• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mấy hôm nay Lê Ý chuẩn bị cho dân trấn Cẩm Giang thu hoạch vụ Chiêm Xuân. Lúa chín độ chín phần mười là thu hoạch được rồi, không nên để chín hẳn, khi đó hạt lúa rơi rụng nhiều, rất tốn công sức nhặt nhạnh.

Năm nay Cẩm Giang gieo trồng năm ngàn hai trăm mẫu ruộng, trong đó ruộng mới lên tới gần một ngàn hai trăm mẫu.

Ruộng lúa Cẩm Giang có thể chia làm hai loại chính, ba ngàn một trăm mẫu ruộng nước dự tính đạt sản lượng hơn bốn triệu ba trăm năm mươi ngàn cân thóc, hai ngàn một trăm mẫu ruộng cạn dự tính đạt sản lượng một triệu chín trăm ngàn cân thóc.

Trừ đi số hao mòn có thể thu về ít nhất sáu triệu cân thóc. Thời này kỹ thuật xay xát chưa triệt để, tỉ lệ gạo thu được so với thóc chỉ là sáu mươi phần trăm, nghĩa là hơn sáu triệu cân thóc này xay xát ra được đâu đó ba triệu sáu đến ba triệu bảy trăm ngàn cân gạo.

Chỉ riêng số gạo vụ chiêm xuân đã đủ nuôi sống gần sáu ngàn dân Cẩm Giang, cùng bốn ngàn “công nhân” ở công xưởng Vĩnh Xương lẫn xưởng nghiên cứu của Lê Ý cả năm.

Lê Ý năm năm nay đều quy hoạch mỗi năm một vụ lúa, một vụ đậu để chăm đất cũng như hạn chế sâu bệnh nên mấy năm trước nông hộ ở Cẩm Giang đều phải bán đậu mua gạo. Mãi đến năm ngoái thành trấn mới cơ bản tự túc được lương thực cho chính nó.

Lê Nguyên Long vẫn tính là có chút tử tế, ruộng mới tái khai khẩn đều được miễn thuế ba năm. Những khoảnh ruộng đầu tiên từ năm năm trước đến năm ngoái mới phải nộp thuế, Lê Nguyên Long bảo cứ đưa thuế gạo xuống công xưởng tính là phần của hắn. Số thuế ruộng thiếu hắn sẽ xuất tiền trong nội khố ra bù vào quốc khố theo giá hiện hành.

Các năm trước đó đều phải nhờ cậy vào lộc điền ở Lôi Dương cùng tám ngàn mẫu ở Ngọc Sơn chuyển lên nuôi dân cũng như cung cấp nguyên liệu cho xưởng rượu.

Đương nhiên không chỉ mình nhà nó lo thóc gạo cho xưởng rượu ở Vĩnh Xương, Trịnh Khả, Lê Sao, Trịnh Khắc Phục độ hơn mười nhà cũng thường đưa lương lên ủ rượu. Mười mấy nhà còn lại lo trồng mía sản xuất đường tinh cùng nhục tinh (bột ngọt).

Nằm vắt vẻo trên võng gần bờ ao, tay nó vô thức ném bỏng gạo cho cá ăn. Lê Điền đã chạy xuống Ngọc Sơn đưa sách vở mua được ở nước ngoài về.

Từ hai ba năm nay mỗi chuyến hàng của thương hội Vĩnh Xương đi buôn ở Đại Minh, Đại Hoà, Triều Tiên đều có trách nhiệm thu mua sách vở về Đại Việt.

Tương lai mở được thương lộ tới Mã Lạt Gia (Malaca) sẽ có thêm sách vở Ấn Độ, Ả Rập và xa hơn nữa.

Đó đều là căn cơ của Đại Việt sau này, không thể coi nhẹ. Vậy nên từ trước đến nay đều do gia thần đích thân hộ tống từ Ngọc Sơn về Cẩm Giang biên tập.

Từ lâu Lê Ý cùng Lê Nguyên Long đã có ý định thành lập một trường quốc học cùng một viện nghiên cứu học thuật phụ thuộc ở Lam Kinh. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước thịnh, tri thức chính là chất dinh dưỡng tạo nên cái nguyên khí đó.

Tri thức được hệ thống hoá lại càng là thuốc đại bổ, đến lúc đó gượng ép tạo ra hiền tài theo kiểu nhồi vịt cũng là một ý tưởng không tệ.

Muốn có được tri thức thành lớp lang, có thứ tự thì phải có trung tâm nghiên cứu, biên tập, hiệu đính đàng hoàng.

Nó cảm thấy Lê Khôi nói không sai, muốn dựng được đài cao phải đào móng sâu.

Không phải Lê Ý không có ý định đốt cháy giai đoạn, nắm trong tay tri thức của cả năm sáu trăm năm sau muốn cưỡng ép nâng cả một nền học thuật cũng không phải là không được.

Nhưng vấn đề là tận hưởng tri thức có sẵn như vậy mà không có tinh thần nghiên cứu, không có quy trình nghiên cứu, không có thói quen đặt câu hỏi thì sau khi Lê Ý chết nền học thuật Đại Việt cứ như vậy chững lại à?

Trên dòng sông lịch sử từng xuất hiện bao thiên tài tuyệt thế, bao nhiêu phát minh vĩ đại, bây giờ đâu cả rồi?

Thúc đẩy học thuật phát triển, xã hội tiến lên không phải việc một người có thể làm được. Đó phải là nỗ lực không ngừng của nhiều người, nhiều thế hệ mới có thể đưa quốc gia xương thịnh ngàn năm.

Lê Ý thậm chí có một ý tưởng, nếu như ở đời sau nó sẽ bị cả cộng đồng mạng rủa xả, phỉ nhổ, thậm chí coi nó là phường tâm thần. Hiện giờ Đại Việt có thể cho nó một cơ hội, cơ hội để biến ý tưởng thành hiện thực.

Vứt những chuyện ước vọng cao xa sang một bên, quay lại chuyện học thuật

Muốn có được tinh thần nghiên cứu, muốn có quy trình nghiên cứu, muốn có thói quen đặt câu hỏi thì phải rèn luyện ngay từ khi Lê Ý còn sống. Có như vậy nền học thuật quốc gia mới bền vững, không phụ thuộc vào cá nhân nào.

Muốn mở rộng được sự học, trước hết, quan trọng hơn cả sách vở là phải có được bộ chữ tiện lợi cái đã.

Hàn lâm viện Hiệu giám Nguyễn Khắc Trung, Trung thư Thị lang Trình Hiền (Trình Thuấn Du), Hoàng môn Thị Lang Lý Thối (Lý Tử Tấn) cùng hơn hai mươi học giả ba bốn năm nay đã ăn ở tại Cẩm Giang nghiên cứu bộ chữ mới cũng là vì lẽ ấy.

Chứ trông chờ gì vào chữ Hán? Chỉ riêng ba ngàn chữ thông dụng đã mất cả năm sáu năm ròng học tập.

Chữ Nôm thì ối dồi ôi, là thứ chữ dựa trên chữ Hán nên muốn học chữ Nôm trước hết phải biết chữ Hán, lại còn thêm mấy chữ đặc biệt ký âm của người Việt nên phức tạp hơn chữ Hán một bậc.

Cũng không phải Lê Ý không muốn bê nguyên chữ quốc ngữ vào giảng dạy. Chuyện là mấy chục lão đầu này chê chữ quốc ngữ rối rắm như giun như rắn, dài ngắn không đều, cao thấp không giống nên sống chết không chịu.

Thế là sau mấy đêm dài trằn trọc nó chợt nhớ tới một bộ chữ ký âm do một ông kỹ sư phần mềm người Việt ở Đức phát triển, cũng rầm rộ một thời gian.

Lúc đó nó đương tuổi trung nhị nên có chút dân tộc cực đoan, nó cho rằng người Việt dùng chữ Latin là xỉ nhục.

Anh thanh niên 16 tuổi năm ấy quyết tâm tham gia vào cộng đồng nặn chữ, mưu cầu hoàn thiện thứ chữ riêng có dành cho người Việt bởi người Việt.

Đến trước khi nó hồn xuyên qua thời đại này thì bộ chữ kia cơ bản đã có thể sử dụng. (1)

Đương nhiên là hiện tại nó không còn đủ tự đại để cho rằng mình tài trí hơn đám đại nho dành cả đời để nghiên cứu chữ nghĩa. Vậy nên nó trình bày phần thô của bộ chữ ký âm kia cho đám Trình Thuấn Du.

Sợ mấy lão không quan tâm nó lại “tiết lộ” cho mấy lão biết đây là sư phụ thần tiên của nó trong lúc nhàm chán tạo ra, về sau bận bịu không muốn phát triển tiếp nữa.

Đám lão đầu nghe nó nói vậy liền coi bộ chữ ký âm của ”thần tiên” như trân bảo, thề sống chết hoàn thành ý chí của tiên nhân.

Lê Ý khinh thường, đúng là lũ a dua, lần trước chữ quốc ngữ của nó đã tương đối hoàn thiện, bao nhiêu đời tiên hiền hiệu đính chỉnh sửa thì chửi như đổ nước không coi ra gì.

Bây giờ chỉ cần nói đó là thứ chữ do thần tiên ngẫu hứng tạo ra thì lão nào lão nấy đều tấm tắc khen là “diệu”. Từng nấy lão già bất chấp tuổi cao sức cạn đều lao đầu vào nghiên cứu, cải tiến.

Đúng là việc chuyên nghiệp vào tay người chuyên nghiệp, chỉ hơn hai năm bộ chữ ký âm mới đã tương đối hoàn thiện. Dùng nó để mở rộng sự học đúng là công tích ngàn đời, Lê Ý coi như chắc suất một chén canh.

Lại lạc đề rồi, bây giờ nó đang nằm đây không phải là vì trốn tập huấn … mà thôi được rồi, là nó trốn tập, nhưng công việc tạo cớ cho nó trốn cũng cực kỳ quan trọng.

Lê Ý đang chờ Lê Chiêm đem người đến trình diễn thành quả máy cấy lúa kéo tay.

Cái đề án này nó đã bắt đầu cho nghiên cứu từ bốn năm trước.

Dựa trên trí nhớ lờ mờ của nó về cái máy cấy kéo tay bốn luống, nó vừa vẽ sơ đồ cơ bản vừa mô tả bằng miệng cho mấy tên công tượng nghe. Cắt tới sáu tên công tượng ngày đêm nghiên cứu, tính cả đệ tử của chúng nuôi đến gần hai mươi người trong bốn năm nhưng hôm nay mới có thành quả.

Máy cấy lúa kéo tay chính là con bài quan trọng trong tay Lê Ý, mà không, phải là trong tay Đại Việt mới đúng.

Tiền kiếp nhà nó có ba khoảnh ruộng, mỗi khoảnh từ hai đến ba sào. Đến mùa cấy khoảnh nào cũng phải sáu người cặm cụi từ sáng sớm đến trưa mới xong, tính ít cũng phải năm sáu tiếng mỗi khoảnh.

Từ lúc bắt đầu phổ biến máy cấy kéo tay một người có thể cấy sáu đến tám sào ruộng mỗi giờ. Nghĩa là, thay vì thuê sáu người cấy bằng tay, nếu nhà nó thuê sáu người kéo máy cấy thì một buổi có thể cấy hai trăm mười sáu sào ruộng, nhanh gấp bảy mươi hai lần cấy bằng tay.

Hiệu quả như thế chỉ cần phục chế được một nửa, không, chỉ cần hai đến ba phần mười đã tiết kiệm biết bao nhiêu sức người sức của. Bảo nó không trọng thị sao được.

- Thiếu chủ, bọn người Lý Phủ đã đến.

Giọng của Lê Chiêm đột ngột cất lên từ phía sau, Lê Ý biết là công tượng đã đến liền phất tay.

- Chú cho bọn chúng ra khoảnh ruộng mới chuẩn bị xong hôm kia đi, cháu sẽ ra ngay.

Lê Chiêm chắp tay lui ra. Lê Ý đổ hết bỏng gạo xuống ao cá, miệng lẩm bẩm.

- Cá ngoan ăn nhiều chóng lớn, dỗ đầu chú Long năm nay tế cá nướng, canh cá, cháo cá. Ha ha ha ... chú Long hẳn là thích ăn cá chép lắm.

Nhà Lý Phủ là họ Lý lâu đời chứ không phải họ Lý mới khôi phục gần đây. Trước thời Trần họ Lý ở Đại Việt vốn không ít, xưa kia có thời điểm cả một vùng Kinh Bắc mười hộ có đến sáu bảy hộ họ Lý.

Từ khi họ Trần lên cầm quyền, lấy cớ Nguyên Tổ họ Trần tên là Lý liền bắt con cháu họ Lý trong thiên hạ đổi hết sang họ Nguyễn để tỵ huý. Thực chất là để xoá sổ dấu tích họ Lý khỏi ánh mắt nhân gian.

Từ khi Lê Nguyên Long lên ngôi cũng viện cớ sinh mẫu của hắn tên là Trần bèn bắt tất cả con cháu họ Trần phải tỵ húy. Trò này cho là Hoàng Đế đe nẹt những kẻ còn có tâm lý phù Trần cũng được, mà coi là ác thú vị của Lê Nguyên Long ghét cách họ Trần đối xử với họ Lý cũng chẳng sai.

Họ Lê là gia tộc duy nhất suốt bốn trăm năm qua không lên ngôi bằng cách tiếm quyền chủ, vậy nên Lê Nguyên Long cũng chả có lý do gì để kiêng kỵ họ Trần quá đáng.

Chẳng qua là bắt con cháu họ Trần đọc trại thành họ Trình, cái này đúng thật là tỵ huý thì thường đọc trại đi như thế chứ ai chơi trò bắt đổi cả họ cho mất gốc hẳn đi như họ Lý thành họ Nguyễn.

Trung thư Thị lang Trần Thuấn Du phải đọc trại thành Trình Thuấn Du cũng có thể coi là một nạn nhân của trò tỵ huý này.

Lý Phủ thì khác, hắn vốn không phải con cháu họ Lý trước năm 1225, tổ tiên hắn là tàn binh bại tướng nhà Tống chạy giặc Mông Cổ sang An Nam.

Sau đi theo họ Trần đánh đuổi quân Mông Cổ thì được phân phát về các nơi khai khẩn ruộng vườn.

Tổ tiên hắn được phân phát vào Thuận Hoá, hoàn cảnh tuy khó khăn nhưng dựa vào nghề mộc cũng kiếm thêm được một ít, cứ như thế cuộc sống cũng không tính là quá vất vả, cứ thế cho đến đời ông nội hắn.

Năm đó Trần triều Duệ Tông Hoàng Đế muốn đánh Chiêm Thành phục thù, liền bắt hết thợ khéo cả nước về Thăng Long ngày đêm đóng thuyền lớn, tạo xe ngựa, rèn khí giới. Từ đó, cả nhà hắn trôi dạt theo dòng thế sự. Từ thành Thăng Long đến thành Tây Đô, từ Trần triều đến Hồ triều rồi Minh thuộc.

Thời đại nào cũng cần bọn công tượng như gia đình hắn. Vậy nên hơn bảy mươi năm nay cả nhà tuy không dư giả gì nhưng cũng gọi là sống khoẻ.

Mãi đến khi Hầu gia họ Lê vào bách tạo xưởng chỉ mặt điểm đi hơn ba trăm công tượng thuộc đủ loại ngành nghề, gia đình hắn lại trôi dạt lên trấn Cẩm Giang.

Ban đầu Lý Phủ nghe nói đất Cẩm Giang là nơi hoang vu rừng thiên nước độc nên cũng khá sợ hãi. Hắn năm nay đã bốn năm mươi tuổi, sớm đã sống đủ, giờ có chết cũng được nhưng con hắn mới hai mươi hai tuổi, đứa cháu nhỏ mới sáu tuổi còn chưa biết sự đời. Thôi thì phó thác cho Hạo Thiên vậy.

Đến nơi rồi cả nhà Lý Phủ mới biết tất cả lời đồn đều là cứt chó. Người trong nghề nhìn qua liền biết.

Thành trấn Cẩm Giang tường gạch vồ màu đỏ cao tới một trượng rưỡi, chân rộng một trượng, cách mỗi hai mươi trượng lại có một tháp tên. Tháp cao ba trượng, phần nhú ra khỏi tường tầm hai trượng hình cánh sao, loại bố trí tháp canh này khi bị tấn công có thể đứng trên tháp tên bắn quân công thành từ bên hông, quân ở tường chính cũng có thể bảo vệ chân tháp canh theo cách tương tự, đúng là thiết kế không có góc chết.

Trấn Cẩm Giang phía bắc dựa núi, phía tây và nam nhìn ra Lỗi Giang, chỉ có mặt đông nhìn ra đồng bằng, diện tích ước chừng mười hai đến mười ba dặm vuông. Trong thành quy hoạch chặt chẽ, nhà gạch đều xây ít nhất hai tầng, với lối quy hoạch như thế toà thành này đủ để chứa ít nhất hai vạn người.

Đến nơi ở của bọn công tượng cũng làm hắn không thôi xuýt xoa. Tường thành cao hai trượng chân tường rộng một trượng, cũng bố trí tháp tên y hệt trấn Cẩm Giang.

Diện tích ước chừng sáu bảy dặm vuông lại chia làm hai khu. Khu sản xuất ở phía gần bờ sông để tận dụng sức nước, có hai cửa nam bắc ra vào. Khu dân sinh ở gần cửa thành đông, diện tích khoảng 1/3 toà thành, quy hoạch không khác gì trấn Cẩm Giang, ít nhất chứa được hơn ba ngàn người.

Kể từ thời khắc nhìn thấy mấy toà thành trấn này Lý Phủ liền biết, cả nhà mình không cần phải lo đến mạng sống nữa. Cái tệ là trong vòng vài thế hệ sắp tới cũng chỉ có thể sống chết trong toà thành nhỏ hơn gọi là “xưởng nghiên cứu Cẩm Giang” này mà thôi.

Nghĩ thông rồi ăn no ngủ kỹ tới hơn mười ngày, đến lúc Lý Phủ tưởng như mình sắp bị lãng quên thì hắn cùng với năm tên công tượng khác, cả thợ mộc lẫn thợ rèn bị gọi đi gặp đại nhân vật.

Nơm nớp lo sợ vào diện kiến, quỳ vái xong thì cả sáu tên công tượng đều bất ngờ vì đại nhân vật gọi bọn hắn vào là một thằng nhóc mười tuổi. Tuy ôn nhã lễ độ ra vẻ trưởng thành trước tuổi nhưng vẫn là thằng nhóc.

Lê Ý giao cho bọn Lý Phủ công việc hệ trọng là theo mô tả cùng bản vẽ của nó phục chế một cỗ máy cấy lúa, cái máy này theo lời nó có thể thay thế hàng chục sức người.

Tất cả bọn thợ thuyền đều coi rằng đó chẳng qua là trò chơi của thằng nhóc con quan, đấy là cho đến lúc nó phun ra một câu nói.

“Từ nay về sau tất cả bọn mi được phát lương một lượng bạc cùng hai trăm cân gạo mỗi tháng. Hoàn thành hạng mục này thưởng một trăm lượng bạc cùng với ba mẫu ruộng ở cánh đồng phía đông công xưởng.”

Từ đó đến nay, bốn năm như một ngày sáu tên công tượng trở thành công nhân chăm chỉ trong công xưởng Cẩm Giang.

Thấm thoát đã qua hơn một ngàn ba trăm ngày nghiên cứu tìm tòi. Đến nay mới có kết quả.

Hôm nay Lý Phủ tiến vào phủ Hầu gia ở thành trấn Cẩm Giang biểu diễn cho tên nhóc con mười tuổi năm nào thấy thành quả của bọn họ. Ba mẫu ruộng tốt, một trăm lượng bạc phải về tay chúng ta.

*Chú thích:

(1) Đây là một kiểu chữ tượng thanh, nghĩa là cấu tạo tương tự chữ Quốc Ngữ nhưng các nét chữ thì khác và có thể gom gọn vào thành chữ vuông cho đẹp. Loại chữ này vẫn đang được phát triển: https://chunom.org/pages/pa/

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK