• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mấy năm nay, trên triều đường quyền lên tiếng của thế gia vọng tộc Kinh Lộ đều có tiến triển đáng kể, cộng với đám nho sinh mới được trọng dụng từ những năm Đại Bảo, hai bên nương tựa lẫn nhau.

Tựu chung lại, tuy chưa thể đạt được thế cân bằng với phe huân quý Thanh Nghệ nhưng cơ bản đã không quá mức lép vế, thi thoảng cũng có thể ăn miếng trả miếng diễn trò cho Hoàng Đế xem.

Nói đùa cái gì, tác dụng của Hoàng Đế không phải là đứng giữa cân bằng quyền lực triều đình sao. Bây giờ huân quý với các phe thế gia vọng tộc, sỹ phu mà không bày một bộ không đội trời chung thì còn cần Hoàng Đế làm gì nữa.

Triều đình nhìn như ba bốn phe chia ra lẫn nhau đấu, tuy nhiên trong tay phe thế gia sỹ phu đến nay vẫn không một mảnh binh quyền vắt vai.

Binh quyền của nhà Lê Sơ về cơ bản là độc quyền của huân quý Thanh Nghệ, dù là các Đạo ở Kinh Lộ như Đông đạo, Bắc đạo thì chư vị Tổng quản, Đô Tổng quản, Đồng Tổng quản từ cao đến thấp đều là người Thanh Nghệ cả.

Thế gia vọng tộc Kinh Lộ hay khoa bảng sỹ phu căn bản không thể chen chân vào được.

Tình hình là như thế, đám huân quý Thanh Nghệ bị xa lánh đã lâu như tàn đảng Lê Sát do Lê Ê đứng đầu đột nhiên trở thành bánh trái thơm ngon.

Trình Thanh thấy Lê Ê từ chối dứt khoát như thế cũng không bỏ cuộc.

- Không, điều này có lợi cho tất cả chúng ta, lão phu tự nhận là xem xét thế cuộc vẫn có phần chuẩn, chỉ có bắt tay với nhau chúng ta mới có thể chấp chưởng quyền hành thiên hạ ...

Lê Ê không thèm nghe Trình Thanh vẽ bánh nữa, đứng dậy hướng Trình Thanh hơi thi lễ một cái rồi quay người rời đi.

Trình Thanh nói lời thật lòng hay không lão không biết, cũng không muốn biết. Ba ngày trước, đương đêm có người vào dịch trạm đưa thư tay của Lê Lễ cho lão.

Lê Lễ nói người của Nhập nội Kiểm sát ty điều tra Hà Lật nửa đường thì tất cả manh mối đều đứt đoạn, hoàng tộc đã biết LÊ Ê chính là kẻ đứng ra chùi đít cho Lật.

Tranh đấu quyền lực không được làm hỏng căn cơ của quốc gia. Không chỉ hoàng gia tông tộc mà toàn bộ tập đoàn huân quý nói chung đã bắt đầu mất kiên nhẫn với lão.

Bắt đầu từ ngày đức Thái Tổ quyết định hậu đãi hội anh em Lam Sơn thì hình thái quốc gia đã được xác định là một công ty cổ phần, tất cả huân quý là cổ đông, Hoàng Đế chẳng qua là lão đại, là cổ đông lớn nhất.

Giờ đây vì tranh quyền đoạt lợi mà rước lửa tự đốt lấy thân, tạo ra nguy cơ có thể khiến công ty sụp đổ nghĩa là gây sự với tất cả mọi người.

Nói cách khác, đây là ranh giới cuối cùng, lần này mọi người nhớ tình cũ có thể bịt mũi cho qua. Nếu còn cố tình bước qua lằn ranh một lần nữa tức là phản bội, đến lúc đó đừng trách bảy tám mươi nhà huân quý còn lại không nhớ tình anh em đồng sinh cộng tử.

Lê Lễ là gia thần thân cận nhất của Thái Tổ - Lê Lợi, mười năm nếm mật nằm gai lập công lao hãn mã, đến mức Thái Tổ từng đích thân nói.

"Nếu dồn mọi công lao lại thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai? Trẫm có tiếc gì với ngươi, chỉ vì tài của ngươi không xứng mà thôi."

Đến khi Thái Tổ ốm nặng, mắt thấy sắp không qua khỏi chỉ có hai điều còn lo lắng.

Thứ nhất là chuyện đối xử với hậu duệ của Lê Lai, không chỉ là công lao Lê Lai đổi áo chết thay vua, cả nhà ông cũng là trung liệt cả, trước sau ba thế hệ đều chết vì việc nước, chỉ còn một đứa cháu nhỏ là Lê Niệm.

Vua thương lắm, sợ Niệm bơ vơ bị hậu thế đối đãi tệ bạc, bèn sai cúng giỗ Lê Lai trước mình một ngày, để răn con cháu phải biết mà nhớ lấy ơn cả nhà Lê Lai quên mình vì nước.

Thứ hai là Lê Lễ, vua tự thấy công lao của Lễ to lớn mà sinh thời vua không ban thưởng trọng hậu được, lúc sắp băng vua nắm tay Lê Lễ khóc mà bảo với Lễ rằng.

“Nếu trẫm không còn thì ai biết đến ngươi nữa, sợ là về sau sẽ bị chúng nó giáng truất mà thôi.”

Chỉ như thế đã đủ thấy vị thế của Lê Lễ không chỉ trong phe hoàng tộc mà còn cả trong hội huân quý Lam Sơn. Nào phải tự nhiên mà năm đó Nguyễn Trãi để vợ lẽ là thị Lộ gièm pha Lê Lễ, khiến Lễ bị giáng chức liền bị cả tập đoàn huân quý nhắm vào mà chèn ép đến mức không thể không về Côn Sơn làm thơ.

Tụi bây nghĩ là Nguyễn Trãi chán cảnh “triều đình nhiễu nhương” thật à? Nói đùa cái gì, người như Nguyễn Trãi, nói xấu xa thì cũng không hẳn là đúng, nhưng nói tâm tính thanh cao ghét thói miếu đường tranh đấu thì đúng là trò cười.

Từ vụ bảy tên trộm nhỏ tuổi Nguyễn Trãi đâm chọc Lê Sát, đến vụ lễ nhạc phe Nguyễn Trãi đấu tố Lương Đăng, sang vụ để vợ lẽ hầu vua gièm pha Lê Lễ. Nhìn lại hành tích của Nguyễn Trãi trên miếu đường đúng là muốn khen cũng chẳng có chỗ nào mà hạ bút.

Lại lan man rồi, quay lại chính đề.

Vì uy tín của Lê Lễ nên những lúc như thế này lời nói của Lê Lễ có thể đại diện cho toàn bộ tập đoàn huân quý. Nói trắng ra, đây là lần cảnh cáo đầu tiên và cũng là cuối cùng của cả tập đoàn huân quý đối với Lê Ê cùng tàn đảng của Lê Sát.

Lê Ê nhếch miệng cười nhạt, lúc này chỉ có thiểu năng mới đứng về phe Trình Thanh chống lại huân quý.

Trời mới biết cái lời hứa “cùng chấp chưởng quyền hành thiên hạ” mà Trình Thanh cấp cho Lê Ê có mấy phần là thực.

Lùi một vạn bước, cứ cho là Trình Thanh mười phần thành tâm mời chào Lê Ê, thì lấy cái gì ra đảm bảo lão cùng bộ hạ có thể dung nhập vào tập đoàn lợi ích của đám thế gia vọng tộc Kinh Lộ?

Nói đơn giản thế này, cứ đứng ở quan điểm của Trình Thanh, của thế tộc Kinh Lộ mà xét, hôm nay Lê Ê có thể vì lợi ích mà phản bội phe huân quý, đứng về phe thế gia. Vậy thì cái gì có thể đảm bảo ngày mai Lê Ê không vì lợi ích mà từ bỏ phe thế gia đứng về một phe khác?

Đó là chưa kể đến thái độ coi thường ra mặt của bọn chúng đối với huân quý Thanh Nghệ, trăm năm thế gia cái gì cũng thiếu chỉ không thiếu ngạo mạn. Trong mắt bọn họ, dù công lao của Lê Ê có trùm trời che đất đến mức nào, lợi ích Lê Ê đem về cho họ lớn ra sao đi chăng nữa cũng chỉ là phường vũ phu tay to không não.

Lê Ê có thể không phải bậc đại trí nhưng chút lí lẽ này lão vẫn là rõ ràng.

Rời khỏi trà lâu, Lê Ê cũng không về phủ đệ của mình ngay, lão cứ đủng đỉnh dạo bước giữa phố phường Đông Kinh, đã lâu rồi lão chưa được hòa mình vào chốn phồn hoa náo nhiệt như thế này.

Nói như thế không có nghĩa là suốt sáu bảy năm trời giữ chức Đồng Tổng quản ở Quy Hóa lão không được phép về Đông Kinh. Tuy nhiên, chính trị mà, bị đuổi lên rừng chịch nhau với khỉ thì phải có giác ngộ của người chán nản thất thế.

Hơn sáu năm qua Lê Ê liền bày một bộ “mỗ ở trên chốn thâm sơn cùng cốc này trồng nếp săn thú, mặc kệ chuyện sóng gió ở Đông Kinh”.

Đây là một loại thái độ, thể hiện trí tuệ chính trị cơ bản, những thằng ngu không biết tỏ thái độ, không thèm bày nhân thiết của mình cho thiên hạ xem thì cứ nhìn gương Hàn Tín.

“Ngu thì chết, oan khuất nỗi gì.”

Nghĩ đến đây, Lê Ê không khỏi nở nụ cười khoái trá.

Bất tri bất giác đến bên bờ hồ Lục Thủy (hồ gươm), ngay trong đình ven hồ đã có mấy thân ảnh đang ngồi quanh bàn cờ tướng.

Lê Ê yên lặng vào trong đình đứng xem cờ, hai tên kỳ thủ cũng không phải loại cao cờ gì lắm. Đứng đằng sau xem cờ bàn tay lão hết nắm lại thả ra chiều bứt rứt lắm, cứ như thế không biết bao nhiêu lâu, bên tai Lê Ê truyền đến thanh âm lão niên quen thuộc.

- Đồng Tổng quản đại nhân đã đến, sao không lên tiếng?

Nghe Lê Lễ hỏi đểu, Lê Ê cười khổ chắp tay chào.

- Quân tử xem cờ thì không nói. Ê, gặp qua Thiếu bảo đại nhân, Thái giám đại nhân.

Người cùng đánh cờ với Lê Lễ không phải ai khác, chính là Lê Khôi. Lê Lễ khệnh khạng ngồi nhận lễ, chỉ hơi gật đầu coi như đã biết, Lê Khôi thì đứng dậy đáp lễ, cười nói.

- Chú Lễ, chú có chút lạc hậu rồi, bây giờ phải gọi Lê Ê đại nhân đây là Tây đạo chư vệ Hành quân Tổng quản mới đúng, hà hà ...

Lê Lễ dường như mới chợt nhớ ra Lê Ê đã nhận được tờ sắc thăng chức, âm dương quái khí nói.

- Ồ, ra là vậy, lão già ta đây không biết Lê Ê đại nhân quan lộ cao thăng, thật là thất lễ. Không biết Tây đạo Hành quân Tổng quản đại nhân có thể bớt chút thời gian cùng lão già này làm một vài ván cờ, thế nào?

Lê Ê lúc nào còn không biết Lê Lễ có chuyện, vội vàng hướng Lê Lễ thi lễ cười nói.

- Cầu còn không được!

Đánh cờ nha, Lê Ê cũng coi là xe nhẹ đường quen, hay nói đúng hơn là mấy lão già Lam Sơn đều một bộ cờ thối như nhau. Quen thuộc đường đi nước bước của đối phương cả rồi, giờ chỉ so xem ai hơn một nước mà thôi.

Lê Lễ tuổi cao, suy nghĩ đã mất đi sự nhạy bén nên mấy nước đầu bị Lê Ê lấn lướt, nhưng đến khi cờ bắt đầu đến giai đoạn trung tàn thì Lê Lễ luôn đi được vài nước cờ rất già dơ gài cho Lê Ê không thể đưa ván cờ vào sát cuộc.

Cứ như thế hai ba ván liền, đến ván thứ tư, Lê Lễ rõ ràng đã có chút tinh thần rã rời, Lê Ê cũng hơi xấu hổ, dùng chiến thuật chớp nhoáng đánh dồn dập lão già như Lê Lễ thì thật vô sỉ, bèn chủ động nhận thua, hướng Lê Lễ chắp tay nói.

- Sáu năm không gặp, kỳ nghệ của Thiếu bảo đại nhân càng ngày càng vững.

Lê Lễ lắc đầu cười.

- Thêm chục nước nữa lão phu coi như có vững hơn cũng phải vỡ trận.

Nói rồi một bên xếp cờ vào hộp gỗ, một bên thình lình hỏi.

- Sáng hôm qua có tin từ Gia Hưng báo về, bọn Cầm Sương, Cầm Sinh đã theo đường thượng đạo thoát khỏi vòng vây của quân triều đình tại Mộc Châu, hiện giờ đã chạy về Mường Mỗi, dựa vào tường cao lũy dày mà đương cự với quân triều đình. ÝThái Hậu muốn phát binh đánh dẹp, cái nhìn của mi như thế nào?

Lê Ê nhìn ra giữa hồ Lục Thủy, nhíu nhíu mày ngẫm nghĩ một lát, nói.

- Thái Hậu hành sự, có chút bóng dáng của Tiên Đế không được lòng mọi người lắm, tuy nhiên, khí vận hoàng triều bây giờ lại buộc chặt ở trên người Thái Hậu. Ê nghe nói Chiêm Thành ở phía nam mấy tháng nay đã đang rục rịch, hẳn là sang năm Thuận Hóa sẽ có đánh lớn. Tình thế loạn trong giặc ngoài như thế, nếu không xử lý nhanh gọn thì ... e là nan giải!

Tình thế hiện tại của Đại Việt, nói là nan giải vẫn còn là lạc quan, không nói đâu xa, chỉ riêng bó chặt quốc gia không để cho nó tan rã đã không phải đơn giản. Đại Việt trước thời Lê Thái Tổ thừa hành mô hình trung gian giữa trung ương tập quyền kiểu Trung Hoa và phân quyền kiểu Ấn Độ.

Nghĩa là, trên lý thuyết thì triều đình trung ương chia quốc gia thành châu, huyện, xã v.v. rồi cắt đặt quan lại cai trị theo mô hình trung ương tập quyền. Tuy nhiên, do tính biệt lập, tự cấp tự túc nên trên thực tế thì triều đình buộc phải thỏa hiệp với các chức sắc địa phương.

Nhiều chức tước cấp trung và cấp thấp ở làng, xã, châu, huyện đều do người địa phương tự hành xác định, triều đình chỉ việc đóng dấu phê hồng “chấp thuận” tính hợp pháp của các quan viên đó mà thôi.

Nói thẳng ra, các thế lực địa phương không khác gì những lãnh chúa nhỏ, những ông vua con trong khoảnh đất của mình.

Sau khi Lê Thái Tổ đuổi giặc Ngô ra khỏi Đại Việt, ông ngay lập tức nhận ra các thế lực địa phương đã bị suy yếu nghiêm trọng sau hai mươi năm cai trị của nhà Minh.

Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để dẹp bỏ mô hình nửa vời đã tồn tại ở Đại Việt gần bốn trăm năm nay. Vậy nên nhà vua tay cầm kiếm, tay cầm sắc phong ép tất cả các lãnh chúa địa phương, thổ hoàng đế giao ra một phần quyền lực.

Ai không nghe theo “ý kiến” của Lê Lợi thì cứ nhìn gương Trần Nguyên Hãn. Đã cáo lão hồi hương nhưng vẫn cho đóng thuyền to, rèn khí giới, mua voi ngựa v.v.

Có thể Trần Nguyên Hãn không có ý định tạo phản, có thể là tư duy của hắn bị đọng lại thời điểm ba mươi năm trước. Ở thời đại đó, những điều Trần Nguyên Hãn làm là hoàn toàn bình thường với một quý tộc nhà Trần.

Nhưng thời thế đã đổi thay, hoàng triều mới không bao giờ chấp nhận những ông vua con như thế nữa, thế là Trần Nguyên Hãn phải nhảy sông.

Trung ương tập quyền, nghe thì gì và này nọ đấy, nhưng để đảm bảo tất cả các thế lực địa phương ngoan ngoãn nghe lời triều đình, yếu tố tiên quyết là trong tay Hoàng Đế phải có thanh gươm đủ sắc bén.

Lê Thái Tổ có năm vạn tinh binh, tính thêm thứ binh thì lúc nào cũng có trên dưới mười vạn hãn tốt, vậy nên cả thiên hạ không ai không "vui vẻ qui phục".

Triều đình bây giờ có tới mười ba vạn quân, nhưng sức mạnh thì không đủ để đánh dẹp cả thiên hạ như thời Thái Tổ.

Đại quân chưa động, lương thảo đi đầu, bỏ qua những thiên anh hùng ca trên chiến trường đi, điều kiện cần có đầu tiên để quyết định thành bại của chiến tranh chính là lương thảo, là khí giới.

Ngang trái mỗi nỗi là từ năm ngoái đến nay Đại Việt thiên tai nhân họa luôn luôn, lương thực vụ Chiêm năm nay chưa ấm kho thì đã được đưa vào hạn ngạch quá nửa.

Nếu bây giờ chỉ mở một mặt trận cỡ hai đến ba vạn nhân lực còn đỡ, nếu như lâm vào chiến tranh quy mô lớn trên nhiều chiến trường thì triều đình lấy cái gì chu cấp cho đại quân?

Một khi mười ba vạn đại quân của triều đình tê liệt vì thiếu lương thì triều đình Đông Kinh sẽ mau chóng nhận ra, khắp Đại Việt này những người còn thương nhớ nhà Trần ... ý nhầm, phải là những người còn thương nhớ hình thái nửa tự trị dưới thời Trần mới đúng.

Những người này, khắp Đại Việt đâu đâu cũng có, còn nhiều lắm đâu.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK