Thấy Lê văn Linh đang tự não bổ theo đúng hướng mình vạch ra, Lê Ý cười mỉm chắp tay không nói.
Ông cụ bần thần lẩm bẩm một hồi rồi lại ngồi bó chân xuống sập, nhổ miếng nước trầu vào ống nhổ, mắt lim dim.
- Ý, mi cho rằng mi viết nhiều tri thức bách gia mà sư phụ mi truyền thụ đem đi phân phát cho thiên hạ là chuyện tốt? Những tri thức này lộ ra thì ưu thế của mi sẽ bị người khác đuổi kịp, thậm chí vượt qua.
Lê Ý không chút nào nghĩ ngợi chắp tay vái nói.
- Hồi Thái phó đại nhân, Mật Liệu tiên sinh (Trình Hiền) từng dạy “trí giả, lo trước cái lo của thiên hạ, mừng sau cái mừng của thiên hạ”. Mạt kiếp này Ý hẳn là cũng không đạt tới cái gọi là trí giả, thế nhưng lòng cống hiến cho dân cho nước vẫn là có một chút. Đại nhân nói xem, cái lo của Đại Việt ta ở chỗ nào? Vì sao độc lập hơn năm trăm năm nay tộc ta không sản sinh ra nổi một đại gia nào hắt hào quang của mình phổ chiếu khắp thiên hạ? Đó chẳng phải cái hại của thói “của ta, ta quý” đó sao. Ý, nguyện làm người đi trước phá vỡ cái lề thói ích kỷ này, mưu cầu một mai hào quang Đại Việt ta phổ chiếu khắp thiên hạ.
Lê văn Linh nhìn thật sâu vào mắt Lê Ý, không thấy chút trá ngụy nào mới thở dài, nói.
- Lão phu cũng coi như là bỏ năm sáu năm nay theo dõi kỹ càng hành động của mi, đối với tấm lòng của mi, lão phu tự nhận là có chút hiểu rõ. Từ trước có phép sản xuất theo dây truyền, chế độ công nhân, mở mang thương buôn v.v. sau đến phép canh nông mới, đào mương đắp đường, phổ cập quân dịch v.v. không có điều nào không phải là đạo phú dân cường quốc, vậy nên lão phu mới ra mặt thúc đẩy mấy yêu cầu đó của Lê Khôi.
Lê Ý lại vái dài tới đất.
- Người hiểu Ý, là Thái phó đại nhân vậy.
Lê văn Linh hơi áp tay xuống ra hiệu nó từ từ hẵng nịnh nọt.
- Đối với sách vở tri thức do mi chắp bút, từ toán học đại cương, vật lý sơ giải, Đại Học chú giải v.v. lão phu cũng bỏ thời gian ra duyện đọc. Mặc dù còn một số chỗ chưa thực hiểu hết, nhưng những cuốn sách này đều có thể coi là xưa nay hiếm có, dùng để dạy dỗ nhân tài thực là đúng bệnh hốt thuốc. Thế nhưng mi có nghĩ đến cái nhìn của Nho gia sao? Kể cả khi mi đã lôi kéo được bọn Trình Thuấn Du, Lý Tử Tấn thì sức cản vẫn còn rất lớn. Ta chỉ lo, hành động này của mi chính là xúc phạm đến quyền sở hữu và diễn giải tri thức của bọn chúng, đây chính là mối thù không đội trời chung.
Lê Ý cười tự tin hướng Lê văn Linh.
- Hà hà ... lão đại nhân không cần lo lắng chuyện này, đừng nói đám sỹ phu ở Quốc tử giám, kể cả đối mặt với Nho gia khắp thiên hạ, Ý cũng có chút nắm chắc thành công.
Nói đùa cái gì, đâu phải tự nhiên mà Lê Ý để cho đám Trình Hiền, Lý Thối đọc được bản thảo “Đại Học chú giải” của nó.
Cốt yếu là khều cho mấy lão đại nho này ngứa tay, đến lúc khai giảng trường quốc học Lam Sơn hơn hai mươi tên đại nho ta một cuốn, người một tập công bố tác phẩm của chính bọn hắn thì bố bảo đám sư sinh Quốc tử giám cũng không dám hé răng nửa lời.
