Trầm ngâm một chút, Dương Nguyên Khánh lại hỏi:
- Ngươi vẫn còn liên lạc với gia tộc sao? Ý ta là Tiêu gia ở Đôn Hoàng.
Tiêu Tấn trầm mặc giây lát. Kỳ thật năm ngoái y có nhận được một phong thư của Tiêu Nhân Nhân, mong y thay gia tộc nghĩ một biện pháp, gia tộc ở Đôn Hoàng đã bị ép đến mức không thể chịu nổi, đã sắp không trụ được nữa rồi. Tiêu Tấn vẫn chưa có hồi âm, vì y cũng chưa nghĩ ra cách nào để trợ giúp gia tộc.
- Hồi bẩm Tổng quản, năm ngoái thuộc hạ có nhận được tin của gia chủ, nói hoàn cảnh của Tiêu gia ở Đôn Hoàng rất gian nan, khả năng là không thể tồn tại ở Đôn Hoàng được nữa rồi.
- Rồi sao?
Dương Nguyên Khánh lại hỏi:
- Sau đó không có tin tức gì nữa sao?
- Nghe người trong tộc nói lại, sau đó Tiêu gia đã rời khỏi Đôn Hoàng, trở về quận Nam, đó là nguyên quán của gia tộc thuộc hạ.
Dương Nguyên Khánh thở dài một tiếng, có chút áy náy nói:
- Đối với chuyện này, ta thực rất muốn nói lời xin lỗi với Tiêu gia. Trên thực tế, Lý Châu cũng chính là Dương Đại Lang, y vẫn luôn là tâm phúc của ta. Tuy y chèn ép sĩ tộc Giang Nam không phải là do ta bày mưu tính kế, nhưng quả thật là ta đã quên đi lợi ích của gia tộc các ngươi, còn có Tạ gia và Thẩm gia. Ngươi có thể viết một phong thư, gửi tới gia chủ, thay ta truyền đạt sự áy náy. Nếu như bọn họ có ý định đến Thái Nguyên, ta sẽ sắp xếp cho bọn họ thật tốt. Nếu như bọn họ vẫn muốn ở lại phương nam, vậy chờ đến một ngày, nhất định ta sẽ bồi thường cho bọn họ, chỉ hi vọng bọn họ có thể hiểu cho Lý Châu, thân y gánh vác trách nhiệm nặng nề, có chút khó xử.
Tiêu Tấn vội vã thi lễ:
- Đa tạ Tổng quản quan tâm. Thực ra Lý Châu Tướng quân cũng rất có chừng mực, cũng chưa từng xúc phạm bất cứ một người nào của Tiêu gia, chỉ là cướp đi thổ địa và chặt đứt tài lộ của bọn họ. Nhưng… những thứ này đều là vật ngoài thân, nhất định là bọn họ sẽ hiểu cho Lý Châu Tướng quân. Hơn nữa, trong lòng thuộc hạ cũng hiểu vì sao Lý Châu Tướng quân lại lựa chọn cựu tộc Đôn Hoàng.
Dương Nguyên Khánh cảm thấy có hứng thú, liền cười hỏi:
- Ngươi nói cho ta nghe một chút, vì sao y lại lựa chọn cựu tộc Đôn Hoàng?
- Việc này thì phải bắt đầu từ Tiên đế. Năm đó, khi mấy Văn Đế quyết định lưu đày mấy đại gia tộc Giang Nam, để tỏ thái độ tha thứ, đã cho bọn họ mang tiền tài đi trước. Hơn nữa, lúc bấy giờ, Thái thú quận Đôn Hoàng và Thủ lĩnh quân đồn trú cũng nghiêng về phía sĩ tộc Giang Nam, lại thêm việc cô cô thuộc hạ được gả cho thủ lĩnh quân đội, sau lại gả cho Thái thú tân nhiệm, điều này càng làm cho thế lực của sĩ tộc Giang Nam ở Đôn Hoàng càng thêm mạnh mẽ. Nhưng trên thực tế, dân bản xứ ở Đôn Hoàng không thích sĩ tộc Giang Nam, thậm chí còn căm thù bọn họ, bởi vì bọn họ dùng đủ loại thủ đoạn chiếm cứ ruộng đất vốn đã không nhiều lắm, đồng thời còn lũng loạn mậu dịch và cửa hàng ở Đôn Hoàng.
