• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Trong lúc Chu Kỳ Trấn đang chơi trò Đế Vương chi thuật ở Bắc Kinh, Lê Ý lại đang chơi một trò khác mà nó đã mong mỏi suốt hai đời người mà không được, tập làm giáo viên.

Đúng, đúng là nó đã từng lên lớp bình dân học vụ cho đám ngũ trưởng quân Nam Xương, nhưng đám da dày thịt béo đó cầm thước vụt vào người như đánh vào lốp cao su, chả khoái tẹo nào. Đến hôm nay nó mới có một tên học sinh da mềm thịt mịn, à nhầm ... phải là thông minh sáng dạ mới đúng ... để thử nghiệm năng lực dạy học của mình.

Trên chiếc lâu thuyền xa hoa của Lê thị, nó đang tay cầm thước, tay cầm sách khảo giáo Trịnh Bang. Trịnh Đạo ngồi bên cạnh cầm nửa quả dưa, vừa xúc từng thìa dưa nhai nhóp nhép vừa khoái trá xem thằng Bang ăn đòn.

Cả Trịnh Đạo cùng Lê Ý đều cực kỳ nhất trí cho rằng thương cho roi cho vọt, chỉ có nghiêm sư mới dạy ra được cao đồ. Nói đùa cái gì, ngay cả thiên tài như Lê Ý ngày trước cũng bị hai lão già Trình Hiền, Lý Thối đánh cho lên bờ xuống ruộng.

Hạng “tầm thường” như Trịnh Đạo thì khỏi phải nói, thê thảm hơn Lê Ý đâu chỉ vài lần. Trịnh Bang hẳn là cũng nên được trải nghiệm cảm giác “thoả mái” mà bọn chúng đã từng tận hưởng.

- Tăng Tử viết, vị tu thân tại chính kỳ tâm giả, giải thích như thế nào?

Trịnh Bang xoa xoa cái mu bàn tay đã đỏ tấy lên vì ăn thước, giọng mếu máo nói.

- Quân tử tu thân phải chú trọng vào tâm cảnh. Thân có điều phẫn chí, là tâm cảnh không đoan chính. Thân có sợ hãi, là tâm cảnh không đoan chính. Thân mang tham niệm, là tâm cảnh không đoan chính. Thân có ngại khó, là tâm cảnh không đoan chính. Tâm cảnh lơ đãng thì có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe, có ăn mà vô vị. Tu thân cốt yếu ở tâm cảnh đoan chính vậy.

{Cháttt} Lê Ý vụt vào mu bàn tay Trịnh Bang một cái nữa, bẻ cổ tay răng rắc nói.

- Anh bảo mi giải nghĩa chứ không phải đọc lại những gì Tăng Tử viết như một con vẹt. Đọc thiên thứ mười này phải hiểu được cái gì là tâm ý, cái gì là chính ý. Tâm ý là ý chí từ sâu trong tâm khảm, chưa qua chỉnh lý, nói cách khác, nó là phản ứng cơ bản nhất của con người đối với sự vật hiện tượng xung quanh. Chính ý chính là tâm ý sau khi được thế giới quan gột rửa, chọn lọc, bỏ cái hại, lưu cái lợi. Phàm là tu thân phải kiên trì mà chuyên chú vào chính ý. Giả dụ như mi muốn tu tập, sinh hoạt lành mạnh tích cực, đây là tâm ý. Nhưng trong thế giới quanh mi có quá nhiều dụ hoặc, nào rượu chè, nào săn bắn, nào đào hát v.v. đây là quá thừa ô trọc quấy nhiễu, cần phải thanh lọc.

Với tay lấy một miếng dưa nhồi vào tay Trịnh Bang, Lê Ý khoan thai nói tiếp.

- Trên đời này dụ hoặc đâu đâu cũng có, Tăng Tử tổng kết lại có phẫn uất, sợ hãi, tham hưởng thụ, ngại gian khó. Nho gia sau này lại phát triển thêm ra làm hỉ, nộ, ai, ái, ố, ác, dục, gọi là thất tình. Phật gia thì tóm gọn lại thành tham, sân, si, gọi là tam độc. Dù là thất tình hay tam độc thì cũng là những cảm xúc cơ bản, sinh ra đã có của con người, chúng sẽ làm ta không biết đâu là đường ngay mà sa vào mù quáng, vô minh, ngăn cản ta đưa ra phán đoán khách quan mà đi vào đường rẽ. Muốn đi vào đường ngay thì phải dùng lăng kính chính ý mà soi rõ tâm ý, loại bỏ tà niệm, đó mới là phép tu thân chân chính. Hiểu?

Trịnh Bang vò đầu một lúc chợt hai mắt sáng lên nói khẽ.

- Hiểu, phàm là người sống ở trên đời đều phải biết được mục đích của mình là cái gì, nhớ kỹ lấy mục đích đó mà chắt lọc, bỏ qua những sự vật, sự việc làm cản trở đến mục tiêu của bản thân. Làm được như vậy thì hành sự tất thành, đó mới là nhân sinh đại đạo.

Trịnh Đạo trợn to mắt nhìn Trịnh Bang, là một trong "tứ thư", cuốn "Đại Học" đương nhiên không chỉ chăm chăm dạy ra phường quân tử giả cày suốt ngày chi hồ giả dã. Cốt yếu của Đại Học là dạy người ta cách LÀM NGƯỜI, làm người nói thì dễ nhưng thực hành sao mà khó khăn. Hôm nay Trịnh Bang lại đã tìm được phương hướng của đời mình, hỏi Trịnh Đạo sao lại không ngoác mồm kinh ngạc.

“Từ khi nào thằng em nghịch ngợm của mình có thể thông tuệ học một suy ra ba như thế?”

{Cháttt} Lại một tiếng thước vụt vào mu bàn tay chát chúa vang lên trong boong thuyền, thằng nhóc Trịnh Bang vừa tìm ra chân lý đời mình đang hừng hực khí thế trung nhị, bị Lê Ý đánh một phát tụt cả mood.

- Nếu mi mà chịu khó đọc thuộc những gì anh viết trong “Đại học chú giải” thì đâu phải đến giờ mới hiểu ra. Nghiêm túc đọc những thứ anh viết trong đó thì chỉ có một con lợn mới có thể trở thành quân tử Tàu. Mi coi như không phải lợn thôi chứ có gì mà vênh vang đắc ý.

Không chờ Trịnh Bang khóc lóc, Trịnh Đạo ôm lấy vai Lê Ý lắc lắc hỏi gấp.

- Mi thật là viết những thứ đó ra làm tài liệu giảng dạy của quốc học Lam Sơn?

Mỗi cá nhân đều có một nhân sinh, mục tiêu riêng biệt, Đại Học chính là tổng kết con đường tu thân của tất cả các nhân sinh, mục tiêu riêng biệt. Chẳng qua người đời chỉ chăm chăm đọc cái vỏ của Đại Học mà không chú trọng cái nhân bị ẩn sâu trong đó, thành ra nho gia đào tạo rặt một lò toàn quân tử Tàu.

Người có thể lột phá lớp vỏ ngoài mà áp dụng được Đại Học cho trường hợp riêng có của riêng mình ít lại càng thêm ít. Khắp thiên hạ có những thế gia cất dấu chú giải của nhà mình như trân bảo truyền đời là vì lẽ ấy.

Lê Ý khinh miệt liếc mắt nhìn anh em Trịnh Đạo, Trịnh Bang.

- Tri thức phải được truyền bá và phát triển mới có thể ngày một tiến tới, ít nhất trong nước phải là như vậy. Anh Đạo với thằng Bang có biết vì sao dân tộc ta không thiếu người thông minh mà một ngàn bốn trăm năm nay không sinh ra được đại nho nào vươn tầm thiên hạ không? Có biết vì sao tộc ta xưa nay không thiếu thầy hay thợ khéo mà đồ thủ công Đại Việt ta mãi chỉ là lựa chọn hạng hai không?

Thấy ánh mắt Trịnh Đạo sáng lên ngay sau đó tối sầm lại, nó liền gằn giọng nói.

- Cứ ôm khư khư thứ tư duy của tôi tôi quý đó thì đến bao giờ Đại Việt mới phát triển thành cường quốc được?

Thuyền đến huyện Đông Sơn có một ngã ba sông, từ ngã ba này rẽ phải là vào sông đào mới thông dòng ba bốn năm nay. Con sông đào dài hơn một trăm ba mươi dặm, chính là tác động đáng kể khác của Lê Ý đến cái thời đại này.

Đúng ra năm Đại Bảo thứ năm (1438) Lê Nguyên Long sẽ cho đào kênh Tam Điệp – Biện Sơn nối liền hệ thống sông Lỗi Giang và hệ thống sông Nhĩ Hà với nhau. Tuy nhiên, dưới sự can thiệp của hai mươi mấy nhà thương hội Vĩnh Xương, Lê Nguyên Long đã đổi ý đào kênh Đông Sơn – Ngọc Sơn nối nước từ Lỗi Giang thông sang sông Yên ra cửa Bạng huyện Ngọc Sơn.

Mặt sông đào rộng bảy đến mười trượng, sâu hơn một trượng rưỡi không chỉ cung cấp đủ nước tưới tiêu cho mấy huyện phía đông phủ Tĩnh Gia (hai huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương ngày nay) mà còn cung cấp đường sông đủ cho hai đến ba chiếc lâu thuyền qua lại cùng lúc.

Chỉ mới hoàn công độ ba bốn năm mà đã bắt đầu thấy thương thuyền xuôi ngược như mắc cửi, thấy rõ sự chuyển dịch thương mại xuống phủ Tĩnh Gia một cách rõ rệt, cũng coi là một điểm thành công ngoài ý muốn.

Nhờ công trình thuỷ lợi này lâu thuyền từ công xưởng Vĩnh Xương ở huyện Lạc Thuỷ xuống cảng Nghi Sơn ở huyện Ngọc Sơn chỉ cón mất ba đến năm ngày, trong đó chỉ có chưa đến bốn mươi dặm đường biển.

Theo kênh Đông Sơn - Ngọc Sơn đã hơn một ngày, chắc là cũng sắp ra đến cửa sông. Trịnh Đạo vô công rỗi nghề ngồi vắt vẻo ở mé thuyền, hắn cảm giác nếu không phải thuyền đi trên sông thì mình sẽ thành con cá khô mất, nằm một chỗ cả ngày theo đường sông chán chết. Đoạn hắn nhàm chán hỏi Lê Ý.

- Ý.

- Nói đi.

- Sao chúng ta không dùng lâu thuyền đưa hàng ra nước ngoài luôn mà phải đưa xuống cảng trung chuyển rồi chất lên thuyền buồm vậy?

Lê Ý quay lại nhìn Trịnh Đạo như nhìn vật thể lạ.

- Bác Khả đẻ ra đứa con như anh đúng là sỉ nhục đấy anh Đạo, có phải tương lai đi đánh Chiêm Thành anh định đem cả lâu thuyền lẫn thuyền mông đồng vượt biển hay không?

Trịnh Đạo chả để bụng, chỉ bất ngờ sao Lê Ý biết được ý định của mình nghiêng đầu hỏi.

- Có vấn đề gì à?

Lê Ý phun nước bọt xơi xơi vào mặt Trịnh Đạo.

- Mang mấy loại thuyền này đi gần bờ thì không vấn đề gì lắm, nhưng đi ra biển xa chỉ cần một con sóng tầm thường cũng đủ đưa cả con thuyền xuống thăm Thuỷ Tinh. Anh chết không sao, bác Khả có đến mười mấy đứa nối dõi, em thì không được, nhà em là dòng độc đinh đấy. May mà hôm nay anh hỏi ra đây, nếu mai này anh em ta dong buồm đánh Chiêm Thành mà anh đem lâu thuyền với mông đồng đi vòng chẳng hạn …

Lý Vĩ đang ngồi nhai trầu sau lưng Lê Ý cất tiếng nói.

- Thiếu chủ, trên biển không nên nói những lời không tốt như thế.

Nghề nào cũng có kiêng kỵ về tâm linh riêng của nghề ấy. Giả dụ như người làm nghề đi rừng thường kỵ gọi tên nhau, có nơi lại kỵ kéo lê cây gỗ, kiêng cầm đồ không thuộc về mình v.v.

Nghề sông nước cũng vậy, thường kiêng ngồi mũi thuyền, kỵ những lời độc địa sâu cay, kiêng các từ úp, lật v.v. Dù sao thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành, đối với những thứ liên quan đến tâm linh phải giữ chút lòng kính sợ tối thiểu.

Đến chính bản thân nó hồn xuyên về cái thời đại này đã là chuyện tâm linh hơn bất cứ chuyện tâm linh nào khác rồi. Bố bảo nó cũng không dám xấc láo, Lê Ý nhún vai, tạm tha cho Trịnh Đạo, vươn người lên nhìn ra biển, cuối cùng cũng từ cửa sông ra đến biển lớn rồi.

Tầm cuối tháng 6 vẫn là mùa gió Tây Nam, tuy nhiên đoàn thuyền của thương hội Vĩnh Xương vẫn căng buồm đi về phía nam bình thường.

Một bên là biển rộng, bên còn lại xa xa thấy cả núi xanh, thuyền cứ theo hình zích zắc ngược chiều gió mà đi.

Nhiều người tưởng rằng thuyền buồm phải đi thuận gió, thực ra không hẳn như vậy. Đơn giản vì buồm được thiết kế để không chỉ có thể nhận lực đẩy của gió thuận mà còn có thể nhận lực kéo của gió biểu kiến.

Động tác bẻ lái liên tục theo hình zích zắc nhằm đảm bảo gió biểu kiến kéo thuyền luôn lớn hơn lực cản của thuyền. Nói như vậy không có nghĩa là không phải quan tâm hướng gió, nó rất quan trọng là khác. Nhưng đối với một thuỷ thủ đoàn giàu kinh nghiệm thì họ có thể lợi dụng bất cứ hướng gió nào để đưa thuyền tiến lên, nhanh hay chậm mà thôi. Vậy nên gió bắc hay nam cũng chả phải vấn đề gì lớn lắm.

Cái đáng lo hơn là đá ngầm, dù là thuỷ thủ đoàn giàu kinh nghiệm đến mấy, đã đi qua bao nhiêu lần cũng không dám lơi là. Lâu thuyền có tính năng chống đá ngầm khá tốt, nhưng đó không phải là lý do để chủ quan kinh thị, mấy năm nay thương hội mất thuyền vì đá ngầm không chỉ một lần.

Lê Ý định bụng vẽ hải đồ chi tiết cho thương thuyền qua lại cảng Nghi Sơn được tường tỏ, thế nhưng chợt nhớ ra mình chẳng biết vẽ bản đồ.

“Tiếc là ngày xưa mình chỉ GG sơ qua về cấu tạo thuyền hải quân, nếu nhân tiện tìm hiểu một chút về đo đạc khí tượng, hải văn nữa thì tốt.”

Đang thả hồn vào những nuối tiếc kiếp trước, nó chợt nghe thấy tiếng hét rõ to trên tổ chim (1).

- Nghi Sơn, cảng Nghi Sơn kia rồi!

Từ sau thuyền tiến lên lan can trước thuyền, Lê Ý rút chiếc ống nhòm ra nhìn, liền thấy xa xa bên phải mạn tàu là một bến cảng tấp nập. San sát bên nhau là hơn trăm con thuyền buồm đậu trong cảng kín mít. Tiến đến gần cảng liền nghe thấy tiếng trống, tiếng kẻng điều phối vang cả vịnh biển.

Nhìn vào sâu trong đất liền là cả một đô thị hình lục giác diện tích tấm trên dưới ba mươi dặm vuông (~ 4,8km2), bên trong là đường phố thẳng tắp quy hoạch hình bàn cờ, trong thành hết thảy độ tầm gần hai ngàn nóc nhà gạch ngói đỏ au, vòng ngoài là tượng thành chu vi độ hai mươi dặm, cao độ một trượng rưỡi.

Dưới chân thành đông và thành nam có hai khu chợ lớn, trong chợ người người nhốn nháo mua bán, trả giá nói thách cực kỳ náo nhiệt. Lác đác trong chợ có vệ binh đi từng cặp đảm bảo trị an.

Buông ống nhòm xuống, Trịnh Đạo mặt nghệt ra thì thào nói.

- Con mẹ nó, cái thành này chỉ mới gầy dựng bốn năm năm nay thôi à?

Lê Ý vẻ mặt dâm tiện ôm vai Trịnh Đạo nói nhỏ.

- Hà hà … anh Đạo có muốn đi xem vũ nữ apsara với múa Ba Tư không, chỉ cần anh thích, trong thành Nghi Sơn này cái gì cũng có.

*Chú thích:

(1) Tổ chim là cái giỏ ở trên đỉnh cột buồm dùng để hoa tiêu dẫn đường.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK