Lúc này, người thương nhân lớn tuổi nhất ban nãy lại nói:
- Khởi bẩm điện hạ, vậy chúng tôi nên làm thế nào?
Dương Nguyên Khánh lắc lắc đầu nói:
- Nên làm thế nào là do các ngươi tự quyết định. Ta kiến nghị các ngươi lập ra thương hội, rồi mọi người ngồi lại bàn bạc với nhau xem nên làm thế nào, chứ không phải quan phủ muốn thì các ngươi làm, không muốn làm thì các ngươi không làm, như vậy không được. Có thương hội rồi, các ngươi sẽ có thể phối hợp hành động, cũng không phải là nhà này bỏ tiền ra, nhà kia lại bỏ ra nhiều hơn, như vậy có người sẽ cảm thấy không công bằng. Kiến nghị của ta các ngươi thử suy nghĩ xem.
Thành lập thương hội, đây quả là một cách hay, chỉ là quan phủ có đồng ý không? Tất cả đám thương nhân đều nhìn về phía Đỗ Yêm và Bùi Văn Tĩnh.
Đỗ Yêm miễn cưỡng cười một cái, nói với Dương Nguyên Khánh:
- Chỉ cần triều định hạ chỉ, đồng ý cho các quận thành lập thương hội, thì ti chức không có ý kiến gì.
- Chuyện này không thành vấn đề. Sau khi ta về sẽ cho triều đình hạ ý chỉ, cho phép quận Hà Đông tiến hành thử nghiệm trước. Nếu tình hình thử nghiệm của quận Hà Đông tốt, thì Tử Vi Các sẽ chính thức thảo luận sửa đổi những điều luật trong bộ luật của triều Tùy đối với bộ phận thương nhân. Quận Hà Đông các ngươi có thể thử nghiệm trước việc thành lập thương hội.
Đỗ Yêm gật gật đầu:
- Ti chức rõ rồi.
Nói đến đây, Dương Nguyên Khánh lại cười nói với đám thương nhân:
- Hôm nay cho tìm các ngươi tới là có hai việc. Việc thứ nhất vừa rồi đã nói qua, hy vọng các thương nhân sẽ phát huy tác dụng, giúp đỡ quan phủ ổn định nạn dân, trợ giúp người già yếu. Bây giờ ta nói việc thứ hai, là ta muốn nhờ mọi người làm một vụ buôn bán lớn.
…Dương Nguyên Khánh lấy ra hai đồng tiền bằng đồng, một đồng là tiền do hắn mới phát hành, một đồng là tiền Đại Nghiệp cũ. Hắn để tiền lên bàn, hỏi mọi người:
- Hai đồng tiền này mọi người đều rất quen thuộc. Ta nghe nói có người lợi dụng sự chênh lệch về giá trị của hai đồng tiền này giữa Tùy và Đường để chiếm món lời lớn. Ta không biết trong số chư vị ngồi đây có ai làm như thế hay không. Ở đây ta muốn nhắc nhở các ngươi, ta đã ra lệnh cho quân đội, nghiêm cấm tiền Đại Nghiệp của Quan Trung được đưa vào quận Hà Đông, đương nhiên số lượng ít thì được. Mỗi người chỉ được mang theo không quá mười xâu tiền Đại Nghiệp, cảnh cáo trước nửa tháng, sau nửa tháng người nào vượt quá một nghìn dây sẽ bị bắt nhốt vào tù, tiền sẽ bị tịch thu. Còn nếu thương nhân đem một nghìn dây thì sao? Rất đơn giản, đi mua hàng hóa nhập cảnh, không được tái phạm lệnh cấm. Việc này ta nhắc nhở mọi người trước.
Một thương nhân đáp:
- Khởi bẩm điện hạ, chuyện này chúng tôi đều đã nghe qua, nhưng chúng tôi không làm chuyện như thế này. Đối với chúng tôi mà nói, cầm số tiền lớn hành tẩu ở Quan Trung là mạo hiểm rất lớn. Chuyện này là chuyện mà các thương nhân ở bên Quan Trung làm, điện hạ nghiêm cấm đem tiền Đại Nghiệp vào thì cũng đã một cách ngăn chặn họ. Nhưng chuyện thế này, tôi tin sau này sẽ không còn nữa.
- Được rồi! Đã như vậy, chuyện này ta sẽ không nhắc lại nữa.
Dương Nguyên Khánh liền không nói tới chuyện này nữa, mà chuyển chủ đề. Hắn lại cười nói:
- Từ khi phát hành tiền mới đến nay đã hơn nửa năm rồi. Trong tay chúng ta dự trữ một lượng lớn tiền Đại Nghiệp được trao đổi, được chất đống trong kho của cung Tấn Dương. Vốn dự định sẽ tiêu hủy toàn bộ, nhưng ta nghe nói Quan Trung và Ba Thục vẫn còn lưu hành tiền Đại Nghiệp, nên ta nghĩ thay vì tiêu hủy chúng, không bằng lợi dụng chúng để mua một số vật tư từ Quan Trung về. Ta biết những thương nhân đầu sỏ như các ngươi đều có phương pháp riêng của mình. Ta muốn giao số tiền này cho các ngươi, để các ngươi thay ta mua vật tư về. Vật gì cũng được, lương thực, dầu, muối, vải vóc, lá chè, tơ lụa, trâu bò, củi tre…. Làm tốt chuyện này, ta sẽ ghi công lao cho các ngươi, các ngươi thấy thế nào?
Mười lắm tên thương nhân đầu sỏ mở trừng đôi mắt, bây giờ bọn họ mới hiểu Sở Vương tìm họ tới để làm gì. Ban nãy nói mãi để kích động họ, thì ra là để họ đi đào khoét của cải của triều Đường. Với cách làm của họ không phải là không thể làm, chỉ là một khi bị triều Đường kiểm tra bắt được thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị giam người, giam hàng. Đương nhiên hàng hóa bị rủi ro không liên quan tới họ, nhưng sự tổn thất về người và ngựa, lừa là của họ. Điều này ẩn chứa nguy cơ rủi ro rất lớn.
Trầm ngâm hồi lâu, vị thương nhân lớn tuổi nhất nói:
- Điện hạ, làm như thế rủi ro rất lớn. Chúng tôi lo…
Không đợi gã nói xong, Dương Nguyên Khanh khoát tay ngắt lời, thản nhiên nói:
- Các ngươi đều là những thương gia đầu sỏ nổi tiếng của quận Hà Đông, có những mối quan hệ chặt chẽ trong việc mậu dịch ở Quan Lũng. Ta là người ngoại đạo, không hiểu phải làm thế nào để tránh những rủi ro, nhưng các ngươi chắc là sẽ biết. Chuyện này các ngươi về thương lượng đi. Hai ngày nữa tiền từ Thái Nguyên sẽ được chuyển đến. Ta chờ tin tốt lành từ các ngươi.
…
Mười lăm gã thương nhân không biết làm thế nào nữa đành trở về. Bùi Văn Tĩnh lúc đó có việc phải đi trước xử lý, trong nghị sự đường chỉ còn lại hai người Dương Nguyên Khánh và Đỗ Yêm.
Lúc Dương Nguyên Khánh nói chuyện với đám thương nhân, Đỗ Yêm cơ bản cũng không nói gì nhiều, nhưng trong lòng ông ta rất nhiều lo lắng. Đến lúc này ông ta mới thận trọng nói:
- Không giấu tổng quản, thực ra tôi cũng cảm thấy chuyện này rủi ro rất lớn. Một khi triều Đường phát hiện, bọn họ chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm lớn.
Dương Nguyên Khánh không mấy để tâm tới sự rủi ro này. Hắn cười nói:
- Việc này Đỗ thái thú không cần bận tâm thay bọn họ. Bọn họ đều là những thương nhân lão luyện, họ biết cách làm thế nào để tránh rủi ro. Họ tuyết đối sẽ không để bản thân rơi vào tình cảnh nguy hiểm, điều này họ hiểu hơn quan phủ nhiều. Vì vậy rất nhiều việc đừng ngại giao cho bọn họ làm, họ sẽ làm rất tốt.
Đỗ Yêm nhận thấy rằng Dương Nguyên Khánh đã định liệu trước, hơn nữa chuyện này đã được quyết định rồi, ông ta lo lắng cũng vô ích. Ông ta lại nghĩ tới chuyện khác, nói:
- Thực ra ta đang lo lắng là chuyện thương hội. Chuyện này sẽ làm cho các thương gia đoàn kết lại, sau này bọn họ liên kết lại thành một sợi dây đối kháng lại với quan phủ. Đám thương nhân này là người rất có đầu óc, lõi đời khôn khéo. Nếu như họ mất đoàn kết, quan phủ rất dễ đối phó với bọn họ, giết một người là những người khác sẽ đều sợ. Nhưng thương hội thì lại khác, họ có đủ tài lực, vật lực để đối phó với quan phủ. Nếu như triều Đường lôi kéo thì lại càng là đại họa. Tổng quản, ta thực ra không tán thành việc thành lập thương hội.
Dương Nguyên Khánh bưng chén trà, cười lạnh lùng:
- Ngươi nghĩ quá nhiều rồi, cũng quá xa nữa. Từ xưa tới nay, dân chúng lầm than thì mới vùng lên tạo phản, mấy khi nghe nói thương nhân tạo phản? Thương nhân là những người khôn khéo, cái họ muốn là lợi nhuận chứ không phải uy quyền Nếu như bọn họ liên kết chống lại quan phủ, đó chỉ là một khả năng. Đám quan ô tham lại tới mức đẩy thương nhân tới bước đường cùng thì họ mới phản kháng. Như vậy không phải rất tốt sao? Cho Ngự sử một manh mối.
Dường như cảm thấy khẩu khí của mình quá nặng nề, Dương Nguyên Khánh dịu xuống một chút, cười nói:
- Đỗ Thái thú, ta hiểu lo lắng của ngươi. Ta cũng tin, mỗi Thái thú sẽ đều có những lo lắng giống như vậy, nhưng ngươi cũng phải nghĩ lại, lúc tranh giành thiên hạ, thương nhân thường là lực lượng tuyệt đối không thể bỏ qua. Họ nắm giữ một lượng lớn tiền bạc, chỉ có điều họ không có địa vị, lại rất bé họng, vì vậy không mấy người chú ý đến họ. Họ là lực lượng tàng hình. Ta để cho bọ họ thành lập thương hội, lại cho họ chút lợi lộc, tạo nên một hình tượng coi trọng thương nhân. Như vậy thương nhân sẽ dốc sức vì ta mà không phải vì triều Đường. Đỗ Thái thú, sau này ngươi sửa chữa cầu mà không có tiền, lập trường học mà không có lương thực thì hãy đi tìm thương nhân để họ tự phân bổ, điều này không phải tốt hơn là ngươi đi gõ cửa vận động từng nhà từng hộ sao?
Đỗ Yêm lặng lẽ gật gật đầu. Ông ta đã hiểu đôi chút ý đồ của Dương Nguyên Khánh. Lúc thời thế loạn lạc thì phải tận dụng hết sức lực lượng thương nhân. Chờ cho họ lớn mạnh, béo tốt rồi thì sẽ suy nghĩ tiếp mánh khóe mới. Chuyện này như là cho nước vào để nuôi cá, sẽ có một ngày, con cá to béo ấy sẽ trở thành món ăn chính trong bữa cơm.
…
Thành tây Hà Đông có một khu nhà diện tích mười mẫu, đây là ngôi nhà của thương nhân đầu sỏ người Hà Đông tên Trương Nguyên Trọng. Theo luật nhà cửa của triều Tùy, thương nhân thực ra không có tư cách ở một ngôi nhà lớn đến vậy, dù có tiền cũng chỉ có thể ở một ngôi nhà nhỏ với diện tích hai mẫu.
Chỉ là vì chiến tranh loạn lạc, pháp luật đã không còn sự ràng buộc chặt chẽ nữa. Do đó Trương Nguyên Trọng mới mua được ngôi nhà diện tích mười mẫu này. Thực ra với tài lực của y, ở một nơi rộng cả trăm mẫu cũng không phải là vấn đề, nhưng y không dám huênh hoang. Ngôi nhà mười mẫu này mà còn phải đối mặt với rủi ro lớn, cũng là vì Đỗ Yêm và Bùi Văn Tĩnh đều là quan viên mới nhậm chức, còn chưa để ý tới việc nhà y đang ở là vi phạm quy định.