So với cái nắng nóng của Hải Tây thì cái nắng nóng của Kinh Lộ lại có một phong vị khác. Ở Hải Tây gió Lào đã bị rút hết hơi ẩm ở bên kia dãy Trường Sơn, vì vậy khi tràn xuống miền duyên hải không khí rất khô, hiếm khi độ ẩm trên ba mươi phần trăm, thổi đến đâu cháy da cháy thịt đến đấy.
Ngược lại, cái nắng ở Kinh Lộ là cái nóng ẩm, tuy không cháy da cháy thịt như Hải Tây nhưng độ ẩm cao khiến mồ hôi không bốc hơi nổi cũng rất bí bách.
Chư quan mặc thường phục, nào áo trong nào áo ngoài chỉn chu đàng hoàng lại càng cực khổ. Kể cả có gần hai mươi viên nội thị tập trung đạp cho quạt chạy cả buổi cũng không đỡ hơn là mấy.
Mớ quạt chạy bằng sức người này vẫn là “phát minh” của Lê Ý. Thứ gì cao siêu có lẽ nó không biết chứ thanh niên thời đại kia, có tên nào không phải “anh hùng bàn phím”.
Chưa ăn thịt lợn cũng GG xem lợn chạy như nào chứ. Dăm ba hệ dẫn động bằng trục khuỷu với bánh răng đơn giản không phải chuyện dễ như bỡn sao, bê nguyên hệ truyền động của xe đạp qua là được.
Tuy luyện kim Đại Việt thời này như hạch nhưng mấy cái quạt này cũng không phải máy móc công nghiệp hạng nặng nên cũng chả có yêu cầu kỹ thuật cao xa gì. Dùng làm chi tiết cho quạt miễn cưỡng vẫn dùng được.
Năm đó Lê Nguyên Long đánh Cầm Nghiễm đem về Lam Kinh làm lễ tế ở Thái Miếu.
Công việc xong xuôi hắn chạy lên Cẩm Giang thăm ruộng lúa cùng công xưởng Vĩnh Xương. Ở trong nhà Lê Khôi thấy không có nô tỳ dùng quạt tay mà đều trưng dụng sức nước cung cấp động lực cho một dây chuyền dẫn động đơn giản liền có quạt mát mà lại đều.
Không chỉ quạt trong nhà Lê Khôi, ở công xưởng Vĩnh Xương hầu hết máy móc từ máy thổi, máy nén, máy ép, máy ly tâm v.v. cũng rặt một màu sử dụng động lực nước.
Thế là hắn nằng nặc đòi thằng cháu họ chế cho hắn mấy bộ xài ở Đông Kinh. Tuy nhiên, sức nước sông Tô Lịch khá đuối, lại có ba lớp tường thành ngăn trở nên Lê Ý buộc phải sử dụng động lực chạy bằng cơm.
So với động lực bằng sức nước thì đơn giản hơn vạn lần, mỗi tội tốn thêm mấy tên nội thị ăn với đạp xe cả ngày.
- … Bẩm chủ mẫu, phép chọn lọc lúa giống về cơ bản là như thế.
Hàn lâm viện thị giảng Lê Cảnh Xước đứng ra hỏi.
- Chưởng sứ ty đại nhân chỉ nói là dùng nước muối cùng nước ấm mà xử lý giống, xin hỏi phương pháp pha nước cụ thể như thế nào?
Nguyễn Cung chỉ cúi đầu không nói. Lê Cảnh Xước thấy Nguyễn Cung không nói gì lại hỏi.
- Làm sao? Phải chăng phép chọn lúa giống Chưởng sứ ty đại nhân nói có vấn đề gì sao, hoặc giả phép chọn giống lúa không có thật?
Lê Khôi thú vị nhìn Lê Cảnh Xước, môi cong lên một đường ý vị. Lê Sao lại đứng ra chỉ mặt Lê Cảnh Xước mắng.
- Nguyễn Cung là gia nô của Tiên Đế, làm sao đến lượt thằng toan nho mi xỉa xói. Lại nói, cải tiến phép canh nông là việc hệ trọng của quốc gia, liên quan đến hưng thịnh của Hoàng triều, đến sống còn của dân chúng. Năm đó Nguyễn Cung tuân theo cố mệnh của Tiên Đế mà giám sát cải tiến phép canh nông, việc hệ trọng đến mức ghế Chưởng sứ ty bỏ trống bốn năm năm nay. Nay mi lại nghi ngờ nó, nghĩa là mi nghi ngờ mắt dùng người của Tiên Đế chăng?
