Trong ngự thư phòng, Đại tướng quân Tả Vệ Sử Tường tường thuật lại trận quyết đấu buổi trưa cho Dương Quảng. Y tuy rằng nói rất hàm súc, nhưng một câu “lưng không đủ lực” liền vạch trần đáp án thất bại của Hạ Nhược Bật.
Dương Quảng không khỏi cười lạnh một tiếng:
- Còn nghe nói lão có hơn một trăm thê thiếp, mỗi đêm phải ngủ cùng năm người mới có thể ngủ yên. Ở trên giường lão có sức khỏe tràn trề, sao ra chiến trường thì lại không đủ sức?
Sử Tường là tâm phúc của Dương Quảng, vì có công dẹp loạn ở cung Nhân Thọ mà được phong làm Đại tướng quân, rất hiểu tâm lý có mới nới cũ của Dương Quảng, y lại nói:
- Mấu chốt là Hạ Nhược Bật quá tự cho mình là đúng. Lão đã chìm đắm trong cái danh đứng thứ năm trong mười vị Đại tướng quân, nghĩ rằng mình vẫn là thiên hạ vô địch. Lão lại không biết ở Đại Tùy người tài trong thiên hạ xuất hiện lớp lớp, thế hệ trẻ càng vượt xa thế hệ già.
Lời nói của Sử Tường chạm đến tâm khảm Dương Quảng, Dương Quảng vuốt râu vui vẻ nói:
- Nói đúng lắm, lão thần mặc dù có kinh nghiệm, nhưng tinh lực, nhuệ khí đều rõ ràng không đủ. Họ gần như đều không có chí tìm tòi, tiến thủ, chỉ muốn giữ khư khư cái đã có. Từ chuyện Dương Nguyên Khánh và Hạ Nhược Bật đấu võ hôm nay càng có thể thấy được. Hạ Nhược Bật tuy nổi danh, những lại không trụ nổi qua một chiêu của một tướng quân trẻ tuổi, xem ra quả thật không xứng với danh tiếng.Việc phục hưng đại vương triều Tùy ta vẫn phải dựa vào một thế hệ trẻ.
Lúc này, một gã thái giám bẩm báo ở cửa:
- Bệ hạ, Vũ Văn Thiếu Giám đã trở lại.
Vũ Văn Thiếu Giám chính là Thiếu Giám nghề thủ công Vũ Văn Khải. Y phụng ý chỉ của Dương Quảng là tới thăm dò địa điểm kinh thành mới ở Lạc Dương, vừa mới vội vã trở về. Dương Quảng cũng đang chờ y, nghe tin y đã về, lập tức mừng rỡ nói:
- Mau tuyên y vào yết kiến!
Sử Tường vội vàng thi lễ, lui ra, trong phút chốc Vũ Văn Khải vội vàng đi vào ngự thư phòng. Vũ Văn Khải tuổi chừng năm mươi, là con trai của Đại tướng quân Tây Ngụy Vũ Văn Quý. Y là võ tướng thế gia, cha anh đều lấy hiển danh trên lưng ngựa. Y rất ham học, có sở trường về nghề thủ công, có tài trong ngành kiến trúc, thành Đại Hưng đó là do y thiết kế. Năm Khai Hoàng thứ tư, Vũ Văn Khải lại xuất lĩnh công trình thuỷ lợi kênh Quảng Thông, dẫn nước thông ra Hoàng Hà, từ thành phía đông Đại Hưng tới Đồng Quan hơn ba trăm dặm, khiến vận chuyển tiện lợi, Quan Trung giàu có và đông đúc đều là nhờ thế.
Vũ Văn Khải được xưng là thợ thủ công bậc nhất Đại Tùy, có thể nói công lao vô cùng to lớn. Lần này lại phụng mệnh Dương Quảng, phụ trách việc xây dựng kinh đô mới ở Lạc Dương. Cho dù việc dời đô đến Lạc Dương gặp phải sự phản đối quyết liệt của quý tộc Quan Lũng, nhưng Dương Quảng đã quyết, y liền phái Vũ Văn Khải tiến hành thăm dò và khảo sát trước.
Vũ Văn Khải tiến lên khom người thi lễ:
- Thần Vũ Văn Khải tham kiến bệ hạ!
- Ái khanh không cần đa lễ, trẫm đợi tin tức của khanh đã lâu rồi.
- Thần xin bẩm báo lên bệ hạ.
Vũ Văn Khải mang theo cuộn giấy bên người, y vội vàng gỡ xuống cuộn giấy tren vai xuống, mấy tên thái giám đều bước tới giúp đem bản vẽ trải ra trên bàn. Hai gã thái giám tay cầm ngọn đèn, một gã khác lại tìm một cây gậy gỗ, giao cho Vũ Văn Khải.
Thành Lạc Dương đã có lâu đời, nhưng Dương Quảng cân nhắc chính là xây dựng kinh thành mới. Y muốn xây dựng một tòa thành lưu truyền con cháu muôn đời, tuyệt đối không suy xét chuyện xây dựng thêm trên nền thành cũ, mà là phải xây dựng một tòa thành quy mô lớn lao hùng vĩ, xứng đại vương triều Tùy cường thịnh.
- Thần đầu tiên chọn nơi có phong thủy tốt, tiếp theo suy xét vận chuyển tiện lợi, lại tính đến phòng ngự thiên tai. Thật ra thần từ mười mấy năm trước đã biết có một chỗ phong thuỷ tuyệt vời, thích hợp để đóng đô nhất.
Vũ Văn Khải chỉ vào một vùng đất nằm giữa dãy núi nói:
- Vùng này nam có Y Khuyết, bắc dựa Mang Sơn, Lạc Thủy chảy qua, thổ nhưỡng tự nhiên, nền đất vững chãi. Thần tìm đọc địa chí, mấy trăm năm chưa từng xảy ra chuyện gì to lớn, xây dựng kinh thành ở nơi này có thể lưu truyền muôn đời.
Ánh mắt Dương Quảng tập trung vào bản đồ, trong ánh mắt hơi có vẻ lo lắng. Y suy xét còn nhiều hơn là về độ an toàn. Lạc Dương tuy rằng là vùng rộng lớn ở Trung Nguyên, nhưng khuyết điểm của nó cũng rất rõ ràng. Nó không giống Quan Trung có Sơn Xuyên phòng ngự, Lạc Dương bốn phía trống trải, địa thế bằng phẳng, mặc dù bắc có Hoàng Hà, nhưng mùa đông Hoàng Hà kết băng, lại thành đường bằng phẳng, hễ Đột Quyết xuống phía nam thì sẽ đi con đường bằng phẳng rất dễ dàng.
Năm đó trong cuộc loạn Vĩnh Gia, người Hung Nô tiến quân thần tốc, đánh tan thành Lạc Dương, mở màn Ngũ Hồ Loạn Hoa, mặt khác Sơn Đông Hà Bắc là chốn cũ Bắc Tề, có rất nhiều Tạp Hồ, rất dễ khởi binh tạo phản. Y cũng phải suy xét phòng ngự Tạp Hồ ở Bắc Tề.
Nỗi lo này của Dương Quảng trước kia đã nói với Vũ Văn Khải. Vũ Văn Khải biết rõ, y liền cười nói:
- Về việc phòng ngự, thần cũng có đề xuất.
Dương Quảng chợt chú ý, vội vàng nói:
- Khanh nói xem, đề xuất gì?
Vũ Văn Khải dùng cây gỗ chỉ một vòng xung quanh Lạc Dương, phạm vi chừng mấy trăm dặm, cười nói:
- Tuy rằng Lạc Dương bốn phía là vùng bằng phằng, nhưng chúng ta có thể xây dựng phòng ngự bằng sức người. Thần đã tính đến việc có thể đào hào dài phòng ngự kỵ binh, từ phía đông Long Môn đến Trường Bình, Cấp Quận, đến Thanh Quan, về hướng Nam qua sông đến Tuấn Nghi, Tương Thành, đến Thượng Lạc, dài chừng nghìn dặm, có thể dựa vào đó để làm căn cứ phòng ngự.
Dương Quảng men theo phàm vi hào dài đi một vòng, quả nhiên là vây quanh kinh thành. Thật ra Dương Quảng suy xét chính là phòng ngự kỵ binh, đào hào dài là một cách hay.
Lúc này, Vũ Văn Khải lại thấp giọng hỏi:
- Bệ hạ, phía triều đình có thể có phản đối về việc xây dựng kinh thành mới không?
Dương Quảng khoanh tay nói:
- Người phản đối rất đông!
Dương Quảng quả thật hơi khó xử, phụ hoàng y chấp chính đã hai mươi mấy năm cũng không thể dời đô về phía đông, càng không cần phải nói y vừa mới lên ngôi. Thế lực phản đối hùng mạnh cũng khiến y hơi bó tay không nghĩ ra cách, nhưng bất luận thế nào y nhất định phải dời đô về Lạc Dương.
- Việc dời đô khanh không cần lo lắng, trẫm sẽ thuyết phục các triều thần, khanh chỉ cần chuyên tâm xây dựng kinh thành mới.
- Bệ hạ, thần nghĩ có thể đào hào dài trước, như vậy không sẽ không gây ra phản đối quá gay gắt.
Dương Quảng ngẫm nghĩ một chút, phương án này cũng khả thi. Nhưng y cũng biết, đào hào dài nghìn dặm là một công trình vô cùng to lớn, ít nhất phải dùng mấy trăm nghìn dân phu, chắc chắn phải ủy thác cho trọng thần.
Nghĩ vậy, y lập tức hạ chỉ nói:
- Truyền ý chỉ, lập tức triệu Nạp Ngôn Dương Đạt vào gặp trẫm!
Dương Đạt là dòng họ hoàng thất, không thể phản đối dời đô về hướng đông. Y trước kia lại là công bộ Thượng thư, vài năm trước từng phụ trách việc cứu tế ven bờ Hoàng Hà, có khả năng tổ chức dân phu rất tốt, để y phụ trách đào hào dài là thích hợp nhất.
Ban đêm, một chiếc xe ngựa đi đến phường Tuyên Dương, chậm rãi dừng trước tòa nhà lớn của phủ Độc Cô. Hạ Nhược Bật đi từ trong xe ngựa ra, sắc mặt lão u ám tới cực điểm, nếu nói Hạ Nhược Bật còn có một nhược điểm, thì đó chính là cố chấp.
Cho dù Dương Nguyên Khánh tha cho Hạ Nhược Bật một mạng ở trường đấu, nhưng cũng không có nghĩa là Hạ Nhược Bật sẽ cười mà quên đi hận thù với Dương Nguyên Khánh. Thù hận giữa hai người họ không hề giảm đi, ngược lại vì Hạ Nhược Bật phải chịu nỗi nhục nhã ê chề ở trường đầu nên thù hận lại càng thêm sâu. Trước mặt hàng chục nghìn người Dương Nguyên Khánh hủy hoại toàn bộ thể diện của lão, Hạ Nhược Bật đã thành trò cười ở khắp kinh thành, rất nhanh chuyện mất mặt của lão sẽ lan truyền khắp thiên hạ.
Hạ Nhược Bật bước nhanh lên bậc tam cấp, con trai của Độc Cô Hàn là Độc Cô La đã chờ ở đó:
- Hạ Nhược thế thúc, phụ thân đang chờ ngài bên trong.
Hạ Nhược Bật liếc nhìn mấy chiếc xe ngựa dừng cách bậc tam cấp không xa, hỏi:
- Phụ thân ngươi còn có khách sao?
Độc Cô Hàn gật đầu:
- Có mấy vị trọng thần đang bàn việc với phụ thân, cũng gần xong rồi, Hạ Nhược thế thúc có thể chờ một lát.
Hạ Nhược Bật gật đầu, tuy rằng thời cơ không đúng lúc, nhưng Hạ Nhược Bật trong lòng nóng như lửa đốt, lão không muốn hôm khác lại đến, liền đi theo Độc Cô Hàn vào phủ Độc Cô.
Trong nội đường đèn đuốc sáng trưng, hơn mười vị trọng thần tụ tập ở đó, có hai huynh đệ Độc Cô La và Độc Cô Chỉnh, Đại tướng quân Tả Kiêu Vệ Trương Cẩn, Thái Phủ Tự Khanh Nguyên Thọ, Tiền hữu vệ Đại tướng quân Nguyên Trụ, Lễ Bộ Thượng thư Vũ Văn Bật, vân vân đều là nhân vật quan trọng trong giới quý tộc Quan Lũng.
Bọn họ đều là Độc Cô La sai người mời đến. Độc Cô La đã biết việc Vũ Văn Khải vào cung, cũng biết Thánh Thượng đã bổ nhiệm Dương Đạt và Vũ Văn Khải cùng làm Phó giam xây dựng kinh thành, chuẩn bị đào hào Lạc Dương. Xem ra Thánh Thượng cũng không từ bỏ ý nghĩ muốn dời đô, bọn họ phải nhanh chóng ngăn cản.
