Thủ công, chế tạo thời Lê Sơ căn bản có thể chia làm hai loại.
Thủ công nghiệp trong dân và thủ công nghiệp do nhà nước chủ đạo. Nghề trong dân thường là lúc nông nhàn chế tạo bàn ghế, nồi bát, đan dệt v.v. một phần là để giải quyết nhu cầu trong gia đình, phần khác để cung cấp cho thị trường làng xã. Nó là một phần tất yếu của văn hoá làng xã cô lập tự cung tự cấp.
Đương nhiên, trong xã hội vẫn có những người làm nghề thủ công chuyên nghiệp mưu sinh. Thậm chí có những vùng còn lập cả làng nghề như làng gốm ở Chu Đậu, làng dệt lụa ở Thanh Oai v.v.
Ngoài nghề thủ công trong dân gian, nhà nước còn tổ chức các xưởng thủ công của triều đình gọi là các “Cục bách công” hay “Cục bách tác”. Các công xưởng này chuyên sản xuất những sản phẩm cung cấp nhu cầu của nhà nước từ đúc tiền, rèn vũ khí, chế đồ nghi trượng, áo mũ, đồ trang sức v.v.
Thợ thuyền sản xuất trong các xưởng này gọi chung là "công tượng". Họ là những thợ khéo trong dân gian bị triều đình trưng tập, đưa về các công xưởng làm không lương. Hằng năm triều đình đều phái người đích thân tuyển lựa hoặc khoán cho quan phủ địa phương.
Đám thợ này bị trưng tập đi rồi trong nhà sẽ được chia sáu đến tám phần công điền. Tuy nhiên, phép vua thua lệ làng, trên có chính sách thì dưới có đối sách.
Lệnh vua sai chia cho gia thuộc công tượng sáu đến tám phần công điền xuống đến làng thường bị cắt bớt. Lại cộng với lao động cưỡng bức trong các công xưởng phải chịu sự giám sát hà khắc nên đa phần thợ thuyền không thích thú gì việc này.
Đó là chưa kể đến quan viên trung ương đến địa phương đều dựa hơi triều đình để bày trò nhũng nhiễu.
Đến mức thợ thuyền thường phản ứng với lệnh trưng tập của triều đình bằng cách trốn tránh, thoái thác. Việc này nghiêm trọng đến mức luật Hồng Đức phải thêm hẳn hai điều chuyên xử phạt những trường hợp như vậy.
Đến khi vào các công xưởng rồi họ cũng không có động lực để lao động, sáng tạo. Đa phần chỉ làm cho có chứ không mặn mà gì. Đây là lý do kỹ nghệ Đại Việt dù không bao giờ thiếu thợ khéo nhưng sản phẩm làm ra rất ... nói chung là muốn khen cũng khó.
Lê Ý thừa hiểu điều này nên ngay từ khi công xưởng Vĩnh Xương cùng hai cái xưởng nghiên cứu của nó ở Ngọc Sơn cùng Cẩm Giang đặt viên gạch đầu tiên nó đã sống chết yêu cầu ông già lẫn ông chú nó phải từ bỏ chế độ công tượng ở những nơi này.
Tất cả đều thể theo chế độ “công nhân” mà nó đề ra. Nhờ vậy mà người làm công ở đây đều được nuôi ăn ngày ba bữa, trả lương đủ nuôi cả gia đình ở quê, nếu làm tốt còn được phát thưởng.
Để ngăn chặn tình trạng quản đốc “vải thưa che mắt thánh” mà ăn chặn, bạo hành công nhân nó còn thành lập cả công đoàn. Đại biểu công đoàn do công nhân bầu ra mỗi năm một lần, những người này mỗi tháng phải dành một ngày đến trấn Cẩm Giang báo cáo trực tiếp cho gia thần nhà Lê Ý.
Nhờ hệ thống quản lý nhân lực tiên tiến cùng nguồn động lực từ sức nước, sản lượng của công xưởng Vĩnh Xương cao đến mức đáng sợ, so với các công xưởng triều đình tăng ít nhất gấp ba, tháng nào vượt chỉ tiêu còn có thể gấp bốn.
Nguyễn Cung ở Cẩm Giang đọc báo cáo của công xưởng Vĩnh Xương thì sai người chạy ngựa về Đông Kinh dâng tấu cho Lê Nguyên Long. Bốn năm trước hắn ghé qua Cẩm Giang thị sát trực tiếp, thấy quả là như thế cũng có ý định bãi bỏ chế độ công tượng. Tuy nhiên sức cản vẫn đang còn lớn, phải chờ một thời gian để những kẻ hưởng lợi từ chế độ công tượng hiểu được cái lợi của chế độ “công nhân” hơn hẳn chế độ “công tượng” mới được.
Khi nến được trái ngọt chúng sẽ thúc đít Hoàng Đế cải cách chứ Hoàng Đế chẳng cần tốn chút công sức nào. Đám Trịnh Khả, Lê Sao, Trịnh Khắc Phục mấy năm nay đã mấy chuyến đưa gia thần lên Vĩnh Xương học tập mô hình “công nhân” rồi. Lê Ý cảm thấy ngày Lê Nguyên Long mong chờ không còn xa, hắn ở dưới suối vàng hẳn là cũng được an ủi.
“Chú Long à, phổ biến chế độ “công nhân”, rồi phương thức sản xuất theo dây chuyền, chỉ cần cho chúng nếm được quả ngọt của phương thức sản xuất tiên tiến, sớm muộn rồi chúng cũng sẽ không coi điền sản ra gì.”
Vừa đi vừa lẩm bẩm, nó vừa xoay người xuống ngựa, hướng mắt nhìn khoảnh ruộng nước chỉ mới hoàn thành khai khẩn ngày hôm kia. Sai người khai hoang cả một mẫu ruộng để kiểm tra chất lượng, chỉ có loại đỉnh cấp nhị đại như nó mới có lực làm chuyện hoang đường như thế này.
Nó khoan thai bước đến đã thấy bốn năm mươi người đứng đầy trên bờ ruộng.
- Thiếu chủ (đại nhân) đã đến! (x54)
Gật nhẹ đầu, nó quay sang hỏi Lê Chiêm.
- Mọi chuyện đã chuẩn bị xong chưa?
- Hồi thiếu chủ, bọn Lý Phủ đã lắp đặt xong máy cấy.
Nói rồi Lê Chiêm chỉ về phía sáu tên lực điền đang đứng chắp tay cúi đầu. Thấy Lê Ý nhìn sang bên này, sáu tên thợ đều khấu đầu tới đất.
- Con khấu kiến cậu lớn ạ. (x6)
Xua tay một cái, Lê Ý vào việc luôn.
- Lời thừa không nên nói nữa, bọn mi làm máy cấy như thế nào?
Người ở trước nhất, hẳn là Lý Phủ chắp tay thưa.
- Dạ, bẩm cậu lớn, cái máy của cậu lớn cơ bản là không có gì phức tạp. Cái khó khăn nhất chẳng qua là cấu tạo của cánh tay cấy cùng với trục quay truyền động cho tay cấy sao cho trơn tru nhẹ nhàng thôi ạ. Chúng con nghiên cứu hơn một năm đã nắm được cơ chế vận động của cánh tay cấy. Về phần trục quay đã thử thay bằng cả cấu kiện sắt nhưng cũng không đủ trơn tru, khi quay trục truyền động rất tốn sức. Nếu thay bằng đồng thau thì bền hơn, cũng trơn hơn một chút nhưng mấy năm nay dân gian thiếu tiền đồng, làm bằng thứ ấy thì đắt lắm ạ.
Nghe đến đây nó cũng phải cau mày lại, nhà Lê Sơ thiếu đồng, đây chẳng phải bí mật gì, hồi còn mồ ma chú nó còn phải ban chiếu không cho phép chê bai hay vứt bỏ những đồng tiền đã cũ nát nhưng còn xâu dây được. (1)
- Ồ, bọn mi đã giải quyết vấn đề vật liệu như thế nào?
Lý Phủ không hiểu thế nào lại sùng bái nhìn Lê Ý.
- Dạ, bẩm cậu lớn, chúng con là học theo cậu lớn đấy ạ.
Nghiêng đầu khó hiểu, Lê Ý hỏi lại Lý Phủ.
- Bọn mi học theo ta thế nào.
Lý Phủ cung kính đáp.
- Dạ, bẩm cậu lớn, chúng con bí bách mấy năm không tìm ra được vật liệu thích hợp. Con chán quá leo lên tường thành giải sầu thì thấy đám guồng quay nước của cậu lớn lắp đặt ở ngoài bờ sông. Con mới hỏi người bảo trì mấy cái guồng nước đó là làm sao để chúng quay suốt ngày đêm không bị hỏng, hắn mới nói cho con biết là do cậu lớn lắp vòng bi bằng sắt vào đầu trục. Thế là con vào xưởng sắt bảo bọn chúng đúc cho con mấy cái vòng cùng bi cỡ nhỏ nhất chúng có thể. Với vòng bi cỡ nhỏ chúng con chỉ mất hai ba lượt đã thành công tạo ra thành phẩm ở đàng kia ạ.
Nói rồi Lý Phủ chỉ vào ba tạo vật đang trịnh trọng chiếm chỗ ngay cạnh bờ ruộng.
Lê Ý theo tay Lý Phủ đi qua nhìn thật kỹ từng chi tiết, chỉ thấy chiếc máy cấy khá tương tự với máy cấy kéo tay nhà nó ở tiền kiếp. Có chăng chiếc ván trượt của máy không được làm bằng tôn mà bằng cật tre vót thật mỏng. Bên trên ván trượt là khung máy làm từ thân tre già ngâm nước cả nửa năm nên rất chắc chắn, bên trong có bốn cánh tay cấy cách nhau sáu tấc (24cm). Tay cấy được truyền động từ tay quay qua một hệ thống nhông xích gắn trên cán kéo. Đối diện bốn cánh tay cấy là rãnh chứa mạ, cũng được làm từ cật tre.
Nó ngồi xuống lắc mạnh kết cấu máy, thấy tương đối chắc chắn, hài lòng nói với đám Lý Phủ.
- Có thể cho máy chạy thử được chứ, hay dở thế nào phải nhìn thực tế mới kết luận được.
Trên gương mặt khắc khổ của Lý Phủ có chút tự hào.
- Dạ, cậu lớn cho phép chúng con thử ngay ạ.
Nhận được cái gật đầu của Lê Ý, Lý Phủ bèn sai Lý Kính - thằng con cũng là phụ tá của lão kéo máy xuống ruộng. Mấy bên thợ khác nhanh tay để mạ lên bốn cái rãnh, mạ cấy trên máy phải được nhổ tơi từ trước, nếu không tay cấy không đủ sức dứt mạ ra từ tảng đất, không sao làm việc được.
Lý Kính chẳng cần vận sức, nhẹ nhàng bước lùi một tay kéo cán máy, một tay quay hệ thống nhông xích truyền động cho bốn chiếc tay cấy.
Chỉ thấy Lý Kính kéo máy đi đến đâu bốn hàng lúa thẳng tăm tắp đến đấy, chẳng mấy chốc đã xong một sào. Lê Chiêm kinh dị nhìn qua Lê Ý.
- Thiếu … thiếu chủ, với tốc độ này mỗi canh giờ Lý Kính có thể cấy được bảy tám sào ruộng. Thiếu chủ nhanh nói với thần là thần không nằm mơ đi.
Ngửa mặt lên trời cười một hồi rõ dài, Lê Ý rướn người vỗ lên vai Lê Chiêm.
- Hà hà … chú Chiêm, nếu đây là mơ cháu cũng không muốn đánh thức chú dậy.
Lê Chiêm tát cho mình một cái rõ đau vào mặt, sờ vào vết máu bên khoé miệng rồi hắn cũng cười như điên như dại. Nhìn tốc độ cấy lúa dưới ruộng, Lê Chiêm cảm thán.
"Đây chính là sức mạnh của kỹ thuật sao?"
Đoạn cởi dày tất xắn áo kéo quần bê một cái máy cấy xuống ruộng. Bọn Lý Phủ thấy thế cũng giúp hắn chất mạ đã nhổ cẩn thận lên máy.
Lê Chiêm học theo Lý Kính vừa lùi vừa quay tay quay, nhông xích truyền động cho tay cấy làm việc. Những hàng lúa non đều đặn được cấy xuống sau khi máy cấy của Lê Chiêm đi qua. Lê ứng thấy vậy cũng xách cái máy còn lại ra phía xa nhất.
Ba cái máy cứ thế cần mẫn cấy lúa, ban đầu thì còn trúc trắc, chờ Lê Chiêm, Lê Ứng thuần thục rồi cả mẫu ruộng nhanh chóng được lấp kín bởi màu xanh của lúa non.
Chưa đến nửa canh giờ sau cả ba xách máy lên bờ, Lê Ý sai bọn thợ phụ đem máy đi rửa rồi xem kỹ càng khung máy. Lại rung lắc một lần nữa xem có dấu vết hỏng hóc gì không. Kiểm tra một hồi, Lê Ý đứng dậy nói với bọn Lý Phủ.
- Cật tre rất tốt nhưng dùng làm ván lướt cùng rãnh chứa mạ vừa phung phí vừa nặng nề, có thể dùng cây nứa thay vào vừa nhẹ vừa tiết kiệm. Phần tre già tiết kiệm được dùng làm thêm nhiều máy càng tốt.
Tuy nói khắp miền tây Thanh Hoá là tre, luồng, nhưng kiếm được cây già đủ cứng để làm khung gầm cũng không đơn giản, còn ti tỉ việc cần dùng đến cật tre già, tiết kiệm vẫn là hơn.
Lý Phủ có chút khó khăn nhưng há mồm ra lại ngậm lại không dám nói. Lê Ý liền truy hỏi, Lý Phủ đáp.
- Dạ, bẩm cậu lớn, dùng phên nứa thay thế cũng được, nhưng độ bền thì rất kém so với cật tre, con sợ chỉ dùng được ba bốn mùa là hỏng ạ.
Nghe được lý do, Lê Ý hướng Lý Phủ cười thoả mái.
- Có gì khó đâu, chỉ cần thiết kế lại phần mối nối giữa khung gầm cùng ván trượt, rãnh chứa mạ sao cho khi cần có thể tháo ra thay thế là được.
Lý Phủ vỗ đầu, cách đơn giản như thế sao hắn không nghĩ ra từ đầu, liền chắp tay lĩnh mệnh.
- Được rồi, thành quả hôm nay của bọn mi làm ta rất hài lòng. Đúng như hứa hẹn bốn năm trước, sáu đứa bọn mi mỗi đứa được thưởng một trăm lượng. Về phần ba mẫu ruộng, chờ sau khi hoàn toàn nghiệm thu máy cấy báo cáo với Lê Chiêm là được, hắn sẽ tách thửa cho bọn mi.
Nghe được lời Lê Ý nói, Lý Phủ như lâm vào cơn mơ màu hồng đẹp đẽ nhất. Dẫu cho mấy năm nay hưởng lương đều đặn, đối với tín dự của Lê Ý đã có nắm chắc. Nhưng dù sau sáu trăm lượng bạc cũng là con số lớn, sâu trong tâm khảm chúng vẫn còn chút lo sợ. Sáu tên thợ khéo cùng mười mấy tên học đồ cùng quỳ xuống dập đầu liên hồi tạ ơn Lê Ý.
Đám thợ tay cầm sáu mươi lượng dự chi nhanh chóng thu dọn đồ đạc về xưởng nghiên cứu ăn mừng. Công nhân trong xưởng nghiên cứu không có công văn do đích thân đốc tạo đại nhân đóng dấu thì không được ra khỏi xưởng.
Bảo mật thông tin mà, Lê Nguyên Long vào thăm xưởng cũng chỉ đem theo mười mấy tên hộ vệ cùng hai tên hoạn quan. Vì vậy mọi hoạt động ăn nhậu giải trí của đám công nhân xưởng nghiên cứu đều diễn ra trong bức tường thành cao hai trượng.
Lê Ý nằm chườn lên bãi cỏ bên cạnh khoảnh ruộng mới, Lê Chiêm sắp xếp mọi chuyện xong ngồi xuống phía sau Lê Ý, móc từ trong chiếc chậu làm mát ra ấm nước chè rót một cốc đầy ngửa cổ uống ừng ực. Thở dài một hơi sảng khoái, vươn tay lên sờ vết sưng do chính tay mình gây nên bên khoé miệng, Lê Chiêm cất tiếng hỏi.
- Thiếu chủ định thưởng bạc với ruộng cho đám công nhân thật à?
Lê Ứng bên cạnh cũng ủng hộ.
Chú Chiêm nói đúng, thần cũng cảm thấy có chút lãng phí.
Lê Ý uể oải xoay người lại nhìn hai tên gia thần.
- Chú Chiêm, bố cháu đã dạy, người sống trên đời muốn làm việc lớn phải biết trọng tín dự. Tín dự, trong nhiều trường hợp cũng là một loại sức mạnh.
*Chú thích:
(1) ĐVSKTT, Bản Kỷ, Quyển XI, tờ 2b, 3a.