Kể cả chúng cứng đầu quyết chống tới cùng thì bên phe Lê Ý cũng đã có hơn hai mươi tên đại nho đứng đầu ở xứ Lạc Việt này, cộng với sự hỗ trợ từ Thái Hậu, sau này là Hoàng Đế nữa mà còn thua đám sư sinh Quốc tử giám thì đi đầu xuống đất cho rồi.
Nếu sáu năm trước nó há miệng nói nửa chữ “cải” thì ngay lập tức sẽ bị Nho gia cả thiên hạ “cách” cái mạng ngay. Nhưng thời điểm hiện tại, ở năm Thái Hòa thứ nhất (1443) này, đã sáu năm trôi qua, Lê Ý dày công bố trí, câu dẫn ... à nhầm trải chiếu đón mời đại nho khắp nơi, dẫn dụ họ hấp thụ lối tư duy mới v.v.
Bốn ngày trước người ở Cẩm Giang đi khoái thuyền xuống báo, loại mực đặc biệt dùng cho in ấn đã có sản phẩm ổn định. Đây chính là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài Lê Ý dày công chuẩn bị cho tập đoàn hủ nho.
Máy in nằm trong kho ba năm nay đã sắp được nghênh đón ánh sáng, tầm này tháng sau trở đi, sách vở tri thức trăm đạo sẽ được chuyển xuống Lam Sơn với đơn vị hàng trăm quyển mỗi loại.
Với sự phổ cập của tài liệu giáo dục, có thể nói, đại thế của nó đã thành, những kẻ không tuân phục dòng chảy thời đại sẽ bị hồng thủy nhấn chìm, không có ngoại lệ.
Thấy thái độ mười phần chắc chín của Lê Ý, Lê văn Linh cũng không thèm hỏi chi tiết, có nắm chắc là được rồi. Một già một trẻ cứ ngồi nói chuyện mây gió từ sáng đến chiều, Lê Ý giữ luôn Lê văn Linh lại ăn tiệc.
Bữa tiệc sinh nhật của Lê Ý đầy ắp cao lương mỹ vị, nhất là đối với kẻ gần chục ngày nay ăn đòn thay cơm như Trịnh Bang lại càng là như thế, mấy bữa nay nó còn thiết sống là để ăn cơm ngon nhà Lê Ý.
Gạo mới năm nay ở Cẩm Giang đưa xuống, gạo Ngọc Sơn rất nhiều, nhưng đất ở đây trồng hạt gạo ăn rất chán, không thể so sánh với gạo Cẩm Giang được.
Giữa mâm của Trịnh Bang là một con cá tráp hấp với rượu, chấm mắm gừng, Trịnh Bang gắp lia lịa, vừa ăn vừa nói với Lê văn Linh.
- Ông Linh, cái khác con không dám nói, riêng thức ăn nhà anh Ý ngon lắm, canh cua với cà cũng ngon hơn nhà chúng ta ở Đông Kinh. Con với anh Đạo hỏi mượn đầu bếp nhà anh Ý lên Tây Giai dạy cho đầu bếp nhà con mà anh Ý không chịu.
Lê văn Linh cực kỳ ý vị nhìn Trịnh Bang, toan nói “nhà mi mượn đồ có trả bao giờ hả?” thế nhưng lại có chút ngượng ngùng không mở miệng ra được.
Thói xấu ham lợi nhỏ lão cũng có, người ta đút cho lão chút bạc nhờ vả mà không phạm vào nguyên tắc thì lão vẫn ưu tiên cầm bạc làm việc cho người. Vì tật xấu này mà trên triều lão bị ngự sử quan mắng không biết bao nhiêu lần, cả triều biết tính lão đều cười trừ, cũng chả ai coi là việc gì to tát.
Lê văn Linh tin phật, trong nhà có cái phật đường to tướng, tiền người ta đút cho lão quá nửa dụng để làm từ thiện, phát cơm cháo cho người neo đơn, già cả. Vậy nên cả một bàn trước mặt Lê văn Linh đều là đồ ăn chay, nào giò chả chay, thịt chay, cá chay các thứ gần chục món.
Chần chừ một chốc, lão cẩn thận gắp một miếng “giò chay” trước mặt lên nếm thử, nhắm mắt cảm nhận hương vị thật kỹ, nhai nuốt xong mới nói.
- Quái lạ thật, nhìn giống như giò, ăn vào cũng giống giò nhưng lại là đồ chay, nếu không phải phó dịch nhà ta đích thân tham gia chế biến thì lão phu cũng không tin giò này không phải làm từ thịt.
...
Thành Tây Giai vốn là tòa thành lớn thứ hai của Đại Việt, bắt đầu được xây dựng từ những năm Quang Thái (thời Trần Thuận Tông) theo ý Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly), gọi là thành Tây Đô để phân biệt với thành Đông Đô – Thăng Long.
Người đời sau vốn tưởng thành nhà Hồ chỉ nhõi một tòa thành Đá còn trơ trọi bốn cái cổng vòm,tuy nhiên, đó chỉ là nội thành của thành Tây Đô mà thôi.
Ngoài lớp thành đá này còn một lớp ngoại thành đắp bằng hỗn hợp đất sét và đá ong, loại hỗn hợp này có độ kết dính và độ bền tốt, một số đoạn vẫn còn hình hài khả kiến dọc sông Bưởi, sông Mã. Bên ngoài ngoại thành là một lớp lũy tre dày, quân công thành muốn tiếp cận với ngoại thành phải vượt qua lớp lũy tre đầy gai tua tủa này ... dưới làn mưa tên của quân phòng thủ.
Thành cao một trượng rưỡi (~6m), mặt đông giáp sông Bưởi, mặt nam đến Đốn Sơn, mặt tây nam đến bờ Lỗi Giang, mặt tây đến Tượng Sơn, mặt bắc đến Hắc Khuyển Sơn, chu vi tới hơn bốn mươi dặm (~16km), diện tích rộng tới hơn chín mươi dặm vuông (~14,7km2). Với quy mô như thế, thành Tây Đô xứng đáng là kinh đô thứ hai của Đại Việt.
Năm đó Lê Thái Tổ đại thế đã thành, đem quân vây đánh Tây Đô không được phải sai Nguyễn Lôi, Nguyễn Mẫn ở lại vây thành mà không đánh, còn vua kéo quân ra bắc.
Sau này họ Lê đuổi giặc Ngô, cái tên Tây Đô bị gán với thành Lam Kinh, tòa thành này bị đổi tên thành Tây Giai. Trải qua mấy chục năm chiến loạn, thành Tây Giai vốn có cả chục vạn dân bây giờ chỉ còn chưa tới một nửa.
Kể cả như thế, nó vẫn là tòa thành lớn và quan trọng của Đại Việt, đại doanh An Tôn ở phía tây thành Tây Giai lúc nào cũng có mười hai đến mười lăm ngàn quân, lực lượng ở đây chỉ thua thành Đông Kinh mà thôi.
Thành Tây Giai hôm nay mở rộng cửa nam, từ sáng sớm bến đò ven dòng Lỗi Giang đã chật ních quan binh canh phòng nghiêm mật. Tất cả các đại nhân vật lớn đến Hành Khiển, Tham tri bạ tịch của Hải Tây Đạo, nhỏ từ Chuyển vận sứ, Trấn Phủ sứ v.v. đều đã đến từ trước,theo quan vị mà ngồi rôm rả châu đầu ghé tai.
Chợt có tiếng người lớn tiếng hò hét.
- Tới rồi, tới rồi, thuyền lớn tới rồi ...
Nghe vậy chư vị quan lại ai nấy chấn chỉnh áo mũ, Hải Tây tham tri bạ tịch Nguyễn Cảnh Thọ cùng Hành Khiển Lê văn An sóng vai ra cầu tàu chắp tay rũ áo chờ đợi, những người khác cũng theo thứ bậc mà lần lượt xếp hàng phía sau.
Lâu thuyền chậm rãi tiến vào bến tàu,chỉ thấy đứng bên mạn thuyền là một trung niên lưng hùm vai gấu, mặt vuông trán rộng tỏ là người chính trực, thành thực. Thế nhưng hai mắt lại đảo như rang lạc, nhanh nhẹn đánh giá từng người trên bến tàu, quả là quái dị.
Thuyền vừa cập bến, Nguyễn Cảnh Thọ cùng Lê văn An cùng nhau bước lên trước một bước chắp tay vái cười nói.
- Bái kiến Nhập nội Đô đốc đại nhân, chúng tôi ở đây đợi ngài đã lâu.
Đám quan lại ở phía sau cũng đồng loạt vái chào.
- Bái kiến Nhập nội Đô đốc đại nhân(x12)
Lê Khuyển chắp tay cười vái lại.
- Chư vị đại nhân vất vả rồi, đều là ra sức trâu ngựa vì Bệ Hạ, cứ để cho Khuyển tự tiện là được.
Nguyễn Cảnh Thọ cùng Lê văn An liếc nhìn nhau cười khổ, Lê văn An gian nan nói.
- Tình hình mấy tháng nay ở Thuận Hóa không tốt lắm, người Chiêm quấy phá liên miên, lỡ may có sự hệ gì chúng tôi không biết giải quyết như thế nào. Nay ngài vừa đến, chúng tôi như trút được gánh nặng trong lòng vậy.
Lê Khyển nghe thế cười thỏa mái đáp.
- Chư vị đại nhân cứ an tâm, chưa sửa xong hai thành Cổ Lũy, Chiêm Động người Chiêm tuyệt sẽ không động binh, bây giờ chúng quấy rối chẳng qua là gây sức ép khiến quân ta mệt mỏi mà thôi.
Nguyễn Cảnh Thọ liền hỏi.
- Vậy theo đại nhân thì khi nào chúng sẽ động binh.
Lê Khuyển nhớ tới vẻ mặt lầm lỳ ít nói của Lê Khôi, nghiến răng nghiến lợi nói.
- Nhập nội Thái giám Lê Khôi đại nhân nói chúng sẽ không động binh trước mùa gió nồm (gió tây nam), tốt nhất là đến trước tháng ba sang năm mọi sự chuẩn bị nên được hoàn tất.
Nguyễn Cảnh Thọ cùng Lê văn An nghe được lời này liền thở nhẹ một hơi, nhe tin người Chiêm sách động mấy tháng nay, hai lão chưa được một đêm nào tròn giấc, giờ nghe được lời khẳng định của Lê Khuyển cũng hơi an lòng.
Lê văn An đưa tay mở đường cho Lê Khuyển.
- Được vậy tì tốt quá, vậy Nhập nội Đô đốc đại nhân vào thành tẩy trần cái đã, chúng ta đã sớm bày tiệc ở Vọng Giang Lâu, chỉ chờ đại nhân mà thôi.
Lê Khôi cười giả lả rồi sóng bước theo Lê văn An, Nguyễn Cảnh Thọ vào thành Tây Giai. Vừa đi vừa nghĩ, càng nghĩ càng tức.
Lão vốn là người nổi bật trong làng cẩu đạo, ước mơ lớn nhất đời lão là có thể làm một con cá khô, vừa cứng vừa mặn không ai muốn đụng. An an ổn ổn chết già.
Đến mức trong lịch sử Lê Thánh Tông cũng không thể không chửi “Đô đốc Lê Khuyển như con thỏ khôn chỉ lo giữ mệnh”.
“Tên khốn kiếp Lê Khôi, ta ngồi trên triều đã ẩn nhẫn như chạch vẫn bị hắn túm cổ ném vào Hải Tây đi lo chuyện bao đồng. Khắp cả triều năng soái kiêu tướng nhiều như sao trên trời, chọn ai không được sao cứ phải là lão phu ... Khốn kiếp, Lê Khôi, ta thề cùng mi không đội trời chung.”