Mà dân bản xứ chỉ có thể trở thành tá điền hoặc tiểu nhị cho sĩ tộc Giang Nam, giống như Tác gia, Tào gia, Trương gia… những đại gia tộc ở địa phương này cũng bị bức đến mức gần như phải dời đi, sĩ tộc Giang Nam mạnh mẽ nhưng cũng không ổn định. Dân địa phương không ủng hộ bọn họ. Ở Đôn Hoàng, bọn họ không có gốc rễ, chỉ cần triều Tùy có chút yếu kém trong việc khống chế Đôn Hoàng, dân bản xứ sẽ đứng lên phản kháng. Lý Châu Tướng quân cũng nhìn ra điểm này, cho nên mới quay ngược lại ủng hộ cho cựu tộc Đôn Hoàng, như vậy, y có thể chân chính cắm gốc rễ ở Đôn Hoàng.
Dương Nguyên Khánh liên tục gật đầu. Tiêu Tấn giải thích vấn đề khiến cho hắn hiểu được tại sao Dương Đại Lang lại ủng hộ cựu tộc Đôn Hoàng. Bởi vì y là người mà mình lưu lại, quân đội thủ hạ của y đều là đội quân con em của Đôn Hoàng, chỉ có duy trì cựu tộc Đôn Hoàng, y mới có thể chính thức khống chế được thủ hạ, cũng chính là quân đội. Phải nói là Dương Đại Lang rất tinh ý.
- Ta đã hiểu, ngươi đi trước đi! Nhất định phải viết thư cho gia tộc, giải thích rõ ràng sự tình, nói cho bọn họ, trong tương lại, khi ta thống nhất phương nam, còn cần sự đóng góp to lớn của bọn họ.
…
Tiêu Tấn cáo từ lui xuống, Dương Nguyên Khánh chắp tay sau lưng đi tới bức tường phía đông, ngưng mắt nhìn bản đồ Hà Tây và Lũng Hữu được treo trên tường. Quận Đôn Hoàng ở vị trí xa xôi nhất của Tây Bắc, nhưng cũng là điểm mấu chốt giữa Hà Tây và Tây Vực. Nếu có như có thể đặt gốc rễ ở Tây Vực, không chế được quận Đôn Hoàng, như vậy trong tương lại, bất kể là thu phục Hà Tây hay tiến công Tây Vực, hắn đều có một ván cầu tốt nhất.
Có điều, Dương Nguyên Khánh cũng biết Lý Uyên tuyệt đối không buông tha cho địa phương chiến lược Đôn Hoàng này một cách dễ dàng, sẽ phát sinh một chiến dịch tranh đoạt quận Đôn Hoàng. Cũng không biết Tô Định Phương và Dương Đại Lang có thể cáng đáng được hay không? Sâu trong ánh mắt Dương Nguyên Khánh hiện lên một tia lo lắng.
…
Ba ngàn kỵ binh quân Tùy đã rời khỏi Ngọc Môn Quan, nơi này chính là một quan ải tử thời xưa. Ở phía nam Ngọc Môn Quan là huyện Thường Nhạc thuộc quận Đôn Hoàng, là một tòa huyện thành nhỏ chỉ có hơn hai ngàn dân cư, không có quân trú đóng, thành trì thấp bé cũ nát, chỉ có thể miễn cưỡng chống lại đám sói trên sa mạc.
Quân Tùy liền đóng đại doanh ở ngoài huyện thành. Trong lều lớn, chủ tướng Tô Định Phương đứng bên cạnh địa đồ, đang chăm chú lắng nghe một gã thám báo báo cáo tình hình mới nhất.
- … Quân đội của Lý Triệu Cẩm hiện đang ở gần Liễu Viên, ước chừng khoảng mười ngàn người.
Tô Địch Phương tìm được Liễu Viên trên bản đồ, đây là một cái trấn nhỏ cách huyện thành Đôn Hoàng khoảng tám mươi dặm, bởi vì một mặt có hồ nước mà có hơn mười hộ gia đình định cư, từ chỗ này tới huyện Thường Nhạc còn khoảng bốn mươi dặm.
Năm nay Tô Định Phương hai mươi bảy tuổi. Nếu như tính luôn cả bốn năm chiến đấu ở hồ Cáp Lợi, như vậy y theo Dương Nguyên Khánh đã hơn chục năm, từ một gã thiếu niên nghé con mới sinh không sợ cọp đã từng bước trưởng thành một Đại tướng có thể tự mình cáng đáng một phương. Ở lần tấn công Y Ngô đó, y sơ suất quá dễ tin người, suýt nữa khiến cho hơn một trăm thủ hạ bị tiêu diệt sạch. Từ lần đó tới nay, y dần dần trở nên thành thục.
Lúc này đây, Dương Nguyên Khánh bổ nhiệm y làm Tổng quản quân ở đường Ngọc Môn, toàn quyền phụ trách việc cướp đoạt quận Đôn Hoàng và Y Ngô. Ngoài ra, còn muốn y chiếm quận Thiện Thiện và quận Thả Mạt. Tô Định Phương cảm giác được đôi vai mình gách trách nhiệm nặng nề, y cũng tràn ngập lòng tin vào bản thân.
Tô Định Phương đã lấy được tình báo của Lý Châu, tổng cộng Lý Triệu Cẩm có mười lăm ngàn người, trong đó có ba ngàn quân đóng tại quận Y Ngô, huyện Đôn Hoàng có hơn mười hai ngàn người trú đóng. Hiện tại Lý Triệu Cẩm tự mình suất lĩnh mười ngàn người đến nghênh chiến, như vậy quân canh giữ quận Đôn Hoàng chỉ còn hai ngàn người. Hiện tại y cần liên lạc với Lý Châu.
Vừa nghĩ đến điều này, ngoài lều có binh sĩ báo cáo:
- Khởi bẩm Tô Tướng quân, Lý Sa Đà Tướng quân phái thủ hạ đưa tin tình báo tới.
- Cho y vào!
Chỉ chốc lát sau, một gã thám báo thủ hạ của Lý Sa Đà tiến vào lều lớn, quỳ một gối, ốm quyền nói:
- Bẩm báo Tô Tướng quân, Lý Tướng quân có tin tình báo khẩn cấp.
Thám báo đưa tin tình báo lên trên, Tô Định Phương nhận lấy, chậm rãi, cẩn thận lấy ra đọc. Phòng thủ huyện Đôn Hoàng đúng là chỉ có hai ngàn người, đều là thủ hạ của Lý Châu. Quả nhiên đúng với dự đoán của y, Lý Châu đã chặt đứt đường rút lui của Lý Triệu Cẩm. Trong số mười ngàn quân của Lý Triệu Cẩm, có ít nhất ba ngàn người là quân đội của Lý Châu.
- Hiện tại Lý Sa Đà Tướng quân ở đâu?
Tô Định Phương lại hỏi.
- Hồi bẩm, Lý Sa Đà Tướng quân phụng lệnh của Lý Châu Tướng quân phòng thủ huyện Đôn Hoàng.
Tô Định Phương gật đầu, có nội ứng lớn nhất là Lý Châu, như vậy chiến dịch cướp đoạt quận Đôn Hoàng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Y lập tức hạ lệnh:
- Truyền lệnh của ta, toàn quân lên ngựa, tiến quân về Liễu Viên!
Ba ngàn kỵ binh đã chuẩn bị từ lâu, theo lệnh của Tô Định Phương, ba ngàn kỵ binh lên ngựa, chạy ra cửa doanh trại, cuồn cuộn tiến gấp về phía Liễu Viên. Lúc này là buổi trưa, Liễu Viên cũng không xa, chỉ có hơn bốn mươi dặm, một lúc lâu sau là có thể giết đến.
…
Liễu Viên nằm giữa huyện Thường Nhạc và huyện Đôn Hoàng. Nơi này chiếm diện tích hơn ngàn mẫu, có một cái hồ nước từ thời xưa. Bên cạnh hồ nước trồng rất nhiều hồng liễu, chính vì vậy mới đặt tên là Liễu Viên.
Ở phía tây bắc hồ nước có một thôn trấn, chỉ có khoảng ba bốn mươi hộ gia đình, dựa vào việc chăn thả và đánh cá trong hồ nước mà sinh sống. Thương nhân đi qua, bọn họ cũng nhờ vào việc cung cấp lương thực cho thương nhân mà kiếm chút thù lao.
Cái trấn nhỏ này xưa nay vẫn luôn yên lặng, nhưng một cuộc chiến tranh đột nhiên xuất hiện đã phá vỡ sự bình lặng của bọn họ. Một đội quân hơn mười ngàn người xuất hiện bên ngoài trấn, mấy trăm tên lính xông vào trấn, lần lượt lục soát từng nhà tìm thám tử của quân địch. Dân cư trong trấn vội vàng đi thuyền vào giữa hồ, trốn trên một cái đảo nhỏ ở giữa hồ, đợi cho chiến tranh kết thúc.
Thủ lĩnh của chi quân đội này là Lý Triệu Cẩm, đã hơn năm mươi tuổi, là một con sâu rượu, con ngươi quanh năm híp lại như suy tư, đôi mắt thỉnh thoảng toát ra vẻ âm lãnh. Y là tộc đệ của Hoàng đế Lý Quỹ của nước Đại Lương, được phong làm Đôn Hoàng Vương, đồng thời đảm nhiệm Thái thú Đôn Hoàng, nắm giữ đại quyền quân chính của quận Đôn Hoàng.
Sau khi nước Đại Lương bị diệt, Lý Thần Thông ba lần phái người tới khuyên y đầu hàng triều Đường. Lý Triệu Cẩm cũng không phải không chịu đầu hàng, chỉ là điều kiện y đưa ra rất hà khắc, y muốn triều Đường tiếp tục phong y làm Đôn Hoàng Vương, quân đội vẫn do y thống lĩnh như cũ, con cháu của y được kế thừa tước Vương và quân đội. Trên thực tế, ý của y chính là thành lập nước Đôn Hoàng, có thể thần phục triều Đường, nhưng nhìn chung y vẫn là quốc vương.
Triều Đường không có khả năng chấp nhận điều kiện này, hai bên ở vào thế giằng co. Lý Triệu Cẩm cũng biết triều Đường vì nước Tây Tần mà không để ý đến y, nếu có một ngày Tây Tần bị diệt vong, kẻ tiếp theo sẽ chính là y. Sở dĩ trong khoảng thời gian này, Lý Triệu Cẩm đang chiêng trống rùm beng chuẩn bị thành lập Vương quốc, nhưng thật không ngờ, đúng lúc này, triều Tùy cũng nhúng tay vào Đôn Hoàng.
Trong lòng Lý Triệu Cẩm rất khẩn trương. Cũng may là quân Tùy chỉ có ba ngàn kỵ binh, quân đội của y gấp năm lần đối phương, đủ để tiêu diệt đội quân này. Lý Triệu Cẩm tự mình dẫn mười ngàn đại quân chinh phạt quân Tùy, ý đồ tiêu diệt toàn bộ quân Tùy.
Lý Triệu Cẩm nhìn về phía xa, y cảm giác quân Tùy đã sắp đến. Lúc này, phó tướng Lý Châu đứng sau lưng y, sắc mặt không chút thay đổi.
Lúc này, có một người chỉ về phía xa hô to:
- Vương gia mau nhìn, quân Tùy tới!
Chỉ thấy ở phía xa xuất hiện một điểm đen, sau đó điểm đen ngày càng nhiều, ngày càng gần. Tất cả binh lính đều thấy rõ, đây là một chi kỵ binh đang hăng hái lao về hướng này, cách trận tuyến mấy trăm bước thì dừng lại.
- Quân đội dàn trận!
Lý Triệu Cẩm lớn tiếng hô to. Mười ngàn quân lính dưới tay y nhanh chóng dàn trận, y thống lĩnh bốn ngàn trung quân, Lý Châu thống lĩnh ba ngàn lính bản bộ ở cánh trái, một Đại tướng khác là Trương Chí Thai thống lĩnh ba ngàn quân cánh phải.
Nhưng Lý Châu không có rời đi, y tiến lên nói khẽ với Lý Triệu Cẩm:
- Vương gia, hình như đối phương muốn nói chuyện với ngài.
Lý Triệu Cẩm ngẩn ra. Quả nhiên, một gã Đại tướng của đối phương chậm rãi tiến lên, la lớn:
- Tướng quân Lý Triệu Cẩm ở đâu? Mời ra nói chuyện.
Trong lòng Lý Triệu Cẩm có chút do dự, y không muốn ra, nhưng Lý Châu lại khuyên y:
- Vương gia, không ngại nghe y nói điều gì, nếu như đưa ra điều kiện như với triều Đường, còn có thể đàm phán giải quyết.
Lý Triệu Cẩm trầm tư chốc lát, sau đó thúc ngựa đi tới, cách khoảng năm mươi bước thì dừng lại. Vài tên thân binh dùng tấm chắn phòng vệ hai bên trái phải của y, phòng ngừa quân Tùy bắn lén. Lý Châu lập tức tiến đến sát phía sau y, trong tay cầm một cây đại thiết thương, lạnh lùng nhìn Lý Triệu Cẩm.
- Ta là Lý Triệu Cẩm, ngươi muốn nói chuyện gì?
Tô Định Phương lạnh lùng nói:
- Nếu ngươi không muốn chết, lập tức xuống ngựa đầu hàng, bằng không, ngày này sang năm chính là ngày giỗ của ngươi!
Lý Triệu Cẩm giận dữ:
- Ai dám giết ta?
- Ta dám giết ngươi!
Lý Châu gầm lên một tiếng, đại thiết thương rung lên, từ phía sau đâm xuyên qua lồng ngực Lý Triệu Cẩm. Đại thương vung lên, hất thân hình cao gầy của y lên không trung. Lý Triệu Cẩm ở giữa không trung vạn phần khiếp sợ nhìn Lý Châu, lập tức mất mạng, đôi mắt không có cách nào nhắm lại.
Mấy tên thân binh bên cạnh Lý Triệu Cẩm thất kinh, đều rút đao ra, giận dữ chém về phía Lý Châu. Lý Châu sớm đã có chuẩn bị, y vung thi thể, cười lạnh một tiếng, đại thiết thương đâm trái đâm phải, trong nháy mắt đã có vài tên thân binh bị đâm trúng rơi xuống ngựa. Đúng lúc này, Tô Định Phương hạ lệnh tấn công.
Ba ngàn kỵ binh quân Tùy lao đến như sấm sét, mãnh liệt lao về hướng quân đội của Lý Triệu Cẩm. Lý Triệu Cẩm đã chết, quân đội như rắn không đầu, sĩ khí tan vỡ, hơn nữa còn có ba ngàn quân do Lý Châu thống lĩnh ở bên cạnh trợ giúp. Mấy ngàn quân độquay đầu bỏ chạy. Bọn lính quăng mũ cởi giáp, tranh nhau chạy trối chết, thất bại thảm hại…
Đây cũng là lý do Dương Nguyên Khánh chỉ cấp cho Tô Định Phương ba ngàn kỵ binh tới quận Đôn Hoàng. Ba ngàn kỵ binh không phải đến để chém giết, mà là để tiếp thu bại quân đầu hàng. Quân Tùy chia binh làm hai cánh, nhanh chóng đuổi kịp, khống chế giết chóc. Bại quân không cản nổi chiến mã của quân Tùy, cùng đường đều phải quỳ xuống đất đầu hàng. Mười hai ngàn quân đội của quận Đôn Hoàng bị giết và trốn được khoảng hai ngàn người, còn lại toàn bộ đều đầu hàng.
Một lúc lâu sau, Tô Định Phương đưa quân tiến vào thành Đôn Hoàng.
Lúc quân Tùy tiến vào quận Đôn Hoàng cũng là lúc mệnh lênh khẩn cấp của Lý Uyên đã đến Lương Châu, lệnh cho Hà Gian Quận Vương Lý Hiếu Cung thống lĩnh mười lăm ngàn quân đội của quận Võ Uy và quận Trương Dịch cấp tốc tiến về Đôn Hoàng, cần phải cướp lấy quận Đôn Hoàng, quyết không thể quân Tùy chen vào một thanh đao nhọn ở phía sau lưng Hà Tây.
Mà Lý Thế Dân cũng đồng thời ra lệnh cho Tổng quản Lương Châu Ân Khai Sơn thống lĩnh tám ngàn quân lính trấn giữ Đại Đấu Bạt Cốc, đề phòng Lương Sư Đô nhân cơ hội từ Đại Đấu Bạt Cốc tiến sát Hà Tây.
…
Thành Trường An, hơn mười sứ giả hòa đàm của Bắc Tùy, dưới sự bảo vệ của ba trăm quân Đường vượt qua cửa Minh Đức, chậm rãi tiến nhập thành Trường An.
Ở phía trước đội ngũ, Thượng thư Bộ hộ Bắc Tùy Đỗ Như Hối nhìn quang cảnh rộng rãi của thành Trường An, nhịn không được than rằng:
- Quá hùng tráng! Đã hai mươi năm, cuối cùng Đỗ Như Hối ta cũng đã trở về.
Phó sử Ngụy Trưng ở phía sau nghe được Đỗ Như Hối cất lời cảm khái, không khỏi cười nói:
- Đỗ Tướng quốc thật sự chưa từng trở về sao?
Đỗ Như Hối lắc đầu:
- Năm thứ nhất Đại Nghiệp, ta theo Tổng quản đến Phong Châu ở phương Bắc, cưới vợ sinh con ở Phong Châu, nắm Phong Châu nhận Phong Châu, vẫn chưa từng trở về.
- Vì sao Tướng quốc không chịu trở về? Là Tổng quản không chịu phê chuẩn sao?
Ngụy Trưng hiếu kỳ hỏi thăm.
Đỗ Như Hối cười khổ một tiếng:
- Cũng không phải. Lúc mới đầu, ta cảm thấy là Huyện lệnh ở Phong Châu thật là mất mặt, sợ bị chúng bạn nhạo báng, không dám trở về Trường An. Khi đó ta mới hai mươi tuổi. Sau này, mặc dù cảm giác tự ti đã không còn, nhưng đã thành gia lập nghiệp, phụ mẫu cũng ở đó, cũng là không muốn trở về nữa rồi.
Lý Thần Thông đi theo bên cạnh hai người cũng không nhịn được cười to:
- Ha…ha…! Lúc đó Đỗ Tướng quốc đi Phong Châu làm quan cảm thấy rất oan ức hay sao?
Đỗ Như Hối vuốt râu thở dài nói:
- Đúng vậy! Lúc đó lập huyện Đại Lợi, cần Bộ lại phái một gã quan viên dự khuyết đi trước đảm nhiệm Huyện lệnh. Lúc đấy, tất cả mọi người đều liều mạng từ chối, viện đủ mọi lý do, có người nói trái tim không chịu được lạnh, có người nói còn vướng mẹ già. Lúc đó ta lấy lý do mình sợ lạnh, kết quả là dưới sự nóng giận, Cao Thị lang của Bộ lại đã điền tên ta, bổ nhiệm dự khuyết Bộ lại Đỗ Như Hối đến huyện Đại Lợi quận Ngũ Nguyên đợi lệnh, ba ngày sau lập tức khởi hành. Ta chậm chân kháng nghị, cuối cùng không thể làm gì khác, đành bất đắc dĩ mà khởi hành. Lúc đó trong lòng cảm thấy rất uất ức, dọc đường đi không ngừng thể hiện ra mặt cho Dương Tổng quản nhìn. Hiện tại nhớ lại, thật muốn đến trước mộ Cao Thị lang thắp một nén nhang.
Hơn mười quan viên ở phía sau đều nở nụ cười. Ngụy Trưng cười nói;
- Chim khôn chọn cành mà đậu. Dương Tổng quản là một cành cây tốt nhất, Đỗ Tướng quốc được ma xui quỷ khiến, tiền đồ vô lượng.
Trên mặt Lý Thần Thông có chút xấu hổi, liền cười nói:
- Điều này cũng chưa chắc, cành cây tốt nhất hẳn là Thánh thượng của triều Đường chúng ta.
- Cái này khó mà nói. Đều vì chủ mình! Đều vì chủ mình!
Tất cả mọi người đều đứng lên cười vang.
Không lâu sau, đoàn người cười nói một chút đã đến Hoàng thành, mới vừa qua cửa Chu Tước đã có vài tên hoạn quan tiếp đón, chắp tay thi lễ nói:
- Điện hạ. Thánh thượng mời sứ Tùy vào điện Lưỡng Nghi gặp mặt.
Lý Thần Thông gật đầu, nói với Đỗ Như Hối:
- Đỗ Tướng quốc, Thánh thượng của chúng ta rất là coi trọng lần hòa đàm này, mời Đỗ Tướng quốc vào điện Lưỡng Nghi gặp mặt. Ngụy Phó sứ có an bài khác, mời Tướng quốc đi theo ta!
Đỗ Như Hối nói với Ngụy Trưng hai câu, liền ngồi lên kiệu của Lý Thần Thông, vài tên hoạn quan cường tráng bước nhanh về hướng điện Lưỡng Nghi.
Trong điện Lưỡng Nghi, Lý Uyên và hơn mười trọng thần đã chờ rất lâu. Trong lòng Lý Uyên có chút mất hứng. Dương Nguyên Khánh luôn miệng nói muốn hòa đàm, nhưng mặt khác lại phái binh âm thầm chém giết cướp đoạt quận Đôn Hoàng, y nghĩ Dương Nguyên Khánh cũng không có thành ý.
Lúc này, ngoài điện truyền đến tiếng tuyên cáo của một gã thị vệ:
- Sứ thần Bắc Tùy đã đến!
- Tuyên y vào điện!
- Bệ hạ có chỉ, tuyên sứ thần Bắc Tùy vào yết kiến!
…
- Bệ hạ có chỉ, tuyên sứ thần Bắc Tùy vào yết kiến!
…
Dưới tiếng hét to của thị vệ, Đỗ Như Hối ngẩng cao đầu bước vào điện Lưỡng Nghi. Đỗ Như Hối là Tướng quốc trẻ tuổi nhất trong số năm Tướng quốc của Tử Vi Các, năm nay mới chỉ ba mươi hai tuổi, nhưng y chính là nguyên lão khai quốc công thần của Dương Nguyên Khánh, cũng là tâm phúc của Dương Nguyên Khánh. Y tựa như một cây trường mâu thẳng tắp, lợi hại không thể đỡ. Nhất thời trong điện Lưỡng Nghi vang lên tiếng tiếng nghị luận khe khẽ, rất nhiều đại thần đều nghe đại danh của Đỗ Như Hối từ lâu, nhưng thật không ngờ là y còn trẻ như vậy.