Editor: Xoài
Beta: Hoàng Lan
Sáng hôm sau, nhân lúc Kê Hầu trung vẫn chưa đến nha môn Môn hạ tỉnh làm việc, Thanh Hà đã yên lặng ngồi xe bò đi đến Kê trạch ở Diên Khang lý.
Bánh xe đi trong ngõ hẻm đè ra ngấn tuyết dài nửa thước, hình thành hai đường thẳng song song giống như không có điểm cuối.
Cách lúc hạ độc chết Kiến Thủy Đế chỉ còn hai mươi lăm ngày.
Từ khi Kê Thiệu thăng từ tiến sĩ lên làm Hầu trung của Môn hạ tỉnh, từ nhàn rỗi biến thành bận rộn, Thanh Hà cũng chưa gặp thầy.
Thầy trò hai người chưa từng nói rõ nhưng ngầm hiểu lẫn nhau, Thanh Hà châm ngòi ly gián chơi tâm kế, Kê Hầu trung làm “yêu cơ họa nước” mê hoặc Kiến Thủy Đế, ngầm đấu đá với Tôn Thừa tướng, quấy rối quốc gia đến mức chướng khí mù mịt, để Kiến Thủy Đế trở thành trò cười của sĩ tộc, không được lòng thần tử.
Không có so sánh thì không có tổn thương, các sĩ tộc phát hiện ra, Kiến Thủy Đế còn không bằng Hoàng đế ngốc, huống chi ông ta còn là thứ tử do Bách phu nhân sinh ra, danh bất chính ngôn bất thuận. Trong khoảng thời gian này thế cục dần dần thay đổi, mọi người bắt đầu nhớ nhung Thái thượng hoàng ngốc trong thành Kim Dung.
Bởi vì phải tránh hiềm nghi, Thanh Hà biết, Hầu trung thân là phụ tá tâm phúc của Kiến Thủy đế, không thể khiến cho Hoàng thượng nghi ngờ sự trung thành của Kê Hầu trung. Cho nên Thanh Hà chưa từng đi tìm ông.
Nhưng hôm nay, Thanh Hà có chuyện nhờ Kê Hầu trung.
“Xin kiếm?” Kê Hầu trung không hiểu: “Con cũng không biết võ, xin kiếm làm gì?”
Ông híp mắt lại: “Có phải là bởi vì sinh thần của Vương Duyệt sắp tới rồi nên muốn tặng quà cho nó không?”
Kê Hầu trung thật sự hiểu Thanh Hà rất rõ, có điều, lần này Thanh Hà không phải vì Vương Duyệt: “Kê Hầu trung bây giờ bận rộn công vụ, không rảnh dạy con, con muốn học chút thứ gì khác. Dự định bái Tuân Hoán nhà Dĩnh Xuyên Tuân thị làm thầy, muốn muội ấy dạy con học võ. Khổ vì không có lễ vật thích hợp để cảm ơn thầy, nghĩ đến phụ thân Kê Khang của thầy năm đó rèn sắt đúc kiếm trong rừng trúc, muốn xin một thanh kiếm.”
Kê Hầu trung thấy hứng thú ngay lập tức: “Công chúa thế mà lại kết bạn với Hoán Nương của Tuân gia? Quá tốt rồi, Tuân gia có mấy vạn bộ phận tư binh, kết giao với nàng ấy có lợi cho công chúa.”
Góc độ đối đãi với người và sự việc của trẻ con và người lớn không giống nhau, Thanh Hà chỉ là bội phục Tuân Hoán này, muốn học chút thứ gì đó để tự vệ, thứ Kê Hầu trung nhìn thấy là thế lực gia tộc hùng mạnh sau lưng Tuân Hoán.
Kê Hầu trung xưa nay hào phóng với Thanh Hà, cũng không giấu riêng, ông lấy một cái hộp trúc dẹt từ trong phòng, đặt lên bàn trà mở ra, bên trong là một thanh kiếm dài, trên chuôi kiếm khắc hai chữ “Phong Tùng”.
Kê Hầu trung rút kiếm, lúc kiếm ra khỏi võ thì phát ra tiếng rít gào như tiếng thông reo.
Kê Hầu trung múa kiếm trong tuyết, lợi kiếm sắc bén, chém ra từng bông tuyết, Thanh Hà nhìn như si như say, đây là thầy giáo thần tiên gì vậy, không có gì không làm được.
Kê Hầu trung múa đến khi trán có chút đổ mồ hôi, kiếm vào vỏ, ông đưa cho Thanh Hà: “Kiếm này tên là Phong Tùng, bởi vì tiếng kiếm giống như rừng tùng khi có gió, vang lên không ngừng mà đặt tên. Năm đó cha ta đúc kiếm này còn viết khúc đàn cổ “Phong nhập tùng”, phụ thân múa kiếm Phong Tùng, nghĩa phụ ta là Sơn Đào đàn tấu “Phong nhập tùng”, khi đó ta chỉ có năm tuổi, không biết thưởng thức, chỉ biết đi vào trong rừng tùng nhặt quả thông chơi, cảnh tượng này tựa như mới hôm qua. Thanh kiếm này giao cho con chuyển tặng cho Tuân Hoán.”
Kiếm Phong Tùng quý giá như thế, Thanh Hà không dám nhận, nàng nói: “Thanh kiếm này có ký ức của thầy đối với phụ thân và nghĩa phụ, con nhận thì ngại… đổi một thanh bình thường một chút.”
“Nếu như một thanh kiếm Phong Tùng có thể giúp công chúa kết bạn với Hoán Nương của Tuân gia thì ta cam tâm tình nguyện.” Kê Hầu trung nhặt một chiếc lá khô trên mặt tuyết: ““Giữa trời đất, xuân hạ thu đông, bốn mùa luân phiên, vạn vật đều có thời”, đây là thầy Sơn Đào của ta dạy ta, không nên quá chấp nhất, huống chi là một thanh kiếm? Ta không phải chủ nhân của nó, chỉ là tạm thời bảo quản mà thôi. Mặc dù ta chưa từng gặp Hoán Nương của Tuân gia nhưng nghe Vương Duyệt nói nàng ấy là thiên tài võ học, Dĩnh Xuyên Tuân thị ký thác kỳ vọng với nữ tử này, Lưu Côn cũng phá vỡ định kiến nam nữ, nhận môn sinh nữ, cái gọi là bảo kiếm tặng anh hùng, ta cảm thấy Tuân Hoán xứng đáng làm chủ nhân của thanh kiếm này.”
Kê Khang hy sinh ở chợ ngựa, nước Ngụy diệt vong, Sơn Đào nuôi dưỡng Kê Thiệu, sau khi Kê Thiệu lớn lên muốn quy ẩn sơn lâm, Sơn Đào chính là dùng câu nói “Vạn vật đều có thời, huống chi triều đại đã thay đổi” để khuyên Kê Thiệu buông mối thù giết cha, ra làm quan ở triều Tấn, Kê Thiệu bởi vậy mà hiểu ra, lấy phong thái hạc giữa bầy gà xuất hiện, từ đây danh chấn Kinh Thành.
Làm học sinh của Kê Thiệu, Thanh Hà biết rõ chuyện cũ này, vẻ mặt nghiêm túc tức thì, sửa sang lại quần áo, thận trọng quỳ xuống trong tuyết, hai tay nâng lên nhận lấy kiếm Phong Tùng.
Thanh Hà thăm dò được hành tung của Tuân Hoán từ chỗ Vương Duyệt, muốn bái nàng ấy làm thầy.
Vương Duyệt nhìn thấy kiếm Phong Tùng, hiểu rõ ngay ý cười thần bí của Thanh Hà ngày hôm qua: Làm vui lòng, Tuân Hoán có thể sẽ từ chối làm thầy, nhưng thân là người học võ, sẽ không từ chối danh kiếm có lai lịch.
Thành thật mà nói, Vương Duyệt cũng thích kiếm Phong Tùng, nhưng hắn biết dụng ý của Kê Hầu trung, hy vọng Thanh Hà có thể thông qua Tuân Hoán mà nhận được sự ủng hộ của Dĩnh Xuyên Tuân thị.
Vương Duyệt quyết định trợ giúp tâm nguyện bái sư của Thanh Hà.
Vương Duyệt nói: “Mỗi sáng sớm Tuân Hoán đều đến trường ngựa Kim Câu luyện tập cưỡi ngựa bắn cung, gần như là mặc kệ mưa gió, chúng ta đi tìm muội ấy.”
Hai người cưỡi ngựa, Thanh Hà hỏi Vương Duyệt: “Làm sao huynh lại nghi ngờ ta và Lưu Diệu quen biết?”
Vương Duyệt nói: “Lúc ta theo dõi cửa hàng hương liệu, thông qua lỗ trên tường nhìn thấy Phan Mỹ nhân xuất hiện. Lại nghĩ tới ngày đó muội đâm Lưu Diệu một nhát, Lưu Diệu vốn có thể giết muội nhưng ông ta không hề động vào muội, lại thêm sau đó muội nhắc đến Lưu Diệu với ta cũng không có hứng thú lắm, giống như giấu giếm gì đó, kết hợp đủ thứ lại, nên ta nghi ngờ muội.”
Thanh Hà khẽ giật mình, hỏi: “Huynh nhìn thấy Phan Mỹ nhân tìm Lưu Diệu? Đây là chuyện xảy ra khi nào?”
Vương Duyệt nói: “Hôm kia.”
Chính là ngày Phan Mỹ nhân thỉnh cầu cùng mình đến vườn Kim Cốc gặp mặt Tôn Thừa tướng.
Hóa ra Phan Mỹ nhân nói đi đến mộ Phan gia tế bái chỉ là lấy cớ, bà ấy đi tìm Lưu Diệu, vì sao? Chẳng lẽ vẫn luôn là Phan Mỹ nhân truyền tin tức thay mẹ?
Thanh Hà mang theo nghi vấn đi đến trường ngựa Kim Câu.
Trường ngựa Kim Câu do phò mã của công chúa Thường Sơn là Vương Tế xây nên, Vương Tế xuất thân Thái Nguyên Vương thị, khi còn sống ông ấy có hai sở thích lớn: Ngựa và nghe lừa kêu.
Sau khi ông ấy chết, khách khứa đến phúng viếng ai cũng khóc ròng, chỉ có bạn tốt Tôn Sở là không có một giọt nước mắt nào, ở trước bài vị học theo lừa kêu, giống như đúc. Đại Tấn tôn sùng sự phong lưu tùy tính tự nhiên, thơ văn của Vương Tế lưu truyền không nhiều, ngược lại bởi vì có người vì ông, học tiếng lừa kêu ở trước linh cửu mà nổi danh thiên hạ…
Vương Tế có đam mê về ngựa, si mê ngựa, thậm chí vì ngựa mà dùng tiền đồng vây thành một cái trường ngựa!
Dùng từng chuỗi tiền đồng làm hàng rào. Tiền đồng là kim loại, cho nên trường ngựa này tên là Kim Câu.
Hán Vũ Đế là kim ốc tàng Kiều, Vương Tế là kim ốc giấu ngựa, có thể thấy được ông ấy thích ngựa tới mức nào.
Cho tới bây giờ, tiền đồng của trường ngựa Kim Câu đã rỉ sét loang lổ, tối hôm qua có một cơn tuyến lớn đã che lấp tiền đồng chất đống, trắng xóa một mảng sạch sẽ. Vương Duyệt và Thanh Hà cưỡi ngựa đi đến đây, xa xa trông thấy Tuân Hoán mặc đồ người Hồ với tay áo hẹp, cưỡi một con tuấn mã màu đen, đạp tuyết lao vun vút.
Tuân Hoán ở trên lưng ngựa xê dịch qua lại, nhẹ nhàng linh hoạt giống như chim tước, nàng ấy trái phải giương cung, người gỗ hai bên đường đều bị trúng tên.
Thanh Hà mở rộng tầm mắt, vỗ tay khen hay. Vương Duyệt cũng lộ ra vẻ khâm phục.
Tuân Hoán nhìn thấy Vương Duyệt và Thanh Hà thì thúc ngựa đi đến: “Tào Y Hoa, Vương Duyệt, các huynh cũng tới rồi, muốn so tài với ta không?”
Thanh Hà thấy sợ: “Ta không biết bắn cung.” Ta phải xin muội dạy ta.
Tuân Hoán nói: “Vậy thì so cưỡi ngựa, ta thấy huynh cưỡi không tệ.”
Thanh Hà chỉ vào Vương Duyệt: “Là đệ ấy dạy ta.”
Tuân Hoán rất biết cách nói chuyện: “Quả nhiên thầy hay có trò giỏi.”
Ba người đua ngựa, xem ai có thể chạy quanh trường ngựa Kim Câu một vòng nhanh nhất. Thanh Hà vốn coi trọng tinh thần tham gia, ở phía sau đuổi theo, Vương Duyệt và Tuân Hoán luân phiên ở phía trước, gần như mỗi lần đến chỗ rẽ thì hai người đều phải tranh đoạt một phen.
Vòng qua đường rẽ cuối cùng, hai người kề vai sát cánh, ngang tài ngang sức, hai người gần như đồng thời rút gậy dài trên lưng ngựa, đâm gậy qua, vừa cưỡi vừa đánh, rõ ràng là đã sớm đánh quen rồi, hiểu rõ khi nào đối thủ ra tay.
Đây đâu phải là đua ngựa, rõ ràng là đánh trận!
Chiêu nào của Tuân Hoán cũng tàn nhẫn, Vương Duyệt không muốn thua trước mặt Thanh Hà, dùng hết sức còn dùng cả nhan sắc, vung gậy gỗ mạnh mẽ uy lực, khuấy động hoa tuyết như lông ngỗng thành hạt muối nhỏ vụn.
Thanh Hà sợ đến mức hãm tốc độ lại, không dám dính vào, dù sao cũng sẽ đứng chót, giữ mạng quan trọng hơn.
Vương Duyệt và Tuân Hoán cùng nhau đến điểm cuối, Thanh Hà mới khoan thai mà đến.
Thanh Hà nhìn đánh trận đến mức run chân, lúc giẫm lên bàn đạp xuống ngựa, dưới chân có băng tuyết trơn trượt, Vương Duyệt và Tuân Hóa đồng thời ra tay, một trái một phải đỡ nàng.
Tuân Hoán nhìn thấy thanh kiếm dài dùng vải bọc lấy trên lưng Thanh Hà: “Huynh đã không biết võ thì mang theo kiếm làm gì?”
Thanh Hà mở nút thắt vải trên vai, lấy trường kiếm ra: “Ta muốn bái muội làm thầy, học chút võ nghệ phòng thân, đây là lễ vật bái sư của ta.”
Tuân Hoán liên tục lùi về sau: “Ta bình thường bận rộn nhiều việc, không có thời gian dạy người khác, huống chi huynh có biểu đệ Vương Duyệt này ở đây, cần gì bỏ gần tìm xa đến bái ta.”
Vương Duyệt đã sớm đoán được phản ứng của Tuân Hóa, nói: “Đừng có từ chối vội — muội xem kiếm trước đi.”
Vương Duyệt rút kiếm, sự sắc bén của lưỡi kiếm còn lạnh hơn tuyết, kiếm reo ào ào không dứt, như gió thổi vào rừng tùng.
Tuân Hoán là người trong nghề, đối với thanh kiếm này vừa thấy đã yêu, mắt cũng không rời khỏi thân kiếm nữa: “Cho ta.”
Vương Duyệt ném thanh kiếm cho nàng, Tuân Hoán nhận lấy kiếm, thể hiện một bộ kiếm pháp ngay trong tuyết, tiếng thông reo từng cơn, bông tuyết bay múa. Tuân Hoán thu kiếm, vừa nhìn thấy chữ “Phong Tùng” khắc trên chuôi kiếm thì kinh ngạc không thôi: “Đây là danh kiếm do Kê Khang rèn đúc ra? Chẳng trách bất phàm như thế! Sao huynh lấy được?”
Thanh Hà đang muốn trả lời thì bị Vương Duyệt ngăn cản, Vương Duyệt hỏi Tuân Hoán: “Muội có nhận đồ đệ này không?”
Tuân Hoán ôm chặt kiếm Phong Tùng, sợ Vương Duyệt muốn lấy lại: “Nhận! Đương nhiên là nhận.” Đừng nói là Tào Y Hóa thoạt trông khá thuận mắt, dù là một con chó, nể mặt kiếm Phong Tùng, nàng cũng theo đó mà nhận không bỏ lỡ. Danh kiếm khó được mà!
Vương Duyệt đẩy Thanh Hà: “Nhanh bái sư.”
Thanh Hà hành đại lễ lạy ba cái, Tuân Hoán rất có phong độ mà cho nàng một con dao găm: “Đây là lễ ra mắt của thầy. Mau nói cho ta biết, làm sao huynh lấy được kiếm Phong Tùng?”
Thanh Hà nói: “Ân sư dạy vỡ lòng của ta là Kê Hầu trung, con của Kê Khang, kiếm Phong Tùng chính là do Kê Hầu trung tặng cho.”
“Ha ha, huynh cứ khoác lác đi! Kê Hầu trung chỉ từng dạy hai người, một người là kỳ lân tử của Lang Gia Vương thị, biểu đệ của huynh Vương Duyệt, một người còn lại chính là công chúa Thanh Hà.” Tuân Hoán cười ra, Thanh Hà và Vương Duyệt yên lặng nhìn nàng ấy.
Tuân Hoán cười xong thì thấy không bình thường, Tào Y Hoa? Học trò của Kê Hầu trung? Công chúa Thanh Hà tên là Tư Mã Y Hoa, chẳng lẽ…
Một cơn gió bấc gào thét thổi đến, nụ cười giống như đông cứng trên mặt Tuân Hoán, không nhúc nhích.