Độc Cô La đã bảy mươi tuổi, râu tóc bạc trắng. Y là con trưởng của Độc Cô Tín, cũng là thủ lĩnh của toàn bộ quý tộc Quan Lũng, có uy danh rất cao cả ở trong và ngoài triều đình. Lần này phản đối dời đô, cũng là do y cầm đầu.
- Các vị, những điều nên nói ta cũng đã nói rồi. Thánh Thượng dời đô đến Lạc Dương, trên danh nghĩa là để chế ngự phía nam và Sơn Đông, nhưng trên thực tế là muốn đối phó với chúng ta. Một khi người dời đô thành công, trung tâm triều đình liền rời khỏi Quan Trung, tập đoàn Quan Lũng chúng ta sẽ dần bị làm giảm ảnh hưởng xa dần, đến lúc đó, ta tin các đại sĩ tộc phương bắc sẽ thay thế chúng ta. Chư quân, tình thế đang vô cùng nguy cấp!
- Nếu việc cung Nhân Thọ có thể thành công, chúng ta đâu phải có nỗi lo ngày hôm nay?
Người lên tiếng chính là Đại tướng quân Tiền hữu vệ Nguyên Trụ, y đã bị xóa tên khỏi vụ án Thục vương Dương Tú, đến nay chưa được bắt đầu dùng, trong lòng y chất chứa oán hận và bất mãn.
Trong mắt Độc Cô La lập tức lóe lên một tia cảnh giác. Y ngăn cơn oán giận của Nguyên Trụ:
- Giờ đừng tiếp tục nói những lời vô dụng này, hãy nêu một số ý kiến có ích.
Giọng điệu Độc Cô La hơi không hài lòng, rất rõ ràng, Nguyên Trụ đã nói những lời nói không nên nói. Việc cung Nhân Thọ đã là điều cấm kỵ của tất cả bọn họ, bất kỳ ai cũng không được nhắc lại việc này, nhưng Nguyên Trụ lại không biết ý mà nhắc tới nó vào lúc này.
Nguyên Trụ cũng biết mình nói đã lỡ lời, không dám nói thêm nữa. Độc Cô La trừng mắt nhìn y, lúc này mới quay đầu hỏi Đại tướng quân Tả Kiêu Vệ Trương Cẩn.
- Trương hiền đệ, ý của đệ thế nào?
Trương Cẩn vẫn im lặng không nói, y thật ra đang suy nghĩ, đã tới nơi này họp, mỗi người cũng không thể chỉ làm người nghe, việc liên quan đến lợi ích thiết thân của mỗi người, Trương Cẩn đương nhiên cũng có ý tưởng của riêng mình.
- Tôi thấy mấu chốt vẫn là ở chỗ thái độ của sĩ tộc. Thật ra cũng không phải các cái sĩ tộc đều ủng hộ chuyện dời đô, ít nhất sĩ tộc Quan Lũng sẽ kiên quyết phản đối. Còn có các quan lớn gốc gác ở kinh thành, thậm chí bao gồm các nhà giàu ở kinh thành, việc dời đô cũng tổn hại đến lợi ích của bọn họ. Tôi tính thử, các đại thần ngũ phẩm trở lên trong triều đình, ít nhất có sáu thành (60%) sẽ kiên quyết phản đối, ba thành (30%) là giữ thái độ trung lập, nhiều nhất chỉ có một thành là hoàn toàn tán thành. Cho nên ở phương diện này quan trọng nhất chính là ba thành đại thần giữ thái độ trung lập kia.
- Ý của Trương hiền đệ là tranh thủ ba thành đại thần giữ thái độ trung lập?
Vũ Văn Bật đang ngồi đối diện y hỏi.
Trương Cẩn chậm rãi gật đầu:
- Đúng vậy, chính là ý này. Chỉ cần có chín thành phản đối, cho dù là thái độ của Thánh Thượng có cứng rắn hơn nữa thì người cũng sẽ không thể không thỏa hiệp. Dù sao người cũng vừa mới lên ngôi, ít nhất trong vòng ba năm, việc dời đô sẽ không được nhắc lại.
Trương Cẩn lại nhìn Độc Cô La một cái:
- Độc Cô nghĩ sao?
Độc Cô La vuốt râu trầm tư một lát, cuối cùng gật đầu:
- Ta thấy đây là phương án khả thi nhất, chúng ta phân công nhau hành động, cố hết sức đi khuyên nhủ những đại thần giữ thái độ trung lập đó.
Quyển 3: Nhất Nhập Kinh Thành Thâm Tựa Hải