Editor: Xoài
Beta: Hoàng Lan
Cái gì gọi là xu hướng chung, mong muốn của lòng người?
Nhìn ngày đầu tiên Kê Hầu trung vào triều là biết, sĩ tộc khinh bỉ Thừa tướng Tôn Tú hàn môn lâu như vậy nhưng sợ quan uy nên không thể làm gì, bây giờ sĩ tộc đã có người đáng tin cậy, họ nhao nhao tới chúc mừng Kê Hầu trung.
Kê Hầu trung được vây quanh ba lớp trong ba lớp ngoài, uy phong giống như phượng trong trăm loài chim.
Lúc còn trẻ, Kê Hầu trung có tướng mạo như hạc giữa bầy gà, bây giờ bước vào tuổi già thì cũng là một lão tiên hạc, đứng trong một đám quan viên với thân thể phát tướng, phong thái càng ngày càng chói mắt.
Nhìn Kê Hầu trung được mọi người vây quanh, Tôn Thừa tướng lập tức có loại cảm giác “thất sủng”.
Trong nháy mắt ông ta nhớ tới câu chuyện Tào Tháo, Đồng Tước đài và ca cơ mà cháu cố ngoại, công chúa Thanh Hà kể, không thể ngờ bị công chúa nói trúng rồi, có ca cơ mới thì ca cơ cũ sẽ không có nơi sống yên ổn, ông ta không khỏi cảm thán:
Hoàng thượng ơi Hoàng thượng, ngươi đăng cơ làm đế, tự cho là đã nắm chắc giang sơn nên bắt đầu ghét bỏ “người vợ tào khang” xuất thân hàn môn là ta đây, muốn cưới “danh môn thục nữ” trẻ tuổi xinh đẹp, xuất thân cao quý là Kê Thiệu làm vợ.
Thăng quan phát tài thì vợ chết, đây là ảo tưởng cuối cùng của đàn ông. Sau khi lên ngôi, Kiến Thủy Đế cảm thấy tâm phúc Tôn Tú có xuất thân quá thấp, không thể làm mọi người phục, dần dà, chắc chắn sẽ làm sĩ tộc tức giận, đế vị bất ổn, nhất định phải tìm người mà sĩ tộc bội phục làm phụ tá đắc lực của ông ta.
Chỉ thấy người mới cười, nào thấy người cũ khóc.
Trái tim Tôn Thừa tướng băng giá, ta cố gắng làm phụ tá của ngươi như vậy, thậm chí không tiếc tự tay phế đi đế vị của cháu rể và hậu vị của cháu ngoại, đá đi chướng ngại vật, đẩy ngươi lên bảo tọa Hoàng đế, cuối cùng lại là kết cục quân vương nghi ngờ, tìm kiếm niềm vui mới?
Tôn Thừa tướng giống như oán phụ thất sủng, oán khí đầy bụng, vì thế cáo ốm không lên triều, tránh cho nhìn thấy cảnh tượng Hoàng đế và Kê Hầu trung quân thần hoà hợp mà khó chịu.
Tức thì tức, trong lòng Tôn Thừa tướng vẫn hy vọng Kiến Thủy Đế đến hỏi han ân cần, cho ông ta bậc thang đi xuống.
Nhưng Kiến Thủy Đế cũng không có, ông ta cố ý lạnh nhạt thờ ơ Tôn Thừa tướng phách lối: Cháu trai cả Tôn Hội của ngươi ở thành Kim Dung làm chuyện tốt, đối với Thái thượng hoàng và Thái hậu còn cung kính hơn với ta, Tôn gia các ngươi có mưu đồ gì?
Cho nên, biết được Tôn Thừa tướng cáo ốm không lên triều, Kiến Thủy Đế chỉ ban cho một chút thuốc bổ dược liệu đến phủ Tể tướng, cũng không đi thăm hỏi vị lão thần này.
Huống chi, Kiến Thủy Đế còn phải bận rộn thảo luận quốc sách với Kê Hầu trung đây.
Kê Hầu trung nói: “Bây giờ đế vị của Hoàng thượng vốn bất ổn, một là, Hoàng thượng là phiên vương nhánh bên, thứ hai, Hoàng thượng do Bách phu nhân sinh ra, chính là thứ tử, vốn không phải do Tuyên Mục Hoàng hậu sinh ra. Cho nên bây giờ hoàng thất Kinh Thành đối với Hoàng thượng rất không phục. Hôm đó Hoàng thượng đăng cơ, rất nhiều hoàng thất đều cáo ốm không ra, không tham gia đại điển đăng cơ. Trong ngoài Kinh Thành, Vương gia họ Tư Mã có mười mấy người, trong đó không thiếu con cháu đích xuất do Tuyên Mục Hoàng hậu sinh ra, Hoàng thượng trong thời bình phải nghĩ đến thời loạn.”