Lê Sao vừa đứng lên đã chụp cái mũ rõ to, Lê Cảnh Xước chưa kịp phản bác gì Lê Khôi đã đứng dậy xua tay.
- Anh Sao, anh nói thế thì nặng lời quá.
Lê Sao thấy Lê Khôi ra mặt cũng miễn cưỡng ngồi xuống, Lê Khôi liếc qua Lê Cảnh Xước, chạm vào ánh mắt của Lê Khôi, Lê Cảnh Xước như không thở nổi. Lê Khôi lại như nhìn xuyên qua Lê Cảnh Xước thấy Ngự sử Trình Hiển, khoé miệng hơi nhếch.
- Thị giảng đại nhân cũng không cần nhảy nhót nữa, phương pháp canh nông mới đã sẵn sàng phổ cập. Ta nói thế.
Lão thậm chí chẳng cần đưa chứng cứ. Ở trong cái triều đường Lê Sơ này lời lão đã từng quyết định cả ngôi vị Hoàng Đế chứ đừng nói đến mấy chuyện vặt vãnh này.
Lê Khôi chắp tay vái hướng lên sập vàng.
- Thần, còn có chuyện muốn tâu.
Nguyễn thị Anh chưa bao giờ có cảm giác vừa vững chãi vừa bất an như thế này. Tiểu Hoàng Đế có nhân vật bực này hậu thuẫn, không an tâm sao được, quyền lực rồi sẽ đến tay Bang Cơ, bà chưa bao giờ tin tưởng điều đó hơn thời điểm này. Còn bất an ư, người như thế này vào triều liệu có lấn át cả Thái Hậu để cầm quyền nhiếp chính hay không?
Trung thực mà nói, từ khi Tiên Đế còn sống đến bây giờ Lê Khôi đối với Lê thị Anh vẫn tương đối hiền hoà dễ gần. Hồi còn mồ ma Lê Nguyên Long mỗi lần về Lam Sơn tế Thái miếu Lê Khôi đối với Lê thị Anh nói riêng cùng toàn bộ phi tần của Lê Nguyên Long nói chung đều cực kỳ thiện đãi.
Nhất là từ khi nàng sinh ra Đích tử Lê Bang Cơ, Lê Khôi đối đãi Nguyễn thị Anh lại càng hài lòng. Kể cả khi lão bị bãi chức đuổi về Thanh Hoá làm Đại Tông Chính nhưng mỗi lần gặp, lão Khôi đều khen nàng hiền lương thục đức, văn võ toàn tài, nếu Lê Nguyên Long có muốn phong Hoàng hậu không nàng còn ai các thứ.
Nhưng từ khi Tiên Đế băng về sau, thái độ của Lê Khôi liền thay đổi hẳn. Đương nhiên, đối mặt với Thái Hậu lão vẫn một mực hiền hoà cùng lễ độ, nhìn qua không có gì khác biệt. Vậy nhưng Lê thị Anh dường như cảm nhận được một luồng đề phòng cùng hoài nghi.
Cảm giác ấy chỉ thoáng cái là qua nhưng bà là nữ nhân bực nào, chỉ một chút như thế cũng đủ để bà lần tìm ra manh mối. Rất nhanh, bà liền rõ ràng nguyên do.
Năm xưa Lê Khôi đối đãi với bà cùng tần phi của Lê Nguyên Long hiền hoà như vậy là vì Lê Khôi dùng ánh mắt trưởng bối để nhìn con dâu.
Họ Lê vốn neo người, thời điểm Thái Tông còn sống tính cả anh em nội ngoại cũng chỉ chín mười đầu nam đinh. Lê Khôi chỉ hận không thể để Lê Nguyên Long sinh một lượt mười mấy hai mươi đứa.
Lê Nguyên Long cũng không phụ lòng Lê Khôi, mới mười chín tuổi đã nặn ra bốn hoàng tử, bốn công chúa. Cứ đà sinh đẻ đó thì ước mơ của Lê Khôi sớm sẽ thành sự thực, Lê Khôi cười nửa đêm cũng sẽ cười tỉnh.
Tuy nhiên, Lê Nguyên Long sớm băng, đám hậu phi của Lê Nguyên Long đều đang ở độ tuổi đào mật thành thục. Xã hội thời Lê vẫn còn chưa bị ảnh hưởng bởi văn hoá Nho giáo hà khắc như sau này, chuyện nam nữ khó mà kiềm chế được.
Lê Khôi đề phòng Lao Ái (1) cũng là điều dễ hiểu.
Đây không chỉ là thái độ của Lê Khôi mà còn là thái độ của tông tộc họ Lê nói chung. Vì vậy Thái Hậu từ khi buông rèm nghe chính sự tới nay bước bước đều là cẩn thận, chuyện chuyện đều là lấy lợi ích của tiểu Hoàng Đế làm đầu, ngày ngày đều nghiêm cẩn giữ lễ với quan tước không để tin đồn nhỏ nào có cơ hội bốc lên.
Nghĩ đến phận đàn bà mới hai mươi mốt xuân xanh đã phải sống như bà già, đề phòng từng bước, Thái Hậu nhẹ thở một hơi thật dài.
Nghĩ thì lâu, thời gian thì mau, Nguyễn thị Anh gật đầu.
- Chuẩn.
Tiểu Hoàng Đế cũng hai tay chắp trước bụng.
- Chuẩn.
Lê Khôi hít sâu một hơi lại nói.
- Chuyện phép canh tác mới chính tay thần đã kiểm tra hồ sơ sổ sách bốn năm năm nay, lại tự thân đi kiểm tra năng suất lúa, đúng là ít nhất mười ba tạ một mẫu thật. Còn câu hỏi của Hàn lâm viện Thị giảng đại nhân đặt ra, vì sao không công khai chi tiết ngay trên triều thì rất đơn giản.
Nghểnh cao cổ nhìn quanh điện Hội Anh, Lê Khôi cao giọng nói.
- Phép canh tác mới là do Tiên Đế dùng danh nghĩa cá nhân, đầu tư tiền của nội khố cùng với con ta hợp tác nghiên cứu chứ không dùng tiền quốc khố. Nghĩa là thành quả đạt được là tài sản riêng có của con ta cùng Tiên Đế, hay nói rộng ra là tài sản của tông tộc họ Lê.
Nội mật viện Chánh chưởng Trình Thanh đứng ra chắp tay hỏi.
- Việc canh nông là đại sự của quốc gia, họ Lê thụ mệnh vu thiên mà chấp chưởng thiên hạ, kể cả đây có là tài sản của tông tộc họ Lê thì hẳn là nên chia sẻ ra cho trăm họ hưởng phúc mới đúng.
Lê Khôi bình tĩnh nhìn vào mặt Trình Thanh, thấy hắn trông có vẻ "đại nghĩa xá thân nào có tiếc chi" liền cười nhạt.
- Họ Lê đương nhiên không tiếc gì với lê dân trăm họ, tuy nhiên, trăm họ này phải là trăm họ của nhà Lê ta mới được.
Trinh Thanh mắt sáng lên “chỉ sợ mi không nhận nợ, bây giờ nhận truyền thụ phép canh tác mới là tốt rồi" hắn tay xá dài tới đất.
- Đức Thái Tổ thụ Thuận Thiên kiếm ở Thanh Hoá, lại hoàn Thuận Thiên kiếm ở hồ Tả Vọng, đó chẳng phải là nói thiên mệnh họ Lê đã trải khắp toàn cõi Đại Việt sao. Thiên hạ có nơi nào không là giang sơn của họ Lê sao, hoàn vũ có dân nào không phải là con đỏ của họ Lê chăng?
Lê Khôi thoả mái cười nói.
- Vậy cũng còn chưa chắc chắn lắm.
Môn hạ sảnh Tả thị lang Đào Công Soạn cũng chắp tay với Lê Khôi.
- Chưa chắc thế nào xin Đại Tông Chính đại nhân chỉ cho biết.
Lê Khôi bước hai bước, lại quay lại nói thẳng.
- Từ xưa đến nay văn hóa Đại Việt là văn hóa làng xã, tính cộng đồng thể hiện rất rõ. Mỗi làng một cái đình, mọi việc lớn nhỏ của làng đều không lan ra khỏi luỹ tre. Thời Bắc thuộc nhờ có làng, xã biệt lập với bên ngoài mà Lạc tộc ta giữ gìn được tiếng nói, bảo tồn được văn hoá. Người Hán dù cố đồng hoá tộc ta cũng không thể làm triệt để được là vì lẽ ấy.
