Bắc kinh hay Yên Kinh là một toà thành có lịch sử hơn hai ngàn năm, từ những năm 600 trước công nguyên nơi đây đã có Kế thành. Sau này Bang Chu diệt Ân Thương, con trai Cơ Phát là Chu Thành Vương - Cơ Tụng phân phong tông nhân là Thiệu công - Cơ Thích đất này kiến địa, gọi là đất Yên. Cơ Thích bèn sai con là Cơ Khắc đến Kế thành, từ đó đổi Kế thành làm Yên Kinh.
Trải qua hơn ngàn năm bãi bể nương dâu, đến năm Vĩnh Lạc thứ 21 thời Minh Thành Tổ - Chu Đệ, thành Thuận Thiên chính thức được đổi tên là thành Bắc Kinh, là một trong hai kinh của nhà Minh.
Đương nhiên là người Minh sẽ ra rả cái gì mà “Thiên tử thủ quốc môn”, "đặt kinh đô ở gần mối đe doạ lớn để nhắc nhở quân vương không quên võ đức" các thứ.
Lần đầu tiên nghe người Minh thuyết trình về sự vĩ đại trong tầm nhìn của Chu Đệ, Lê Ý chỉ nhếch mép cười khinh miệt. Chu Đệ chẳng qua là không có căn cơ vững chắc ở Nam Kinh nên phải xây kinh đô mới ở đất Yên mà thôi, nói thẳng ra thì xấu hổ lắm hay sao mà phải sơn son thiếp vàng lên mặt Chu lão tứ như thế. Ngay cả đám đại nho nước Minh bọn mi cũng chả thèm giấu diếm gì mà gọi cái thành đấy là Yên Kinh chứ có thèm gọi là Minh Kinh đâu.
Khen Chu Đệ dời đô lên Bắc Kinh có khác gì khen Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, cái toà thành mỗi năm một trăm tám mươi lần lụt ấy mà cũng bịt mũi khen là “thế đất cao mà khô ráo”, “chính giữa nam bắc đông tây” các thứ … đúng là trò cười thiên niên kỷ.
Chuyện lụt ở Thăng Long không cần nói nhiều, còn chính giữa nam bắc đông tây là ngữ gì khi mà Thăng Long thực tế không đủ sức kiểm soát hai xứ Thanh Nghệ. Phải biết hai xứ này còn rộng lớn hơn kinh lộ lại dung dưỡng đến một phần ba dân số Đại Việt.
Cố đô Hoa Lư thì sao? Là một phần của xứ Sơn Nam, vậy nên nó thừa sức để vừa kiểm soát thuế phú Sơn Nam vừa kiểm soát kiêu binh hai xứ Thanh, Nghệ.
Sơn Nam là khu vực các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình Hà Nam, Hưng Yên ngày nay, từ xưa đã là khu vực giàu có và đông đúc nhất nước. Đến giữa thời Lê Sơ, số làng xã ở Sơn Nam vẫn gấp đôi Kinh Bắc, thuế phú nuôi quân của triều đình đều dựa vào xứ Sơn Nam cả.(1)
Còn hai xứ Thanh, Nghệ từ xưa là đất dụng binh, từ Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn đều cầm quân Thanh Nghệ mà dẹp yên được thiên hạ.
Có thể nói, gạo Sơn Nam, quân Thanh Nghệ là hai tài nguyên quan trọng nhất của Đại Việt từ thuở lập quốc đến hết thời Lê Trung Hưng. Vậy Lý Công Uẩn có vấn đề về tư duy hay sao lại từ bỏ quyền kiểm soát Thanh Nghệ? Đương nhiên là không.
Suy cho cùng, cũng giống như Chu Đệ dời đô từ Nam Kinh ở đất Ngô về Bắc Kinh ở đất Yên, Lý Công Uẩn cũng chọn dời đô về Thăng Long vì nơi này rất gần đất thang mộc của họ Lý là xứ Kinh Bắc. Đóng đô ở Thăng Long có thể kéo dãn khoảng cách của trung tâm quyền lực ở trung ương với các thế lực quân phiệt Thanh, Nghệ như họ Ngô, họ Dương, họ Lê v.v. Các gia tộc này không có nhiều sức ảnh hưởng ở Thăng Long, qua đó đảm bảo ổn định cho vương triều của họ Lý.
Lại lạm bàn rồi, quay lại vấn đề cái hại của Yên Kinh. Nếu không phải Chu Đệ dời đô lên phía Bắc thì chưa chắc Đại Minh đã mất sớm như thế.
Cái kinh đô dúi vào một góc như thế bị đánh hạ trong khi hơn nửa giang sơn Đại Minh vẫn còn an ổn, đúng là bách nhục. Đám Nam Minh sau này dựa vào một cái triều đình không ổn định vẫn đánh tay đôi với Mãn Thanh đến gần hai mươi năm. Nói thế là đủ hiểu kể cả mất miền bắc quốc lực nhà Minh vẫn còn mạnh đến mức nào.
Đương nhiên, kể cả có hại như thế nào thì đó cũng là chuyện của hai trăm năm sau, ở thời điểm hiện tại Bắc Kinh vẫn là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với hơn hai mươi bảy vạn hộ (2). Số hộ này tính ít cũng phải hơn tám mươi vạn dân, tính thoáng tay một chút có thể lên tới 135 vạn người.
Nghĩa là dủ tính nhiều hay ít thì dân số Bắc Kinh cũng trên dưới một triệu người. Để bảo bọc dân số lớn như thế, thành Bắc Kinh cũng phải rộng tới gần ba trăm tám mươi dặm vuông, tức là gấp gần bốn lần thành Đông Kinh của Đại Việt (gần một trăm dặm vuông).
Trong đó riêng Hoàng Thành đã rộng tới bốn mươi tám dặm, gấp sáu lần Hoàng thành Thăng Long (gần tám dặm vuông). Nhiều người thường so sánh Tử Cấm thành Bắc Kinh với Hoàng thành Thăng Long mà không hiểu rằng đây là một phép so sánh rất khập khiễng.
Kinh thành ngày xưa thường được xây làm ba lớp. Lớp ngoài là ngoại thành, tức là La Thành ở Đông Kinh, lớp thứ hai là nội thành, tức là Hoàng thành ở Đông Kinh. Mãi đến lớp trong cùng mới là Tử Cấm thành, đây mới là nơi ở của vua.
Nếu muốn so sánh với Tử Cấm thành Bắc Kinh thì phải đem Cấm thành Đông Kinh ra mới tương xứng. Diện tích đã được xác nhận của Cấm thành Đông Kinh là hai mươi hecta, tương đương khoảng 1,25 dặm vuông. Còn diện tích của Tử Cấm thành Bắc Kinh là bảy mươi hai hecta, tương đương 4,5 dặm vuông.
Vậy là Tử Cấm thành Bắc Kinh vẫn lớn hơn Cấm thành Đông Kinh 3,6 lần. Nói như vậy để hiểu quy mô của thành Bắc Kinh lớn đến mức nào, xứng đáng là kinh đô của Đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đương thời.
Là đô thị cả triệu dân, thành Bắc Kinh không có khái niệm nghỉ ngơi. Người người chen vai thích cánh dạo phố, ngược xuôi thương lữ, tấp nập ngựa xe. Quả là nhất thời thịnh cảnh, mượn câu thơ trong bài “Dạ khán Dương Châu” của Vương Kiến hẳn là cũng không sai sót gì.
“Dạ thị thiên đăng chiếu bích vân, cao lâu hồng tụ khách phân phân”
(Chợ đêm chong đèn nhìn mây biếc/ Lầu cao nơi ấy bóng hồng nhan)
Sâu trong bức tường cao của Tử Cấm thành Bắc Kinh, tưởng như gần mà lại cách xa những ồn ào phố thị, Hoàng Đế mười lăm tuổi Chu Kỳ Trấn đang ngồi phê duyệt tấu chương.
Xoa nhẹ hai bên thái dương, hắn thở dài hướng mắt qua cửa sổ nhìn về hướng phường Cổ Lâu Tiền, sau bức tường cao chỉ thấy phố phường đèn đuốc sáng cả một góc trời.
Khi Chu Kỳ Trấn lên ngôi thì Hoàng triều Chu thị đã không còn ở đỉnh cao quyền lực, lão đầu nhà hắn Minh Tuyên Tông – Chu Chiêm Cơ thua trận ở An Nam hao binh tổn tướng buộc phải thu quân về.
Tuy nhiên, Tái ông mất ngựa chưa biết chắc là phúc hay hoạ, Chu Chiêm Cơ dựa hơi chinh phạt An Nam để tước bớt binh quyền của các phiên vương, mấy lần xuất binh đều lấy vệ binh của các phiên vương làm nòng cốt, đến nay Ninh Vương, Sở Vương, Thục Vương đều đã không còn binh quyền gì đáng kể.
Đại Minh sau khi mất An Nam lại ở trạng thái tốt đẹp chưa từng có. Không chỉ là do triều đình hạn chế được quyền lực các phiên vương mà còn giảm được áp lực tài chính.
Vấn đề tài chính của Đại Minh phải nói từ thời Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương. Là một người đi lên từ dưới đáy xã hội, thấu hiểu sâu sắc những khó khăn của dân chúng. Vì vậy, ngay sau khi thành lập Đại Minh hắn đã cho thi hành chính sách giảm thuế khoá, thu chi tiết kiệm nhưng lại mở rộng phúc lợi xã hội.
Những chính sách quyết liệt của Chu Nguyên Chương giúp dân chúng có cuộc sống dễ dàng hơn, khắp cả Đại Minh nhanh chóng khôi phục sinh lực sau thời gian dài chinh chiến.
Đi cùng với kết quả tích cực, những chính sách của Chu Nguyên Chương cũng khiến ngân sách Đại Minh thực tế cực kỳ eo hẹp, vì vậy nền quân sự Đế quốc chỉ phù hợp với công tác phòng thủ tích cực chứ không hợp với lao sư viễn chinh.
Hơn bất cứ ai khác, Chu Nguyên Chương ý thức được điểm yếu trong hệ thống do chính tay mình gầy dựng nên. Vậy nên, trước khi băng hà, hắn đã để lại danh sách các nước không nên chinh phạt. Hay nói thẳng ra, Chu Nguyên Chương đã nhắc khéo con cháu là “chúng mày đánh đấm ít thôi, bán nhà không trả hết nợ đâu”.
Chu Đệ là một vị quân chủ đầy tham vọng với ước mơ thừa kế tất cả di sản từ Đế quốc Mông Cổ, hắn ra sức bành trướng ảnh hưởng của nhà Minh về mọi hướng.
Nhìn xuống hướng nam, Chu Đệ kiếm cớ chinh phạt chư hầu An Nam. Ở hướng bắc, hắn phát động hàng loạt cuộc chinh phạt nhà Bắc Nguyên. Về hướng tây, triều đình lại tài trợ cho chuyến thám hiểm cực kỳ tốn kém của Trịnh Hoà v.v.
Tất cả những kế hoạch, chiến dịch này của Chu Đệ đều cần đến một nguồn tài nguyên nhân lực và vật lực quá tải đối với hệ thống thuế khoá của Chu Nguyên Chương. Tất cả tài sản tích góp suốt mấy chục năm cai trị của Chu Nguyên Chương đều bị Chu Đệ đem đốt hết.
Nếu vào thời điểm đó Chu Đệ cho cải cách các chính sách thuế khoá của Chu Nguyên Chương thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Thế nhưng Chu Đệ không đủ nhân lực cũng như năng lực để làm việc đó.
