Chương 25: Hoạ Quốc
Lê Khôi móc trong lòng ra một tấm lụa màu vàng, bên ngoài thêu hai con ngũ trảo Kim Long, hai tay đưa lên cao quá đầu. Miệng nghiêm trang tụng xướng.
- Tiên Đế di mệnh, quần thần tiếp chỉ.
Cả điện Hội Anh đều há hốc mồm nhìn tấm lụa vàng trên tay Lê Khôi. Bọn hắn đang định nghe xem Lê Khôi muốn chia sẻ phép canh tác mới theo lý nào, có thuyết phục được bọn hắn không. Kể cả có thuyết phục cũng phải kéo dài thời gian để tay chân bên dưới có thể xoay xở, ai ngờ.
Thế là cả triều đường quỳ xuống nghe chỉ, ngay cả Thái Hậu cũng không ngoại lệ.
- Chúng thần thính chỉ. (x56)
"Từng nghe, muốn xương thịnh, phải dựa vào nghề nông, được như thời Kiến Nguyên nhà Hán hay Trinh Quán nhà Đường thì đời sau mới không có lời chê trách. Trước kia trẫm sai hoàng gia tử đệ là Ý cùng với gia nô là Cung dốc sức mà cải tiến phép canh nông, tiền của đổ ra không biết bao nhiêu mà kể. Đến nay đã hơi có thành quả, nhưng phân phối điềm lành ra sao, trẫm vô cùng lo nghĩ. Hiền giả nói, lộc phải phân cho kẻ tài năng, tài phải rải cho người thân thuộc. Nay kỹ thuật canh nông mới trước nên lan truyền trong tông tộc, cựu thần, sau nên phổ cập ở lộ Thanh Hoá là đất thang mộc nhà ta, đó là theo phép xưa vậy. Sau đó cứ theo quy chế mà mở rộng ra, những dân nào chịu giáo hoá của triều đình thì trước sau đều được lộc vua cả, đó chẳng phải đạo của thánh quân ngày xưa hay sao. Nếu làm ngược lại, để người thân thuộc chịu thiệt thòi, đất thang mộc chịu đói kém, kẻ trung trinh chịu buồn tủi mà để bọn phản phúc được hưởng lợi lớn, phường đạo chích được dùng phép hay, đó chẳng phải là đường đến diệt vong sao. Sau này chuyện phân phối điềm lành cứ theo phép ấy mà làm.”
- Chúng thần lĩnh chỉ. (x56)
Đọc xong di mệnh lại đưa cho Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Đinh Liệt xác nhận. Lê Khôi không khỏi khen thằng con mình có mắt thấy xa.
Ngay từ thời điểm Lê Khôi ra can dán Lê Nguyên Long đừng ghé nhà Nguyễn Trãi, Lê Ý đã liệu trước Lê Nguyên Long khó mà nghe lời Lê Khôi. Bèn dặn Lê Khôi nếu không khuyên được thì lui một bước mà cầu việc khác, chính là tờ di mệnh có ấn tỷ Hoàng Đế này.
Trịnh Khả, Nguyễn Xí xem xét một lượt rồi đưa cho bọn Trình Thanh, Đào Công Soạn.
Đào Công Soạn nhìn từng nét chữ rồi gật đầu, nét mặt có chút ê răng.
- Đây đúng là di mệnh của Tiên Đế, không giả được.
Kèo này hỏng, đúng thật là di chí của Tiên Đế thì chịu hẳn, lễ giáo lấy chết làm lớn, di chí của Hoàng Đế lại càng lớn, không ai dám đứng ra phản đối.
Trình Thanh chắp tay vái.
- Không biết theo ý Đại Tông Chính đại nhân thì bây giờ phải làm thế nào?
Lê Khôi nào dễ bị gài như vậy, lão nghiêm mặt, nghĩa chính ngôn từ nói.
-Mong Nội mật viện Chánh chưởng Đại nhân cẩn thận phát ngôn của mình. Ta chỉ là đang thực hiện di chí của Tiên Đế, chứ tuyệt không phải ý riêng của ta, hơn nữa, tông tộc họ Lê vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ điềm lành với lê dân bách tính. Cái chính yếu cần xem xét là, ai mới là con dân Đại Việt chịu triều đình giáo hoá. Chỉ cần chứng minh được điểm này họ Lê nào có tiếc chi.
Ngự sử Trung thừa Bùi Cầm Hổ hướng Lê Khôi vái dài.
- Làm cách nào chứng minh, mong đại nhân nói cho biết, Hổ thề dốc hết sức lực giám sát việc này.
Nhận được lời cam đoan từ Bùi Cầm Hổ, Lê Khôi an tâm mở điều kiện.
- Đơn giản thôi, để chứng minh làng xã chịu giáo hoá của triều đình có ba điều kiện. Một là mở đường thông ra bên ngoài, mỗi làng phải có ít nhất ba con đường kết nối các làng khác, đường ít nhất vừa một xe ngựa đi qua. Hai là mở cửa thông thương, các làng không được ngăn cản thương buôn qua lại, buôn bán. Ba là phổ cập quân dịch, từ nay thanh niên đủ mười bảy tuổi sẽ phục quân dịch hai năm, hết hai năm sẽ về làng như thường, không được sai lầm.
Chưa chờ Bùi Cầm Hổ nói gì đã nghe thấy mười mấy tiếng hô lớn.
- Không được. (x13)
Không cần nhìn, nghe qua cũng biết là những ai, Lê Khôi cười chẳng đáng, chắp tay với Hoàng Đế rồi ngồi xuống ghế nhắm mắt dưỡng thần.
Trình Thanh, Lê Cảnh Xước, Đào Công Soạn, nóng ruột như ngồi trên lò lửa, ngay cả Thị ngự sử Trình Hiển từ đầu buổi đến giờ ngồi trong góc cũng không nhịn được mà hơi nhoài người dậy.
Từ ngàn đời nay, do tính biệt lập của làng xã về giao thông mà nhà nước không thể quản lý đến từng người dân, rà soát đến từng khoảnh ruộng.
Vậy nên, những con số thống kê của nhà nước chỉ là ước lệ, thậm chí dân số hơn năm triệu người hiện tại mà triều đình Đông Kinh đang có cũng chỉ là do làng xã báo lên mà thôi. Thực tế chắc chắn sẽ có sai khác, đây không chỉ là chỗ yếu của triều đình nhà Lê Sơ mà bất cứ triều đại nào ở đất Đại Việt này từ xưa đến nay đều như thế cả. Người Minh thậm chí còn không có năng lực thống kê, phải dựa vào sổ sách cuối thời Hồ để đưa ra ước đoán về nhân khẩu.
Tuy nhiên, cũng không còn cách nào khác, triều đình phải tạm hài lòng với những con số mà làng xã báo lên, vì đó là căn cứ duy nhất để nhà nước án vào mà thu thuế cũng như trưng tập lao dịch.
Nếu chính quyền trung ương quyết tâm thống kê rõ ràng số đinh, số ruộng thì làng xã sẵn sàng liên kết với nhau để tạo phản. Trong lịch sử, thời Hồng Đức ở An Bang có một số làng vì sở hữu quá số điền thổ khai báo lên trên đã liên kết với nhau đánh chặn quan quân triều đình về khám đạc điền thổ. Triều đình phải đưa đại quân xuống dẹp loạn mới thôi.
Giao thông khó khăn, tức là thông tin bí bách, cường hào sỹ tộc ở giữa truyền đạt ý chí của triều đình có quá nhiều chỗ có thể thao túng kiếm lợi. Nay khai mở thông đạo thì bọn chúng làm sao mà lật tay thành mây, úp tay thành mưa được nữa.
Thương mại cô lập nghĩa là chúng độc quyền thu mua đặc sản địa phương bán ra ngoài, lại độc quyền đồ đạc bên ngoài bán vào trong, lời cả đi cả về như thế bảo chúng nhả ra sao mà khó khăn.
Trong lịch sử, từng có làng nọ ở Bắc Bộ theo quy hoạch thì phải nằm trên con đường đê mới. Thế là cả làng góp nhau hai trăm đồng bạc Đông Dương để hối lộ quan trên xin không cho đường đê chạy qua làng nữa. Mấy khoảnh ruộng là chuyện nhỏ, đường lớn vào làng mới là chuyện không cứu vãn nổi.
Chỉ như thế cũng đủ thấy chuyện làm đường cùng thông thương đả kích quyền lực địa phương đến mức nào.
Lê Nguyên Long từ lâu đã muốn triệt tiêu tính độc lập của các làng xã, tuy nhiên sức cản quá lớn. Đoạn người tiền tài như thù giết cha đoạt vợ. Vậy nên Lê Nguyên Long muốn dùng kỹ thuật canh tác mới làm lợi ích trao đổi để “hoà bình” và hợp pháp tước đoạt thứ sức mạnh ngoài tầm kiểm soát của triều đình này.
Một lần nữa, tiếc là hắn băng sớm, ngoài Lê Ý, ai mà ngờ được có kẻ lại phản ứng quá khích đến thế.
Yêu cầu thứ ba - quân dịch chế do Lê Ý đặt ra chứ không phải ý Lê Nguyên Long. Lê Khôi cho rằng chế độ này cũng cực kỳ quan trọng cần phải đề đạt ngay.
Phổ cập quân dịch nghĩa là làng xã mất đi lực lượng quân sự tư nhân. Từ thời Thuận Thiên đến nay đã mười lăm năm hai đời vua đều tìm cách bãi bỏ các lực lượng quân sự tư nhân. Ngay cả con cháu hoàng tộc như Lê Khôi, Lê Ý cũng phải biên chế thân binh vào các đơn vị chính quy.
Thái Tổ đối với tất cả công thần đều cực kỳ khoan hậu, đó là lý do đám huân quý có thể cộng trị thiên hạ với Hoàng Đế như bây giờ. Vậy vì sao năm đó Trần Nguyên Hãn phải nhảy sông? Người đọc sử mà tin là Thái Tổ già lắm bệnh mà cho giết công thần thì chả khác gì thiểu năng. Câu trả lời duy nhất khả dĩ chỉ đơn giản là Trần Nguyên Hãn quen lề thói họ Trần, cai trị Thái Ấp của mình như một hoàng đế nhỏ.
Đóng thuyền lớn, rèn khí giới, mua voi ngựa v.v. đó là điều bình thường với một quý tộc nhà Trần như Trần Nguyên Hãn. Nhưng trong mắt Lê Thái Tổ, đó là sự phản bội trắng trợn không thể nào tha thứ được.
Bọn Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí v.v. chẳng qua là đoán biết Thái Tổ có ý giận Trần Nguyên Hãn mà đứng ra ném đá xuống giếng mà thôi. Chứ cỡ như bọn chúng tài cán gì có thể xui khiến được Lê Lợi?
Bây giờ Lê Khôi muốn tiến một bước nữa, xoá bỏ tất cả các lực lượng vũ trang không chính quy, vũ trang ở làng xã cũng không được. Riêng với điều kiện này Lê Khôi cho rằng có thể du di, lần này chưa được thì lần sau. Dù sao Lê Ý cùng Lê Bang Cơ còn nhỏ, còn hằng chục năm nữa thoả mái thao tác.
Ứng Thiên phủ Trình thị, Duy Tân Trình thị, Đông Quan Bùi thị, Lê thị, Tiên Lữ Đào thị đều là đại tộc, mấy gia tộc này xét đến lịch sử đều từ giữa thời Trần, thậm chí họ Đào có thể truy nguyên đến tận thời Lý. Con cháu Tín Nghĩa hầu Đào Cam Mộc, người Ái Châu, mãi đến Lý mạt mới di chuyển ra Tiên Lữ.
Có thể nói là vinh hiển ít cũng trăm năm, nhiều thì ba bốn trăm năm khắp Kinh Lộ này đâu đâu cũng có.
Mấy nhà này ít thì kiểm soát ba bốn làng, nhiều cả chục làng, đó đều là cốt tuỷ của đám thế tộc này cả.
Chúng vốn chỉ tưởng là Lê Khôi đòi can thiệp theo kiểu lý trưởng, xã trưởng do triều đình kiểm duyệt hoặc triều đình ra thời hạn với các chức vụ này, cùng lắm là khai thêm ruộng, thêm đinh. Những điều kiện này bọn chúng đều có khả năng nhân nhượng, tuy nhiên điều kiện mà Lê Khôi đề ra có cái nào không đánh vào căn nguyên quyền lực của các gia tộc lâu đời ở Kinh Lộ.
Ngự sử Trình Hiển đứng ra chắp tay vái lên sập vàng, giọng sang sảng cả sảnh đường.
- Thần từng nghe, bậc thánh quân từ xưa nhẹ thuế má mà giảm lao dịch, người hiền tài khuyên vua chăm nông canh mà xa thương lợi. Nay Đại Tông Chính đại nhân một mặt thì đòi đắp đường làm lao dịch nặng nề, mặt khác lại khuyến thương mậu mà tị nông canh là vì lẽ gì? Đây không phải là lời của phường gian thần hoạ quốc lầm vua sao? Thần vái xin Thái Hậu minh xét không để hoạ hại đến quốc gia.
Nói rồi liền quỳ mọp xuống dưới sập vàng, sau lưng mười mấy viên quan cả văn lẫn võ đều quỳ theo. Nguyễn thị Anh liếc sang Lê Khôi, thấy lão vẫn bình chân như vại nhắm mắt dưỡng thần thì vững dạ.
Lại nhìn xuống ngay đầu ban văn, thấy Thái phó Lê Văn Linh đang chắp tay nhắm mắt ra chiều chả liên quan gì đến mình, khoé miệng giật giật, hỏi khẽ.
- Thái phó đại nhân cho là thế nào.
Lê Văn Linh như mới choàng tỉnh từ cơn mê, ngẫm nghĩ một lát rồi đứng dậy chắp tay vái lên sập vàng, đoạn hướng Trình Hiển hỏi.
- Ta nghe Thị ngự sử đại nhân nói Đại Tông Chính hiến kế là hoạ quốc lầm vua, phải vậy chăng?
Trình Hiển đứng dậy, hướng Lê Văn Linh nói.
- Hồi Thái phó đại nhân, chính sách của Đại Tông Chính Lê Khôi nặng lao dịch mà nhẹ ân đức, khuyến thương mà tỵ nông. Đây không phải là hại nước lầm vua thì là gì?
Lê Sao, Trịnh Khắc Phục chăm chăm đứng dậy mắng thì Lê Khôi đưa tay ra ngăn. Lão chậm rãi cất tiếng trầm vang khắp Hội Anh điện.
- Hai anh nên để cho Thị ngự sử đại nhân trình bày, chốn miếu đường không phải chiếu ngục, không nên chỉ có một thanh âm. Để đến mức ấy có khác chi thời Lê Sát làm Tể Phụ.
Trình Hiển cũng không nhịn được hướng Lê Khôi vái, trong lòng thẹn vừa rồi hướng lão nói lời nặng nề, có lẽ có hơi quá đáng. Nhưng lợi ích gia tộc trước mắt không cho phép hắn chịu thua.
Lê Văn Linh hướng Lê Khôi gật đầu, thái độ của Lê Khôi khiến hắn rất hài lòng, hắn cực kỳ ghét cảm giác “miếu đường một thanh âm” thời Lê Sát lẫn … Lê Nguyên Long. Đoạn lão lại hướng Trình Hiển hỏi.
- Thị ngự sử đại nhân cho rằng ý kiến của Đại Tông Chính đại nhân là nặng lao dịch mà ân đức không đủ, vậy ngài nói cho ta biết lương thu tăng tám phần mười là ân đức mỏng hay dày. Ngài lại nói Đại Tông Chính đại nhân khuyến thương mà tỵ nông, vậy lương thu tăng tám phần mười nhưng nhân khẩu không tăng kịp số lương tăng, ăn không hết nên giải quyết thế nào? Kể cả làm gạo sấy, bảo quản trong điều kiện tốt nhất cũng chỉ để được mười đến mười hai năm. Để ẩm mốc trong kho như lương Thái Tổ đi đánh châu Phục Lễ chăng? (1)
*Chú thích:
(1) Trước kia, khi Thái Tổ đi đánh châu Phục Lễ, sai vận chuyển lương thực đến cất giữ ở quân doanh Gia Hưng. Đến đây, Tuyên úy đại sứ trấn Gia Hưng Lê Dao tâu là cả kho chứa và lương thực đều bị mục hỏng, xin đưa chuyển về Đông Kinh. Sau phải phát lương trong kho cho dân vay ăn. (ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyền XI, tờ 50a)