Cả đường đi tôi và tài xế không nói chuyện, xe chạy thật nhanh. Khi xe đi ngang qua bệnh viện trấn, tôi thấy xe cứu thương chạy nhanh từ trong viện ra hướng về phía thành phố. Nhìn qua cửa kính tôi thấy người ngồi trong xe chính là bà và cô. Như vậy, người trên xe chắc chắn là ông, đang được đưa đi chuyển viện.
Xe về tới thôn, tôi bảo tài xế đưa tôi tới khu mỏ nhưng tài xế nhất định không đi. Tôi luôn không hiểu, vì sao các bác tài bên ngoài không chịu chạy vào khu mỏ? Việc này giống như luật bất thành văn vậy. Tôi chỉ còn có thể đưa tiền cho tài xế rồi vội vã trở về nhà tìm ba mẹ. Chỗ này còn cách khu mỏ phải hơn mười phút xe chạy, nếu tôi đi bộ thì phải mất cả tiếng đồng hồ.
Ba mẹ thấy tôi về là đã biết tại sao, vội bảo bác lấy xe ra đưa tôi đến khu mỏ. Mọi thứ đều cấp tập, tôi chẳng buồn thay quần áo, trên người vẫn mặc váy, vẫn trang điểm và vẫn đi đôi giày cao gót chưa kịp thay.
Xe chạy mãi, sau cùng dừng lại sau lưng đám đông đang nhao nhao. Trước mặt chúng tôi có rất nhiều người, tất cả đều đang vây quanh cửa vào khu mỏ. Cảnh sát đã chăng dây phân cách, có cả xe phòng cháy cứu hộ, có cả phóng viên, thậm chí có cả Đội phòng chống bạo lực đang đứng sẵn.
Giữa mỏ, đèn cao áp mở sáng choang. Ánh đèn làm không khí ấm lên không ít trong buổi đêm lạnh giá.
Tôi vội chen vào đám người, nghe lẫn trong tiếng huyên náo là tiếng đánh chửi và khóc lóc.
Khi tôi đến được đám người đứng trước thì nghe một người đàn ông trung niên mặc áo khoác đen nói với cảnh sát bên cạnh: “Cứ để cho họ đánh vài cái đi, đừng để xảy ra án mạng là được. Xảy ra chuyện như vậy, người nhà người tôi còn ở dưới đó, Tông gia bọn họ bị đánh vài cái thì có là gì. Để ý đừng để chết người là được. Nhưng mà, người trẻ tuổi kia thân phận là gì vậy? Thấy thôn dân không dám lại gần hắn.”
Tông Thịnh?! Bị đánh!Tôi khom lưng chui vào trong dây phân cách của cảnh sát, lập tức có cảnh sát hét to:
“Cô kia! Lùi về sau! Phía trước nguy hiểm lắm, không muốn sống nữa à?”
Tôi không để ý, mà chạy thẳng về phía đám đông! Người đứng trước mặt đám nữ nhân đang gào khóc chẳng phải là Tông Thịnh sao? Tôi đang mang giày cao gót, chạy trên mặt đất nhấp nhô xỉ quặng nên tôi ngã nhào, vừa lúc cảnh sát chạy theo sau cũng đuổi kịp tôi. Mắt tôi vẫn dán chặt về phía Tông Thịnh bên kia, nhìn trên miệng anh rách ra đang chảy máu, anh thật sự đã bị đánh! Mà có lẽ lúc anh quay sang nhìn tôi cũng ngay lúc tôi ngã xuống!
Cảnh sát chụp lấy tay tôi kéo lên, còn đang nói thì tôi đã nói to: “Tôi cũng là người nhà của chủ mỏ này, tôi tới xử lý mọi việc, mau buông tay!”
“Cô chỉ là đàn bà con gái thì xử lý cái gì? Đừng có gây thêm phiền hà nữa!”
Tôi đứng thẳng dậy, vừa cởi giày cao gót vừa nói: “Chủ mỏ này chính là một người phụ nữ!”
Tuy rằng quặng này là thuộc về Tông Gia, nhưng khi đăng ký doanh nghiệp thì dùng tên của bà.
Tôi nói xong, cũng vừa lúc cởi xong giày cao gót. Tông Thịnh đến trước mặt tôi kéo tay đi về phía lều đen không thấm nước ở bên kia. Phía cửa mỏ, có nhân viên phòng cháy cứu hộ mặc đồng phục màu cam đang cố gắng cứu người. Còn người nhà của người mất tích thì đang đứng quanh khu lều trại an ủi lẫn nhau.
Nhìn những người đó hầu hết đều là người trong thôn, ai cũng quen biết nhau, thậm chí đều có chút quan hệ họ hàng. Thấy tôi lại gần thì một người phụ nữ trừng mắt, cứ khóc mà không nói chuyện.
Tôi cũng không dám tỏ vẻ quá mức quan tâm tới Tông Thịnh trước mặt bọn họ, dù gì thì bây giờ người nhà họ sống chết chưa biết ra sao, bọn họ giận chó đánh mèo với Tông Thịnh cũng hợp lý. Tôi nghĩ nếu đổi lại là tôi thì lúc này tôi cũng sẽ không có được cái gì gọi là bình tĩnh hay lý trí cả.
Tôi chỉ dám thì thầm để anh nghe thấy: “Anh sao rồi? Bị đánh sao?”
“Không sao, bị đánh một chút. Người phụ nữ kia đã bị người nhà kéo ra rồi.” Tông Thịnh vừa nói vừa đưa tay sờ sờ khóe miệng đang rướm máu.