• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chương 33: Điền Cương

Các cụ dạy cấm có sai, hữu tâm trồng hoa hoa chẳng nở, vô tâm cắm liễu liễu xanh um. Năm sáu năm trời chú tâm vào phép đổ gang chưa thành công mà đổ thép bắt đầu sau lại thành công trước.

Nó biết, thời trung học người ta có giới thiệu mấy loại lò nấu thép, trong đó có một loại gọi là lò Bét-xmơ thì phải. Nhưng cái vấn đề ở đây là nó không phải học sinh khoa học tự nhiên.

Ham mê của nó về lịch sử chỉ dừng ở mức biết đến các công nghệ có ảnh hưởng đến chiến tranh. Mà biết ở đây cũng chỉ là sơ qua về trang bị, kết cấu một số loại thuyền bè tiêu biểu của thời đại hàng hải, thành phần của một số loại thuốc súng, cùng lắm là biết thép là hợp kim của sắt và carbon, thép cho thêm mangan, coban, niken v.v. vào thì tăng độ bền các kiểu.

Chứ cụ thể làm thế nào để thiết kế chi tiết một con thuyền đi biển, làm thế nào để sản xuất thuốc súng có sức đẩy tốt nhất, làm thế nào để dung hợp carbon cùng các kim loại khác với sắt tạo thành thép thì nó chịu chết.

Thành ra, khi bàn giao các hạng mục nó chỉ mô tả khái niệm cơ bản mà thôi. Hạng mục đổ thép này cũng vậy, tuy nó vẫn hay sao sát động viên, vạch đường dẫn lối nhưng kiến thức của nó thực tế cũng không thể giúp gì nhiều. Chỉ trông đợi vào đám thợ đã có phương hướng có thể tự mày mò ra mà thôi.

Tác động trực tiếp của nó lên đề án chẳng qua là giới thiệu lò cao, cái này dùng chung cả đề án đổ thép cùng luyện gang. Mà cũng không hẳn là nó “phát minh” ra lò cao, phải gọi là cải tiến phương thức vận hành của lò cao mới đúng. Đây có lẽ là thứ hữu ích duy nhất còn tồn tại trong đầu một thằng học sinh khối C như nó vậy.

Lò cao không phải phát kiến gì mới lạ, người Trung Quốc đã sử dụng loại lò này muộn nhất từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Tuy nhiên cho đến giữa thời Minh, việc đưa không khí vào lò cao vẫn được thực hiện bằng sức người hoặc sức ngựa, vậy nên công sức bỏ ra rất nhiều nhưng cũng chỉ đủ để vận hành những lò cao cao từ nửa trượng tới một trượng (2-4m).

Lò cao nhỏ thì tốn sức người mà sản lượng cũng manh mún, đây là hiển nhiên. Cải tiến lớn nhất mà nó mang đến là hệ thống thổi khí vào lò bằng sức nước, thôi thì méo mó có hơn không, nhờ vào “phát kiến” vĩ đại của nó mà công xưởng Vĩnh Xương có những cái lò cao hai trượng rưỡi đến ba trượng (10-12m).

Bởi vậy mà năng suất mỗi lò gang, sắt của Vĩnh Xương cực kỳ điên rồ. Lò nung của các nhà khác cần mười hai thợ cật lực sáu canh giờ (12 tiếng đồng hồ) vất vả mỗi mẻ luyện được trên dưới ba mươi cân sắt, luyện xong còn phải để thợ nghỉ ngơi hai đến ba ngày.

Trong khi đó, nhờ vận hành các lò cao lớn hơn, ở công xưởng Vĩnh Xương cũng với mười hai thợ, thời gian nấu chỉ bằng một nửa mà mỗi mẻ cho ra lò trên dưới ba trăm năm mươi cân sắt.

Hơn nữa, do thời gian đốt lò ngắn, chỉ hai đến ba canh giờ nên mỗi ngày thợ đều có thể đốt một lò chứ chẳng cần nghỉ ngơi mấy ngày lại sức như thợ mấy nhà kia.

Vậy nên, chỉ làm việc sáu ngày một tuần, nhưng một trăm hai mươi thợ vận hành mười lò cao công xưởng Vĩnh Xương đã có thể đảm bảo sản lượng trên dưới tám vạn năm ngàn cân sắt mỗi tháng.

“Quái đản thật, bốn năm đôn đốc sát sao chẳng có thành quả gì, vừa bỏ bẵng đi có hơn một năm đã có tin tốt, chả lẽ vấn đề lại nằm ở phương hướng của mình.”

Vừa nghĩ miên man vừa nhìn Cao Giáp xếp sắt rèn, gang, chất trợ dung v.v. vào mười mấy cái nồi chịu lửa sau đó để tất cả số nồi chịu lửa đó vào lò than cốc.

Bắt đầu từ năm năm trước nó đã cho thợ tìm cách nấu sắt thành thép, sau hơn hai năm trời với hơn một trăm lò phế phẩm mà vẫn chưa thu được gì. Vấn đề là than củi lẫn than đá đều không cung cấp đủ nhiệt lượng để làm tan chảy sắt. Sắt không bị nấu chảy thì các thành phần không thể trộn đều với nhau, vì vậy chất thép chỗ cứng chỗ giòn chỗ mềm. Thế thì khác quái gì mấy loại thép nửa mùa của Thiên Trúc, Trung Hoa cùng Đại Hoà từ ngàn năm nay ở khắp châu Á đâu đâu chả có.

Thay đổi cách tiếp cận, nó chỉ đạo công tượng thay đổi chất đốt, từ than đá chuyển qua than bùn, hỗn hợp than đá và than bùn rồi cuối cùng đến than cốc.

Tưởng như nhiệt độ của than cốc đã đủ để giải quyết vấn đề của thép. Nhưng không, bịt chỗ này lại hở chỗ khác, than cốc rất nóng nhưng cũng vì nó quá nóng mà không cách nào thêm carbon vào được, vừa mon men bỏ carbon vào thì cháy bằng sạch, không sao dung nhập nổi, vẫn là hơn một năm với gần sáu chục lò thất bại.

Chán nản, đầu năm ngoái nó bó tay không gượng ép nữa mà để đám công nhân muốn làm gì thì làm. Thế mà chỉ mất hơn một năm họ lại thành công đổ ra thép, là thép thật, thép xịn chứ không phải thứ thép nửa mùa của mấy nước khác.

- Cao Giáp, mi đã giải quyết vấn đề dung hợp than vào thép như thế nào?

Đúng vậy, nó phải gọi carbon là than, chứ gọi bằng tên tiếng anh thì người thời này hiểu sao được. Cao Giáp nghe Lê Ý hỏi đến thì chắp tay kính cẩn trả lời.

- Bẩm cậu lớn, thực ra con không tìm cách dung hợp thêm than vào sắt ạ.

Lê Ý nhìn Cao Giáp thú vị.

- Ồ, vậy phương hướng của mi là gì?

Cao Giáp có vẻ tự hào đáp.

- Dạ, bẩm cậu lớn, con học theo cách của tổ tiên con đúc đồng năm xưa, tức là pha đồng ạ.

Lê Ý nhướng mày, Bùi Sái đứng sau lưng Lê Ý giải thích.

- Bẩm thiếu chủ, Cao Giáp là hậu duệ của Cao Lỗ, đương thời An Dương vương - Thục Phán để mất lòng chư vị tướng quân, quan lang. Cao Lỗ biết là nước Âu Lạc sớm muộn cũng mất vào tay Triệu Vũ Đế bèn sai người đưa con cháu về ẩn cư ở nơi hẻo lánh thuộc xứ đông, nay là huyện Thanh Lâm để lo trước khỏi hoạ. Y như rằng năm trước năm sau Triệu Vũ Đế diệt nước Âu Lạc không tốn mũi tên hòn đạn nào, Cao Lỗ bỏ chạy về Thanh Lâm rồi chết, con cháu nối đời làm thợ thủ công đã mấy chục thế hệ rồi ạ.

Nghe Bùi Sái kể chuyện, Lê ý có chút hiểu ra, phất tay bảo Cao Giáp nói tiếp.

- Bẩm cậu lớn, năm xưa tổ tiên con có chép lại rằng để biết được thành phần đồng thau như thế nào phải nhìn màu lửa, màu lửa chưa đúng thì phải thêm đồng hoặc thêm kẽm. Nay ta không thể thêm than trực tiếp vào nồi sắt nóng chảy nhưng có thể thêm giá thể có chứa nhiều than vào nấu cũng là cùng một mạch suy nghĩ. Vậy nên con mới nghĩ ra cách pha sắt với gang để gang làm giá thể mang than vào sắt ạ.

