Ngày 9 tháng 2, 28 âm lịch.
Diêu Viễn sắp trải qua chuyến du lịch lễ hội mùa xuân của 20 năm trước.
Buổi sáng hôm đó, hắn xách một chiếc vali, ông chú đeo một cái túi lớn, mỗi tay xách một cái túi to tổ chảng, vội vàng lao đến ga Bắc Kinh.
Sao phải như thế chứ?
Sao phải khổ như vậy?
Diêu Viễn cảm giác mình bị một đám người hỗn loạn nhất trên thế giới bao vây. Đủ các loại khuôn mặt và mùi vị ùn ùn kéo đến tấn công, không có bất kỳ lý lẽ nào cứ thế kéo bạn vào trong, cứ thế hòa vào dòng người.
"Ngồi máy bay có phải tốt hơn nhiều không, cứ tự làm khổ mình cơ, chẳng khác nào lột đi một lớp da."
"Vé máy bay bao nhiêu tiền? Tuổi còn trẻ cứ mở mồm ra là đòi tiêu tiền, chẳng biết cách sống gì cả."
"Cháu tích được ít tiền."
"Vậy cháu cứ giữ lấy, chớ xài bậy."
Được thôi!
Hắn tạm thời không định tiết lộ sự thật nên chỉ đành nhún nhún vai, rồi chen vào sảnh đợi cùng với chú của mình.
Mới vừa đi vào lập tức đứng xếp hàng nhìn từng cái gáy nối tiếp nhau. Hắn đứng đến đau chân mới đến được điểm soát vé, sau đó lại chậm rãi nhích về phía trước, đợi đến khi đến sân ga thì ông chú nhấc chân chạy mất.
"Này này!"
Diêu Viễn đuổi ở phía sau, gần như là xông vào khoang tàu. Ông chú nhanh tay lẹ mắt với kinh nghiệm phong phú đã tìm được một khoang nối vẫn còn chỗ. Ông ném cái túi to đùng xuống, soạt một cái lôi ra hai cái ghế xếp, đặt lên trên sàn.
Chiếm chỗ ấy mà!
Ghế xếp vừa mới đặt lên lập tức có mấy người nữa tiến tới. Bọn họ tức giận trừng mắt một cái rồi lại vội vàng tìm một chỗ khác.
Được rồi, chẳng khác gì đi đánh giặc cả!
Diêu Viễn cũng chạy đến mức thở hồng hộc. Hắn đặt mông ngồi xuống. Đây là xe lửa bình thường, hay lắm, lại phải chịu đựng tám tiếng đồng hồ nữa.
Không bao lâu sau xe lửa xuất phát, ùng ùng chuyển bánh hướng ra khỏi Bắc Kinh, bắt đầu một đoạn lộ trình có thể dài có thể ngắn, có thể là vui vẻ, có thể là bi thương trong cuộc đời của mỗi một hành khách.
Đối diện là một vài người đàn ông gầy nhom, khí chất cũng gần giống như ông chú, nhìn một cái là biết ông ta là công nhân ở ngoại tỉnh đến.
Ông chú không ngồi yên được, tặng thuốc cho mọi người xong thì bắt đầu trò chuyện với người ta. Diêu Viễn ngồi trên ghế xếp nhàm chán xem tạp chí, thỉnh thoảng có thể cảm nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của hành khách đi qua.
Khi mọi người đều không có chỗ ngồi, bạn có một chiếc ghế xếp thì bạn chính là người ở tầng lớp thượng lưu.
Bấy giờ vẫn chưa có bán vé trên mạng, thời gian đặt trước cũng không dài như vậy, có thể mua được vé đã không dễ dàng gì. Miền Bắc lấy Bắc Kinh làm trung tâm, miền Nam lấy các thành thị ở vùng duyên hải làm trung tâm. Người làm công ở những khu vực xung quanh, rồi còn có cả học sinh đổ về chỉ trong vài ngày, chịu đựng mọi hoàn cảnh không thể tưởng tượng được, chỉ vì một mục đích:
Về quê!
Năm nay, có 130 triệu lượt hành khách, chằng chịt trên các tuyến đường sắt trên cả nước, chỉ bởi vì nỗi nhớ quê hương chảy trong tim.
Mà trong khoang nối trên xe lửa luôn luôn là nơi vui vẻ và phong phú nhất, là nơi có đủ màu sắc nhân gian.
Có người đi đến hút thuốc lá, có người đẩy xe, có người cầm hộp mì gói hứng nước nóng, có người canh cửa nhà vệ sinh chờ đi tiểu. Dòng người lui tới không dứt.
Ông chú tán phét hồi lâu mới trở về. Ông lấy trong túi ra mấy cái túi ni lông. Một túi đậu khô tẩm gia vị, một túi nội tạng gà, một ít dưa chuột và hoa quả, cũng không quên một chai rượu Ngưu Lan Sơn.
"Đói không? Ăn một chút trước đã."
"Cho cháu một quả trứng kho."
Diêu Viễn chọn một quả trứng kho của Hương Ba Lão. Món này hình như mới ra mấy năm gần đây. Ban đầu hắn rất thích ăn nên thỉnh thoảng lại mua về nhấm nháp.
"Chú, túi lớn túi nhỏ của chú đựng những thứ gì vậy?"
"Đi dựng sân khấu ở khắp nơi, người ta tặng chú đặc sản quê nhà, còn có một số là chú tự mua."
"Chú lấy đâu ra tiền?"
"Ha ha, chú được phát tiền thưởng đấy!"
Ông chú cầm một trái dưa chuột, hơi đắc ý, nói: "Không phải cuối năm rồi sao? Lão Tôn phát cho mọi người ít tiền, nói năm ngoái làm ăn không tệ. Mỗi người hai nghìn, chú được ba nghìn."
"Sao chú lại được ba nghìn?"
"Quan hệ tốt thôi. Hơn nữa chú làm việc chăm chỉ mà. Ai da, đây là ông ấy âm thầm cho chú đấy, mày đừng có nói với người khác đấy nhé."
Cháu rảnh lắm hay gì!
"Vậy chú kiếm được. . ."
"Cộng cả mấy thứ tiền linh tinh nữa thì tổng cộng được sáu nghìn năm trăm đồng!"
"Nửa năm hả?"
"Nửa năm. Thế nào, cũng không tệ lắm phải không?"
"Vâng, không tệ không tệ."
"Tiền chú gửi về mỗi tháng, thím mày cũng không nỡ tiêu. Năm nay cuối cùng có chút tiền dư dả rồi."
Cách này thật ra cũng khá tốt. Chú ở bên ngoài được bao ăn ở, tiền lương thì gửi hết về nhà. Thím cũng là người tiết kiệm, vì vậy số tiền này có thể để dành lại được.
". . ."
Diêu Viễn định mở miệng. Thôi vậy, cháu vẫn không nên nói cho chú biết cháu vừa mới chuyển cho con trai chú năm vạn thì hơn.
Mới hôm qua nhận được tiền tháng 1, bọn họ không tổ chức hoạt động gì, thu hoạch khá ổn. Sau khi xóa nợ còn lại 63 vạn. Doanh thu của công ty vượt qua trăm vạn!
Điều này có nghĩa là hơn một trăm nghìn người sử dụng điện thoại đã bị hút máu, mà những người sử dụng chưa bị thu hoạch ước chừng còn khoảng hơn 8 vạn. Số người này là do mọi người tìm từ các mối quan hệ hoặc là mua được.
Vu Giai Giai đóng góp cực lớn.
Chiến lược của công ty là có thể kéo dài tính chất tát ao bắt cá.
Nếu bạn trừ 30 đồng của một người dùng lại còn thêm mấy nghiệp vụ, số liệu trên sổ sách đương nhiên sẽ rất đẹp mắt, nhưng người ta chắc chắn sẽ không đặt tiếp, đến lúc kết toán sẽ không có nhiều tiền như thế nữa.
Cho nên thứ này có chút giống như tiếp thị đa cấp, phải không ngừng tìm số điện thoại mới mới có thể tiếp tục gửi tin nhắn được.
Mà năm nay cạnh tranh SP sẽ chính thức mở màn.
Trước khi Diêu Viễn về nhà đã bố trí nhiệm vụ, mua mấy cái máy vi tính mới, thuê máy chủ và băng thông tốt hơn, còn tự rút tiền túi làm một hạng mục kỹ thuật, làm những điều mới mẻ.
Quay lại chuyện kiếm tiền.
Việc Diêu Viễn và Diêu Tiểu Ba giấu diếm, trên thực tế là do không biết nói thế nào với mọi người trong nhà, chuyện này phải tìm một thời cơ.
Ông chú tập trung ăn ăn uống uống, sức ăn khá lớn. Nhìn thấy Diêu Viễn không có hứng thú thì thoải mái ăn một mình, ăn gần hết một bọc đậu khô và lòng gà lớn, rượu cũng uống hết nửa chai.
Khuôn mặt đen thui bắt đầu ửng đỏ, tinh thần lại cực tốt. Đây là biểu hiện của ngà ngà say.
Ông dọn dẹp lại rác rưởi xung quanh, rồi mở túi ra, nói: "Đúng rồi, chú mua một ít đặc sản, mày nhìn xem có ổn không, có chính tông không?"
"Đặc sản gì ạ?"
"Đặc sản của Bắc Kinh thôi. Thím mày cả nửa đời không ra khỏi tỉnh, cho bà ấy nếm thử một chút."
Ông chú cặm cụi lục đồ, trước tiên lôi ra một cái hộp, là mứt hoa quả. Bên trong có bảy loại, mứt táo, mứt hải đường, mứt táo khô, mứt thái bình, mứt hạnh, mứt đào và mứt lê.
"Ừm, không tồi!"
"Chú nhìn thì thấy thật ra cũng không có gì để mua, nhưng cũng không thể mua con vịt quay mang về, mùi vị không thể ngon được."
Ông chú lại mò ra một cái hộp. Đây là đặc sản của Bắc Kinh, tám món điểm tâm dùng tám loại nhân: mứt táo dẻo, thanh mai, nho khô, hoa hồng, bánh đậu, đường trắng, chuối tiêu, tiêu muối.
"Cái này thì thế nào?"
"Ờm, không tệ, cũng không tệ."
"Thế thì ổn rồi, thím mày thích ăn ngọt."
Được rồi, chú cũng không sợ thím cháu ngọt khé cổ à. . .
Diêu Viễn nhìn ông chú vô cùng hào hứng nên cũng ngại nói ra. Ở Bắc Kinh ngàn vạn lần đừng mua những thứ linh tinh này, đều là lừa đảo cả!
...
Chịu khổ hơn tám tiếng đồng hồ.
Khi trời vừa nhá nhem tối, xe lửa chậm rãi tiến vào ga tàu của thành phố nhỏ.
Chỉ dừng khoảng một phút, mười mấy người xuống xe, Diêu Viễn và ông chú đi xuống. Hai người bước lên cầu thang, có một đoạn ngắn còn không có đèn. Lọ mọ đi về trước, đi ra đến bên ngoài, hai người lại phải vòng đến một cái cửa lách của ga tàu mới coi như đến cửa ra vào.
"Bố!"
Một cô gái thấy người thân thì dẫn đầu chạy tới. Ngay sau đó lại có mấy tiếng kêu lên, từng người một chẳng khác gì chim về tổ, trong miệng là những lời đầy nhớ thương, lâu ngày không gặp.
"Con trai!"
"Con trai!"
Diêu Dược Dân đứng ở phía sau lan can sắt. Ông nhảy lên vẫy tay, Diêu Tiểu Ba học theo. Viên Lệ Bình và thím đang cười vui vẻ.
"Bố! Mẹ!"
Đêm đông gió lạnh, mùa xuân sắp tới, Diêu Viễn tức khắc buông bỏ mọi thứ, quay về như khi còn niên thiếu, chạy chậm về phía mọi người.
"Lạnh không?"
"Cũng bình thường, trên xe nhiều người mà."
"Ai da, đi thôi đi thôi, đi ăn cơm thôi! Tiệm cơm cũng đặt trước rồi!"
"Về nhà thôi!"