Mục lục
ĐẠI TẤN ĐẸP ĐẾN NHƯỜNG ẤY
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Editor: Xoài

Beta: Hoàng Lan

“Khụ khụ, Vương Duyệt, ngọc bội xanh xanh, bồi hồi lòng ta, những ngày gần đây, trong đầu ta đều là huynh.”

“Vương Duyệt, cùng nhau nắm tay, bạc đầu đến già, làm phò mã của ta được không?”

“Vương Duyệt, ta… ta thích huynh.”

“Ừm, chính là câu này, đơn giản trực tiếp. Vương Duyệt, ta thích huynh.”

Rừng trúc, hồ nước, mặt hồ phẳng lặng như gương, chợt có lá cây phong đỏ bên bờ bay xuống, không tiếng động mà gợi lên từng gợn sóng.

Một cô bé khoảng mười một, mười hai tuổi đứng trên cầu, dựa vào lan can nhìn xuống dưới, nhìn cái bóng dưới mặt hồ nói một mình, lấy hồ làm gương, chọn ra biểu cảm mà mình tự nhận là đẹp nhất, lời nói dễ nghe nhất.

Hôm nay, nàng phải thổ lộ với Vương Duyệt.

Chọn được lời, nàng đi xuống cầu rồi bước vào rừng trúc.

Trời đã vào thu, trong rừng trúc phủ kín những mảng lá trúc khô héo, giống như một tấm thảm dày, dưới chân mềm nhũn, không vững vàng như bước vào đám mây.

Nàng hơi nhấc tà váy lên, để tránh lá rụng dính vào làm bẩn tà váy, một thân áo đỏ, đi xuyên thẳng qua giữa lá vàng và trúc xanh, nhẹ nhàng giống như một con phượng hoàng lửa.

Keng! Keng! Keng!

Tiếng va chạm của kim loại nối liền nhau càng lúc càng lớn, cách Vương Duyệt càng ngày càng gần, nhịp tim của nàng cũng càng lúc càng nhanh.

Sâu trong rừng trúc có một căn nhà cỏ, bên ngoài nhà cỏ là một hàng rèn, lò lửa đang cháy mạnh, Vương Duyệt để hở vai phải, huơ chùy, hai tay để trần rèn sắt.

Hắn đang đúc kiếm.

Cơ bắp cánh tay rắn chắc giống như hai con chuột đang nằm, phập phồng lên xuống theo động tác đánh của chùy sắt, nện từng cái vào miếng sắt nung đỏ.

Vương Duyệt xuất thân từ một trong những gia tộc hiển hách, cổ xưa nhất của Đại Tấn — Lang Gia Vương thị, tuổi tác xấp xỉ với nàng, là thần đồng, ba tuổi học vỡ lòng, năm tuổi có thể làm thơ, sáu tuổi đã dùng giọng trẻ con non nớt đàm luận về huyền học với danh sĩ, có tiếng tăm trong Kinh Thành, bình thường học tập mệt mỏi thì sẽ lấy việc đúc kiếm làm thú tiêu khiển.

Thật sự là văn thì có thể đọc sách, võ thì có thể rèn sắt, văn võ song toàn, được gọi là kỳ lân tử của Lang Gia Vương thị, tiểu thiếu niên xuất chúng nhất của thế hệ này.

Càng gõ miếng sắt càng mỏng, lộ ra mũi nhọn, chùy cũng mỗi lúc một nhanh, Vương Duyệt giống như thanh kiếm mà hắn sắp đúc thành, như cắt như bổ, như giũa như mài, làm loạn lòng nàng.

Lòng thiếu nữ của nàng, bị từng chùy của hắn đập cho ngoan ngoãn tuân theo.

Nàng chỉ cảm thấy nhịp tim của nàng và cái chùy gõ vào miếng sắt nhanh như nhau, muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, hai tay nàng không khỏi che ngực, cưỡng ép ấn trái tim về.

