Đúng lúc tôi đang cân nhắc xem khung xương này có chỗ nào không ổn, ông nội bỗng lên tiếng: "Dương nhi, con thử phán đoán qua xem, người này khi sống làm nghề gì, và vì sao lại bị chết? Là nam hay nữ, nếu là nữ thì đã từng sinh con chưa, bao nhiêu tuổi thì chết, khi sống có bệnh tật gì không? Biết tới đâu nói tới đó."
"Ông nội, người đang thử con ư?" Tôi hỏi.
Ông nội vẩy vẩy tàn thuốc: "Cứ coi như vậy đi."
Trong lòng tôi thầm than, ông nội cũng thật kỳ quái, nửa đêm dựng tôi dậy, kéo ra bãi tha ma đào mồ người khác. Chắc thế gian này ông tôi là duy nhất.
"Mau xem nhanh đi, ở đây âm khí quá nặng, hài cốt này phơi ra ngoài lâu, sợ sẽ khó phán đoán." Ông nội dậm chân.
Tôi bèn tĩnh tâm lại, ngồi xuống quan sát kỹ khung xương, phía xa xa quanh bãi tha ma thỉnh thoảng có vài tiếng động sột xoạt phát ra, vả lại, ở đây âm khí nặng, rất ảnh hưởng tới đầu óc con người. Cho nên tôi tập trung tinh thần để tâm không bị xao nhãng.
Hài cốt này được tôi ghép lại, từ đầu tới chân dài khoảng 1m8, người này sinh thời hẳn rât cao, thế nhưng bàn chân lại vô cùng nhỏ, điều này là phi khoa học. Chiều dài bàn chân và chiều cao của một người luôn có một tỉ lệ cố định, người càng cao thì bàn chân càng dài, trừ khi người này lúc sống bắt chước phụ nữ phong kiến, bó chân từ nhỏ thành ba tấc sen vàng.
Tôi tạm thời bỏ qua yếu tố này, chuyển qua phán đoán giới tính của người này. Nhìn khớp xương vừa to vừa thô, phản ứng đầu tiên của tôi là đàn ông. Thế nhưng độ giã của xương chậu lại rõ ràng là đặc điểm của phụ nữ, hơn nữa trên xương mu còn lưu lại dấu vết sinh nở.
Tôi cầm đầu lâu lên, xác nhận tuổi, từ độ mòn của hàm răng mà phán đoán, đây là đầu của một người trưởng thành, tầm 30 tuổi. Nhưng xem tới xương đùi, rất xốp nhẹ, đây là dấu hiệu vôi hóa, hơn nữa còn chịu áp lực nhiều năm nên trở thành cong vênh; những đặc điểm này rõ ràng là của người già, sao lại kỳ quái như vậy?
Càng kỳ quái hơn, là hai tay người này khớp xương thô kệch, to lớn, là đặc trưng của xương chân, chẳng lẽ từ khi còn sống người này đi lại bằng bốn chi?
Bộ hài cốt này từ đầu đến chân đều mâu thuẫn với nhau, làm người phán đoán càng nhìn càng lưỡng lự, có điều đột nhiên tôi hiểu ra dụng ý của ông nội. Lần thử thách này chắc chắn không đơn giản, trong lòng tôi đã có một đáp án.
Ngồi xổm một lúc lâu, tôi đứng dậy đột ngột làm đầu óc quay cuồng, trước mắt biến thành màu đen, hai chân tê dại mất cảm giác. Trước mặt ông nội đầy đầu mẩu thuốc, vốn tôi đã vô thức ngồi quan sát cả nửa giờ đồng hồ.
"Thế nào, Dương nhi?" Ông hỏi.
"Người này đại khái khoảng 30 tuổi, vừa là nam vừa là nữ, khi còn sống sinh hoạt trong cảnh giam cầm, đi lại bằng bốn chân, ăn đồ ăn thô ráp, còn sinh tới bảy tám đứa con, bị chết đuối, sau đó còn bị người ta chém."
"Đây là kết luận của con?" Ông nội cười lạnh.
"Đúng vậy, bởi vì căn bản đây không phải là một người." Tôi đáp.
"A" ông nội tỏ ra hứng thú: "Con nói xem, tại sao đây không phải là một người?"
Bộ hài cốt này, trừ phần đầu ra, còn lại trên thân đều là mượn xương động vật thay thế. Chân dê, tay lợn, xương chậu thì lại là của một con lợn nái khác, cẳng tay và xương chân thì dùng xương cốt vụn vặt ghép lại, khả năng là từ chó mèo hoang.
Nếu phải phán đoán nguyên nhân chết của người này, từ vết đứt trên cổ mà suy ra, là bị người ta chém đầu.
Nghe tôi nói xong, ông nội vui mừng gật đầu: "Trẻ nhỏ dễ dạy, cổ nhân nói có sách dẫu sao cũng hơn vô sách, nếu con không phân biệt được xương người và xương động vật, thì có nói bao nhiêu cũng vô ích thật tốt thật tốt, Tống gia ta quả nhiên đã có người kế nghiệp."
"Phải rồi, ông nội..." tôi nói thắc mắc trong lòng: "Đám xương này rốt cuộc là thế nào?"
Ông hút một hơi thuốc, bắt đầu nói ra lai lịch quỷ dị của bộ xương này.
Đó là chuyện ba mươi năm về trước.
Khi đó, huyện bên cạnh Bạch Dương trang có một thôn dân gọi là Hoàng Tam. Hắn là một thanh niên chơi bời lêu lổng, cờ bạc rượu chè, nửa đêm mò vào nhà góa phụ..chưa đầy hai mươi tuổi đã khiến mẹ hắn uất hận mà chết.
Tiểu tử này đương nhiên là không lấy được vợ, vay tiền khắp nơi, người trong thôn ai cũng khinh ghét. Hắn quậy trong thôn không nổi nữa, phải ra ngoài làm việc, làm nơi này mấy ngày, nơi khác mấy ngày, trên tay có đồng nào là mang đi đánh bạc.
Có lần hắn thiếu nợ 5 ngàn tệ tiền cờ bạc, chủ nợ tới tận thôn đòi tiền. Lúc ấy, khoản tiền này rất có giá trị, thậm chí đủ để mua mấy căn nhà trong thôn, nên người thân trong nhà đều nói không quen biết hắn.
Vài ngày sau, có người nhặt được một bọc nilon đen sau núi, bên trong có một đầu người máu me đầm đìa, vội chạy đi báo cảnh sát. Cảnh sát chụp ảnh, đăng lên báo để người nhà tới xác nhận. Có một người họ hàng xa của Hoàng Tam nhận ra đây chính là hắn, tiểu tử này tám phần là bị chủ nợ giết, mọi người đều nói là do hắn tự tìm tới cái chết. Thêm nữa, người nhà quê tư tưởng bảo thủ, không nhắc tới tố tụng, cảnh sát cũng đành không lập án điều tra, án mạng này cứ như vậy mà chìm đi.
Đầu của Hoàng Tam bị trả về thôn, mọi người cũng cảm thấy Hoàng gia quá thảm, cứ như vậy mà đoạn tuyệt con cháu, Hoàng Tam chết không toàn thây, sợ rằng hôn phách không siêu thoát. Lại có người biết được mẹ của Hoàng Tam vốn là người Sán Triều, bởi vậy dựa theo phong tục Sán Triều, 'thế thân táng' cho hắn, chính là dùng xương động vật ghép thành thân người cho hắn, coi như là để hắn sau khi chết có thể yên lòng.
Kể xong lai lịch của bộ xương này, ông nội bảo tôi mau chôn nó lại. Chôn xong, ông rút một xấp giấy vàng, bật một que diêm lên đốt, đặt ở mộ phần, nói: "Hoàng Tam huynh đệ, quấy rầy ngươi rồi, ta biết ngươi bị chết oan, lại chẳng có con cái nối dõi, chút lễ vật này mong ngươi nhận cho. Chờ ngày giỗ năm sau của ngươi, ta nhất định sẽ mời pháp sư về làm lễ, siêu độ vong linh cho ngươi."
Vừa dứt lời, một luồng gió lạnh vô cớ nổi lên, làm ánh lửa lay động không ngừng, tôi mơ hồ còn nghe trong gió có tiếng khóc như gần như xa, cuốn đám tàn tro bay lên trời. Tôi ngây cả người, bị ông nội ấn đầu xuống, bảo tôi khấn mấy câu xin lỗi người ta đi.
Lúc tôi ngẩng đầu lên, cơn gió đã biến mất, tôi run run hỏi ông: "Trên đời thật sự có ma quỷ hả ông?"
"Có một số việc, tin thì có, không tin thì không. Nhưng Dương Nhi, con phải nhớ kỹ, Ngỗ Tác khám nghiệm tử thi chính là một mạo phạm tới người đã chết. Bởi vậy, mỗi thời khắc đều phải lưu giữ lòng kính trọng trong tâm, mới có thể không thẹn với trời đất."
Tôi gật đầu: "Dạ, con ghi nhớ, ông nội."
Nhưng tâm niệm vừa chuyển, lời ông nói chẳng phải sau này tôi có thể làm pháp y sao, tôi vội hỏi: "Ông nội, người thử thách con cũng xong rồi, liệu từ nay con có được theo Tôn thúc thúc làm việc không?"
"Không, tuyệt đối không được. Tổ huấn của Tống gia tuyệt đối không được vi phạm." Ông nộ lạnh giọng quát.