Kê tiến sĩ đã đâm trúng điểm đau của Hoàng đế, mặt dày của Kiến Thủy Đế đỏ ửng, thân phận con thứ vẫn luôn là nỗi khổ riêng của ông ta.
Ở thời đại đẳng cấp nghiêm ngặt này, thân phận là một cánh cửa rất khó vượt qua.
Thân là quan lại, xuất thân quan trọng hơn tài hoa, sĩ tộc đương nhiên cao hơn hàn môn, thượng phẩm không có hàn sĩ, hàn môn khó có quý tử.
Thân là hoàng thất, xuất thân cũng quan trọng hơn tài hoa, Thái thượng hoàng Tư Mã Trung là tên ngốc, nhưng mà xuất thân của ông quá tốt, là con một của nguyên phối là Hoàng hậu Dương Diễm, đích hoàng tử thành niên duy nhất, cho nên tên ngốc có thể làm Thái tử, làm Hoàng đế.
Kiến Thủy Đế Tư Mã Luân, là con trai út của Tấn Tuyên Đế Tư Mã Ý và ái thiếp Bách phu nhân sinh ra, đứng hàng thứ chín.
Chính thất của Tư Mã Ý là Tuyên Mục Hoàng hậu Trương Xuân Hoa, quyền hành của Đại Tấn vẫn luôn do con đích xuất của Trương Xuân Hoa nắm trong tay. Tư Mã Luân vẫn luôn không có cảm giác tồn tại gì, lại chịu sự chèn ép của con đích xuất — bởi vì lúc Tư Mã Ý tuổi già, Bách phu nhân dựa vào mỹ mạo thanh xuân mà đạt được độc sủng, ông lạnh nhạt đích thê Trương Xuân Hoa, Bách phu nhân đối với Trương Xuân Hoa có nhiều bất kính.
Tư Mã Ý ngã bệnh, Trương Xuân Hoa đi đến chỗ Bách phu nhân thăm chồng, Tư Mã Ý tỉnh lại, nhìn thấy hầu hạ mình là người vợ già thì giận dữ, mắng: “Đồ già đáng ghét, cần gì tới đây!” Là ý nói, khuôn mặt của đồ già cả ngươi đáng ghét, ngươi tới làm gì.(*) (*) Xuất phát từ “Tấn Thư quyển ba mươi mốt”
Mặt mũi của Trương Xuân Hoa mất sạch, bà vừa tức vừa giận, thế là hờn dỗi tuyệt thực để cầu chết nhanh.
Mẹ chịu nhục, ba người con trai cũng tuyệt thực.
Tư Mã Ý bị ép không còn cách nào, đành phải nhận lỗi với Trương Xuân Hoa, nói tuyệt đối không có ý nghĩ sủng thiếp diệt thê. Nhưng đối với bên ngoài lại nói: “Đồ già không có gì đáng tiếc, lo cho tai của ta mà thôi.” Là ý nói, ta không đau lòng cho vợ già, ta chỉ đau lòng cho ba đứa con trai ngoan của ta.
Sau khi Tư Mã Ý chết, con trai cả Tư Mã Sư cầm quyền, im hơi lặng tiếng giết chết Bách phu nhân. Lúc ấy Tư Mã Luân vẫn là một đứa trẻ, ông ta chỉ biết được ngày nào đó mẹ đột nhiên biến mất, không có ai nói cho ông ta biết tung tích của mẹ.
Nhưng chỉ bằng thủ đoạn của Tư Mã Sư, chắc chắn Bách phu nhân chết rất thảm.
Từ đó Tư Mã Luân kiếm sống trong tay các anh trai, không dám phát ra một tiếng nào, trong tòa nhà lớn của Tư Mã gia giống như một người tàng hình.
Cho nên, Kiến Thủy Đế Tư Mã Luân có hận thù đối với dòng chính hoàng thất. Lúc trước ông ta trọng dụng Tôn Tú cũng bởi vì Tôn Tú xuất thân hàn môn, hai người bị kỳ thị có cảm giác thông cảm cho nhau.
Kê Hầu trung nói thẳng ra đã kích thích sự tự ti và cảm giác nguy cơ của Kiến Thủy Đế. Ông ta hiểu hoàng thất và phần lớn triều thần xem thường đứa con trai út dòng lẻ của Bách phu nhân là ông ta đây, nhưng xuất thân là thứ không có cách nào thay đổi được.
Xấu hổ thay, bất kể là làm Tể tướng hay là làm Hoàng đế thì đều bị xuất thân quấy nhiễu.
Kiến Thủy Đế bái Kê Hầu trung: “Xin Kê Hầu trung giúp trẫm.”
Kê Hầu trung dám nói lên vấn đề, chính là biểu thị cho việc ông có cách giải quyết vấn đề này.
Kê Hầu trung nói: “Vi thần cho rằng, điều hiện tại Hoàng thượng phải làm chính là giữ vững quốc sách ban đầu, không nên sửa đổi. Bởi vì bất kể Hoàng thượng đổi thế nào, mặc kệ có chính xác hay không, thế nào cũng sẽ bị quần thần và hoàng thất phản đối.”
“Điều bây giờ Hoàng thượng phải làm, là lôi kéo lòng người trước — nhất là sĩ tộc, chỉ có ổn định đế vị thì sau này mới có tư cách thực hiện lý tưởng trị quốc của Hoàng thượng. Cái gọi là còn da lông mọc, còn chồi đâm cây, chính là đạo lý này.”
Kiến Thủy Đế lại hỏi: “Lôi kéo sĩ tộc như thế nào?” Sau khi lên ngôi, ông ta vẫn muốn cải thiện quan hệ với sĩ tộc, nhưng bởi vì sự tồn tại của Tể tướng hàn môn Tôn Tú này mà rất nhiều sĩ tộc đều khinh thường việc làm quan cùng triều với Tôn Thừa tướng.
Tôn Tú dần dần trở thành chướng ngại vật trong mắt Kiến Thủy Đế.
Kê Hầu trung nói: “Phong quan, nâng tước, cho sĩ tộc đủ lợi ích. Môn sinh của Thái Học viện thì phong quan toàn bộ; năm loại tước vị Công Hầu Bá Tử Nam, bất kể có công hay không, toàn bộ thăng tước vị, không có công thì thăng một cấp, có công thì có thể thăng liền mấy cấp, để đại đa số nhà sĩ tộc có người làm quan, có tước vị làm rạng rỡ tổ tông.”
“Toàn bộ?” Kiến Thủy Đế nhất thời khó mà tiếp nhận được: “Đây… có phải là ban ân quá mức rồi không?”
Kê Hầu trung nghiêm mặt nói: “Hoàng thượng, sĩ tộc bị Tôn Thừa tướng áp chế nhiều năm, mấy năm nay Tôn Thừa tướng không kiêng dè gì mà vun trồng con cháu hàn môn trong triều, sĩ tộc có nhiều bất mãn. Lần này Hoàng thượng ban ơn nhưng thật ra là đền bù sai lầm trước kia. Hơn nữa, Hoàng thượng đăng cơ, đại xá thiên hạ, bao nhiêu tội phạm được đặc xá tội ác, lấy lại được tự do, tội phạm còn như vậy, huống chi là sĩ tộc mà Hoàng thượng muốn nể trọng chứ?”
Phong quan phong tước cho toàn bộ, liều thuốc này quá mạnh, Kiến Thủy Đế có chút không dám dùng, lo lắng bước đi quá lớn sẽ dẫn đến thiệt hại.
Kê Hầu trung thấy Hoàng thượng do dự thì tiếp tục châm ngòi thổi gió: “Kết cục của việc đắc tội sĩ tộc, đã có vết xe đổ của Tào Ngụy bị diệt, chẳng lẽ Hoàng thượng vẫn không hiểu rõ sao?”
Tào Phi soán Hán, thành lập nước Ngụy, là bởi vì Tào Phi tuyên bố thực hiện chế độ công chính cửu phẩm, cam đoan nước Ngụy sẽ dành cho sĩ tộc đãi ngộ đặc quyền, con cháu sĩ tộc đều có chức quan, mãi mãi hưởng phú quý cho nên sĩ tộc ủng hộ sự thống trị của nước Ngụy.
Nhưng mà, sau khi Tào Phi đã ngồi vững trên hoàng vị thì bất mãn sĩ tộc nắm giữ triều chính, ông ta bắt đầu đề bạt hàn môn, muốn phế bỏ chế độ công chính cửu phẩm, áp chế sĩ tộc.
Lúc ấy sĩ tộc có quyền thế nhất Tào Ngụy chính là Thừa tướng Tư Mã Ý đứng đầu Hà Nội Tư Mã thị (*).
(*)Là một dòng họ quý tộc mang họ Tư Mã thời Trung Cổ ở Hà Nội. Hà Nội ở đây là một cơ quan chỉ huy của Trung Quốc từ đời Hán đến nhà Đường, nằm ở tỉnh Hà Nam ngày nay, phía bắc sông Hoàng Hà.
Tư Mã Ý là một nhà biểu diễn nghệ thuật, có kỹ năng diễn xuất tầm ảnh đế. Năm đó Thừa tướng nước Thục là Gia Cát Lượng đưa quần áo phụ nữ làm nhục ông, ép ông xuất chinh, ông mặc váy áo vui sướng nhảy múa, thản nhiên vênh váo, không hề cảm thấy đây là nhục nhã, làm Gia Cát Lượng tức chết.
Tào Ngụy ép Tư Mã Ý, Tư Mã Ý một lần nữa bày ra kỹ năng diễn xuất, giả vờ như bệnh nặng sắp chết, làm sứ giả triều đình mất cảnh giác, sau lưng lại ra lệnh cho con trai là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu chiêu binh mãi mã, phát động Chính biến lăng Cao Bình, đảo khách thành chủ, nhốt Hoàng đế Tào Phi vào thành Kim Dung, tuyên bố giữ vững chế độ công chính cửu phẩm, nhận được sự ủng hộ của đại đa số sĩ tộc.
Xét thấy kỹ năng diễn xuất cao siêu trước sau như một của Tư Mã Ý, đối với việc Tư Mã Ý lúc tuổi già lạnh nhạt với Trương Xuân Hoa, tin mù quáng vào Bách phu nhân, mọi người có một suy đoán, nói Bách phu nhân là gián điệp do Tào Tháo phái tới, theo dõi Tư Mã gia, cho nên Tư Mã Ý cố ý làm như vậy, tin chiều Bách phu nhân để làm Tào Phi mất cảnh giác.
Có điều, tất cả những chuyện này đều không thể nào kiểm chứng được.
Từ đây Tư Mã gia ở Hà Nội (*) nắm giữ triều chính, thông qua sự cố gắng của ba thế hệ đã thành công soán vị, thành lập Đại Tấn, diệt nước Thục và Đông Ngô, thống nhất thiên hạ.
(*) Hà Nội là một địa danh thời Tam Quốc, thuộc phía tây huyện Ôn tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Có thể nói, ai có được sự ủng hộ của sĩ tộc thì người đó có thể làm Hoàng đế. Tào gia như thế, Tư Mã gia cũng như thế.
Tư Mã gia làm thế nào đoạt được giang sơn từ tay Tào gia, thân là con nhỏ nhất của Tư Mã Ý, Kiến Thủy Đế Tư Mã Luân lại quá rõ ràng, không phải chỉ là lôi kéo sĩ tộc à, Tư Mã Luân nói: “Được, trẫm nghe Kê Hầu trung.”
Ông ta hạ lệnh tức thì, muốn Tôn Thừa tướng phát lệnh áp dụng.
Tôn Thừa tướng nhìn thấy chính lệnh hoang đường lạ lùng, lập tức giận đến mức giả bệnh cũng không giả được nữa, đi đến Môn hạ tỉnh, quăng chính lệnh vào trong mặt Kê Hầu trung rồi mắng to:
“Phong quan cho tất cả môn sinh của Thái Học viện, tất cả mọi người được thăng quan tiến tước, ngươi đây là chủ ý ngu ngốc gì vậy? Miệng ngươi đầy nhân nghĩa đạo đức, có dáng vẻ dung mạo thần tiên nhưng lại khẩu phật tâm xà, cố ý muốn phá đổ triều đình, để Hoàng thượng bị người ta nhạo báng! Lòng dạ đáng chém!”
Kê Hầu trung bị làm mất mặt ngay tại chỗ cũng không tranh chấp với Tôn Thừa tướng, ông nói: “Nếu Tôn Thừa tướng cảm thấy ta là thần tử tầm thường hại nước hại dân thì ta sẽ từ quan không làm nữa, về Thái Học viện dạy học.”
Kiến Thủy Đế không cho phép Kê Hầu trung từ quan, tự mình đến nhà Kê Hầu trung mời ông về triều.
Kê Hầu trung thở dài: “Những lời thần nói, Tôn Thừa tướng đều phản đối. Môn hạ tỉnh và Trung thư tỉnh bất hòa sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng chính lệnh, trì trệ không tiến, Hoàng thượng vẫn là đổi người khác làm Hầu trung đi.”
Kiến Thủy Đế lạnh lùng nói: “Đổi Thừa tướng chứ không thể đổi Hầu trung.”
Kiến Thủy Đế gọi Tôn Thừa tướng tiến cung: “Phong quan thăng tước là mệnh lệnh của trẫm, trẫm chính là thiên tử, Thừa tướng dựa theo lời trẫm nói mà tiến hành đi.”
Lòng Tôn Tú lạnh thấu.