Đình thần hai mặt nhìn nhau, đúng là văn hoá làng xã là điểm đặc thù của người Lạc Việt, chính nó là thứ giúp đất nước vượt qua gần ngàn năm bắc thuộc mà còn giữ được hồn cốt dân tộc. Tự nhiên Lê Khôi bàn đến chuyện này là lẽ gì ?
- … Ngày xưa, đó là chỗ hay, nhưng ngày nay thời thế đã đổi khác, suốt từ thời Thái Tổ mười mấy năm nay triều đình xây dựng chính quyền trung ương tập quyền pháp trị. Tuy nhiên, khắp nơi vẫn còn cảnh “phép vua thua lệ làng”, nhiều khi pháp lệnh triều đình ban xuống ra khỏi Đông Kinh không khác gì tờ giấy lộn là vì lẽ gì? Chẳng lẽ đó không phải là chỗ kém hay sao? Chẳng lẽ những phường tư lợi như thế còn là con dân mà họ Lê phải dốc lòng chăn dắt chăng?
Nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân đứng ra chất vấn.
- Làng xã là truyền thống của tộc ta, từ ngàn đời nay đã thế, làng xã tự trị là cơ sở của văn hoá Lạc Việt. Lại nói, Thái Tổ năm xưa có căn cơ đuổi được giặc Ngô cũng là nhờ làng xã biệt lập, trong nhà mới có thể nuôi bảy tám trăm giáp sỹ, đó chẳng phải chỗ hay sao. Đại Tông Chính đại nhân hà cớ gì nói lời phê phán thậm tệ như vậy.
Mắt Lê Khôi sáng lên như chớp giật.
- Ý Nạp ngôn đại nhân là có người muốn nuôi bảy tám trăm tư binh trong nhà? Để làm gì?
Lê Khôi vừa hỏi vừa bước đến trước mặt Nguyễn Mộng Tuân.
- Không … ý ta là nếu giặc Ngô có lần nữa … lần nữa … thì dân chúng sẽ có căn cơ để học theo Thái Tổ nổi dậy. Đúng rồi, chính là học theo Thái Tổ đuổi ngoại bang.
Ngửa mặt lên trời cười ha hả một chầu, Lê Khôi mới sắc lạnh nói.
- Hoá ra là Nạp ngôn đại nhân sợ mười ba vạn hãn tốt không bảo vệ được Đại Việt, lại sợ đám lão già chúng ta không có năng lực cầm quân đến mức giống như Nhuận Hồ lại để nước nhà rơi vào tay giặc Ngô.
Chờ mãi mới thấy một tên nhảy vào hầm chông, Lê Khôi đời nào bỏ qua ngay lập tức đổ dầu vào lửa. Thế là một đám võ tướng Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê v.v. mắt lom lom nhìn Nguyễn Mộng Tuân.
Trung thừa Bùi Cầm Hổ, thị lang Đào Công Soạn thấy Nguyễn Mộng Tuân bí thế liền chắp ta nói.
- Đại Tông Chính đại nhân vẫn chưa nói hết, phải làm như thế nào tông tộc họ Lê mới đồng ý giao ra phương pháp canh tác mới.
Lê Khôi vuốt râu, mặt ánh lên vẻ tự hào con bài tẩy của thằng quý tử quả nhiên hữu dụng, lão chậm rãi cười nói.
- Chuyện này dễ nói, ha ha ha …
*Chú Thích:
(1) Lao Ái, Lã Bất Vi vốn có quan hệ mập mờ với Thái Hậu nước Tần là Triệu Cơ. Sau Tần Vương Chính đã lớn, Vi sợ lộ bèn dâng Lao Ái cho Thái Hậu làm cận vệ trong hoàng cung nước Tần với danh nghĩa là hoạn quan nhưng thực chất là người phục vụ riêng cho Triệu Cơ. Lao Ái đã lợi dụng sự tư thông với thái hậu Triệu Cơ đã xây dựng cho mình một thế lực lớn. Sau khi Doanh Chính cập quan là Tần Vương, vụ việc bị phát giác, Lao Ái cùng với 2 người con riêng của Thái Hậu bị giết.