• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Gia binh Lê thị thấy đoàn người tạo thành con rắn dài cả mấy dặm, đoạn đường trước bến phà toàn người là người thì gọi Lê Ứng ra báo cáo. Lê Ứng là con cả của Lê Điền, từ năm mười lăm tuổi đã đi theo thiếu chủ Lê Ý, đến nay mười chín tuổi đã có thể tự lo một phía, rất được Lê Ý tin dùng.

Nó nhóc đầu lên nhìn, thấy Hầu gia, tiểu Hầu gia cùng bố nó sóng vai lên phà liền chạy ra bờ sông xác nhận một lần nữa rồi xoay người chạy về phủ, vừa chạy vừa hô.

- Phu nhân, Hầu gia đã trở về, phu nhân, tiểu Hầu gia cũng đã trở về.

Thanh âm hoan hỷ từ trấn tường một mạch reo đến Hầu phủ. Trên đường nhất thời yên tĩnh, đoạn già trẻ lớn bé Cẩm Giang cùng nhau tuôn lên tường trấn, vẫy tay reo hò hoan nghênh gia chủ của bọn họ trở về.

Chờ con phà đầu tiên đưa Lê Khôi, Lê Ý cùng bọn Lê Điền, Lê Chiêm hơn một trăm người qua sông.

Đứng đón ở hàng thứ nhất là đám thân binh không theo Lê Khôi xuất chinh. Mấy trăm người đồng loạt rút trâm xoã tóc, quỳ một gối xuống trước mặt Lê Khôi, hai tay chắp trên gối còn lại hô to ba lần.

- Cung nghênh Hầu gia khải hoàn trở về, Hầu gia uy vũ!

Lê Khôi, Lê Ý, Lê Điền, Lê Cẩn cùng bọn quân Nam Xương cả hai bên bờ cũng đặt tay ngực trái đáp lại ba hồi.

- Đại Việt tất thắng, Lê thị uy vũ!

Xuất quân khải hoàn trở về phải làm lễ, đây là trình tự cần thiết, có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Lê Khôi đã sớm làm qua vô số lần, Lê Ý lần đầu thụ hưởng lễ khải hoàn có chút cảm xúc trào dâng.

Người Lạc Việt gặp nhau thường chỉ vái chào, trừ khi là cha mẹ hoặc bậc bề trên thì lạy ba lạy, gặp quân chủ mới có tam quỳ ngũ vái. Nhưng tướng sĩ xuất chinh là ngoại lệ, đắc thắng khải hoàn lại càng hơn một bậc, lễ nghi long trọng đến mức nào đều có.

Năm kia chú nó đánh Cầm Nghiễm là một tên giặc cỏ dưới trướng chỉ có vài ngàn con tạp ngư, thắng trận trở về còn làm đại điển, dân Đông Kinh nghỉ ngơi ba ngày. Sau lại bắt bọn tù binh diễu trên quan đạo từ Đông Kinh về Lam Kinh, vua dâng tù binh làm lễ tế ở Thái Miếu.

Nhà nó chỉ ba chúc ba đáp đã coi là giản lược hết sức.

Sau khi Lê Khôi cùng quan quân phúc đáp ba tiếng, toàn bộ bách tính trong trấn không phân biệt nam nữ lão ấu sang hèn đều vái chào, đây là vinh quang tướng sĩ xuất chinh nên có.

Nhà Lê trọng nhất là quân công, con em Thanh, Nghệ cũng lấy tòng quân làm quang vinh, phong thưởng càng là trọng hậu. Một tên kiêu binh (1) đã trải qua chiến trận lại có miếng quân công trên người địa vị vượt xa thương gia bạc triệu.

Năm đó Thái Tổ dấy nghĩa hoàn công, thấy quân sĩ ném đầu lâu, vẩy nhiệt huyết mà tưởng thưởng không sánh bằng những kẻ lẩn khuất trốn tránh hoặc buôn bán chuộc lợi. Vậy nên vua cho xác định lại mức độ ưu tiên cấp đất (tư liệu sản xuất quan trọng nhất thời phong kiến), đảm bảo thứ bậc xã hội cho binh sĩ. Quân đội nhà Lê dục huyết phấn chiến là vì lẽ ấy. (2)

Lê Khôi chắp hai tay vừa đi qua vừa hướng đoàn người vái tạ, gặp lão thì nâng đỡ hỏi han, gặp trẻ nhỏ thì bế lên trêu chọc.

Lê Ý đi sau ông già chẹp miệng không thôi, thu mua nhân tâm đã ăn vào máu đám lãnh chúa, huân quý rồi, nhất là Lê thị bây giờ đã là thiên hạ đệ nhất huân quý, càng không thể có bất cứ tỳ vết nào. Kể cả bàng chi cũng không được.

...

- Anh Ý, há mồm aaa ...

Lê Ý một thân đất cát bẩn thỉu nằm ngửa ra sập, mồm há to ăn đào em gái đút cho. Em gái nó năm nay mới bảy tuổi, rất ngoan, rất thương anh trai, gọi là Lê Điềm.

Tên Điềm (恬) có nghĩa là an tĩnh, lặng lẽ mà yên ổn. Đủ thấy lão đầu nhà nó hy vọng gì ở mấy đứa con rồi. Trai đặt là Ý (tốt lành), gái đặt là Điềm (yên ổn).

Khuân mặt nó thỏa mãn để nhũ mẫu cởi giúp áo giáp trên người. Mẹ nó vừa lau nước mắt vừa cằn nhằn “sao đen vậy”, “sao gầy vậy”,” lão đầu chết tiệt không biết chăm con” v.v.

Vừa nói vừa kéo tay con trai yêu thương vuốt ve, thấy da nó có vết sần sùi lại khóc lóc bảo “đây đâu phải thứ con ta có thể chịu được”.

Lê Khôi ngồi một bên đưa tay lên day day đầu, áo giáp của lão không ai cởi giúp. Trước kia mỗi lần lão xuất chinh trở về là phu nhân đều cởi giáp, hỏi han chăm sóc lão. Con tim mong manh bốn mươi bảy tuổi khó chịu á.

Lê Điền nhìn thiếu chủ, lại nhìn gia chủ liền biết hôm nay gia chủ rất dễ nổi cáu. Bèn nháy mắt lia lịa với Lê Ý rồi cẩn thận lui ra ngoài.

Lê Ý đang sung sướng tận hưởng đột nhiên thấy lão Điền nháy mắt, không hiểu lắm. Lại nhìn ông già nó mặt đen như đít nồi liền ngộ ra đại đạo. Lê Ý đứng phắt dậy nói với mẹ là nó phải đi tắm, đoạn chạy ra khỏi cửa như trốn tà.

Lê Khôi híp mắt nhìn Lê Ý chạy trốn, hừ lạnh một tiếng.

“Coi như mi biết điều.”

...

“Quan cao nửa cấp đè chết người, huống chi là ông già. Láo nháo lão đẩy mình vào đại doanh “rèn luyện” thêm vài ba tháng nữa thì chết dở. Thôi, tránh voi chả xấu mặt nào.”

Vừa tự an ủi bản thân, nó vừa phẩy tay gọi Hạ Hiên cùng Thu Cúc đi tắm. Đã lâu rồi tiểu Hầu gia chưa được tận hưởng tay nghề của hai nha đầu này. Không biết có tiến bộ chút nào không.

...

Hôm sau, Lê thị mở tiệc khao quân khải hoàn, tiệc rượu bày từ đại đường tới tận ngoài sân, binh lính ngồi la liệt khắp hầu phủ. Bên đường trước cửa cũng bày tiệc đứng. Già trẻ gái trai Cẩm Giang gần sáu ngàn người đều ăn uống linh đình vui vẻ.

Lê Khôi ngồi trên chủ vị cầm ly rượu màu hổ phách lắc lắc, ngửi ngửi rồi uống ngụm rượu nếp ba năm tuổi tấm tắc khen ngon.

Rượu chưng cất vốn có vị rất chối, ban đầu bán ra không ai chịu uống, không sao bán được. Thế là thằng quý tử của lão nghĩ ra trò cho rượu mạnh vào chum sành, thùng gỗ sồi v.v. lại sai người đào hầm âm cả tám chín mét trong lòng núi rồi đưa thùng đựng rượu xuống hầm bảo quản.

Rượu để trong thùng gỗ ban đầu chỉ dùng thùng nhỏ ủ ba đến sáu tháng là được, về sau thùng chứa ngày càng to, thời gian ủ càng dài, rượu uống ngày càng nhu nhuận, mang hương vị gỗ sồi đặc trưng, lại còn ngả màu hổ phách mỹ lệ như thế.

Loại rượu màu hổ phách này chính là mặt hàng cao cấp nhất trong các loại rượu thương hội Vĩnh Xương chào bán ra các nước chung quanh, giá cả so với rượu thuốc còn đắt gấp ba đến năm lần.

“Con ta là anh tư cỡ nào, lại nhận được tiên nhân ưu ái truyền cho bách nghệ.”

Nghĩ đến chuyện con trai lão được tiên nhân điểm hóa lão lại càng rung đùi đắc ý.

Ngồi bên cạnh Lê Khôi là phu nhân Phạm Vân lại không có tâm trạng khoan khoái như vậy.

Bà là con gái Tuyên Vũ Hầu – Phạm Vấn. Phạm Vấn năm mươi mốt tuổi mới có một đứa con gái, trên có hai anh trai đều đã lớn nên cực kỳ được cưng chiều. Ba cha con Phạm Vấn coi Phạm Vân như hòn ngọc quý, cầm trong tay sợ vỡ, ngậm trong miệng sợ tan.

Sau Phạm Vấn thấy Lê Khôi vũ dũng, lại thương hắn mất vợ và con gái đã năm năm vẫn giường đơn gối chiếc, bèn gả con gái cho.

Chứ tuyệt không phải là do lão muốn kết thân với họ Lê mà Lê Tư Tề đã có vợ còn Lê Nguyên Long đang còn là đứa con nít, bất đắc dĩ phải chọn Lê Khôi.

Tóm lại là năm đó (1427) Lê Khôi ba mươi hai tuổi lấy Phạm Vân mười sáu tuổi, sang năm sau thì sinh ra Lê Ý.

Phạm Vân tự thấy con trai mình từ nhỏ đã là thần đồng, lớn lên ngọc thụ lâm phong, làm bao nhiêu việc có lợi cho dân cho nước, là thanh niên nghiêm chỉnh thời đại Lê Nguyên Long. Đến bây giờ là thời đại Lê Bang Cơ lại càng nổi bật.

Ấy thế mà chỉ hai tháng nữa đã bước sang tuổi mười lăm vẫn chưa hứa hôn với con gái nhà ai.

Nếu chỉ như vậy thì cũng thôi đi, đàng này bốn con nô tỳ xinh như hoa như ngọc cũng không đụng vào.

Nhìn bốn đứa nha đầu đang vây quanh con mình mỗi người một vẻ bày ra đủ loại mị thái, còn nó chỉ tập trung đọc hồ sơ báo cáo mà sầu hết cả người, nhéo eo lão Khôi.

- Bố nó, ngài phải làm gì đi chứ, thằng Ý đã sắp sửa mười lăm rồi. Sao mấy con nha đầu kia còn chưa có động tĩnh gì. Hay là nó không thích đàn bà.

Nghe phu nhân càu nhàu, Lê Ý chợt cười phá lên.

- Ai bảo với mẹ nó là thằng Ý không thích đàn bà, chẳng qua đám Xuân Lan, Thu Cúc không hợp khẩu vị của nó thôi.

Phạm Vân trố mắt nhìn chồng đang tỏ vẻ bí hiểm

- Khẩu vị? Là sao?

Lão Lê cười đắc chí.

- Con chúng ta không thích loại nụ hoa mới nhú e ấp mà thích loại đàn bà chín tới, dã một chút càng tốt.

Thấy vợ há mồm toan nói, lão thỏa mái.

- Yên tâm, chuyến này mới bắt được một ả đúng khẩu vị con mình, đích thân nó chọn. Ta đã phân phó cái Hoa đem đi tắm rửa sạch sẽ, dạy dỗ cẩn thận rồi để ả thiếp thân hầu hạ thằng Ý là được.

Phạm Vân nghe vậy như nhớ ra gì đó, ỏn ẻn.

- Bố nó nói là con ả hôm qua chú Điền đem vào Hầu phủ ý hả.

- Đúng , ta đã để lão Điền đem qua chỗ cái Hoa dạy dỗ, nàng không phải lo.

Phạm Vân muốn nói lại thôi. Lê Khôi là ai, nhìn qua là biết có chuyện không ổn, bèn hỏi tới.

- Mẹ nó làm gì con ả đó rồi?

- Em, chẳng qua em tưởng bố nó ở bên ngoài đem về làm thiếp nên ... nên ...

- Con bà nó, người ta còn sống không?

Lê Khôi bỏ công tốn sức mấy năm trời mới nhìn thấy con đàn bà hợp sở thích thằng quý tử, lúc này không chịu được cũng phải văng ra vài lời không kiểm soát.

- Hẳn ... hẳn là còn đi. Em chỉ bảo thằng Ứng đem ả đi bán cho kỹ viện.

Lão Lê ngưng thần nhìn vào mắt vợ một lúc lâu, Phạm Vân đuối lý tránh né ánh mắt lão.

Lê Khôi nghĩ mà sợ, may mà mấy năm nay bận rộn từ nam ra bắc không có thời gian nạp thiếp. Không thì con bà nó ở nhà không biết bà điên này nháo ra chuyện gì.

Đoạn lão gọi với ra ngoài.

- Điền có ở đó không.

Lão Điền chậm rãi bước vào chắp tay đợi lệnh.

- Xuống Lôi Dương tìm thằng Ứng về đây, nó đang đem con ả hôm qua thằng Ý nhìn trúng đi bán. Hẳn là mới đi sáng nay thôi, chắc là người vẫn chưa việc gì.

Lê Điền nhìn thoáng qua Phạm Vân, làm nàng càng cúi đầu thấp hơn. Lão thở dài một hơi rồi chắp tay lui ra.

Lê Khôi hừ một tiếng rồi đứng dậy đi ra sau vườn, không nhìn Phạm Vân đang ngồi đếm kiến nữa, càng nhìn càng bực.

*Chú thích:

(1) Kiêu (驍) trong kiêu dũng nghĩa là nhanh nhẹn, mạnh mẽ chứ không phải kiêu trong kiêu ngạo (憍). VD: Tam quốc diễn nghĩa (Hồi thứ tám): “Đổng Trác hữu nhất nghĩa nhi, tính Lã, danh Bố, kiêu dũng dị thường” (董卓有一義兒, 姓呂, 名布, 驍勇異常 .)

(2): “Ngày 22, ra lệnh chỉ cho quan văn võ đại thần nghị bàn việc lớn của nhà nước. Như người đi đánh giặc thì nghèo, kẻ rong chơi thì giàu. Người đi chiến đấu thì không có một thước, một tất đất mà còn ở những kẻ du thủ du thực, không có ích gì cho nước lại có quá thừa ruộng đất, hoặc đi làm nghề trộm cướp. Thành ra không có ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩa phú quý mà thôi. Nay ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan lại, quân nhân và dân chúng, trong từ đại thần trở xuống, dưới đến người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên.” (ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyển X, tờ 65a).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK