Nhóm thám báo quân Tùy này đã ở huyện Úy Thị tìm kiếm ba ngày. Các loại dấu hiệu đều cho thấy huyện Úy Thị hẳn là có một nhánh quân địch, nhóm thám báo này đang nghi ngờ nhánh quân Đường ở ngay trong thành huyện.
Bởi khí trời cực kỳ nóng bức, thám báo quân Tùy đều là ngày nghỉ đêm đi. Ban ngày nghỉ ngơi hồi phục thể lực, còn ban đêm thì đi dò xét.
Thủ lĩnh thám báo là một vị Lữ soái họ Triệu. Bởi vì trách nhiệm nặng nề nên y không thể giống như nhóm binh sĩ dễ dàng nghỉ ngơi như vậy, y dựa vào gốc cây đại thụ, phác họa kết quả tra xét hai ngày qua xuống đất.
Bỗng nhiên, bút than trong tay y dừng lại, y phát hiện ra bọn họ đã tra xét thiếu sót một chỗ, chính là Trần gia thôn ở phía tây bắc. Ba ngọn núi hình thành một hình tam giác bao quanh Trần gia thôn, diện tích ước chừng mười dặm.
Triệu Lữ soái khẽ cau mày, y suy nghĩ vì sao lại bỏ mất việc tra xét ở Trần gia thôn. Một lát sau y mới nhớ ra, là bởi vì lúc đó bọn họ phát hiện ra một đội trinh sát của quân Đường, vì phòng ngừa bên kia phát hiện nên bọn họ mới phải rút lui.
Nếu bên kia có quân Đường đi trinh sát, chứng tỏ Trần gia thôn rất có thể có quân Đường đóng quân.
Đúng lúc này, một lính gác trên đại thụ gọi:
- Lữ soái, nhóm của Tam Lang đã trở về!
Rất nhanh, hai gã thanh niên mặc trang phục thương nhân đi vào khe núi. Bọn họ cũng là thám báo quân Tùy, phụng mệnh giả trang làm thương nhân đến huyện thành tra xét tình huống. Triệu Lữ soái đứng lên, đi ra đón:
- Tình hình trong huyện thành như thế nào rồi?
Một gã thám báo nói:
- Không có chủ lực của quân Đường, chỉ có mấy trăm trú quân.
Triệu Lữ soái cau mày, nếu như huyện thành không có trú quân, như vậy quân Đường rất có khả năng ở Trần gia thôn. Y đã không đợi được đến buổi tối, liền ra lệnh nói:
- Tất cả mọi người đứng lên, lập tức xuất phát!
Một khắc sau, hai mươi người thám báo quân Tùy cưỡi ngựa chạy ra khỏi khe núi, đi về hướng tây bắc…
Chỗ Trần gia thôn gọi là đồi Tam Long. Ba ngọn núi tạo thành hình tam giác, phía tây bắc có một nơi trống trải mênh mông, ở giữa là bình nguyên rộng mấy nghìn mẫu, dưới chân núi ven bình nguyên có một tòa thôn trang.
Thôn trang này chính là Trần gia thôn. Nhân khẩu của thôn này vốn có hơn hai trăm hộ, nhưng vào năm Đại Nghiệp thứ tám, sau khi bị hai nhánh loạn phỉ đánh cướp hầu như không còn gì, thôn này trở thành nơi hoang vắng.
Hai năm nay, các thế lực dần dần không cướp bóc giết chóc như trước kia, một ít thôn dân chạy trốn tha hương đã lục tục trở về. Sơn thôn dần dần có chút sinh cơ, hiện nay đã khôi phục tới năm mươi hộ.
Nhưng mấy ngày nay, một đội quân Đường đến đây đóng trại, doanh trại quân đội quá lớn khiến thôn trang cỏn con trông thảm hại. Chỗ doanh trại này đóng mười nghìn quân Đường, do thủ hạ của Lý Hiếu Cung là đại tướng Mao Văn Lợi suất lĩnh.
Thám báo quân Tùy đã đi lên đỉnh của một ngọn núi. Bọn họ từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy rõ đại doanh quân Đường. Triệu Lữ soái cẩn thận đếm lều trướng, tính toán diện tích doanh trại, từ những chi tiết này có thể suy đoán ra được quy mô của quân Đường.
Màn đêm buông xuống, hai mươi người thám báo Tùy dựa vào bóng đêm yểm hộ nhanh chóng ly khai ngọn núi. Bọn họ chia làm hai đường, một đường do vài tên thám báo trở về đưa tin, còn một đường do Triệu Lữ soái tiếp tục suất lĩnh giám thị hướng đi của quân Đường…
Đại doanh chủ lực của quân Tùy nằm ở phía nam của huyện Quản Thành, cách đó tám mươi dặm. Hai ngày trước, đại tướng Ngưu Tiến Đạt phụng mệnh Tần Quỳnh, suất lĩnh mười nghìn quân từ quận Đông tới hội quân với quân đội Lý Tĩnh, cùng với mấy ngàn hàng quân của huyện Quản Thành, quân đội của Lý Tĩnh hiện giờ đã đạt tới bốn mươi lăm ngìn người.
Bất quá, quân đội phải phân ba nghìn người phòng thủ Hổ Lao quan, cùng rất nhiều binh lính phòng ngự các huyện Quản Thành, Huỳnh Dương, vì vậy chủ lực quân Tùy trú trong đại doanh còn bốn mươi nghìn người.
Lý Tĩnh toàn quyền phụ trách tác chiến ở Đông tuyến. Ông ta chia chiến dịch Đông tuyến làm hai bước, bước thứ nhất là cướp đoạt cùng củng cố Hổ Lao quan, ổn định hậu phương.
Đợi cho Dương Nguyên Khánh suất chủ lực quân Tùy qua sông, bức Lý Thế Dân rời khỏi Lạc Dương, Lý Tĩnh mới suất quân xuống phía Nam bắt đầu bước thứ hai.
Trong lều lớn trung quân, Lý Tĩnh đang cùng La Sĩ Tín, Vương Quân Khuếch, Ngưu Tiến Đạt, Trình Giảo Kim, các chư tướng thương nghị quân tình, trong lều bày một cái sa bàn.
Lý Tĩnh dùng cây gỗ chỉ vào góc tây bắc huyện Uất Trì, nói với chúng tướng:
- Vừa nhận được tin từ thám báo, ở đồi Tam Long phát hiện một đội quân Đường hơn mười nghìn người đang đóng trại. Đây là nhóm quân Đường gần với chúng ta nhất, chỉ cách có năm mươi dặm. Các vị có ý kiến gì không?
Mọi người trầm mặc trong chốc lát, đầu tiên là Vương Quân Khuếch nói:
- Trưởng sử, mạt tướng cho rằng nhánh quân Đường này ẩn dấu sâu như vậy, có thể là muốn chặn đường lui của chúng ta, đợi chúng ta đánh huyện Quản Thành thì cắt đứt đường cung ứng lương thảo.
Lý Tĩnh thấy La Sĩ Tín muốn nói lại thôi, liền cười hỏi:
- La tướng quân nghĩ như thế nào?
La Sĩ Tín cười cười nói:
- Có lẽ là do ta nghĩ nhiều, ta nghĩ đây là kế chia binh của quân Đường.
- Mời La tướng quân nói tiếp!
La Sĩ Tín tiếp nhận cây gỗ, chỉ hướng huyện Hứa Xương:
- Chủ lực của quân Đường nằm ở huyện Hứa Xương, cách chúng ta sáu mươi dặm, đáng nhẽ bọn họ không cần phải chia mười nghìn người đến huyện Úy Thị. Hiện tại, vấn đề lớn nhất của chúng ta là quân đội chỉ bằng một nửa quân Đường. Nếu chúng ta lại chia mười nghìn người đi đối phó với quân Đường ở huyện Úy Thị, như vậy binh lực đóng ở doanh trại chỉ còn lại ba mươi nghìn người, mà binh lực của đối phương là bảy mươi nghìn người, ưu thế càng thêm rõ ràng. Vì thế ta cho rằng, đây là kế chia binh của quân Đường.
Lý Tĩnh gật đầu, lại hỏi Ngưu Tiến Đạt cùng Trình Giảo Kim:
- Hai vị tướng quân thì sao?
Ngưu Tiến Đạt làm người tương đối ít nói, nhưng lại rất có chủ kiến. Tuy thấy La Sĩ Tín nói có đạo lý, nhưng y vẫn có cách nghĩ của mình.
- Mạt tướng cho rằng quân Đường trú quân mười nghìn ở huyện Úy Thị là vì kiềm chế chúng ta xuống phía Nam. Một khi chủ lực của chúng ta cùng chủ lực quân Đường còn giằng co, thì mười nghìn quân Đường ở huyện Úy Thị sẽ quấy nhiễu phía sau của chúng ta. Không chỉ có việc cắt đường lương thảo, mà còn hình thành thế nam bắc giáp công, chúng ta liền rơi vào thế bị động.
Ngưu Tiến Đạt vừa mới dứt lời, Trình Giảo Kim liền kêu lên nói:
- Thương lượng nửa ngày cũng không có hành động, tụ lại đây chỉ toàn bốc phét, nếu đã phát hiện rồi thì đánh luôn đi! Bốn mươi ngàn chọi với mười ngàn, đánh cho bọn nó tè ra quần!
Tuy rằng vẫn biết tính Trình Giảo Kim thích ăn nói bậy bạ, nhưng giọng y hét lên như búa bổ, lại đanh đá chua ngoa khiến mọi người tức giận, đều quay lại trợn mắt nhìn y.
Lý Tĩnh chỉ cảm thấy nhức đầu. Bây giờ ông ta mới hiểu được, vì sao mỗi lần thương nghị quân vụ tổng quản đều muốn phái người này đi ra ngoài, một cái miệng thối của y thực sự làm người người tức giận.
- Cái này… Trình tướng quân, không thể nói như vậy. Nếu như chúng ta không nhìn thấu dụng ý của quân địch, tùy tiện đến đánh, vậy thì đại doanh làm sao bây giờ? Chủ lực của quân địch cách chúng ta cũng không xa, đây rất có thể là kế điệu hổ ly sơn của bọn họ, không thể không đề phòng.
Trình Giảo Kim ha hả cười:
- Ta chỉ đưa ra kiến nghị, Trưởng sử thấy không thích hợp thì đừng tiếp thu là được.
Lúc này, Vương Quân Khuếch trầm giọng nói:
- Trưởng sử không cần phiền não, ty chức chỉ cần ba nghìn kỵ binh liền có thể đánh tan quân Đường ở huyện Úy Thị. Nếu không thể thắng, ty chức liền đem đầu trở về.
La Sĩ Tín cũng ngạo nghễ thỉnh lệnh:
- Trưởng sử, ta cũng chỉ cần ba nghìn kỵ binh là có thể đánh thắng.
Lý Tĩnh nhìn thoáng qua hai người, cười nói:
- La tướng quân đã lập công lao ở Hổ Lao quan, vậy thì trận này giao cho Vương tướng quân vậy!
Ông ta lại nói với Vương Quân Khuếch:
- Cứ theo lời tướng quân, ta cho tướng quân ba nghìn kỵ binh tinh nhuệ. Nếu không thắng được quân Đường ở huyện Úy Thị, ta cũng không cần đầu của tướng quân, mà chỉ cần ngài ghi nhớ lần bại này.
Vương Quân Khuếch ôm quyền nói:
- Mạt tướng tuân lệnh!
Sau nửa canh giờ, Vương Quân Khuếch điều ba nghìn kỵ binh Tùy tinh nhuệ, như cuồng phong lao ra cửa doanh trại, chạy về hướng huyện Úy Thị…
Đại doanh chủ lực của quân Đường nằm ở phía bắc huyện Hứa Xương, cách đại doanh quân Tùy sáu mươi dặm. Lý Hiếu Cung suất lĩnh tám mươi nghìn quân Tương Dương của triều Đường đã xuất binh gần hai mươi ngày.
Đối với Lý Hiếu Cung mà nói, lần bắc thượng Trung Nguyên này cũng chia làm ba bước. Bước thứ nhất là củng cố hai quận Hoài An cùng Nhữ Nam, đổi quan lại ở hai quận này thành quan của Đường, bảo đảm quyền khống chế hai quận nằm trong tay triều Đường.
Bước thứ hai là bắc thượng quận Toánh Xuyên, cố gắng chiếm lĩnh quận Toánh Xuyên. Đây cũng là nhiệm vụ mấu chốt mà triều đình giao cho y, binh tiến Trung Nguyên, chiếm lĩnh phía nam quận Toánh Xuyên.
Trải qua nửa tháng nỗ lực, quân đội của y đã chiếm lĩnh hơn nửa quận Toánh Xuyên, đang vững chắc đẩy mạnh về phía Bắc.