Biện pháp duy nhất mà Chu Đệ nghĩ ra được là tăng thuế, nhưng thay vì dỡ bỏ lệnh hải cấm và tăng thuế thương thì Chu Đệ lại siết chặt hơn nữa lệnh hải cấm, tăng thuế và lao dịch lên nông dân.
Đơn giản vì các “quân sư quạt mo” của Chu Đệ, hay nói chính xác hơn là các vị học sỹ trong Nội các được tài trợ cho ăn học bởi các thương nhân. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích cho kim chủ nuôi mình ăn học, họ đã khéo léo tác động lên Chu Đệ để các đợt tăng thuế của Chu Đệ đều nhắm đến nông dân.
Ngay sau khi lên ngôi, Chu Chiêm Cơ đã ra sức sửa chữa các sai lầm của Chu Đệ. Hắn ra lệnh nới lỏng lệnh hải cấm, bắt đầu thu thuế ở các cửa khẩu, cảng biển, từ bỏ các tham vọng quân sự quá sức từ thời Chu Đệ, cắt giảm quân quyền của các phiên vương v.v.
Sau khi Chu Chiêm Cơ băng hà, trong bảy năm đầu niên hiệu Chính Thống (1435-1442) Trương Thái hậu cùng Tam Dương (Dương Sỹ Kỳ, Dương Vinh, Dương Phổ) làm thủ phụ tiếp tục duy trì các chính sách của Minh Tuyên Tông.
Nhờ vậy, sau khi Trương Thái hậu hoăng (1442), Tam Dương thủ phụ xa lánh chính đàn, Chu Kỳ Trấn đích thân chấp chính thì sức lực Đại Minh lại tương đối dồi dào.
Từ khi Thái hậu lẫn chư vị thủ phụ không còn, Hoàng Đế trẻ dần quen với cuộc sống của bậc đế vương thực sự. Thức khuya dậy sớm chăm lo triều chính, sai người dựng tướng đài thân hành đốc sát các vệ duyệt binh, diễn luyện. Thằng nhóc mười lăm đang tuổi trung nhị hừng hực khí thế khôi phục võ đức thiên triều. Học tập Minh Thành Tổ - Chu Đệ khiến chư hầu bốn bể một lần nữa nơm nớp trong lo sợ.
Thế nhưng, đời không như là mơ, Chu Kỳ Trấn vừa triển khai hoài bão của mình chưa được bao lâu thì ở Mạc Bắc đã có kẻ thổi hơi lạnh vào gáy Hoàng Đế trẻ.
Mấy năm nay người Mông Cổ đã chinh phạt Khất Nhi Cát Tư (Kyrgyzstan), Cáp Mật (Hami/ Tân Cương), lôi kéo Sa Châu Bát vệ (phía tây tỉnh Cam Túc) thành lập Cam Túc hành tỉnh, cơ bản đã làm chủ thương đạo từ Đại Minh đi Tây Vực. Về phía đông lại lôi kéo Ngột Lương Cáp tam vệ (đông Mông Cổ đến tây bắc Mãn Châu), hiện nay áp lực mà tam bộ Nữ Chân (Kiến Châu Nữ Chân, Đông Hải Nữ Chân, Tây Hải Nữ Chân) phải gánh chịu ngày càng lớn. Cứ đà này, ngày Đại Mông Cổ quốc lại một lần nữa thống nhất đã không còn xa.
Nghĩ đến viễn cảnh bóng ma ám ảnh Âu – Á đại lục suốt hai trăm năm qua lại lần nữa khôi phục sức mạnh, Chu Kỳ Trấn không khỏi máu nóng cuồn cuộn, hơi thở gấp gáp. Nắm thật chặt quả đấm, hắn lầm bầm.
“Chỉ có đối thủ như thế này, chỉ có một lần nữa đánh tan Đại Mông Cổ quốc mới có thể khiến anh danh của ta truyền tụng ngàn vạn năm.”
Chú thích:
(1) Nguyễn Trãi, Dư địa chí.
(2) Hàn Quang Huy: Bắc Kinh lịch sử dân cư địa lý/ Trang 102,109,110.