Đinh Nhất vừa ra tới, ngửi ngửi rồi cau mày nói: “Mùi khó chịu như vậy… Trang Hà đến à?”
Tôi bất đắc dĩ gật đầu: “Anh ta đến bảo tôi đừng nhận việc kia, nói thứ đó oán khí quá nặng, sợ chúng ta không giải quyết được…”
“Sao anh ta biết chuyện này?” Đinh Nhất thắc mắc.
Tôi cũng không rõ lắc đầu: “Không biết…”
Ngày hôm sau, chúng tôi lại đến nhà họ Lê, Ngụy Tuyết Giai vẫn nhiệt tình như cũ, lần này cô ấy còn đem chiếc cúp hôm qua bày lên bàn trà. Nhưng tôi cầm rất lâu, cũng chỉ cảm nhận được những ký ức như hôm qua.
Chú Lê tính toán một lúc rồi nói: “Chuyện này cũng bình thường thôi, dù sao thứ bám trên đồ vật cũng chỉ là tàn hồn. Điều đạo diễn Lê yêu quý nhất là sự nghiệp điện ảnh của mình, cho nên những ký ức bám trên chiếc cúp này đều gắn liền với các bộ phim.”
“Vậy phải làm gì bây giờ? Không có ký ức sau khi Lê Quốc Đống lên máy bay, sẽ không biết được chuyện gì xảy ra sau đó, cũng không biết máy bay đi hướng nào…” Tôi lo lắng nói.
Chú Lê nghĩ rồi nói: “Chú nghĩ chúng ta vẫn nên xem lại nơi phát hiện ra đôi hài cũ..”
Tôi nghe vậy lại nghĩ đến Trang Hà, con hồ ly già đó đã biết từ trước rồi à? Nên tôi thì thầm kể cho chú Lê nghe chuyện tối qua mình gặp Trang Hà. Anh ta còn nói mấy lời kia, tất nhiên, tôi đã lược bỏ phần Trang Hà mắng chú ấy.
Chú Lê trầm tư một lát: “Vậy cháu thử gọi cho chú họ, xin ý kiến ông ấy xem sao.”
Tôi không ngờ lần này chú Lê lại nghĩ thoáng như vậy, nền cầm điện thoại gọi cho chú mình. Chúng tôi nói chuyện một tiếng đồng hồ, tôi kể hết mọi chuyện cho chú ấy nghe. Quả nhiên chú ấy không đồng ý cho chúng tôi nhận vụ này.
Chú ấy nói: “Trên đôi hài này không chỉ chứa mỗi oán linh của Đỗ Quyên, thậm chí có thể sẽ còn những hồn phách mà cô ta giết chết. Bọn họ bị oán khí của Đỗ Quyên giam hãm trong hài không thể đầu thai, cho nên hài để càng lâu thì oán khí càng nhiều… Còn nữa, không nói tới việc khi còn sống oán khí nặng nề như thế nào, nhưng sau khi phụ nữ chết đi, đôi hài người đó đeo cũng không được chạm vào.”
Tôi khó hiểu: “Vì sao ạ? Chẳng phải chỉ là một đôi hài của phụ nữ thôi sao?”
Nhưng chú họ lại nói: “Cháu thì biết cái gì, đôi hài của phụ nữ lớn hay bé đều mang âm khí rất nặng. Hơn nữa đây là hài của phụ nữ bó chân, âm khí lại càng nặng hơn! Mọi khổ sở trong đời người phụ nữ bị bó chân đều tích tụ trên đôi bàn chân nhỏ tàn tạ, như vậy nó sẽ là vật cực âm. Vị đạo diễn kia đem thứ này cầm chơi, không phải là muốn tìm chết à? Đừng nói ông ta chỉ là một người không liên quan, chính Triệu công tử năm đó, có khi cũng bị đôi hài nhỏ này hại chết đấy!”
“Sao có thể? Đó là người Đỗ Quyên yêu mà!” Tôi không tin nói.
Chú lạnh giọng nói: “Ấu trĩ! Khí quỷ oán càng nặng thì lại càng không có ký ức lúc còn sống. Bọn họ chỉ có một ý niệm duy nhất là dùng oán khí hại chết những người sống sở hữu chúng thôi!”
Tôi sợ hãi khôn nguôi, không ngờ thứ này lại lợi hại như vậy! Chuyện này tôi không thể giải quyết được, dù sao tôi cũng chỉ tìm xác, trấn an oan hồn không phải việc cần làm. Nhưng vấn đề bây giờ có chút khó xử, chúng tôi đã nhận tiền đặt cọc của bà Lê, bây giờ lại bảo không làm nữa thì cũng không hay lắm nhỉ?
Sau khi cân nhắc, cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định, đã nhận tiền đặt cọc rồi thì nên giúp cô ấy tìm chồng. Bây giờ chắc nhà họ Lê không có manh mối nào để tìm kiếm, nên chúng tôi quyết định lên đường đến biệt viện cổ trong ký ức của Lê Quốc Đống. Đã xác định được máy bay mất tích có liên quan tới đôi hài nhỏ kia, vậy thì chỉ đến nơi có nguồn gốc của nó, mới có thể tìm được đầu mối có ích…
Tài liệu có ghi chép lại quỹ đạo bay của máy bay, bọn họ sẽ bay qua tỉnh An Huy, đó chính là nơi đặt biệt viện cổ.
Lái xe thì xa quá, nên chúng tôi đi máy bay đến, La Hải lập tức tìm một hướng dẫn viên địa phương rất quen thuộc với văn hóa nơi đây, dẫn chúng tôi tìm trấn nhỏ cổ xưa kia.
Vừa đến trấn nhỏ, chúng tôi nhìn thấy nơi này đúng là rất có màu cổ kính. Từng ngôi nhà gạch xanh ngói đen, thể hiện rõ lối kiến trúc Huy* phái điển hình. Đâu đâu cũng đều có thể nhìn thấy các đền thờ được công đức, mỗi tòa trạch viện đều phảng phất bóng dáng thời gian, tựa như ngừng lại ở những tháng năm xưa cũ.
* Kiến trúc Huy phái là một trong những loại hình kiến trúc truyền thống quan trọng nhất của người Hán. “Huy” ở đây không chỉ là An Huy, mà chỉ 6 huyện Huy Châu và đại bộ phận Nghiêm Châu cùng với vùng phụ cận (như An Huy, Giang Tây...). Kiến trúc Huy phái lấy gạch, gỗ, đá làm nguyên liệu, xà gỗ làm trụ; chú trọng vào vật trang trí như các bản điêu khắc gỗ, đá.
Hướng dẫn viên bản địa tên An Đông, anh ta dựa theo miêu tả của chúng tôi, nhanh chóng tìm đến nhà Trương Duệ. Đáng tiếc Trương Duệ không có ở đây, người nhà nói lúc trước anh ta đi công tác ở Bắc Kinh, đến giờ vẫn chưa về.
Chúng tôi nói là vì hâm mộ danh tiếng ngôi nhà cổ, nên muốn đến thăm quan. Người nhà Trương Duệ đưa chúng tôi đi thăm vòng quanh ngôi nhà. Khi đi đến gian phòng phát hiện di cốt của Triệu Khiêm, họ còn nói cho chúng tôi biết, nơi này vốn là từ đường dùng để thờ phụng tổ tiên, bên trong có một gian phòng tối ở giữa. Nhưng đến đầu thập niên 90 thì bị dỡ bỏ, sau khi Trương Duệ mua nơi này, mới khôi phục lại nguyên trạng.
Sau đó người nhà Trương Duệ còn mở cửa phòng, dẫn chúng tôi vào xem bên trong. Theo lời họ nói, dù đã rất cố gắng để khôi phục lại nguyên trạng, nhưng cũng chỉ được khoảng 60% so với lúc trước. Có nhiều thứ sau khi bị phá hủy, khó mà khôi phục như lúc ban đầu.
Tôi đi quanh phòng, nhưng không cảm giác được gì, xem ra lão tổ tông cũng không thích nơi này lắm. Sau đó họ lại đưa chúng tôi đến thăm mật thất, bên trong xuất hiện một không gian u ám nhỏ hẹp, thật khó để tưởng tượng Triệu Khiêm năm đó có thể đóng cửa ở trong này hơn nửa tháng! Mùi vị kia chắn chắn không dễ dàng gì.
Nhưng khi tay tôi chạm nhẹ vào ghế, hàng loạt hình ảnh xuất hiện trước mắt. Hóa ra nơi đây chứa đựng một chút tàn hồn của Triệu Khiêm… Tôi cẩn thận cảm nhận, thì ra năm đó Triệu Khiêm cam tâm tình nguyện chết ở đây.
Lúc trước sau khi bán đất đai của tổ tiên đi, phần lớn số tiền dùng cho dì Tư vào viện dưỡng lão, số còn lại được chi để chuyển thi cốt của Đỗ Quyên từ sau núi về khu mộ tổ tiên nhà họ Triệu.
Sau khi làm thỏa đáng hết những việc này, ông mới cầm đôi hài đi vào phòng tối tự sát. Biết người nơi này chết chết đi đi, cho nên thi cốt của ông ta phải mấy chục năm sau mới bị phát hiện.
Khi nhìn thấy những ký ức này, tôi vội vàng quay lại hỏi An Đông, anh ta có biết ở chỗ nào có đền thờ Trinh tiết vừa cao vừa to không? Loại đền thờ được xây liền nhau ấy…
An Đông nghĩ một lúc rồi nói: “Tôi có nghe qua chỗ mà anh nói, nhưng khi ấy tuổi nhỏ nên chưa từng nhìn thấy. Vào khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, người ta có xây dựng một nhà máy thủy điện, nơi đó vừa hay lại thuộc khu vực xây dựng, nên chắc bây giờ đang ở dưới nước…”