Điển lễ quan tấu.
- Nghệ quán tẩy vị, quán tẩy…
Bà Thái Hậu bế vua nhỏ lên đổ nước rửa bài vị Hạo Thiên đại đế, lại rửa bài vị Hoàng địa kỳ.
- Thuế cân …
Hầu cận dâng khăn lông lên cho vua, vua nhỏ đích thân cầm khăn lau lại bài vị cẩn thận. Lau xong rồi Điển lễ quan quỳ xướng.
- Nghệ hương án tiền, quỵ …
Thái Hậu bế Thiên Tử quay về vị bái, quân thần đều quỳ trước án. Hai viên quan bưng hương quỳ dâng hương cho Thiên Tử. Điển lễ quan lại xướng.
- Tam nẫm hương … phủ phục … hưng … bình thân … quỵ …
Tiếng quan điển lễ du dương, Thái Hậu ở bên giúp Lê Bang Cơ lật đật hoàn thành hết lễ này đến lễ khác. Đến lúc thằng nhóc tưởng chừng như sắp ngủ gật thì viên Điển lễ quan xướng rõ to và dài.
- Lễ tất.
Xướng rồi Thái Hậu cầm tay Hoàng Đế đánh bốn tiếng vào trống, rồi lại quay sang đánh bốn tiếng vào chuông.
Vua vừa đánh chuông trống xong thì hoạn quan ở khắp nơi trong cung cũng đánh theo, tiếng chuông trống lan từ Hoàng Thành ra đến phố phường.
Khắp cả thành Đông Kinh ai có trống dùng trống, ai có chuông dùng chuông, không có chuông trống thì dùng dao rựa, nồi chảo. Cốt làm sao gây được tiếng động chói tai nhất có thể để đuổi cóc, không cho cóc ăn trăng.
Cứ thế gõ đến lúc trăng lại tròn mới thôi. Không chỉ ở Đông Kinh, cả năm đạo đều làm lễ ở môn đình cả, các chợ ở thành trấn đều cấm sát sinh ba ngày.
…
[Thùng thùng … thùng]
Tiếng trống cầm canh giữa đêm trường vắng lặng như đang cố đánh tan cái heo hắt nửa đêm mà gọi mặt trời ló dạng. Gọi quá đi chứ, tên phu cầm canh đã trực trên lâu thành từ tối qua đến giờ, đám lính canh tụ tập xuống chân thành đổ xúc xắc từ lâu, chỉ còn mình hắn ở trên này buồn tẻ, canh giờ gõ trống.
Trăng cao vằng vặc tuy đã ngã về tây nhưng vẫn cố hắt ánh sáng xuống khắp nhân gian. Hạo nguyệt hôm nay tuy đã không còn tròn vành vạnh như đêm hôm kia nhưng với người không bắt bẻ lắm như phu cầm canh thì vẫn là đáng trân trọng.
Dù sao từ giờ đến khi mặt trời mọc hẳn là chỉ còn ánh trăng bầu bạn cùng hắn.
Trong phòng khách của một phủ đệ nào đó phía nam thành Đông Kinh, mười mấy thân ảnh đang quây quần bên chiếc bàn dài dưới ánh đèn thuỷ tinh.
- ...
- Bây giờ chúng ta phải xử lý Lê Khôi thế nào, lần này hắn ra Đông Kinh không những giải thế khó cho bà Thái Hậu còn đích thân cầm trọng binh.
- Đúng vậy, bao nhiêu công sức của chúng ta đổ sông đổ bể hết.
Thân ảnh ngồi vị trí thứ nhất bên phải chủ vị cười nhạt hỏi.
- Xin hỏi Lý đại nhân, chúng ta bỏ những công sức đáng kể gì vậy. Chẳng qua là mượn thiên thời bày một trận nhàn cục thôi. Được thì thượng vị chấp chính, hỏng thì ngồi im rũ áo, trừ khi Lý đại nhân cho rằng một tên mán mọi ở Hải Tây cũng là tổn thất.
Thân ảnh giọng hiền hoà ngồi ở chủ vị chậm rãi hỏi.
- Được rồi, đừng lộn xộn nữa, vụ ám sát Lê Khôi đã có manh mối gì chưa? Là người của chúng ta hay có kẻ khác giá hoạ?
Thân ảnh ngồi thứ nhất bên trái chắc chắn đáp.
- Hồi đại nhân, trong đêm hôm Lê Khôi bị ám sát người của chúng ta đều không xuất động.
Thân ảnh ở chủ vị chậm rãi lắc đầu.
- Nếu chư vị ở đây đều khai thật về lực lượng của mình thì mới đúng là như thế.
Thân ảnh ngồi thứ hai bên phải có chút bất an nói.
- Đại nhân, ý ngài là …
Thân ảnh ngồi ngay bên cạnh hắn cười lạnh.
- Còn không rõ ràng sao, ngồi ở đây chưa hẳn không có cấu kết với bọn tàn đảng nhà Lê Sát, nhà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, thậm chí cả sỹ tộc Kinh Lộ.
Thân ảnh ngồi chủ vị gật nhẹ đầu.
- Ta đã nói với các ngài rất nhiều lần, Lê Khôi hiện tại chưa phải túc địch của chúng ta, hắn thậm chí là cầu nối giữa chúng ta và tông tộc họ Lê.
Thân ảnh thứ nhất bên trái gật đầu tán thành, nói vun vào.
- Các vị nên nhớ, bây giờ mâu thuẫn giữa chúng ta với tông tộc họ Lê chưa lớn đến mức đó. Lao vào cấu xé lẫn nhau chỉ để người khác đứng ngoài được lợi mà thôi.
Một thân ảnh ngồi thứ ba bên trái lại tò mò hỏi thân ảnh ngồi chủ vị.
- Đại nhân, vì sao ngài lại trợ giúp Lê Khôi? Hôm nay hắn có thể bắt thế tộc giao ra quyền kiểm soát làng xã, ngày mai hắn có thể ép chúng ta giao ra “lộc điền”. Đến lúc đó chúng ta lấy sức ở đâu mà chống lại Hoàng Đế.
Thân ảnh ngồi chủ vị có chút thất vọng nhìn quanh chiếc bàn dài, thở khẽ.
- Các vị vẫn chưa hiểu xu thế thời đại sao? Năm sáu năm nay thương hội Vĩnh Xương mở xưởng sản xuất, dẫn đầu đi buôn ra nước ngoài đã kiếm được bao nhiêu? Chúng ta tuy mắt mờ chân chậm theo sau uống cháo cũng đã kiếm được bao nhiêu?
Day day hai bên thái dương, hắn ngả lưng ra ghế cười khổ.
- Số tiền đó gấp bao nhiêu lần mấy khoảnh ruộng còi các vị cố sống cố chết gom vào lộc điền? Hôm nay ở đây ta nhắc lại lần nữa, chuyện các vị lấn chiếm ruộng công đã bị Nhập nội Kiểm sát ty lập hồ sơ từ lâu. Năm trước Tiên Đế đã có ý muốn xử lý, trước khi duyệt binh ở Chí Linh Tiên Đế có gọi ta vào thăm dò, chẳng qua lực cản hơi lớn nên chưa tiện vạch mặt mà thôi. Nay Lê Khôi đã về cầm cấm quân, Nguyễn Cung đã về ngồi ghế Chưởng vệ sứ, các ngài còn định tham lam chút lợi nhỏ đó đến khi nào nữa.
Thân ảnh ngồi thứ hai bên trái có chút chần chờ, gấp giọng thanh minh.
- Đại nhân, đây không phải chúng ta nên được sao, mười năm gian nan theo Thái Tổ đuổi giặc Ngô, hơn mười năm nữa bình định khắp thiên hạ không phải công lao của bọn chúng ta sao. Hoàng Đế sao đến mức vì chút lợi nhỏ đó khắc bạc với công huân quý tộc. Chẳng lẽ xưa nay có vua chúa nào ôm khư khư lợi ích mà có thể được thiên hạ ủng hộ sao?
Thân ảnh ở chủ vị giọng nói bỗng nhiên đanh lại.
- Câm mồm, phúc phần Thái Tổ tưởng thưởng cho chúng ta không hậu sao? Ngài nên nhớ quyền lực của chúng ta từ đâu mà đến, không phải từ ân điển của Thái Tổ sao. Nếu năm xưa Thái Tổ học theo Lưu Bang, Chu Bát thì dòng họ đám chúng ta có còn hay không cũng là câu hỏi lớn. Làm người phải biết đâu là gốc, đâu là ngọn, đâu là chính yếu, đâu là thứ yếu. Chúng ta chỉ cần đảm bảo nền cai trị của họ Lê trường tồn, quân quyền của chúng ta không giảm là được. Mấy mẫu ruộng còi chẳng qua là thứ yếu, nói trả liền trả, có đáng là gì. Chẳng lẽ gia tộc các ngài có thể dựa vào mấy mẫu ruộng ăn cướp của dân mà xương thịnh trăm ngàn năm sao?
Thân ảnh ngồi đầu tiên bên phải cũng gật đầu nói khẽ.
- Nếu là năm xưa chưa biết thương mậu, chưa lập công xưởng, không có nguồn thu nào khác thì lấn liền lấn, cướp liền cướp không có gì to tát, đây đúng là chúng ta nên được, Hoàng Đế cũng sẽ mắt nhắm mắt mở cho qua. Ngày nay đã biết những đạo ấy sao không thu gọn móng vuốt vào mà ăn ở chan hoà với hàng xóm láng giềng. Tham mấy mẫu ruộng còi không đủ giàu, cướp trâu dê không đủ mạnh mà để điểm yếu rơi vào tay người khác có đáng hay không? Lại nói chúng ta tranh đấu trên triều đình, hưng thì quyền uy bốn bể, suy cùng lắm là bị thu áo mũ đuổi về quê, đến lúc đó nhìn mặt bà con lối xóm kiểu gì? Không mất mặt ru?
Hài lòng nhìn về phía thân ảnh vừa nói, thân ảnh trên chủ vị khoan thai.
- Ta đã sai người nghe ngóng tại sao công xưởng Vĩnh Xương chỉ có không hơn ba ngàn nhân công có thể sản xuất hàng hoá gấp hai gấp ba lần công xưởng nhà chúng ta.
Nói đến năng suất cực kỳ vô lý của công xưởng Vĩnh Xương có ai không thèm. Kể cả khi dưới sự ngầm cho phép của Lê Nguyên Long, chế độ “công nhân” của công xưởng Vĩnh Xương đã trở thành bí mật công khai, khắp Đại Việt mọi người đều học theo thì chênh lệch sản lượng giữa công xưởng Vĩnh Xương với các công xưởng khác vẫn từ hai lần trở lên.
Đơn cử như luyện sắt, một lò nấu quặng tiêu chuẩn cần mười hai thợ suốt sáu canh giờ (12 tiếng đồng hồ) thao tác, mỗi lần nấu gần ba trăm cân nguyên liệu chỉ luyện ra trên dưới ba mươi cân sắt. Luyện xong đám thợ phải được nghỉ ngơi từ hai đến ba ngày mới có sức làm tiếp, mỗi tháng chỉ nấu được bảy lò, tổng cộng trên dưới hai trăm cân sắt.
Trong khi đó công xưởng Vĩnh Xương, chỉ riêng số sắt bán ra nước ngoài mỗi tháng đã lên tới bốn vạn năm ngàn cân, đây là sổ sách xuất nhập cảng, người của bọn hắn đích thân ghi chép, không làm giả được. Phải biết muốn luyện được bốn vạn năm ngàn cân sắt mỗi tháng cần tới hơn hai ngàn năm trăm thợ lành nghề thay phiên đốt lò.
Công Xưởng Vĩnh Xương có bao nhiêu thợ? Hơn hai ngàn, tối đa cũng không nhiều hơn ba ngàn, lại còn sản xuất ti tỉ thứ trên đời, bảo chúng không thèm khát sao được. Nếu có được bí quyết sản xuất của Vĩnh Xương thì muốn không cất cánh cũng khó khăn. Ai nấy mắt đỏ lom lom nhìn về phía thân ảnh ngồi chủ vị.
- Ồ, người của đại nhân thám thính được gì rồi?
Thân ảnh ngồi chủ vị cười khổ, nhổ miếng bã trầu xuống bô.
- Nào có thám thính được bí mật gì quan trọng, người của ta còn bị phát hiện. Trịnh Khắc Phục cùng Trịnh Khả sai thả người của ta ra truyền lại ý tứ của bọn hắn rằng chỉ cần chúng ta hoà bình khai thuế điền địa đã lấn chiếm thì chúng sẽ cho người của ta tham quan công xưởng Vĩnh Xương.
Mười mấy thân ảnh hơi thở phì phì như thổi bễ.
- Lời đại nhân là thực chăng?
Mâu thuẫn của triều đình với huân quý trong vấn đề ruộng vườn nói ra khá đơn giản. Sau khi đuổi quân Ngô về nước, Thái Tổ ra lệnh chia lại điền địa cho dân cày.
Ruộng đất thời Lê cơ bản chia làm ba loại chính. Công điền, tư điền cùng lộc điền. Trong đó công điền cùng tư điền cơ bản là nộp thuế như nhau, duy chỉ có lộc điền phát cho quan lại, quý tộc là không phải nộp thuế.
Tuỳ vào chức tước, công trạng mà nhà vua sẽ ban thưởng lộc điền, vì lộc điền có thể truyền từ đời này sang đời khác nên còn gọi là thế nghiệp điền.
Thời Thái Tổ phân phát theo quân công, mỗi vị khai quốc công thần không đều nhau từ ba trăm đến cả ngàn mẫu lộc điền. Sau này chư nho ra làm quan cũng tuỳ vào chức vị mà được ban lộc điền, ít thì vài chục mẫu, nhiều cả trăm mẫu cũng có.
Đến nay trên từ Đình thượng Hầu, dưới xuống đến Á Hầu người ít thì vài ba ngàn mẫu, người nhiều cả vạn mẫu.
Nếu số ruộng này đăng ký dưới danh nghĩa ruộng tư, nộp thuế đàng hoàng thì triều đình còn khuyến khích nữa là khác. Lạ lùng ở đây là mười mấy năm chư vị huân quý gần như không phong thêm miếng đất nào nhưng tất cả số ruộng thêm đều đăng ký dưới danh nghĩa lộc điền. Mà lộc điền thì triều đình không được thu thuế, sự bành trướng lộc điền này khiến triều đình chịu thiệt hại về thuế nghiêm trọng.
Năm đó thứ đẩy mâu thuẫn lên cao khiến Lê Nguyên Long “thân bất do kỷ” mà mạnh tay với huân quý là vì lẽ này.
Lê Nguyên Long muốn đem đại quân đi dẹp Chiêm Thành mà kho lương nghèo nàn, quân giới gỉ sét. Hỏi đến tuế thuế thì ra là có mấy chục vạn mẫu ruộng tốt không sao thu thuế được.
Hơn bất cứ ai khác, Lê Nguyên Long khi còn sinh thời thừa biết đám “lộc điền” này phình ra bằng cách nào. Không gì ngoài lấn chiếm, cướp ruộng của dân mà thôi.
Thử thế thân vào vị trí Lê Nguyên Long mới hiểu hắn phiền muộn như thế nào. Thụ tước vua phong, ăn lộc vua mà lại làm chuyện hao mòn quốc lực như thế, bảo sao hắn không phát rồ làm chuyện bạo ngược. Người đáng trách sao không có chỗ đáng thương.
Thứ Lê Nguyên Long đã biết sao Lê Khôi, Trịnh Khắc Phục, Trịnh Khả lại không biết. Chẳng qua, bài học Lê Nguyên Long từ Hoàng Đế trở thành Tiên Đế còn đó.
Bọn hắn càng biết nếu không đền bù cho huân quý bằng lợi ích lớn hơn mà muốn chúng khai thuế đám “lộc điền” này chính là thù giết cha đoạt vợ.
Vậy nên mượn “bí mật” của công xưởng Vĩnh Xương làm lợi ích trao đổi, tuy không thể làm hài lòng tất cả nhưng hẳn là trong mức độ có thể chịu đựng.
Không để ai phải trở thành chó cùng rứt dậu, kể cả có kẻ nào đó phát rồ thì cũng bị “đồng bạn” kéo lại nhốt vào cũi.
Thân ảnh ngồi chủ vị tỉ tê.
- Ruộng các vị đã lấn không phải không công trả lại triều đình, vậy còn níu kéo đám ruộng còi ấy làm gì nữa, khai thuế ra cả đi. Giữ lại mấy trăm mẫu đất phong từ thời Thái Tổ là được.
Mười mấy thân ảnh quay ra nhìn nhau rồi đồng loạt chắp tay.
- Như đại nhân mong muốn.
Thân ảnh trên chủ vị cười chua chát.
- Đây không phải là mong muốn của riêng ta, mà là của tất cả mọi người, người dưới trướng bọn mi hẳn là cũng mong muốn điều đó. Được rồi, lui cả về đi, bảo bên dưới chuẩn bị hồ sơ điền địa cho đẹp vào, chớ để chỗ yếu rơi vào tay người khác.
- Chúng tôi cáo lui. (x16)
Thân ảnh ngồi trên chủ vị thở phào một hơi, dõi theo từng thân ảnh chắp tay lui ra ngoài trong mắt hắn có chút thất lạc.
Lộc điền hại nước, phe tông tộc biết, phe huân quý sao lại không biết. Chẳng qua là lợi ích của chính bản thân mình không ai muốn vứt bỏ cũng không ai có thể vứt bỏ mà thôi.
Thân làm gia chủ một gia tộc đâu chỉ chịu trách nhiệm cơm áo cho mỗi vợ con mình, còn phải đảm đương cả cơm áo cho vợ con gia thần, quyến thuộc.
Trung thực mà nói, nếu không phải khai thuế lộc điền quá hại đến lợi ích bản thân thì ai muốn vung đồ đao, ngươi sống ta chết với anh em đã từng cùng nhau vào sinh ra tử. Bọn nhóc mấy nhà kia còn gọi bọn hắn là chú bác cơ mà.
“Đại nghĩa à, nay đã có phương pháp điều hoà mâu thuẫn, ta dốc sức vun vào lại có xá chi.”