• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đồng bằng bắc bộ và bắc trung bộ từ xưa đã chịu ảnh hưởng của các hệ thống sông ngòi chằng chịt. Vì vậy, người Việt đã thiện nghề sông nước từ rất sớm. Cho đến trước thời Trần Duệ Tông cho làm đường thiên lý thì đường sông vẫn là huyết mạch giao thông chính của Đại Việt.

Người Việt không chỉ biết đóng thuyền đi trên sông mà còn thiện cả nghề đi biển. Nào phải tự nhiên mà trống đồng Đông Sơn không chỉ được tìm thấy ở Đông Nam Á lục địa mà còn có ở bán đảo Mã Lai, các đảo Sumatra, Java v.v.

Thậm chí, một số tài liệu khảo cổ còn tìm thấy những con thuyền buồm cỡ trung bình bị đắm ở Quảng Ngãi (bờ biển Chiêm Thành) mang các đặc điểm đặc trưng trong phong cách đóng thuyền của Đại Việt. (1)

Tuy nhiên, do phong cách mô tả có phần “khiêm tốn” của sách giáo khoa hiện nay, người ta có xu hướng cho rằng thuyền bè Đại Việt chỉ toàn loại thuyền độc mộc chở tầm chục người, khá hơn một chút là thuyền Mông Đồng là hết nấc.

Sự thực lịch sử thì khác hơn thế rất nhiều. Chiến thuyền Đại Việt nhỏ nhất là thuyền Mông Đồng, mỗi bên mười hai tay chèo cùng một người cầm lái, hết thảy hai mươi lăm phu thuyền ở dưới boong. Trên bong có tầm hai mươi đến hai lăm lính chiến.

Mông Đồng cỡ lớn có những chiếc cả trăm tay chèo (2) cùng hơn trăm lính chiến, đó là chưa kể đến thuyền Cổ Lâu (Lâu thuyền), Du Đĩnh thuyền, Hải Cốt thuyền, Đấu Chiến thuyền v.v.

Có thể nói là chủng loại phồn đa, kích cỡ nào cũng có, tốc độ nào cũng cân.

Mấy lần người Trung Quốc xâm lược đều bị thuỷ quân Đại Việt đánh tan tác trên sông Bạch Đằng là vì lẽ ấy.

Nói đến mấy trận thuỷ chiến trên sông Bạch Đằng, người ta thường theo những gì sa bàn ở bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam mô tả.

Theo đó, quân Việt sử dụng mấy chiếc thuyền con vây đánh những chiếc lâu thuyền của người Trung Quốc, còn việc đánh đắm tàu chiến to lớn của giặc là công của … bãi cọc. Rất đáng mừng, tài liệu còn sót lại ở cả hai bên đều ghi nhận khác biệt hoàn toàn với cái sa bàn đó.

Bia đá trước mộ Lý Thiên Hựu – một viên chỉ huy quân Nguyên xâm lược nước ta trong chiến dịch lần thứ ba (1287-1288) có ghi chép cụ thể về chiến thuật của thuỷ quân nhà Trần như sau:

“Tháng ba, đến cảng Bạch Đằng, người Giao Chỉ dàn chiến hạm ngang sông để chống cự quân ta, đến lúc triều rút, thuyền quân ta không tiến được, quân ta tan vỡ …”

Sách vở chính thống của ta cũng cho kết luận tương tự.

“Trong trận phục kích đường thủy này, yếu tố quan trọng nhất là làm rối loạn đội hình hành quân của địch, từ đó dùng ưu thế áp đảo về binh lực tiêu diệt chúng. Trận địa cọc được coi như một đội quân ngầm, có nhiệm vụ chủ yếu là chặn không cho quân Nguyên chạy khỏi trận địa phục kích … Bản thân bãi cọc không phải là phương tiện tiến công … thuyền đang vận động nhanh, chỉ cần va phải cọc thi dù nhọn hay không, mạn thuyền cũng dễ bị phá hủy. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, thường chỉ một số thuyền đi đầu bị vướng cọc thôi, chứ không có khả năng toàn bộ chiến thuyền lao sâu vào bãi cọc…." (3)

Từ dữ liệu cả hai phía, ta có thể thấy rằng, thuỷ quân Đại Việt dùng thuyền lớn chắn ngang sông mà đánh, lại dùng bãi cọc giữ chân quân địch, tận dụng lực lượng thuyền chiến áp đảo để tiêu diệt thuỷ quân nhà Nguyên.

Nói như vậy để thấy rằng, Đại Việt có truyền thống sông nước và sự thực là một cường quốc sông nước, đến tận thời Mạc, vẫn ghi nhận những con thuyền buồm lớn có tới năm cánh buồm được đóng mới và sử dụng. Năng lực của nghành đóng thuyền cho phép nhà Mạc giữ được thế trận, bất chấp bộ binh nhà Mạc thường thua tan nát trước bộ binh nhà Lê Trung Hưng.

Sau khi Trịnh Tùng tiêu diệt nhà Mạc, để đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước đối với dân số cũng như hạn chế gián điệp, nhà Lê Trung Hưng đã thi hành một số chính sách hạn chế hàng hải, trong đó có lệnh cấm đóng thuyền lớn đi biển. Những con thuyền lớn bốn năm cánh buồm bị tuyệt chủng từ đây.

Đó là chuyện của một trăm năm mươi năm sau, hiện tại nhà Lê vẫn đang còn năng lực sản xuất những con thuyền buồm cỡ trung tới cỡ lớn. Từ thời nhà Minh có bảy xưởng đóng thuyền lớn thì ba xưởng nằm ở Thừa tuyên Giao Chỉ.

Mấy năm trước Lê Nguyên Long đã cho gọi hết thợ thuyền ở Tam Giang về Nghi Sơn lập xưởng đóng thuyền mới.

Do vị trí gần Chiêm Thành, xưởng đóng tàu Tam Giang năm xưa vốn chuyên đóng lâu thuyền cùng thuyền Mông Đồng phục vụ chiến tranh. Từ khi chuyển về dựng xưởng đóng tàu mới ở Nghi Sơn căn bản đã từ bỏ việc đóng các loại thuyền cũ.

Biết, nó biết thuyền Mông Đồng, thuyền Cổ Lâu là nòng cốt của thuỷ quân Đại Việt hơn bốn trăm năm qua, nhưng trung thực mà nói, hiện tại đã là thế kỷ XV, là khởi đầu của thời đại hàng hải, những con thuyền chỉ dùng để hoạt động trên sông và ven biển như Mông Đồng, Lâu thuyền đã không còn phù hợp với thời đại này nữa.

Đại Việt phải sớm làm quen với các nền tảng đường thuỷ mới là thuyền Đại Phàm và các phiên bản lớn hơn, mạnh mẽ hơn của nó.

Thuyền Đại Phàm cùng kích cỡ với Lâu thuyền, nhưng khác với Lâu thuyền sử dụng đáy phẳng chuyên đi trong sông, thuyền Đại Phàm là một loại thuyền đáy cong, thiết kế để phục vụ nhu cầu đi biển.

Hỏi nó nguyên lý vật lý nào thì nó đúng chịu, chỉ biết cùng một độ dày thì quả cầu nhôm rỗng chịu ngoại lực tốt hơn cái lon hình trụ tròn, cái lon hình trụ tròn lại chịu lực tốt hơn hộp nhôm hình trụ vuông.

Thuyền dài sáu trượng tới mũi (24m), rộng một trượng bảy thước (6m8), mỗi chiếc có ba cột buồm cùng một buồm kéo (buồm tam giác ở mũi). Thân thuyền được đóng theo kiểu chia khoang đặc trưng của người Việt, hết thảy có mười khoang được chia ngăn cách bởi chín vách ngăn, mỗi tấm vách đều làm từ gỗ thông dày đến hai tấc (8cm).

Cách chia khoang này giúp cho thuyền của người Việt có thể tiếp tục di chuyển kể cả khi có một vài khoang bị thủng hay ngập nước. Thuyền đi biển hiện đại hầu hết vẫn chia khoang theo cách người Việt đã làm từ bảy tám trăm năm trước.

Thuyền Đại Phàm tuy lớn, lượng giãn nước ba ngàn hai trăm tới ba ngàn bốn trăm tạ (190-200 tấn), trong đó ít nhất hai ngàn tạ (120 tấn) là hàng hoá nhưng chỉ cần mười hai đến mười lăm thuỷ thủ để điều khiển trơn tru.

Để mà so sánh, ba mươi sáu chiếc Lâu thuyền mà công xưởng Vĩnh Xương đang sử dụng để vận hàng từ Cẩm Giang xuống Nghi Sơn, mỗi chiếc cần ba mươi phu thuyền vận hành để tải năm trăm tạ (~30 tấn) hàng.

Tính ra, chỉ với thuỷ thủ đoàn bằng một nửa Lâu thuyền, thuyền Đại Phàm có thể chở lượng hàng gấp bốn lần Lâu thuyền. Đương nhiên là không ai so sánh khập khiễng như thế, vì chẳng ai dại gì đem thuyền Đại Phàm vào đi trong sông, mớn nước ăn sâu như thế vấp phải đá ngầm chỉ có nước hiến thân cho Hà Bá.

Lê Ý kiến nghị với Lê Nguyên Long cho xưởng đóng tàu Nghi Sơn chuyên đóng thuyền đi biển là có lý do cả. Không những phục vụ nhu cầu buôn bán viễn dương mà còn cung cấp cho thuỷ quân Đại Việt. Nhất là với tham vọng chinh phạt Chiêm Thành của Lê Nguyên Long, dùng thuyền Đại Phàm làm thuyền chiến lẫn thuyền tải lương đều ưu việt hơn Lâu thuyền không chỉ gấp đôi.

Thuỷ quân Đại Việt hiện nay có quân số tương đối đông, tới gần ba vạn lính cùng bốn vạn phu, biên chế hơn một ngàn thuyền chiến các loại. Nếu có thể giải phóng một phần ba số phu thuyền kia, kể cả chỉ để vận lương thôi cũng là khác biệt trời vực so với khi trước.

Đến năm ngoái, khi Lê Nguyên Long lên kế hoạch nam chinh Chiêm Thành thì thuỷ quân Đại Việt đã bắt đầu thử nghiệm hơn ba mươi chiếc thuyền Đại Phàm, mỗi thuyền đều đem theo hai mươi hai khẩu đại bác. Mỗi bên mạn thuyền chín khẩu, trước sau mỗi đầu hai khẩu nữa.

Đây chính là món quà bất ngờ mà Lê Nguyên Long tặng cho Maha Bí Cai.

Lại nói lan man rồi, quay lại vấn đề thuyền bè, đương nhiên là Lê Ý có nghe qua và cũng tìm hiểu sơ bộ về cấu tạo của các loại thuyền của phương tây (Ai bảo nó là fan của đế quốc Tây Ban Nha làm chi) như thuyền caravel, thuyền carrack v.v

Nhưng cái gì cũng phải nhìn vào điều kiện thực tế, thợ thuyền ở Đại Việt không thể đùng một cái nhảy qua chế tạo thuyền caravel của Địa Trung Hải ngay được. Lê Ý phải bắt đầu với một loại thuyền có kết cấu tương tự, chỉnh sửa một chút rồi đến thế hệ thuyền thứ hai, thứ ba mới lái dần về hướng tàu đi biển lớn như thuyền carack, thuyền galleon được.

Giả dụ như hiện tại, nó đang đi thị sát một cặp thuyền lai giữa thuyền Đại Phàm cỡ XXL và thuyền carrack, nhìn từ xa, con thuyền có vẻ khá quái dị theo tư duy thểm mỹ của người Việt đương thời.

Cặp thuyền này sẽ mở đầu cho cả một lớp tàu mang tên Định Hải, cái tên sặc mùi trung nhị này do Lê Nguyên Long đặt cho từ khi đặt ky đóng long cốt. Lê Ý thì muốn đặt một cái tên mang ý nghĩa nhẹ nhàng hơn, kiểu Sùng Hưng hay Kiến Xương gì đấy.

Nhưng ai bảo Lê Nguyên Long không chỉ là bậc cha chú còn là Hoàng Đế đâu, thành ra Lê bảo bảo của chúng ta đành phải uất ức nuốt lệ vào trong mà sai người viết hai chữ Định Hải ngưu bức hống hống kia lên long cốt.

Thuyền được xây dựng trên khung gầm của một chiếc Đại Phàm cỡ XXL, ở mũi tàu và đuôi tàu có các cấu trúc thượng tầng mở rộng theo kiểu thuyền carrack. Thuyền có tới bốn cột buồm và một buồm kéo ở mũi, so với mấy chú lùn xung quanh nó quả thật là vĩ đại.

Lê Ý đang cảm thán kích cỡ của thuyền biển lớp Định Hải thì tiếng Lý Vĩ đột ngột cất lên bên cạnh.

- Thiếu chủ, đám thợ chính của xưởng đóng tàu đã đến.

Nó quay người lại thì nhìn thấy hơn hai mươi tráng hán đã đang khép nép đứng phục mệnh, nó chắp tay sau lưng chậm rãi bước đến.

- Con xin ra mắt cậu lớn ạ! (x23)

Lê Ý nhìn quanh rồi nhíu mày hỏi.

- Lão Phùng đâu rồi, sao ta không thấy hắn đâu?

Phùng Dũng chính là thợ cả ở cái xưởng đóng tàu Nghi Sơn này, toàn bộ thợ thuyền hơn một ngàn người đều làm việc dưới sự chỉ đạo của lão. Lê Ý làm việc là làm với lão Phùng, không can thiệp vào chuyện lão phổ biến công văn, thiết kế của nó với cấp dưới ra sao, sai đúng gì nó chỉ nắm đầu lão Phùng hỏi việc mà thôi.

Nghe Lê Ý hỏi đến một tên trung niên bước ra, chắp tay vái nói.

- Dạ, bẩm cậu lớn, bác Phùng mấy hôm nay đã đích thân lên Tâm Châu chọn gỗ đóng thuyền rồi ạ.

Lê Ý gật nhẹ đầu ra vẻ đã biết.

- Thế bây giờ ở đây ai chủ sự?

- Dạ, bẩm cậu lớn, trước khi lên đường bác Phùng cho phép con thay mặt báo cáo mọi sự với cậu lớn, con là Ngô Sảm ạ.

Lê Ý không nhìn Ngô Sảm nữa, quay sang nhìn chiếc thuyền Định Hải, nhạt giọng nói.

- Thông số kỹ thuật của con tàu này như thế nào?

Ngô Sảm kính cẩn chắp tay thưa.

- Dạ, bẩm cậu lớn, loại thuyền này dài chính trượng năm thước (38m), rộng hai trượng sáu thước (10,4m), mớn nước đầy tải bảy thước (2,8m), trọng lượng rỗng khoảng năm ngàn tạ (300 tấn), chứa hàng trung bình bảy nghìn tạ (~420 tấn), tốc độ trung bình khoảng hai tám đến ba mươi sáu dặm mỗi canh giờ (5.5-7,2 km/h).

Lê Ý hài lòng gật đầu.

- Có thể chở được bao nhiêu người?

- Dạ, bẩm cậu lớn nếu không chở hàng hoá khác, chỉ đem lương thực, nước uống cùng vũ khí một thuyền có thể chở hai trăm đến hai trăm năm mươi người trong vòng mười bốn tháng ạ.

Lê Ý quay ngoắt lại hỏi Ngô Sảm.

- Cái gì? Mười bốn tháng?

*Chú thích:

(1) Thuyền cổ bị đắm 700 năm trước là tàu Đại Việt thời Trần/ Bảo tàng lịch sử VN (https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3127/14616/tau-co-bi-djam-700-nam-truoc-la-tau-djai-viet-thoi-nha-tran.html)

(2) Sứ nhà Nguyên đi sứ An Nam miêu tả: Thuyền (An Nam) thì nhẹ và dài, ván mỏng, đuôi như cánh uyên ương, 2 bên mạn cao hẳn lên. Mỗi chiếc có 30 người chèo, nhiều thì hàng trăm, đi như bay vậy/ Trần Phu - An Nam tức sự.

(3) Thuỷ quân trong lịch sử chống ngoại xâm/ NXB Quân đội Nhân dân.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK