Nếu là nữ nhân khác thì Vân Tranh dù đau khổ tới mấy cũng chẳng làm việc này, nhưng là Hoa Nương thì không thành vấn đề, chỉ cần không thực sự có ý định làm việc có lỗi thì không cần áy náy gì hết.
Có điều lúc nãy diễn hơi quá một chút thì phải, với sự tinh quái của Hoa Nương, khi định thần lại sẽ nhận sơ hở ngay, chắc lúc này đang nghiến răng nghiến lợi căm tức lắm đây, nhưng làm gì được lão tử chứ? Tới Vân phủ tìm mình trả thù à, thách, mỡ dâng tới miệng, xem lão tử có tha không?
Ha ha ha, chẳng trách người ta nói nhân chí tiện ắt vô địch.
Theo sau Vân Tranh là hai trăm kỵ sĩ giáp đen xì xì, đoàn người hăm hở tiến về phía đông, mục tiêu Sơn Đông Khúc Phụ.
Khúc Phụ hiện có tên là huyện Tiên Nguyên, tri huyện xưa nay luôn do Diễn Thánh công kiêm nhiệm. Đế vương các triều tôn sùng văn hóa nho gia của Khổng Tử, cho nên luôn phong quan phong tước cho con cháu của ông, ban đất lập phủ, năm Bảo Nguyên, phong cho Khổng Tông Nguyên cháu đời thứ bốn mươi sáu của Khổng Tử làm Diễn Thánh Công, kiêm huyện lệnh Khúc Phụ, đồng thời xây Diễn Thánh Công phủ.
Chuyến đi này của Vân Tranh cũng là để gặp Diễn Thánh công Khổng Tông Nguyên.
Khổng Tử, Nhan Hồi, Tả Khâu Minh, Lỗ Ban, những người này đều sinh ra ở Khúc Phụ, ba gia tộc kia đều đã biến mất trong dòng sông dài lịch sử, chỉ có Khổng gia là vẫn trường thịnh. Thực ra Vân Tranh còn biết một điều mà không một người Tống nào biết, đó là một nghìn năm sau Khổng gia vẫn cứ là "Trung Hoa đệ nhất gia tộc!"
Trung Hoa từ ngàn xưa đã là xã hội kính lão, trừ nữ nhân ra thì đại bộ phận mọi thứ đều càng lâu càng cũ càng già thì càng có giá, một gia tộc tồn tại hàng nghìn năm cũng thế.
Hoàng đế sở dĩ gia phong cho Khổng gia là vì sức ảnh hưởng cực lớn của bọn họ ở Sơn Đông, thậm chí là tới cả Yến Vân Thập Lục Châu đang thuộc về nước Liêu.
Người duy nhất được cả bách tính Đại Tống và Yến Vân Thập Lục châu thừa nhận chính là Khổng Tử, đó là một điểm Vân Tranh nhạy bén phát hiện ra thời gian qua khi thu thập tình báo phương bắc.
Có điều mục đích của Vân Tranh và hoàng đế khác nhau, hoàng đế muốn lung lạc lòng sĩ tử thiên hạ còn Vân Tranh muốn lung lạc lòng bách tính Yến Vân Thập Lục châu.
Từ xưa tới nay, quân thần Đại Tống luôn ảo tưởng cho rằng bách tính Yến Vân Thập Lục châu đang khao khát vương sư tới như lúa mầm đợi mưa xuân, thực ra không hề, người Liêu thi hành chính sách thống trị ở Yến Vân Thập Lục châu ôn hòa hơn ở nơi khác, vì nơi này gánh tới bảy thành lương thực của nước Liêu.
Cuộc sống của bách tính Yến Vân Thập Lục châu tốt hơn tuyệt đại đa số bách tính phương bắc Đại Tống, bách tính là thế, chỉ cần cuộc sống ổn định, có ăn có mặc, họ chẳng thèm quan tâm hoàng đế là ai, bọn họ sợ trưởng thôn còn hơn sợ hoàng đế.
Vân Tranh đã một lần tranh luận với đám Bàng Tịch rồi, nhưng bị ông ta chỉ mặt mắng là kẻ bạc ân quả nghĩa, không hiểu lòng bách tính khổ nạn sống dưới gót sắt của người Liêu, còn phấn khích nói, một khi vương sư tới, bách tính sẽ vùng dậy đánh đuổi người Liêu, ủng hộ vương sư, ông ta cho rằng chút ân huệ của người Liêu sao mua được lòng dân.
Có trời mới biết đám sĩ đại phu ấy lấy đâu ra sự tự tin đó, phải biết rằng khi Đại Tống còn chưa lập quốc thì bách tính nơi đó đã sống dưới sự thống trị của người Liêu gần trăm năm, cho dù trong lòng còn nhớ mình là người Hán, nhưng bao năm tác chiến với Đại Tống, chưa chuyển thành thù hận đã là may.
Vân Tranh hiểu điều này vì Hong Kong, Ma Cao đời sau trở về gian nan thế nào ai cũng đã thấy.
Đại Tống cũng như các triều đại khác trên lịch sử Trung Hoa thôi, người lợi hại nhất luôn là vị quân chủ khai quốc, nếu chuyện họ không làm được, để lại cho đời sau thì tỉ lệ thành công rất nhỏ, tất nhiên loại lợi hại tới mức biến thái như Lý Thế Dân là ngoại lệ.
Đại Tống chẳng có ân nghĩa gì với bách tính Yến Vân Thập Lục châu, bằng vào cái gì cho rằng người ta sẽ hoan nghênh mình.
Vấn đề này Vân Tranh và Địch Thanh đã thảo luận vô số lần, đánh trận không sợ, khi thời cơ tới, đánh hạ Yến Vân Thập Lục châu không thành vấn đề, nhưng nếu bách tính không thừa nhận, coi ngươi là quân xâm lược thì xong rồi, rơi vào đại dương bách tính mênh mông, bốn phương tám hướng là kẻ địch thì hậu quả không thể tưởng tượng.
Bách tính nơi đó không thừa nhận hoàng triều Triệu gia, thứ duy nhất Vân Tranh có thể lấy ra được là cùng chung văn hóa, chính là thứ quyền lực mềm mà Vân Tranh nói.
Vì thế Vân Tranh muốn gặp mặt Khổng Tông Nguyên một phen, đưa luận chứng mà mình và Địch Thanh đã thảo luận ra cho Khổng Tông Nguyên xem. Vân Tranh nói thứ này không thể cho người ngoài xem, nhưng Địch Thanh phủ quyết, người ngoài ở đây không bao gồm Khổng Tông Nguyên, đó là uy lực của Khổng Tử, ông ta từ một nghìn năm trăm năm trước đã lấy nhân phẩm của mình ra đảm bảo cho cả con cháu.
Mã Đạt, Trương Thanh căn bản không là gì cả, Vân Tranh không hề hận bọn họ, đâu phải người ta ăn no rửng mỡ đi tạo phản, thậm chí còn cảm kích họ, để mình có cớ tới bái phỏng Khổng phủ.
Hiện giờ phiền nhất là phải đuổi bọn chúng từ Trâu thành ra, đuổi tới huyện Tiên Nguyên, tri huyện Khổng Tông Nguyên tại học vấn là vô địch, nhưng bảo ông ta cầm vũ khí liều mạng với đạo tặc thì quá làm khó người ta rồi, thậm chí giờ y còn lo Mã Đạt, Trương Thanh không đủ mạnh để uy hiếp Khổng gia.
Vì khiến đám phản tặc hung hãn thêm một chút, Vân Tranh rời kinh liền bắt đầu đi tiểu phỉ, thế là các hảo hán Sơn Đông bắt đầu bỏ chạy nháo nhào, chạy hơi chậm một chút là bị nỏ tiễn ghim vào thân cây, cho tới khi các hảo hán chạy hết lên Lương Sơn Bạc.
A đây là cái địa danh vô cùng nổi tiếng, xuất hiện từ năm Khánh Lịch thứ bảy, khi lũ Hoàng Hà dâng cao, biến nó thành cái đầm lầy cực lớn, chỉ là muốn nó thành Lương Sơn Bạc hồ rộng tám trăm dặm thì còn cần Hoàng Hà dẫn lũ vài ba lần nữa, khi đó mới có đất cho các anh hùng Thủy Hử tung hoành.
Khi tới Vận Thành Sơn Đông thì Vân Tranh dừng lại, ăn cá chép béo ngọt của Hoàng Hà, giằng co với Ma Đạt, Trương Thanh, lúc này danh tiếng của y đã truyền khắp vùng đất rồi, không tin đám cường đạo không đi quy thuận Mã Đạt, Trương Thanh, đạo phỉ tụ họp là chuyện rất bình thường.
Chỉ cần gây đủ áp lực, bọn chúng sẽ phải bỏ chạy về huyện Tiên Nguyên, nơi đó giàu có, cướp bóc một chuyến sẽ đủ cơ sở để trốn vào Tổ Lai sơn sau Tiên Nguyên huyện. Cơ mà đám khốn kiếp đó không giúp mình hoàn thành mục đích, Vân Tranh sẽ treo cổ toàn bộ ở Tiên Nguyên huyện.
Vận thành cách Trâu thành không xa lắm, nhưng chẳng có dấu tích chiến hỏa ở nơi này, cuộc sống vẫn diễn ra nhộp nhịp, mùa xuân hai bên bờ kênh cây cối xum xuê, liễu rủ um tùm mang một vẻ đẹp đặc biệt lạ thường.
Vân Tranh đi dạo trên đường chẳng gặp được Tây Môn Khánh đầu gài hoa tươi, chẳng thấy hảo hán mình cao chín xích dựa vào lan can uống rượu, chẳng thấy chàng lùn ba tấc mang gánh bán bánh, ngược lại Phan Kim Liên thì nhiều lắm, nhìn thấy Vân Tranh lắm tiền phong lưu tay phe phẩy quạt đi dạo phố thì không ngừng đá lông nheo, hoặc đứng trên lầu gác nhà mình, mở rộng cửa sổ ngồi trang điểm, lớn gan một chút còn đi qua "đánh rơi" khăn tay, trang sức đủ kiểu.
Xem ra chúng ta đều oan uổng cho Tây Môn Khánh rồi, dưới loại hoàn cảnh đó người tốt cũng biến thành Tây Môn Khánh mà thôi. Vân Tranh ở loại chuyện này luôn rất tự chủ, huống hồ trong nhà còn có hai lão bà mang thai vất vả, không hề có ý định để lại đây một câu chuyện phong lưu, hại chết mấy chàng Võ Đại Lang, Trương Đại Lang, Lý Đại Lang gì đó, võ lực của mình đã quá cường hãn, Võ Nhị Lang mà muốn báo thù cho đại ca thì chỉ có một kết cục bị Hàm Ngưu buộc đá vào cổ ném xuống sông thôi, như thế chỉ sướng cho Vương Bà, đó không phải chuyện Vân Đại muốn thấy.