Bởi vì tranh đá dẫn thẳng vào sâu trong động nên Vương Văn Lâm yêu cầu lập tức xuất phát đi khảo sát. Đội khảo cổ xảy ra mâu thuẫn, có người cho rằng tà khí ở đây quá nặng, không nên đi vào, nhỡ đâu gặp phải thứ quỷ quái gì đó thì coi như xong đời. Có người thì xì mũi coi thường, nói rằng trên đời này làm gì có yêu ma quỷ quái, sợ gì chứ, nếu có phát hiện lớn gì đó thì mỗi người sẽ được nhận một trăm đồng tiền thưởng! Cuối cùng Vương Văn Lâm chốt lại, muốn lấy tiền thưởng thì đi cùng, không muốn thì ở bên ngoài trông chừng.
Là người dẫn đầu đoàn khảo cổ, đương nhiên Vương Văn Lâm sẽ đi vào trong, thế nên tôi cũng đi theo. Lần này cô nhóc Lâm Bạch Thuỷ to gan hơn trước, cũng muốn đi theo. Hồ Phát Nhất thích đồ trộm mộ là vậy nhưng lần này lại nói với tôi rằng: “Cậu em à, tôi cứ giữ lại cái mạng nhỏ để hưởng phúc thì hơn. Cậu bất chấp tất cả vì phụ nữ, thứ lỗi cho anh đây không tiếp được!”
Tôi dở khóc dở cười.
Vậy nên, có ba người ở lại trông coi vật tư, những người còn lại đi vào trong động. Tổng cộng có mười tám người, tôi cầm súng trường đi đầu để mở đường, Batel hỗ trợ phía sau, ở giữa là đội khảo cổ, cuối cùng là đội bốc vác chúng tôi đã thuê cầm theo các loại dụng cụ. Thấy núi phá núi, thấy cột xây cầu, mấy chiếc đèn dầu soi sáng giúp chúng tôi đi về phía trước.
Thám hiểm hang động không phải là chuyện xa lạ với tôi, lúc tôi còn ở bộ đội công binh, dự án lớn nhất mà tôi từng tham gia là xây dựng công trình ẩn giấu chiến lược quốc phòng Chiết Tây. Ở đó có núi đồi trập trùng bao quanh, khe núi ngang dọc, là nơi ẩn giấu của thiên nhiên. Hầu hết các dự án chúng tôi xây dựng đều dựa theo kết cấu hang động trên núi, một năm thì có đến gần ba trăm ngày chúng tôi ở trong hang động. Đây là kiểu hang động karst bị nước ăn mòn cực kỳ phổ biến ở Chiết Tây, được hình thành sau khi núi lửa phun trào từ thời viễn cổ, cực kỳ khô, nền được phủ một lớp đất nổi, giẫm chân xuống có cảm giác nhẹ như đang bay.
Ban đầu đội khảo cổ không có ý định đi thám hiểm hang động, chúng tôi cũng không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, thiết bị cũng không có đủ. Mặc dù trên đầu tôi có đội một chiếc mũ gắn đèn nhưng trong tay vẫn cầm một bó đuốc đốt dầu, trong trường hợp gặp khí độc như CO2 thì bó đuốc sẽ tắt để cảnh báo. Còn những người đi sau cùng thì thỉnh thoảng lại lấy chất huỳnh quang ra quét để đánh dấu đề phòng bị lạc.
Trong động không có thạch nhũ cản trở tầm nhìn, cực kỳ thoáng. Phía trên cao khảo hơn chục mét, hai bên trái phải cũng phải rộng khoảng năm, sáu mét, mọi người phải dùng dây thừng buộc người lại với nhau để tránh bị lạc. Hoàn toàn có thể hình dung được quy mô của vụ núi lửa phun trào năm đó, dòng nham thạch nóng phun lên như thủy triều của một con sông lớn đang cuộn trào. Thỉnh thoảng có thể nhìn thấy những bức tranh chạm khắc hình con người và động vật trên bề mặt đá trơn nhẵn. Thật ra, trước khi người cổ sinh sống, Đạt Lí Nặc Nhĩ là một hồ nước siêu rộng lên đến cả trăm dặm, nhấn chìm các hang động xuống thật sâu đáy nước, cũng bởi vậy nên bề mặt đá đã hình thành một lớp đá vôi rắn chắc. Sau khi nước trong hồ rút, người cổ sống trong hang động để tránh mưa tránh gió, vì tôn sùng tự nhiên và sự phát triển nghệ thuật mới được manh nha, họ đã để lại dấu ấn cuộc sống của mình trên đá. Trải qua hàng vạn năm, loài người rời bỏ cái nôi thuở sơ khai của mình, chỉ để lại dấu tích của thời đó.
Chúng tôi càng đi càng xa, trong không gian kín, chúng tôi mất đi cảm giác về thời gian, chỉ có thể dựa vào số bước chân để tính toán đã đi được khoảng bao nhiêu km. Trước mặt chúng tôi bỗng trở nên rộng rãi sáng sủa, giống như đã đi vào một chiếc chuông khổng lồ. Tường đá trơn nhẵn hình vành khuyên được chạm khắc vô số bức tranh kỳ lạ, kéo dài lên độ cao hơn trăm mét, không biết người cổ đại đã làm thế nào để trèo lên mà điêu khắc ra được nữa. Ở vị trí trung tâm chiếc chuông có một thứ hình nón bất ngờ nhô lên, nhưng do khoảng cách quá xa, lại không đủ ánh sáng nên rất khó nhìn rõ đó là gì.
Tôi đi đầu tiên nên vung tay ngăn họ tiến về phía trước. Tôi đưa bó đuốc lên để thăm dò thử, thấy không có gì bất thường mới yên tâm: “Có thể đi vào được rồi.”
Vừa dứt lời, gần như lập tức có tiếng vọng “có thể đi vào được rồi” từ phía đối diện. Tất cả mọi người đều biến sắc, lẽ nào có ma hay sao? Nhưng mọi người cũng nhanh chóng tỉnh táo lại, bởi vì không gian này giống như chiếc chuông nên đương nhiên là có hiệu ứng tiếng vọng lại rồi.
Vương Văn Lâm đưa chiếc đèn dầu lên chiếu vào bức tranh được khắc trên đá rồi cảm thán: “Thật sự là quá đẹp!”
Hiệu quả phóng thanh của hang động hình chuông này quá tốt, một giọng nữ trầm thấp cũng có thể vang vọng như thế, đến nỗi khiến mọi người đều cảm thấy đinh tai nhức óc.
Đi vào trong hang động hình chuông, mặt đất tích tụ một lớp bụi dày giống như cát mịn, hơi mạnh chân một chút là sẽ phủ đầy lên đôi giày thể thao cổ thấp, rất đáng ghét. Đội bốc vác của chúng tôi khi chưa nhận được chỉ thị thì không có gì để làm, mọi người tách nhau ra, choáng ngợp với những thứ mới mẻ ở xung quanh, cứ nhìn ngó khắp nơi giống như khi nhìn thấy kính viễn vọng vậy. Còn mấy người trong đội khảo cổ thì bắt đầu bận rộn điều tra khảo sát.
Tôi nhìn thấy cô nhóc Lâm Bạch Thuỷ lùi về phía sau như đang cố gắng mở rộng tầm nhìn thì đột nhiên bị vấp bởi một thứ gì đó giống như nấm mộ nhỏ nhô ra từ trong đất. Cô gái nhỏ hét lên rồi ngã sõng soài, mọi người thấy thế đều cười lớn, hiếm khi có được chút vui vẻ như thế này. Cô nhóc ngồi dậy tỏ ra cực kỳ tức giận, tiện tay nhặt thứ gì đó trên mặt đất lên ném về phía chúng tôi. Cứ liên tục như thế cho đến khi nhặt được một quả cầu, cảm giác ở tay thật kỳ dị khiến cô ấy không khỏi liếc mắt nhìn, sau đó chúng tôi lập tức nghe thấy tiếng thét đáng sợ!