Cuối cùng Vương Duyệt cũng dừng gõ, lấy khăn lau mồ hôi, hỏi nàng: “Muội tìm ta làm gì?”

Nhìn chiếc khăn chà xát khuôn mặt như ngọc đẹp điêu khắc của hắn, cơ bắp rắn chắc như có con chuột nhỏ trên cánh tay… còn có lông dưới cánh tay, đúng vậy, người đẹp như này, ngay cả lông dưới cánh tay cũng đẹp.

Nàng thấy sắc nảy lòng tham, thèm thuồng thân thể hắn, nàng che ngực, ngăn chặn nhịp tim đập loạn cào cào, tiếp tục ngây người.

Vương Duyệt lại hỏi: “Muội muốn làm gì?”

Đương nhiên là muốn làm khăn tay của huynh… Nàng nuốt nước bọt một cái, nói ra câu mà nàng đã tập luyện vô số lần trên cầu: “Vương Duyệt, ta thích huynh.”

Vương Duyệt ném miếng sắt nung đỏ vào trong nước lạnh, nước lạnh vang tiếng xèo xèo, khói trắng cuồn cuộn bốc lên từ mặt nước, giống như một con rồng bay màu trắng, ngăn cách ở giữa Vương Duyệt và nàng, cắt đứt tầm mắt của nàng.

Nàng không thấy rõ dung nhan mỹ ngọc như mài như giũa của Vương Duyệt đằng sau màn khói trắng, chỉ nghe thấy hắn nói: “Công chúa, muội tỉnh táo một chút.”

“Vương Duyệt, ta thích huynh.” Nàng nói ra: “Ta biết thân là công chúa Đại Tấn, không thể quyết định mình gả cho ai, nhưng ta biết mình thích ai. Về điểm này, ta rất tỉnh táo.”

Nàng nói ra lần thứ ba: “Vương Duyệt, lòng ta chính là duyệt huynh.”

Khói trắng vẫn luôn bốc lên không tan, khuôn mặt của Vương Duyệt tiếp tục mơ hồ, như ẩn như hiện sau làn khói trắng: “Công chúa, muội tỉnh táo đi.”

Nàng vung tay áo hồng, cố gắng xua tan khói trắng, hỏi: “Vương Duyệt, lòng huynh cũng có ta sao?”

Vương Duyệt lại nói: “Mau tỉnh táo lại, công chúa.”

Nàng vừa tức vừa gấp, dứt khoát tiến lên bắt lấy tay hắn: “Này, huynh trả lời ta đi chứ!”

“Công chúa? Công chúa! Mau tỉnh lại!”

Khói trắng đáng chết cuối cùng cũng tan đi, trước mắt lại là khuôn mặt của một người phụ nữ, chính là nữ quan Phan Mỹ nhân trong cung.

Trong tay nàng là tay của Phan Mỹ nhân, không phải là tay của Vương Duyệt.

Mỹ nhân là tên chức quan của nữ quan nhị phẩm trong cung đình Đại Tấn, không phải là tần phi của Hoàng đế.

Mỹ nhân bình thường là nữ quan tâm phúc bên cạnh Hoàng hậu, ví dụ như nhũ mẫu Từ Nghĩa của tiên Hoàng hậu Giả Nam Phong, được phong làm Từ Mỹ nhân.

Hóa ra là mơ.

Ngày nghĩ gì thì đêm mơ nấy. Chẳng trách dưới chân mềm như vậy, khói trắng tràn ngập, Vương Duyệt luôn thúc giục nàng tỉnh táo một chút.

Hai tháng trước, nàng lấy dũng khí, dự định thổ lộ với Vương Duyệt, thế nhưng Vương Duyệt đột nhiên rời khỏi Kinh Thành, nói là đi về quê Lang Gia ở Sơn Đông để cúng tế.

Hiện thực và mơ đều thổ lộ chưa đạt, ôi.

Nàng ảo não vô cùng, nhắm mắt lại, hai chân kẹp lấy chăn cuộn một cái, bao bọc mình thành một bé tằm, lăn đến giữa giường: “Phan Mỹ nhân, con vẫn chưa ngủ đủ.”

Nàng nhắm mắt lại, cố gắng ngược dòng tìm lại mộng đẹp thổ lộ chưa thành, hy vọng có thể kéo dài giấc mộng, nghe được câu trả lời của Vương Duyệt — dù chỉ là nằm mơ.

Thế nhưng Phan Mỹ nhân mạnh mẽ vạch chăn ra, đánh thức nàng: “Công chúa mau dậy đi, có việc gấp.”

Nàng cướp lấy chăn: “Trừ phi trời sập, không có chuyện gì có thể quấy nhiễu mộng đẹp của con.”

Để ta ngủ! Để ta ngủ! Ta muốn tiếp tục mơ thấy Vương Duyệt.

Phan Mỹ nhân lại nói: “Công chúa, trời sập rồi — hôm nay lâm triều, Triệu vương Tư Mã Luân ép Hoàng thượng nhường ngôi, ông ta đã làm Hoàng đế, đã phế Hoàng thượng và Hoàng hậu, đổi sang phong thành Thái thượng hoàng và Thái hậu, bây giờ Thái thượng hoàng và Thái hậu sắp bị tân hoàng đuổi ra khỏi Hoàng cung, nhốt ở thành Kim Dung!”

“Cái gì?”

Nàng lập tức tỉnh táo, bắn dậy từ trên giường: “Nhanh chóng thay y phục cho con.”

Nàng là công chúa Thanh Hà của Đại Tấn, con gái của Hoàng đế Tư Mã Trung và Hoàng hậu Dương Hiến Dung, bây giờ đế hậu đều bị phế, nhốt ở thành Kim Dung, tổ chim bị phá thì trứng có an toàn không? Đối với Thanh Hà mà nói không phải chính là trời sập à?

Thành Kim Dung là một trong những tòa thành ở góc Tây Bắc Lạc Dương của đô thành Đại Tấn nhưng thật ra là một tòa ngục giam hoa lệ, phàm là người được đưa đến trong thành Kim Dung thì không ai có thể sống sót đi ra ngoài.

Những năm cuối của triều Hán, thiên hạ đại loạn, ba nước Ngụy, Thục, Ngô ở thế chia ba, chinh phạt lẫn nhau.

Cuối cùng, Tư Mã gia thống nhất thiên hạ, quy về Đại Tấn.

Tù nhân đầu tiên vào ở trong thành Kim Dung là Hoàng đế thứ ba của nước Ngụy, Tào Phương.

Tù nhân thứ hai, là Hoàng đế cuối cùng của nước Ngụy, Tào Hoán.

Tù nhân thứ ba, là Thái hậu Dương Chỉ của nước Tấn, bị con dâu của bà ta là Hoàng hậu Giả Nam Phong của nước Tấn đưa vào, Giả Nam Phong thề sẽ không giết mẹ chồng là Dương Thái hậu, bà ta quả thật không nuốt lời — thành Kim Dung bị cắt nguồn nước nguồn lương thực, Dương Thái hậu cứ thế chết đói.

Sau mười năm, thành Kim Dung nghênh đón tù nhân thứ tư, Hoàng hậu Giả Nam Phong. So với mẹ chồng chết đói, bà ta chết khá là dễ chịu, bị Triệu vương đưa một ly rượu độc cho xong chuyện.

Cho nên, câu chuyện của thành Kim Dung có thể được viết thành một bộ tiểu thuyết tên là “Không ai còn sống”.

Tất cả những tù nhân bị giam vào trong thành đều là nhân vật lớn oai phong một cõi, cuối cùng đều chỉ có một thi thể lạnh băng được chuyển ra.

Bây giờ, thành Kim Dung sắp nghênh đón tù nhân thứ năm, một đôi vợ chồng, Thái thượng hoàng Tư Mã Trung và Thái hậu Dương Hiến Dung.

Vui quá hóa buồn, công chúa Thanh Hà rời ngay ra khỏi mộng đẹp của tâm tình thiếu nữ, vội vàng rời giường rồi chạy tới cung Vị Ương tiễn biệt cha mẹ, dựa theo lịch sử không còn người sống của thành Kim Dung thì lần này chính là vĩnh biệt.

Tân đế Tư Mã Luân đăng cơ, thay đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, vì để lôi kéo lòng người mà Tư Mã Luân ban thưởng khắp các nhân vật lớn nhỏ trong cung đình Đại Tấn, cho nên người người reo hò, nghênh đón tân đế ngồi lên ngai vàng.

Cuối thu, vạn vật tàn lụi, ngay cả hoa cúc cũng vô cùng ỉu xìu uể oải.

Vì xây dựng cảnh tượng vui mừng của tân đế đăng cơ, cung nhân treo lụa màu được gấp thành đóa hoa lên nhánh cây trụi lủi, thấy công chúa Thanh Hà đi tới đây, một bộ phận cung nhân dựa vào thói quen trước kia dừng lại công việc trong tay, đứng ở lề đường hành lễ với nàng.

Nhưng phần lớn cung nhân không để ý đến, tiếp tục treo các loại hoa lên nhánh cây, Thái thượng hoàng và Thái hậu sắp bị đưa đến thành Kim Dung, bản thân tiểu công chúa này khó đảm bảo, hành lễ gì chứ, vẫn là nịnh nọt người nhà của tân đế sắp đến Hoàng cung quan trọng hơn.

Nhìn cảnh tượng náo nhiệt trăm hoa đua nở này, trong lòng Thanh Hà như gió thu đìu hiu, không có cha mẹ che chở, ngay cả cung nhân bình thường cũng khinh thường nàng rõ ràng như thế, sau này nàng nên đứng thế nào trong cung đình Đại Tấn?

Thanh Hà dừng bước.

Phan Mỹ nhân thúc giục nói: “Công chúa, nhanh lên, đi trễ thì chỉ sợ không gặp được Thái thượng hoàng và Thái hậu đâu.”

Thanh Hà lắc đầu: “Ta đến cung Vị Ương thì có thể làm gì? Chỉ là một nhà ba người ôm nhau khóc thôi, khóc thì lại không thể ngăn cản cha mẹ ta bị giam vào thành Kim Dung.”

Phan Mỹ nhân thở dài: “Nếu công chúa không đi thì gặp mặt lần cuối cùng cũng không được, công chúa sẽ hối hận.”

Tân đế bị đủ loại áp lực, vẫn chưa xử tử Thái thượng hoàng và Thái hậu, nhưng thành Kim Dung không có ai sống vẫn là một luật thép, chỉ cần vào đó thì đừng hòng còn sống trở ra.

“Ai nói là lần cuối?” Ánh mắt Thanh Hà chắc chắn: “Chuẩn bị xe, đi phủ Tể tướng.”

Phan Mỹ nhân do dự nói: “Công chúa muốn đi tìm Tôn Thừa tướng xin giúp đỡ? Không có tác dụng đâu, chiếu thư ép Thái thượng hoàng nhường ngôi chính là do Tôn Thừa tướng tự tay viết.”

Thanh Hà ép buộc mình kéo ra nụ cười, ra vẻ nhẹ nhõm: “Tôn Thừa tướng là tằng ngoại tổ phụ của con, con thăm người thân mà thôi, không nói đến việc nước.”

Thừa tướng của Đại Tấn, Tôn Tú là ông ngoại của Thái hậu Dương Hiến Dung, cũng chính là ông cố ngoại của Thanh Hà.

Vì sao ông ngoại muốn giúp người ngoài phế đi ngôi vị đế hậu của cháu rể và cháu gái?

Nói ra rất dài.

Năm đó tiên Hoàng hậu Giả Nam Phong và Thái tử tranh quyền, Tôn Tú là phụ tá đệ nhất của Triệu vương Tư Mã Luân, Tôn Tú đã dâng lên cho Triệu vương kế sách “Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”.

Triệu vương dựa theo kế sách của Tôn Tú, trước tiên là giật dây cho Giả Nam Phong giết Thái tử, chơi trò mượn đao giết người, sau đó lấy danh nghĩa báo thù cho Thái tử, phụ tá chính nghĩa mà khởi xướng cung biến, đưa Hoàng hậu Giả Nam Phong đến thành Kim Dung rồi hạ độc chết, từ đây quyền khuynh triều dã, trở thành phiên vương nhiếp chính.

Làm phụ tá đệ nhất của Triệu vương, Tốn Tú là công thần lớn nhất, chiếm giữ chức vụ Trung Thư Lệnh của Trung thư tỉnh, tục xưng Tể tướng.

Tiên Hoàng hậu Giả Nam Phong bị hạ độc chết, phải lập tân Hậu. Hoàng đế là con rối của Triệu vương, không thể quyết định sẽ cưới ai, Hoàng hậu đương nhiên nhất định phải do Triệu vương chọn.

Đây đều là con đường cũ rồi, ngày xưa Thừa tướng Tào Tháo biến Hán Hiến Đế thành con rối, giết chết Phục Hoàng hậu, đẩy con gái Tào Tiết lên vị trí Hoàng hậu.

Nhưng Triệu vương không thể làm như vậy, bởi vì Triệu vương là con cháu hoàng gia, là ông chú của Hoàng đế, đều mang họ Tư Mã, chung quy cũng không thể kết hôn cùng họ được, đây là loạn luân.

Thế là, Triệu vương đưa miếng bánh thơm ngon là vị trí Hoàng hậu này cho Tôn Tú, người đã giúp ông ta đoạt được quyền hành của Đại Tấn, người cũng bởi vì vậy mà leo lên vị trí Tể tướng.

Tôn Tú vốn định bắt chước Thừa tướng Tào Tháo, đẩy con gái nhà mình lên ghế Hoàng hậu, nhưng Tôn Tú xuất thân từ Lang Gia Tôn thị, là nhà nghèo, dòng dõi quá thấp, đừng nói đến hoàng tộc và quan viên phản đối, ngay cả dân gian cũng chế nhạo Tôn Tú hoang tưởng.

Hoàng hậu của Đại Tấn nhất định phải xuất thân từ sĩ tộc. Con gái của nhà giàu mới nổi không thể nào có được sự tán đồng của người trong thiên hạ, không có tư cách làm mẫu nghi thiên hạ.

May thay, Tôn Tú có một con gái Tôn thị — được gả vào Thái Sơn Dương thị, một trong những gia tộc sĩ tộc cổ xưa, hiển hách nhất Đại Tấn, Tôn thị sinh ra một người con gái, tên là Dương Hiến Dung, tính cách hiền lương thục đức, sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành.

Dòng dõi Thái Sơn Dương thị không chê vào đâu được, người có công lớn Dương Hộ khi Đại Tấn khai quốc chính là người Thái Sơn Dương thị, ngoài ra, tỷ tỷ của Dương Hộ là Dương Huy Du còn là Cảnh Hiến Hoàng hậu của Hoàng đế Tấn Thế Tông.

Dưới sự ra sức bảo vệ của ông ngoại, Dương Hiến Dung trở thành kế hậu, bà là Hoàng hậu thứ hai của Thái Sơn Dương thị sau Dương Huy Du đến nay, xuất thân đủ để làm mẫu nghi thiên hạ, cũng sinh hạ được một con gái, chính là công chúa Thanh Hà.

Triệu vương Tư Mã Luân làm phiên vương nhiếp chính đủ rồi, bành trướng rồi thì dứt khoát phế đi đế hậu, tự mình làm Hoàng đế.

Lệnh chính trong thiên hạ đều từ Trung thư tỉnh, Tể tướng Tôn Tú thân làm Trung Thư Lệnh tự tay viết chiếu thư thoái vị, ép cháu rể là Hoàng đế nhường ngôi cho Triệu vương Tư Mã Luân, thoái vị nhường ngôi.

Công chúa Thanh Hà giá lâm đến phủ Tể tướng, Tôn Tú hành quốc lễ trước, bái kiến công chúa.

Sau đó Thanh Hà hành gia lễ với Tôn Tú, Tôn Tú mời nàng ngồi trên một chiếc sạp đơn ở vị trí cao phía Đông, trên sạp được phủ chiếu ấm làm bằng da chồn, Thanh Hà ngồi quỳ chân trên sạp.

Tôn Tú ngồi trên sạp đơn dưới tay Thanh Hà. Triều Tấn tiếp nhận lễ nghi của triều Hán, đều là cởi giày ngồi quỳ.

Tôn Tú có “thanh danh tốt đẹp” là đệ nhất gian thần Đại Tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do ông ta xuất thân nhà nghèo.

Nhà nghèo chịu sự kỳ thị của giới quan lại. Triều Tấn tiếp nối triều Ngụy, thực hiện hệ thống chín cấp, muốn nhập sĩ làm quan thì trước hết phải thông qua khảo hạch tiến cử của quan công chính địa phương, chia nhân tài làm chín cấp, hợp với chức quan.

Quan công chính đều xuất thân từ gia tộc lớn danh vọng, kiểm tra nhân tài toàn bộ dựa theo sở thích cá nhân của quan công chính, nếu không phải xuất thân sĩ tộc thì cơ bản sẽ không được đánh giá cao, cho nên, giới quan lại của triều Tấn cốt yếu là cục diện “Thượng phẩm không có hàn sĩ, hạ phẩm không có sĩ tộc”. Quan lớn gần như bị sĩ tộc lũng đoạn.

Tôn Tú xuất thân nhà nghèo ở quận Lang Gia của Sơn Đông, lại giữ vị trí Tể tướng, quan lớn nhất của Đại Tấn, chuyện này đối với sĩ tộc gần như đã lũng đoạn chức quan lớn mà nói quả thật là vô cùng nhục nhã, cho nên sĩ tộc hận Tôn Tú thấu xương, thầm mắng ông ta là đệ nhất gian thần Đại Tấn nhưng cũng không thể làm gì được.

Tôn Tú từ nhà nghèo đến Thừa tướng, cả đời sát phạt quyết đoán, mặc dù ngồi quỳ dưới tay Thanh Hà nhưng khí chất uy nghi lại áp chế nàng công chúa ở vị trí cao.

Thanh Hà thân là công chúa, ngược lại có chút giống với thân thích nghèo mạt tới cửa làm tiền.

“Công chúa tôn giá tới đây, là vì chuyện gì?” Tôn Tú biết rõ còn cố hỏi, giống như chiếu thư phế đế ở buổi lâm triều hôm nay không có liên quan gì đến ông ta vậy.

Thanh Hà cũng giả bộ điềm nhiên như không có việc gì, thật sự là đến nhà thăm người thân, thân là công chúa, cơ sở giáo dục được dạy từ nhỏ chính là càng là hoàn cảnh khó khăn thì càng phải biết giả vờ, trời có sập xuống thì cũng phải giữ thể diện hoàng gia.

Thanh Hà nói: “Gần đây Kê tiến sĩ giảng lịch sử tiền triều cho ta, nói Ngụy Võ Đế Tào Tháo xây dựng đài Đồng Tước, chiêu mộ mỹ nhân thiên hạ, trong đó có một ca cơ, ca hát vô cùng hay, chỉ là tính khí nóng nảy, thường xuyên bày ra sắc mặt cho Tào Tháo nhìn, mượn cớ không chịu hiến ca. Tào Tháo cảm thấy rất mất mặt, rất ghét ca cơ đó nhưng không thể làm gì được, bởi vì trên đài Đồng Tước không có ai hát hay hơn nàng ấy.”

“Tào Tháo chỉ có thể chịu đựng sự cuồng vọng của ca cơ đó trước, tìm một trăm ca cơ, lệnh cho bọn họ chăm chỉ luyện tập kỹ năng ca hát, cuối cùng cũng có một người trổ hết tài năng, hát hay giống như ca cơ. Tào Tháo trọng thưởng cho người này, đồng thời hạ lệnh chém đầu xử tử ca cơ xấu tính.”

Thanh Hà ám chỉ rõ ràng, Tôn Tú chính là “ca cơ”, đương kim Hoàng thượng Tư Mã Luân chính là “Tào Tháo”. Tư Mã Luân phế đi cháu ngoại và cháu rể của ngươi, rõ ràng là không nể mặt ngươi mà, có lẽ Tư Mã Luân đã tìm được nhân tài thay thế Tôn Tú.

Nghe con gái của cháu ngoại dùng giọng nói còn non nớt giảng về lịch sử tiền triều, Tôn Tú rốt cuộc cũng ngẩng đầu nhìn thẳng vào Thanh Hà, giống như lần đầu tiên quen biết nàng, đánh giá trên dưới một hồi lâu mới nói:

“Công chúa là đang khích bác tình nghĩa quân thần của ta và Hoàng thượng. Nếu không phải Hoàng thượng coi trọng thì ta vẫn là một văn sĩ bình thường nhà nghèo ở Lang Gia, nằm mơ cũng không nghĩ sẽ làm Tể tướng Đại Tấn, ngoại tôn nữ của ta cũng không có cách nào trở thành Thái hậu, công chúa càng không có khả năng được sinh ra, lời gièm pha như vậy ta coi như chưa nghe thấy, mời công chúa về cho.”

Tôn Tướng quốc thế mà vừa mở miệng đã đuổi Thanh Hà ra khỏi phủ Tể tướng.

Chiếu ấm dưới người Thanh Hà còn chưa ấm chỗ đâu.

Thanh Hà cũng không dây dưa cầu xin Tôn Tú cứu cha mẹ nàng quá nhiều, khởi giá hồi cung ngay lập tức, vội vàng đi từ biệt với cha mẹ.

Nhưng vừa đến cửa cung thì tân đế Tư Mã Luân đã sai người đưa nàng tới cung Trường Lạc dạy dỗ.

Tân đế vừa mới bắt đầu còn có thể giữ mặt mũi, ôn hòa hỏi nàng: “Hôm nay công chúa và Tôn Thừa tướng đã hàn huyên chuyện gì?”

Thanh Hà ấp úng, không dám nhìn thẳng vào mắt tân đế, dáng vẻ chột dạ sợ hãi.

Mãi đến khi tân đế mất kiên nhẫn, bàn tay phải vỗ lên ngự án: “Mau nói! Ngươi cũng muốn bị đưa đến thành Kim Dung sao?”

Hai tay Thanh Hòa xoắn lấy ngọc bội bên hông, giọng nói run rẩy: “Ta cầu Tôn Thừa tướng thuyết phục Hoàng thượng, đừng đưa Thái thượng hoàng và Thái hậu đến thành Kim Dung.

Tôn Thừa tướng nói… ông ấy nói… việc đã đến nước này, ông ấy bất lực.”

Tân đế không tin: “Chỉ những thứ này? Nếu như ngươi dám giấu giếm —”

“Ta nói!” Thanh Hà vội vàng nói: “Tôn Thừa tướng còn nói, vì sao ta không phải là thân trai tráng, nếu như ta là nam tử.”

Tân đế truy hỏi: “Sau đó thì sao?”

Thanh Hà lắc đầu: “Không có sau đó, ông ấy chỉ nói “Nếu như ta là nam tử” rồi muốn ta rời đi.”

—-------------

Tác giả có lời muốn nói:

Tôn Tú: Ta không có nói.

Thanh Hà: Không, ông có nói.

Vương Duyệt: Nghe nói người nào đó thèm thuồng thân thể của ta…

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK
Chương trước
Chương trước
Chương sau
Chương sau
Về đầu trang
Về đầu trang