Đường Hoan ngồi trên ghế sô pha, Túc Ảnh gọt sạch vỏ trái cây, đút cho cô. Khi nghe cô nói vậy, tay anh bất giác run lên.
Anh đã sớm chết lặng với những cuộc tàn sát và mùi máu tanh, nhưng không hiểu vì sao, anh chẳng hề muốn cô biết điều đó. Đối với lời nói này của cô, anh nhạy cảm đến nỗi trong lòng dâng lên cảm giác sợ hãi, bất giác suy nghĩ nhiều hơn.
Có phải cô đã biết về những thủ đoạn bên ngoài của anh?
“Đi chùa cầu bùa bình an cho em, sau đó thương lượng với bồ tát xem có thể khiến chị nhanh chóng khỏe lên hay không.”
Túc Ảnh thở phào nhẹ nhõm.
Đường Hoan tiếp tục lải nhải: “Chị nghe nói những chùa, miếu thờ Bồ Tát cực kỳ linh nghiệm, cầu cái gì cũng có thể thành sự thật. Chị định ăn chay niệm phật, tích chút âm đức, xem Bồ Tát có thể phù hộ chị sống lâu trăm tuổi không.”
Túc Ảnh cười, vươn ngón tay, chọc chọc vào trán cô: “Mê tín.”
“Nếu chị định ăn chay niệm phật thì tối nay sẽ không nấu thịt kho tàu nữa. Đồ ăn của chị trong khoảng thời gian này quá thanh đạm, tôi vốn định làm vài món ngon cho chị khai vị nhưng xem ra, không cần rồi.”
Đường Hoan tức đến mức nổ mạnh tại chỗ.
Mấy ngày nay cô vẫn luôn ăn cháo trắng, dựa vào cái gì mà không cho cô ăn thịt?
Đến bữa tối, Túc Ảnh vẫn làm một đĩa thịt kho tàu nhỏ và đặt nó trước mặt Đường Hoan.
Trong bữa cơm, Túc Ảnh không hề ăn một món mặn nào[1].
[1]món mặn: thịt, cá,...
Đường Hoan gắp thịt cho anh, anh lại đút miếng thịt đó vào miệng cô: “Chị ăn đi, tôi không ăn.”
“Vì sao?” - Đường Hoan nhồm nhoàm hỏi.
“Bởi vì tôi muốn ăn chay niệm phật, tích chút âm đức, xem Bồ Tát có thể phù hộ cho chị sống lâu trăm tuổi không.”
Túc Ảnh đáp lại Đường Hoan bằng câu nói của cô.
Anh trả lời vô cùng nhẹ nhàng, bâng quơ, nhưng thời gian dần trôi đi, Đường Hoan mới biết, không phải anh nhất thời nổi hứng….
Có một số người khi đưa ra quyết định nào đó thì sẽ bắt đầu bằng những hành động tràn ngập “cảm giác nghi thức”[2], ví dụ như muốn hoàn thành một chuyện thì từ ngày mai, sẽ làm những việc này, việc này, việc kia,… [*]
Nhưng, Túc Ảnh lại thuộc dạng người không nói gì đã bắt đầu hạ quyết tâm thực hiện một điều gì đó bằng được.
……
[2]cảm giác nghi thức: biến một việc đơn điệu trở nên khác biệt, quan trọng hóa vấn đề, quá kỹ càng với vấn đề đó khiến nó trở lên giống một nghi thức.
[*]Đoạn này nếu dịch nguyên theo văn của tác giả thì khá khó hình dung nên Diệp mỗ quyết định giải thích thêm. Ý tác giả là khi một ai đó quyết tâm làm một việc thì thường đặt nặng việc đó, chuẩn bị kỹ càng (Ví dụ như bạn muốn cầu hôn, bạn sẽ chuẩn bị kỹ càng bóng bay, hoa, nhạc,... sự chuẩn bị đó cho người ta một cảm giác gọi là “cảm giác nghi thức”; hoặc khi bạn muốn giảm cân, bạn đặt ra chỉ tiêu hôm nay phải tập bài tập nào, ăn thế nào, ngày mai tập bài tập khác, ăn món gì khác,... hành động đó cũng cho một cảm giác gọi là “cảm giác nghi thức”,...).
……
Sau khi Mộ gia bị giải quyết, đế đô cũng dần dần trở lại bình thường.
Túc Ảnh đúng hẹn mang Đường Hoan ra ngoài.
Đầu tiên, anh mang Đường Hoan tới các đền chùa. Đường Hoan nghiêm túc dập đầu với pho tượng trước mặt, sau đó đi tìm trụ trì đức cao vọng trọng nhất trong chùa để xin bùa bình an.
Thật ra bùa bình an chỉ là một tờ giấy vàng làm thanh bùa chú mà thôi, hơn phân nửa là mánh lới lừa người, nhưng, Đường Hoan vẫn cẩn thận cất kỹ.
Trước nay, Túc Ảnh đều không tin Phật.
Ấy vậy mà lần này anh lại nghiêm trang dập đầu theo Đường Hoan. Anh nhìn tượng phật bằng đôi mắt sáng quắc.
Bồ Tát, nếu ngài thật sự có linh thì hãy đem tất cả nghiệp chướng và quả báo ứng vào người tôi, cô ấy không hề liên quan!
Phù hộ cho cô ấy sống lâu trăm tuổi, đời đời kiếp kiếp bình an, yên ổn.
Sau khi rời khỏi chùa, Đường Hoan treo bùa bình an bằng một sợi dây đỏ, sau đó nhón chân, toan đeo lên cổ Túc Ảnh, chỉ là….
Túc Ảnh cao những một mét chín, cô có kiễng chân cũng không với tới.
Đường Hoan: …….
Con mẹ nó!
Cô là một người cố chấp, nếu hôm nay không thể treo lá bùa bình an này lên cổ Túc Ảnh, cô sẽ không cam lòng.
Vì nhế, Đường Hoan cố gắng kiễng chân cao hơn nữa, thề không bỏ qua.
Thấy cô thở phì phò, Túc Ảnh còn cố ý chơi nhây, đứng thẳng người, không hề cong lưng.