Vỗ đùi đến đét một tiếng, trời ơi, đơn giản thế sao nó không nghĩ ra, đúng là kiến thức cố hữu làm hại ta. Trước kia nó bị tư duy lối mòn che mờ mắt cứ nghĩ phải tìm cách nào thổi oxi vào gang để khử bớt carbon hoặc làm sao thêm than vào nồi kim loại nóng chảy để tăng hàm lượng carbon trong sắt. Bật cười ha hả, nó đứng dậy đỡ tay Cao Giáp.

- Phép luyện thép của mi hay lắm, nếu thực là có thể thành ta phá lệ để mi làm xưởng trưởng xưởng thép, lại thưởng thêm ba trăm lượng, mười mẫu đất tốt, ha ha ha …

Nghe thấy mức thưởng hậu hĩnh cả tiền và quyền như thế Cao Giáp mừng húm, lại quỳ xuống trước mặt Lê Ý.

- Cậu lớn an tâm, Giáp nhất định không để cậu lớn thất vọng.

Ngồi trở lại ghế, Lê Ý gọi Bùi Sái.

- Chú Sái, sai người chạy sang xưởng rèn tìm mấy tên thợ rèn loại một về đây, gọi cả người của phòng xây dựng nữa, có thể tương lai chúng ta cần xây thêm vài cái xưởng nữa đấy, còn nữa gọi cả người của xưởng ...

Nghe Lê Ý điểm danh một lúc bốn năm xưởng, Bùi Sái chắp tay lui ra tìm chân chạy đi, đoạn đích thân sang xưởng rèn gọi hai ba tổ thợ, chuyện này hệ trọng, không làm ẩu được.

Hơn một canh giờ sau. Dưới ánh mắt soi mói của mấy chục cặp mắt, Cao Giáp chậm rãi điều khiển bốn tên thợ phụ cẩn thận kẹp một chiếc nồi chịu nhiệt ra khỏi lò. Hắn tỉ mỉ loại bỏ từng mảng cặn xỉ ra khỏi nồi, đoạn nghiêm cẩn đổ từng dòng nước thép xuống mấy cái khuân bằng đất sét đã chuẩn bị từ trước.

Đất sét có nhiều loại, loại sử dụng để nấu thép cùng đổ thép là loại chịu nhiệt tốt, hiện tại bên xưởng gang cũng đang nghiên cứu phương pháp tạo hình cho gang bằng loại đất sét này. Chẳng qua là chưa có cách tạo khuôn đổ gang đủ mỏng, còn làm khuôn đổ thành thỏi thế này thì dư xài, muốn mấy cũng được.

Không được làm lạnh quá nhanh, vậy nên đợi mấy canh giờ mới nguội hẳn, Lê Ý sai mấy tên thợ rèn đến lấy mẫu thép, ngay tại chỗ kính coong rèn một cây đao, một bộ giáp ngực nguyên tấm.

Đao ở Vĩnh Xương là loại đoản đao dài một thước chín tấc (76cm) lưỡi dài khoảng một thước năm tấc(60cm), tay cầm dài bốn tấc (16cm), đao rộng một tấc (4cm), sống đao dày chừng hai phân (8mm) ở gần cán, càng xuôi về phía mũi càng mỏng.

Dáng tương tự Tú xuân đao của Cẩm y vệ nhà Minh, khác nhau ở chỗ đao Vĩnh Xương dày hơn nên cũng nặng hơn, lên tới ba cân năm lạng (1990g), nặng gấp rưỡi Tú Xuân đao hai cân một lạng (1240g).

Vì đao nặng, dáng thuôn dài nên chém rất đầm, cuối cán đao cũng có đối trọng nên cầm dao rất cân bằng, dù nặng nhưng chém lâu vẫn không bị đau cổ tay. Đầu tháng trước quân Nam Xương đánh Bạc Thường dùng loại đao này cận chiến chém một phát là rách một vết thật dài trên giáp mây.

Giáp tấm là “phát kiến” mới của Lê Ý, làm theo kiểu giáp Cuiras thời Napoleon, loại giáp này đã được chứng minh là hiệu quả để chống đạn từ súng Flintlock ở tầm trung và xa.

Trong kế hoạch tương lai của nó sớm muộn gì cũng phải đối mặt với quân chính quy nhà Minh, mà súng hoả mai thì chẳng có gì phức tạp đến nỗi nhà Minh không sao chép được cả.

Phải biết nhà Minh luôn chuộng dùng hoả khí, đội hình bắn cấp tập theo hàng đầu tiên ở châu Á cũng được triển khai bởi người Minh. Khi đó những tấm giáp chống được đạn súng hoả mai sẽ đóng vai trò quan trọng. Ngang trái một nhẽ là chưa có thép nên hiện tại vẫn phải sản xuất nhỏ giọt bằng thép nửa mùa của Đại Việt.

“Thép nửa mùa” hay còn gọi là “cương thiết” là sản phẩm của quy trình “điền cương” từ thời Tuỳ - Đường. Nghe qua cái tên ("cương thiết" dịch nghĩa là “sắt cứng”) đã biết tuy cứng hơn sắt thường nhưng vẫn là sắt chứ chưa phải là thép.

Khi sản xuất loại “thép” này người ta lấy hai lớp sắt rèn, kẹp giữa một lớp gang mỏng, lại phủ bên ngoài bằng bùn gói lại trong giấy, cứ thế nung cho đỏ rồi dùng búa mà gõ cho sắt và gang quện lại cùng nhau.(1)

Tuy chỉ tạo ra thép nửa mùa với độ đồng đều kém nhưng trong gần tám trăm năm nó vẫn là bí mật tối cao của các hoàng triều phong kiến Trung Hoa. Chỉ có Đại Hoà là thó được phép “điền cương” này bằng cách gửi gián điệp sang nhà Đường “du học”.

Từ sau khi phép điền cương rơi vào tay Đại Hoà thì việc bảo mật trở nên nghiêm mật hơn vài cấp bậc, đụng vào tất chết cũng không phải nói ngoa.

Mãi sau người Mông Cổ tiêu diệt nhà Tống, phép “điền cương” này mới theo đám tướng lãnh chạy nạn chảy vào Đại Việt. Tuy nhiên, sản lượng của loại thép này thực sự rất đáng thương. Triều đình hiện tại nuôi năm trăm thợ giỏi nhưng mỗi năm cũng chỉ “điền cương” được tám ngàn cân thép, tính cả số thợ trong các thế gia mỗi năm thu được không quá một vạn ba ngàn cân.

Đọc số nghe thì nhiều nhưng cũng chỉ vừa đủ để sản xuất hơn bốn ngàn cây đoản đao, theo binh chế Đại Việt đoản đao là trang bị cơ bản, mỗi lính đều phát một cây. (2) Tính sơ sơ nếu không có trang bị từ thời Minh thuộc thì cần tới hơn ba mươi năm để sản xuất đủ thép rèn đoản đao cho mười ba vạn quan quân ở thời điểm hiện tại.

Thép làm đao kiếm đã khan hiếm như thế nên không khó hiểu khi Đại Việt không phổ biến giáp thép mà phải tập trung nhiều hơn vào giáp da. Chỉ có các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ hoặc thân binh nhà giàu như quân Nam Xương của Lê Ý mới có nhiều bố diện giáp như thế.

Mấy năm nay nó sai người mua thêm thép ở Đại Hoà mới tạm thoả mãn cơn khát thép của quân đội Đại Việt. Đó mới chỉ là thoả mãn cơn khát đao kiếm, cơn khát giáp trụ nghe chừng vẫn phải chờ tiếp. Vì sản lượng thép tốt khan hiếm như thế nên giáp cuiras vẫn chỉ được giới hạn trong xưởng thí nghiệm mà thôi.

[Choang … choang … choang…]

Thoáng một cái đã hai canh giờ trôi qua, trời bên ngoài đã tối mịt mà mấy tên thợ rèn vẫn miệt mài không ngơi nghỉ. Nói đùa cái gì, thân là thợ rèn, đứng trước thời khắc lịch sử thế này có ai đành lòng bỏ về, có về đêm nay cũng không sao ngủ được.

Xung quanh đám thợ rèn là mười mấy ngọn đèn thuỷ tinh, dựng sau mỗi chiếc đèn đều có gương giúp hội tụ ánh sáng đến chỗ búa đe.

Đột nhiên tiếng búa ở bên rèn giáp dừng lại, tên thợ rèn lớn tuổi nhất hai tay cẩn thận vuốt ve tấm giáp ngực cười ngờ ngệch. Một tên thợ phụ huých một phát mới tỉnh ra, nâng niu miếng giáp ngực đến trước mặt Lê Ý, miệng vẫn không ngậm được ý cười.

- Dạ, con mời cậu lớn thử giáp ạ.

*Chú thích:

(1) Thẩm Quát/ Mộng Khê bút đàm/ Quyển 3.

(2) ĐVSKTT, Bản kỷ, Quyền X, tờ 60b.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK