• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đúng như hắn lo sợ, Cầm Cương thua, khi Cầm Cương bắt đầu chống không nổi nữa, Xa văn Thành rất biết điều dẫn người của mình chạy về Mộc Châu, trở lại làm con dân Đại Việt.

Hắn viết một bản tấu hạch tội Cầm Cương nanh ác như thế nào, bắt ép các mường, châu ở Hưng Hóa nổi dậy ra sao, hắn ngoài mặt ủng hộ nhưng tâm hệ triều đình, vẫn luôn tìm cách phá hoại Cẩm Cương, gia tộc hắn thề trung trinh với Bệ Hạ, với Đại Việt đến ức vạn vạn năm các thứ. Viết xong rồi hắn sai người đương đêm vào đại doanh của Hoàng Đế dâng tấu.

Không biết trong bụng Lê Nguyên Long nghĩ gì, chỉ thấy ngoài mặt Hoàng Đế tỏ vẻ hoàn toàn tin tưởng những gì Xa văn Thành nói. Không những đãi thân tín của hắn rất hậu còn sai truyền lời rằng ”đối với tấm lòng trung trinh của khanh trẫm đã biết, trẫm coi khanh là bề tôi tin cẩn v.v.”.

Tóm lại, sẽ không có đại quân lên vây đánh Mộc Châu, đây là ý chí của Hoàng Đế, coi như Mộc Châu thoát một kiếp, cái giá phải trả là hai ngàn quân của vệ Ưng Dương đóng quân ngay ở thung lũng Mường Sang, cách Mộc Châu chín dặm về phía tây nam.

Xa văn Thành cứ như thế nơm nớp lo sợ sống bên cạnh hơn hai ngàn tinh nhuệ của Hoàng Đế đã ba năm nay. Ba năm trước (1440), Cầm Nghiễm nổi dậy cướp ngôi Phù Nạm của cháu là Cầm Sương, dời trị sở sang Mường Mỗi, đến hai năm trước (1441), Nghiễm nghe lời dụ dỗ của tướng quân nước Vạn Tượng là Đạo Mông, lại hợp mưu với quân Vạn Tượng khởi binh chống lại triều đình Đông Kinh.

Cầm Nghiễm sai người xuống chiêu dụ Xa văn Thành, hắn cũng giống như Bạc Thường, chỉ nhếch mép cười khinh miệt. Năm xưa Cầm Cương là cỡ nào phong thái, lòng dạ vĩ ngạn như sao trên trời, ngay cả người Thái Trắng ở Mường Lễ cũng phải tuân phục, ấy vậy mà còn không chống nổi người Việt.

Bằng vào một thằng rác rưởi cướp quyền của cháu như Cầm Nghiễm lại đáng là gì mà đòi y ra sức trâu ngựa. Không ngoài Xa văn Thành dự liệu, chỉ vài tháng sau, Cầm Nghiễm cùng Đạo Mông thua trận bị bắt.

Sáu ngàn quân Mường Mỗi, mà cũng không phải, là những gì còn sót lại của sáu ngàn quân Mường Mỗi bị người Việt xâu như ếch đem về xuôi, nghe đâu Hoàng Đế dùng bọn chúng đích thân tế Thái Miếu.

Thế nhưng, hai tháng trước, hắn nghe tin mường Đốc Mai của Bạc Thường bị diệt, chính tay tên ma thần kia cầm quân lên Tâm Châu diệt Bạc Thường.

Từ Tâm Châu đến Mộc Châu chỉ chưa tới hai trăm dặm đường núi, Xa văn Thành thực sự rất sợ hãi, đối với quân Việt ở đại doanh Mường Sang lại càng đề phòng.

Chỉ nửa tháng sau khi Bạc Thường bị diệt, có người từ dưới xuôi lên nói cho hắn biết, đại doanh Mường Sang sắp tới sẽ được tăng viện thêm bốn ngàn lính, nâng tổng số quân đồn trú lên thành sáu ngàn.

Mộc Châu đếm tới đếm lui chỉ có một vạn ba ngàn người, trong đó số tráng niên có thể cầm vũ khí mới hơn ba ngàn sáu trăm người, nếu tính cả thiếu niên mười ba tuổi trở lên, lão niên năm lăm tuổi trở xuống miễn cưỡng được hơn năm ngàn người một chút.

Năm ngàn người, đếm thì nhiều nhưng thực chất là một đám ô hợp, dựa vào địa thế hiểm trở miễn cưỡng mới có thể ngăn được hai ngàn quân của đại doanh Mường Sang, nếu giờ lực lượng ở đó đông gấp ba thì hắn làm sao sống nổi?

Thế là hắn nghe lời người xuôi kia, liên hợp với Mai Châu, Việt Châu và quan trọng nhất, khiến hắn có sức lực dựa vào nhất là ... Mường Thanh.

Sau cái chết của Cầm Nghiễm, con trai Cầm Cương là Cầm Sương đã quay trở lại làm phù nạm ở Mường Thanh, đám người xuôi kia đảm bảo chỉ cần hắn dám khởi binh, Mường Thanh sẽ đưa quân xuống giúp.

Xa văn Thành ý chí đã quyết, liền mở lối cho quân Mường Thanh vào thung lũng Mu Náu vây đánh quân Việt đồn trú. Tên tướng chỉ huy của người Việt đúng là khó chơi, mấy tuần nay hắn đã ba lần bảy lượt dựa vào bóng tối dạ tập, khiến quân bao vây bị tổn thất không nhỏ.

Nhưng Cầm Sương cùng Xa văn thành không lo, người xuôi kia đã nói chủ nhân nhà hắn sẽ kéo chân sau quân triều đình ít nhất ba tháng, tối đa sang năm triều đình mới có thể cất quân tiếp viện.

Người kia bảo bọn hắn cứ an tâm chậm rãi đánh, bọn hắn cũng vững dạ yên tâm mài, kiểu gì cũng mài thủng được cái mai rùa này.

Ai mà ngờ được, bọn hắn hội quân vây đánh đại doanh Mường Sang chưa được một tháng người Việt đã đến. Ngày hai mốt tháng sáu quân Việt đã từ Tâm Châu tràn sang tấn công, chỉ mất hai ngày đã dọn sạch đồng minh của bọn hắn ở Mai Châu.

Mười ngày trước, quân Việt đã kéo đến phía đông bắc Mộc Châu đóng trại, đếm số khói bếp đủ nấu cơm cho ít nhất một vạn bốn ngàn người, trừ đi số phu dịch người Việt phải có tầm bảy đến tám ngàn quân.

Bọn hắn phải cắt bớt sáu ngàn quân sang phía đông, dựa vào lũy Mộc Châu đương cự với quân Việt ở đó, bảy ngàn quân còn lại ngày đêm đánh gấp, mong muốn giải quyết nhanh đại doanh Mường Sang.

Thế nhưng, chưa đánh xong Mường Sang thì hai ngày trước, tức là mùng năm tháng bảy, hắn nghe tin Việt Châu đã luân hãm, cả hắn và Cầm Sương đều lạnh cả người, thì ra cái doanh trại to đùng ở phía đông bắc Mộc Châu là một trò đùa.

Bọn hắn chỉ biết nhìn nhau cười khổ, mười ngày nay đám phu dịch trong doanh trại kia không ngơi tay chặt cây làm tường, đào hào đắp lũy, giờ muốn cường công mở đường chạy nghe chừng khó.

Dù chỉ là áp chế cái doanh trại đó cho mọi người mượn đường chạy ra thì ít nhất phải để lại ba đến bốn ngàn cái xác. Mà ba bốn ngàn cái xác này phải là của quân tinh nhuệ chứ đám ô hợp thì áp lực không đủ.

Thở một hơi thật dài, Xa văn Thành vuốt ve lông bờm con ngựa yêu của hắn, sự đã đến nước này, hắn chỉ mong có thể cầm chân chủ lực người Việt ở đây, câu giờ cho Cầm Sương theo đường thượng đạo đem gia quyến cùng chủ lực nhà mình theo đường rừng chạy trước.

Chỉ cần chạy đến được bờ sông Đà nghĩa là còn đường sống, chỉ có tường đá cao hơn một trượng của Mường Mỗi mới có thể ngăn cản người Việt. Từ những lời thảng thốt sợ hãi của đám người bại trốn, hắn đã rõ ràng quân tấn công lần này có rất ít lính chính quy triều đình, phần lớn là thổ binh các mường Thái, Mường còn trung thành với họ Lê.

Vì vậy, bọn chúng chắc chắn không có vũ khí công thành hạng nặng, tường đá của Mường Mỗi dư sức bảo hộ người Thái lần này. Quân Việt đánh lâu không được ắt phải rút, nghe nói biên giới phía nam của Đại Việt sắp có đánh nhau to với người Chiêm Thành.

Đến lúc đó người Việt không đào đâu ra đủ lương thảo duy trì gần hai vạn người cả lính lẫn phu trên miền rừng thiên nước độc này. Hai ngàn quân của vệ Ưng Dương hẳn là cũng sẽ không cố sống cố chết giữ đại doanh trên này, Mộc Châu sẽ một lần nữa về tay họ Xa.

Xa văn Thành tích cực tự an ủi chính mình, hơn ai hết, hắn rõ ràng lúc này mình không thể mất tinh thần. Nếu như ngay cả hắn cũng tỏ ra vô vọng thì đám thổ binh dưới tay sẽ không còn tinh thần gì lâm trận nữa.

Hướng mắt nhìn về phía xa, hắn thấy hai bên bờ suối Sập chi chít từng hàng thổ binh thân mặc giáp mây, tay cầm khiên mây, lưng đeo cung lớn, hông dắt dao rừng chậm rãi tiến tới bản Tà Niết.

Nheo mắt lại nhìn lên hai bên sườn đồi, Xa văn thành thấy hai bên đồi đều có từng tốp thổ binh tay chân nhanh nhẹn, bước trên vách đá như đất bằng cẩn thận xem xét từng gốc cây, khe đá.

Xa văn Thành đã tính tới từ trước, với phong cách hành quân đánh trận nhất quán của gia tộc kia, trước đến nay chỉ có bọn chúng phục kích tấn công người khác chứ hiếm khi có chuyện ngược lại. Nghe đồn từ khi một tên kiêu tướng của gia tộc kia, hình như là cháu ngoại của tộc trưởng, chết vì bị người Minh mai phục đến nay chưa từng có chuyện ai đánh lén được lần nào nữa.

Vậy nên hắn cũng chẳng tốn công làm mấy trò đó, chỉ cắt lên sườn đồi bên phải năm trăm người, sườn đồi bên trái ba trăm người để ngăn không cho chúng chiếm được điểm cao áp chế quân trong bản mà thôi.

Kia rồi, theo đường lớn ven bờ suối Sập, cuối cùng Xa văn Thành đã thấy một đám lính mặc giáp da, hẳn là quân Việt. Khác với quân của vệ Ưng Dương đánh nhau với hắn mấy chục ngày nay, đám quân Việt này không dùng khiên lớn, hông không dắt đoản đao. Tên nào tên nấy chỉ bồng trên vai một cây gỗ có gắn gậy sắt, trên đầu gậy có gắn một thứ như có mũi nhọn hình ngọn giáo. Loại giáo này hẳn là vũ khí mới của người Việt, nó dài khoảng năm thước (2m), trong đó cán dài chừng bốn thước (1m6), mũi giáo dài chừng một thước (40cm).

[Huýttt...] Chỉ nghe một tiếng huýt dài, đám thổ binh bắt đầu dừng nhịp bước, sau đó độ bốn trăm tên triển khai thành hai hàng dài, đoạn độ sáu trăm lính người Việt cũng triển khai thành ba hàng ngang dàn ngay phía sau bọn thổ binh.

Cứ như thế đội hình năm hàng ngang của chúng chậm rãi theo ghề đất cao bên phải hẻm núi mà tiến tới.

...

Lê Chiêm, Trịnh Tú cùng tám tên quan lang, phù nạm ngồi trên ghế xếp cách tường rào bản Tà Niết chừng hai dặm (800m), nhìn bức tường rào bằng đá chỉ cao không quá ngực người lớn, bên trên dựng rào bằn gỗ tươi, hẳn là mới chặt vội, Trịnh Tú cười thỏa mái nói với Lê Chiêm.

- Chiêm, mi nói xem, hai ngàn quân trong cái bản rách kia có thể chặn chúng ta bao lâu?

Nhìn về phía bản Tà Niết, Lê Chiêm không khỏi cảm thấy may mắn, mà không, chả có may mắn nào ở đây cả, tất cả đều là tính toán của lão gia nhà mình, may mà có lão gia.

Trung thực mà nói, bản Tà Niết có vị trí cực kỳ đắc địa, thế đất cao mà bằng phẳng, rộng chừng sáu dặm vuông (0.95 km2), lưng dựa vào đồi núi, cao tới hơn ba mươi lăm trượng (hơn 140m) so với lòng suối, tiếp cận từ phía tây chỉ có thể ven theo ghề đất cao bên phải hẻm núi, chỗ hẹp nhất ngay trước tường rào tà Niết chỉ rộng hơn ba mươi trượng (120m).

Án ngữ con đường tiến vào Mộc Châu có thể nói là ngàn người giữ ải, vạn người khó qua.

May mà chúng chỉ chăm chú canh phòng đại doanh Mường Sang cùng doanh trại nghi binh phía đông Mộc Châu, nếu như chúng tiểu tâm phòng hờ phía tây, không cần nhiều, chỉ cần độ vài trăm mét tường đá cao độ một trượng ở Tà Niết, lại bố trí một ngàn quân coi giữ, lúc này quân Việt muốn tấn công nói nghe thì dễ.

Nghĩ đến đây Lê Chiêm lại dễ dàng nói.

- Em cho rằng cùng lắm là cuối giờ dậu (7 giờ tối), chúng ta có thể vào bản Tà Niết nghỉ ngơi.

Trịnh Tú gật đầu cho là phải, bây giờ mới là đầu giờ thân (3 giờ chiều), Lê Chiêm tính gần hai canh giờ đã là đánh giá cao bọn chúng lắm rồi. Đứng trước điểu thương của Phủng Thánh quân, Trịnh Tú không cho rằng chúng có thể cầm cự lâu hơn.

Điểu thương của quân Phủng Thánh đương nhiên là một loại musket, sử dụng cơ chế điểm hỏa kiểu mỏ chim bằng đá lửa.

Điểu thương được Lê Ý đầu tư từ rất sớm nhưng không được suôn sẻ như đóng thuyền, đơn giản vì hiểu biết của Lê Ý về kỹ thuật chế tạo súng hỏa mai tương đối hạn chế.

Mà nói cho đúng ra thì khó nhất là chế tạo nòng súng đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng và số lượng chứ các cấu kiện khác thì - khốn nạn thay - kiếp trước nó đều GG rất kỹ, đúng là bách nhục.

Ban đầu nó chỉ nhớ mang máng theo một video giới thiệu về xưởng khoan súng của nhà máy Z111, đơn giản là cho thợ rèn gia công một phôi sắt rèn thành hình trụ tròn đặc, sau đó sử dụng mũi khoan thép để khoan nòng.

Nhưng nó quên mất là nhà máy Z111 sử dụng các công cụ ở thế kỷ hai mươi mốt với độ chuẩn xác rất cao và công nghệ luyện kim tuyệt vời, thế là lô súng sản xuất ban đầu của nó coi như là rác rưởi.

Thứ nhất là thời gian chế tạo mỗi một phôi nòng súng quá lâu, một thợ chính và một thợ phụ mất tới mười tám giờ công để gia công một thỏi sắt rèn thành hình trụ hoàn hảo. Cần thêm năm mươi đến sáu mươi giờ công nữa để khoan trụ sắt đó thành nòng súng đúng kích cỡ.

Nghĩa là từ phôi sắt rèn thành nòng súng cần tới gần tám mươi giờ công, cứ tính thợ thuyền một ngày làm gần mười giờ đồng hồ, chia ra cũng khoảng gần tám ngày công.

Lý do thứ hai cũng quan trọng không kém là vì phải khoan vào sắt đặc nên mũi khoan dù làm bằng thép cũng rất chóng bị hao mòn, để khoan trụ sắt đặc thành nòng súng cần tới ba mũi khoan tất cả, với chi phí chế tạo mũi khoan hiện tại của Đại Việt thì đúng là lợi bất cập hại.

Cuối cùng, vì độ chuẩn xác khi gia công kém, độ dày – mỏng của nòng súng không đồng đều dẫn đến độ chuẩn xác giảm khi súng bị nóng do bắn liên tục.

Tạm bỏ qua vấn đề chi phí mũi khoan, hay độ chuẩn xác, chỉ tính riêng tốc độ sản xuất, kể cả với hệ thống lao động theo dây chuyền của Vĩnh Xương, các công đoạn rèn, khoan nòng, tạo hình báng súng v.v. được tách riêng ra nhưng nghe chừng năng suất vẫn chưa đủ.

Lâu nhất là công đoạn khoan nòng, cứ sáu thợ lành nghề họp làm một tổ, chia làm hai phiên thay nhau khoan nòng, làm việc chín đến mười giờ một ngày, bảy ngày một tuần, bốn tuần một tháng cũng không tài nào đẩy sản lượng vượt quá sáu mươi nòng súng một năm.

Cứ cho là triều đình sử dụng thủ đoạn nào đó hô biến ra năm trăm thợ khéo (tương đương với số thợ trong xưởng thép của cục bách tác) thì số nòng súng mà bọn chúng tạo ra theo phương pháp ban đầu cũng chỉ là năm ngàn sản phẩm mỗi năm.

Đọc nghe thì nhiều đấy, nhưng sản xuất đủ súng cho mười ba vạn đại quân hiện tại cần tới hai mươi sáu năm. Đại Việt đương nhiên không thể hô biến ra năm trăm thợ khéo, cũng không thể trông chờ gì vào cái tốc độ sản xuất rùa bò ấy.

Thế là nó chỉ cho sản xuất vài chục khẩu làm mẫu để thử nghiệm báng súng, đầu ruồi các thứ, rồi tiếp tục đổ tiền vào nghiên cứu khoan nòng. Mãi đến hai năm trước bọn thợ mới mày mò ra được cách rèn nòng súng với tốc độ thần sầu.

Đầu tiên, chúng tạo hình sắt rèn thành một tấm sắt mỏng hình chữ nhật có chiều dài đúng bằng chiều dài cần thiết của nóng súng. Sau đó chúng quấn tấm sắt mỏng đó quanh một thanh thép hình trụ tròn có tiết diện nhỏ hơn tiết diện nòng súng để ngăn ống thép bị sập, méo. Tiếp đến cho chất trợ dung vào hai mép rồi cho vào lò nung để tạo mối hàn nhiệt độ bền cao.

Sau khi tấm thép đã trở thành phôi nòng rồi thì đem đi gia nhiệt sau đó cho phôi vào một chiếc đe để tạp hình cho thật tròn và thẳng. Công đoạn này là quan trọng nhất, vì chỉ có một phôi nòng tròn đều và thẳng thì lỗ khoan thành phẩm mới được đồng tâm, nòng cũng sẽ ít biến dạng hơn sau khi bắn.

Cuối cùng là men theo cái lỗ đã có sẵn trên phôi nòng mà doa cho rộng ra, vì đã được tạo lỗ sẵn nên thời gian cần thiết cho công đoạn khoan nòng được rút ngắn xuống chỉ còn sáu đến bảy giờ công, nhanh gấp chín lần so với khoan phôi sắt đặc.

Nhờ đó, hai mươi tổ thợ của nó ở công xưởng Vĩnh Xương, chỉ có một trăm hai mươi thợ tất cả đã có thể ung dung hoàn thành trên dưới tám ngàn nòng súng một năm. Chỉ một năm rưỡi nay số nòng súng nhập kho đã lên đến hơn mười ba ngàn chiếc, Lê Ý cười không ngậm được miệng.

[Huýttt ...] Tiếng còi chói tai rít lên, chỉ còn tầm bốn mươi trượng nữa là đến rào đá của bản Tà Niết, toàn bộ hơn một ngàn lính cùng dừng lại, thổ binh cầm khiên mây ngồi xuống trước mặt ba hàng lính của Phủng Thánh quân.

[Huýttt ...] Lại một tiếng còi nữa, các hàng của Phủng Thánh quân bắt đầu đứng xen kẽ vào nhau, hàng thứ nhất giương điểu thương lên nhắm vào đám thổ binh người Thái đang cầm nỏ đứng sau lớp rào đá.

[Huýttt ...] Tiếng còi thứ ba cất lên, hơn hai trăm khẩu điểu thương thủ đồng loạt siết cò. [Đoàng ... đoàng ... đoàng ...] nửa tích tắc sau hàng loạt tiếng rền vang như sấm mùa xuân kèm theo hỏa hoa đưa những viên đạn chì ra khỏi nòng súng.

Người Thái đứng sau rào đá chỉ thấy mấy đối phương làm tư thế như bắn nỏ, mấy tên nhanh trí thấy thế đã núp xuống chân rào đá từ trước, những tên chậm chạp hơn chỉ thấy từ mấy cái ống sắt của người Việt phụt từng luồng khói mù mịt trước mặt Phủng Thánh quân, sau đó là một loạt tiếng [phanh ... thịch ... phanh ... phập] của đạn chì bắn vào đá, vào gỗ và cả vào người nữa.

Đến lúc này chúng mới nhận ra, người Việt đang sử dụng một loại vũ khí mới, bức rào gỗ bình thường có thể thỏa mái chặn mũi tên đứng trước vũ khí mới của người Việt không khác gì tờ giấy mỏng.

Chưa chờ chúng hoàn hồn lại thì [huýttt ...] tiếng còi đồng như bùa đòi mạng cất lên [đoàng ... đoàng ... đoàng...] luồng khói trước chưa tan, luồng khói sau đã đến, [phanh ... thịch ... phanh ... phập] lại có mười mấy tên chưa kịp định thần núp xuống bị đạn chì bắn cho trắng đỏ lẫn lộn.

Xa văn Thành nhìn thấy hàng lính thứ ba của người Việt đã chuẩn bị giương thứ vũ khí ma quỷ kia lên, đồng tử của hắn co lại bằng cái lỗ kim, điên cuồng hét lớn.

- Núp hết xuống, núp sau rào đá, nhanh lên!

[Huýttt ...] Tiếng còi ma quỷ lại lần nữa cất lên, bọn thổ binh còn đang ngu ngơ bị những kẻ mau lẹ hơn kéo ngã ghì chặt xuống tường đá, [đoàng ... đoàng ... đoàng...] tiếng vang như sấm rền đúng hẹn lại nổ [phanh ... thịch ... thịch ... vèo].

Nhìn thân vây to bằng bắp chân bị bắn nát như đậu hũ, ánh mắt kiên nghị mà lãnh tĩnh của Xa văn Thành dần trở nên đờ đẫn, mồm không ngừng lầm bầm.

“Tiên tổ ở trên, sao ông trời lại ban cho người Việt thứ vũ khí khủng khiếp như vậy, đây là sự trừng phạt của ông trời cho người Thái chúng ta hay sao ...”

PS: Hôm nay viết gấp rưỡi mọi ngày, điên thật.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK