng Kông học đại học.


Cứ thế, sự tiếp xúc của hai người lại càng thêm khăng khít.


Hải Sinh chúc mừng sinh nhật mười tám tuổi cho Nghi Anh.


Tối đó, họ đã lựa chọn đi cắm trại ngoài trời.


Dưới ánh lửa, giữa đất trời dường như chỉ còn hai người họ.


Bầu trời đêm rất xa xôi, các vì sao lại rất gần.


Phủ khắp màn đêm, gần như chỉ cần giơ tay là có thể bắt được.


Hải Sinh hôn Nghi Anh và nói: Thật sự chỉ muốn cưới ngay em về nhà.


Nghi Anh mỉm cười: Em đã mười tám tuổi rồi.


Hải Sinh nhìn cô, tia sáng trong đôi mắt sâu xa, cuốn hút như những vì sao.


Nghi Anh nhìn mãi, nhìn mãi tới đỏ cả mắt. Cô cảm thấy, ánh mắt anh vô cùng rực lửa, khác hẳn trước đây.


Tối đó, Nghi Anh đã trao cho Hải Sinh lần đầu tiên của mình.


Ở thời đại đó, trước khi kết hôn đã xảy ra chuyện này là to gan và cấm kỵ.


Hải Sinh nói với Nghi Anh rằng: Đợi qua học kỳ này, anh sẽ tới nhà, đặt vấn đề với gia đình em.


Nhưng học kỳ ấy còn chưa kịp qua đi, Nghi Anh đã phát hiện cơ thể của mình không bình thường. Cô đau đầu, buồn nôn, cả ngày uể oải. Khi tới thăm cô, Hải Sinh phát hiện sắc mặt cô rất khó coi bèn đưa cô tới bác sỹ.


Kết quả chẩn đoán, Nghi Anh đang có thai.


Một cô bé mới có mười tám tuổi như Nghi Anh đã vô cùng sợ hãi.


Nhưng Hải Sinh thì rất vui. Anh ôm lấy cô, phấn khích nói: Anh làm bố rồi, làm bố rồi…


Nghi Anh có vẻ bối rối. Cô hỏi Hải Sinh: Chúng ta phải làm sao đây?


Hải Sinh xoa đầu cô và nói: Ngốc ạ! Đương nhiên là chúng ta phải kết hôn rồi.


Nghi Anh đỏ mặt.


Vì vậy, Hải Sinh đã sốt sắng tới nhà Nghi Anh xin hỏi cưới.


Bố mẹ Nghi Anh sau khi nghe xong đầu tiên là kinh ngạc. Sau khi kinh ngạc qua đi thì họ nổi trận lôi đình, đuổi Hải Sinh đi. Nhưng ngày hôm sau Hải Sinh vẫn tới nhà, nói với bố mẹ Nghi Anh rằng, anh phải có trách nhiệm với Nghi Anh và đứa bé.


Bố mẹ trong một phút giận dữ đã nhốt Nghi Anh lại, cấm cô tiếp tục tới gặp Hải Sinh.


Sau này, Nghi Anh mới biết. Thì ra bố mẹ đã sớm có dự định gả cô cho một gia đình giàu có. Sao họ có thể ưng ý Hải Sinh cơ chứ? Cô khóc lóc van xin, mong họ cho cô đi gặp Hải Sinh. Cô không thể không có Hải Sinh, cũng không thể không có con.


Bố mẹ Nghi Anh quát cô tuổi còn trẻ không chịu học hành, rồi lại chửi Hải Sinh là kẻ cơ hội, muốn lợi dụng quyền thế trong tay để nhốt Hải Sinh vào tù. Sau khi biết được chuyện ấy, Nghi Anh sống chết nói với bố mẹ rằng nếu Hải Sinh có mệnh hệ gì cô cũng không muốn sống nữa.


Bố mẹ của Nghi Anh dĩ nhiên không thể nhìn thấy cô chết, cũng đành bỏ qua cho Hải Sinh.


Hải Sinh trong lòng nhung nhớ Nghi Anh, ngày ngày tới cầu xin bố mẹ cô. Lần nào anh bị người ta đuổi ra khỏi cửa.


Bố mẹ Nghi Anh lo rằng cái bụng của con gái sẽ mỗi ngày một lộ rõ, bèn ép buộc Nghi Anh bỏ đứa bé đi. Nghi Anh chết cũng không chịu. Ngày nào cô cũng cầm dao, chỉ cần bất kỳ ai lại gần cô sẽ giơ dao lên.


Cuối cùng, không còn cách nào khác, bố mẹ của Nghi Anh chỉ còn cách thỏa hiệp ngoài mặt.


Nhưng họ lại nói với Hải Sinh rằng: Cậu đánh được vạn cân cá về đây, chúng tôi sẽ đồng ý cho hai đứa lấy nhau.


Hải Sinh cứ ngỡ nhìn thấy được hy vọng, lập tức gật đầu đồng ý.


Lúc đó đã là cuối thu, muốn đánh được nhiều cá như thế ở Đại Áo là điều không thể. Thế nên Hải Sinh cần phải ra biển, tới một vùng biển khác đánh cá. Nghi Anh thuyết phục cha mẹ, chạy ra bờ biển gặp Hải Sinh. Hai người họ quyến luyến không rời bên bờ biển.


Hải Sinh nói với cô rằng: Đợi anh quay về. Khi nào đánh được vạn cân cá, anh sẽ quay về lấy em làm vợ.


Nghi Anh nói: Anh nhất định phải quay về đấy. Em sẽ mãi mãi, mãi mãi đợi anh. Em sẽ không bao giờ lấy người khác.


Đôi mắt Hải Sinh đỏ ửng. Hôn cô xong, anh lên thuyền chài.


Nghi Anh đứng tiễn ở bên bờ mãi cho tới khi bóng con thuyền mất hút giữa biển cả mênh mông.


Cứ như vậy, Nghi Anh chờ đợi, và chờ đợi.


Mùa thu chẳng mấy chốc đã qua đi.


Nhưng mãi vẫn chưa thấy Hải Sinh quay trở về.


Đầu đông tới, tuyết đã rơi, các thuyền cá đã nghỉ ngơi hết. Rồi đông cũng qua, năm mới tới, Hải Sinh vẫn biệt tăm.


Bụng của Nghi Anh dần dần lớn lên. Cô ăn uống cẩn thận mỗi ngày, vì cô biết bố mẹ vẫn còn chưa từ bỏ ý định gả cô cho người khác. Ngày nào cô cũng ra bãi biển chờ đợi, hy vọng có một ngày được nhìn thấy chiếc thuyền của Hải Sinh quay trở về. Giống như mọi khi, anh sẽ đứng trên thuyền, mừng rỡ vẫy tay về phía bờ biển.


Mùng năm tết, cuối cùng đã có tin tức của Hải Sinh.


Nhưng đó đã là một xác chết được người ta kéo về.


Hải Sinh chết rồi. Anh đã ăn phải thức ăn có độc trên thuyền, không bao giờ trở về nữa. Chiếc thuyền mắc cạn rất lâu mới được người ta phát hiện ra.


Khi người ta đưa thi thể của anh về, nó đã vô cùng thê thảm.


Nghi Anh khóc đến chết đi sống lại.


Trên gương mặt thăng trầm của bố Hải Sinh, nỗi đau người tóc bạc tiễn kẻ tóc xanh lan ra trong đôi mắt trầm mặc của ông. Ông không đề nghị hỏa táng. Ông nói: Hải Sinh là con trai của dân chài. Sinh ra trên biển, chết về với biển.


Ông đã thả Hải Sinh trôi sông.


Nghi Anh hoàn toàn phát điên. Nếu không phải có người cản cô lại, cô nhất định cũng sẽ lao ra ngoài biển.


Kể từ hôm ấy, ngày nào Nghi Anh cũng khóc. Bố mẹ lo cô xảy ra chuyện nên trông chừng ngày đêm, hơn nữa còn nhân lúc cô không để ý, cuối cùng đã bỏ đi đứa bé của cô bằng một bát thuốc.


Ngày nào Nghi Anh cũng ôm gối, lẩm bẩm một mình.


Cho tới một ngày, bố mẹ cô cũng buông lỏng.


Nghi Anh chạy tới bờ biển, tới nơi thả xác Hải Sinh, nhìn về phía biển mênh mông. Cô ôm chặt chiếc gối trong tay, nói: Hải Sinh! Anh đã từng nói sẽ quay về lấy em? Tại sao anh không quay về? Kiếp này không tìm được anh, kiếp sau em nhất định sẽ tìm ra anh để hỏi cho rõ ràng…


Ngày hôm sau, có một dân chài phát hiện ra xác của Nghi Anh.


Cô chết đuối dưới biển, trong tay vẫn còn nắm chặt bức ảnh đen trắng của Hải Sinh.





Dương Nguyệt đã kể một câu chuyện như vậy. Tới khi câu chuyện kết thúc, cô ấy đã khóc ngất đi.


Tố Diệp và Phương Bội Lôi nghe xong, trong lòng cũng khó chịu một cách kỳ lạ.


“Bác sỹ Tố! Bác sỹ Phương! Rốt cuộc em là ai? Em là Nghi Anh hay là Dương Nguyệt? Tại sao lại như vậy? Tại sao em lại có một đoạn ký ức không thuộc về mình? Em có thể cảm nhận được nỗi đau của Nghi Anh, giống như… giống như cô ấy chính là em, em cũng là cô ấy…” Nét mặt Dương Nguyệt đầy bi thương.


Phương Bội Lôi không thể giải thích với cô ấy rằng họ vừa áp dụng trị liệu hồi tưởng kiếp trước. Vì cho dù dùng phương pháp trị liệu này, chị ta cũng không thể giải thích với Dương Nguyệt chuyện kiếp trước kiếp này. Đúng vậy, chị ta chỉ có thể giải thích về cách trị liệu này, không đồng nghĩa với việc chị ta chắc chắn có chuyện kiếp trước, kiếp sau.


Tố Diệp nhìn Dương Nguyệt, điều chỉnh lại cảm xúc rồi hỏi: “Em chắc chắn trước đây chưa từng nghe kể về câu chuyện của Hải Sinh và Nghi Anh chứ?”


Dương Nguyệt lắc đầu: “Em chưa bao giờ biết đến cái tên Nghi Anh.”


“Em từng tới làng chài Đại Áo chưa?”


Dương Nguyệt vẫn lắc đầu.


“Em vừa nói câu chuyện này đã xảy ra rất lâu trước đây rồi đúng không?”


Dương Nguyệt gật đầu: “Vâng! Những hình ảnh em nhớ được đều là những thứ đồ cổ xưa, không giống xã hội hiện đại.”


“Em có thể vẽ ra những hình ảnh liên quan không?” Tố Diệp truy hỏi: “Ví dụ như sắp đặt trong nhà của Nghi Anh, hoặc là bố của Hải Sinh, bố mẹ của Nghi Anh trông như thế nào chẳng hạn.”


Dương Nguyệt suy nghĩ rồi gật đầu: “Có thể!”


Tố Diệp đưa cho cô ấy giấy vẽ.


Nhân lúc Dương Nguyệt đang vẽ, Phương Bội Lôi kéo Tố Diệp sang một bên, thấp giọng nói: “Cô phải biết mấy chuyện kiếp trước kiếp sau đến nay vẫn chưa có ai thừa nhận. Chúng ta phải giải thích với Dương Nguyệt thế nào đây? Không thể nói Nghi Anh là kiếp trước của cô ấy chứ? Lý do này quá hoang đường rồi.”


“Tôi cần phải xác minh rõ rồi mới có thể đưa ra kết luận.” Tố Diệp nói một cách chắc chắn: “Trước tiên tôi phải xác định được ở làng chài Đại Áo thực sự có hai người tên là Hải Sinh và Nghi Anh mới được.”


Phương Bội Lôi thở dài ngao ngán, nặng nề gật đầu…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK