• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Từ những năm Triệu Khánh (1370-1372) nhà Trần đến nay hơn bảy mươi năm chiến loạn liên miên đã hao hết nguyên khí của Đại Việt.

Từ cuối thời Trần hơn sáu trăm vạn dân đến thời Hồ chỉ còn hơn năm trăm vạn, nhà Lê đuổi hết quân Minh về nước lại chỉ còn hơn bốn trăm vạn dân.

Mười bốn năm qua các đời vua Lê đều dốc tâm dồn sức quản lý quốc gia, chiêu dụ dân ly tán, đến nay cả Đại Việt đã khôi phục lại trên năm trăm vạn dân.

Kể cả như vậy, nền móng Đại Việt vẫn còn quá mỏng manh, hơn năm mươi năm từ mạt Trần đến Minh thuộc đồng ruộng tan hoang, đê điều sạt lở, kênh rạch ứ đọng không biết bao nhiêu mà kể.

Trong thời gian ngắn ngủi mười mấy năm cũng chưa thay đổi được hẳn sự thực là quốc gia quá nghèo khó. Đó là chưa kể nội ưu ngoại hoạn phải dồn sức dân sức quân đánh dẹp liên miên.

Chẳng phải tự nhiên mà Lê Nguyên Long đối với hành vi khiêu khích trắng trợn của Chiêm Ba Đích Lại (Indravarman VI) bịt mắt coi như không thấy, thế nước yếu nên phải học theo Lý Thế Dân nhà Đường giết ngựa ăn thề với Hiệt Lợi mà thôi.(1)

Chẳng may vua băng ở vườn vải, bà Thái Hậu buông rèm nghe chính sự, từ tháng chín năm ngoái tới nay động đất sao sa liên miên. “Hạo Thiên ý chí” đã cho những kẻ có dã tâm cái cớ tuyệt hảo để thao tác.

Nào là rồng đỏ vào cửa Đại Toàn (2), nào là “gà mái gáy sớm”, nào là rồng hiện ở Đông Lại (3) v.v. lời đồn nhốn nháo khắp cả Kinh Lộ. Tình thế hiện tại cần có một tin tức thật tốt lành để dẹp yên thiên hạ, Cẩm Giang hoàn thành phép canh nông mới không nghi ngờ gì là món vũ khí lợi hại nhất, mười điểm sát thương không có nhưng.

Lật hết sử sách, có triều đại nào có thể thu hoạch được 13-14 tạ lương thực mỗi mẫu ở đất Cửu Chân? Phổ biến ra Kinh Lộ thì mạt hạng cũng phải được 15-16 tạ mỗi mẫu.

Dân dĩ thực vi thiên, đây không phải là điềm lành còn cái gì xứng được gọi là điềm lành?

Phép canh tác lúa mới ở Cẩm Giang chẳng những giải quyết được vấn đề thiếu thốn lương thực, mà còn giải quyết được vấn đề địa vị chính trị của bà Thái Hậu.

Mượn danh điềm lành giáng thế, có thể khiến đám người hữu tâm câm nín một thời gian rất dài. Nói gì thì nói, ý chí của Hạo Thiên ở thời đại này dùng yên tâm cực kỳ, đàn áp đối lập không ai chống nổi.

Lê Khôi đứng trước Đoan Môn, lòng hừng hực khí thế. Từ khi xác định được sản lượng lúa năm nay của Cẩm Giang, lão cảm giác mình chưa bao giờ tin tưởng vào tương lai của Đại Việt như bây giờ.

Yếu điểm lớn nhất của Đại Việt là thiếu lương, dân số tối đa cũng chỉ sáu bảy trăm vạn người là vì lẽ ấy. Đánh trận lại càng cần lương thảo, cầm quân chi đạo, kẻ nghiệp dư bàn về chiến thuật, người chuyên nghiệp bàn về hậu cần không phải là lộng ngôn.

Đại Việt bây giờ đã nắm trong tay phương thức khắc phục điểm yếu, chỉ cần Lê Bang Cơ lớn lên không phải hôn quân, với năng lực của tướng lãnh, ưu thế của mô hình chính trị, sức mạnh của quân đội, ngoài Đại Minh ra Đại Việt có thể cùng lúc bón hành cho cả Chiêm Thành lẫn Vạn Tượng.

Lê Khôi chỉ muốn hét to với cả thiên hạ: “Thái Hoà thịnh thế sắp tới rồi, man di bốn bể quỳ hết xuống.”

Trong lòng hò hét, Lê Khôi chậm rãi theo tên nội thị đi xuyên qua Đoan Môn, lại bước lên đường chu tước tiến vào Đan Trì đi bên tả tiến đến điện Hội Anh.

Điện Hội Anh cao cao hai tầng mái vàng choé, đứng dưới bậc thềm chỉ có thể nhìn thấy mái ngói uốn cong, thời này sử dụng loại mái ngói âm-dương, đặc biệt phần ngói dương được tạo tác hình rồng dưới ánh hạo nhật trông rất là oai phong.

Hoàng quyền chí cao vô thượng, từ ngói dương, ngói diềm đến bờ dải, đầu hồi cứ chỗ nào thêm được hình rồng là thêm bằng sạch. Trên đầu dàn đấu củng gánh tới mấy trăm con rồng, con mẹ nó chứ thế này chẳng phải họ Lê bắt hết rồng trong thiên hạ về làm ngói rồi à.

Không phải lần đầu tiên nhìn thấy cái cung điện to tổ bố này nhưng Lê Khôi vẫn phải than thở. Từ phía trong điện đi ra một viên hoạn quan, khuân mặt hồng nhuận niềm nở, đuôi mắt hiện ý cười. Lê Khôi nhận ra tên hoạn quan này, gọi là Đào Biểu, vị trí của hắn bên cạnh Thái Hậu tương tự như Nguyễn Cung, Đinh Hối bên cạnh Thái Tông. Đào Biểu rảo bước đến trước mặt lão chắp tay vái.

- Cung nghênh Hầu gia, Quan Gia cùng Thái Hậu và chư vị đại nhân đã đợi ngài từ sáng.

Nói rồi hắn cung kính đứng sang một bên, Lê Khôi gật nhẹ đầu chậm rãi đi qua hắn mới nhẹ nhàng không tiếng động theo sau.

Lão bây giờ đã chẳng phải đại quan gì, treo mỗi cái chức Đại Tông Chính quản lý con em hoàng tộc, vậy nên lên triều chầu sáng có vẻ hơi lạc quẻ, giờ này mới vào cung thì phải qua điện Hội Anh, từ thời Thái Tổ đến nay quân thần bãi triều sang bàn chuyện bên đó đã thành lệ.

Vào đến trước thềm điện Hội Anh, Đào Biểu hô to.

- Đình thượng Hầu Lê Khôi diện kiếnnn.

- Cho vàooo.

Nghe thấy giọng the thé từ bên trong đáp lại, Lê Khôi sải bước tiến đến, hai tên hoạn quan từ bên trong mở cửa ra không chút nào trật nhịp.

Lê Khôi vừa vào đã thấy Thái Hậu Nguyễn thị Anh ôm vua nhỏ ngồi trên sập vàng, liền chấn chỉnh phục trang, làm lễ tam quỳ ngũ khấu, miệng hô to.

- Thần, Lê Khôi tham kiến Bệ Hạ. Bệ Hạ vạn tuế.

Rồi lại làm lễ với Thái Hậu.

- Thần, Lê Khôi tham kiến Thái Hậu. Thái Hậu thiên tuế.

Giọng chậm rãi mà uy nghi của Thái Hậu vang lên.

- Miễn lễ, ban ngồi.

Tiếng bi bô của tiểu Hoàng Đế cũng nói theo mẹ.

- Miễn lễ … ngồi.

Lê Khôi đứng dậy vái rồi ngồi xuống ghế đẩu mà hai tên hoạn quan vừa bê đến. Lúc này hắn mới ngước đầu lên nhìn rõ tiểu Hoàng Đế đang ngồi trong lòng mẹ.

Đầu đội xung thiên quan, thân mặc hoàng bào, dáng vẻ anh tú, ánh mắt lanh lợi (4) ngồi trong lòng Thái Hậu. Tiểu Hoàng Đế mới hai tuổi, miễn cưỡng tính tuổi mụ là ba nhưng rất ngoan, không hề quấy phá, mắt nhỏ tò mò nhìn Lê Khôi.

Lại nhìn một vòng, ngồi khắp điện Hội Anh là Trịnh Khả, Lê Thụ, Lê Ngang, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lê Văn Linh, Lê Thận v.v. toàn những gương mặt quen thuộc.

Lê Khôi gật đầu chào hỏi rồi mới yên vị, lưng thẳng tắp, một thân nhuệ khí lan tràn. Chư công nhìn Lê Khôi thái độ này liền biết tên này lại chuẩn bị chọc trời khuấy nước.

Trịnh Khắc Phục huých vai Lê Khôi, tí tửng nói.

- Khôi, nghe nói hôm kia mi mới bóp chết một lèo sáu tên nhất phẩm cao thủ. Nói đi, trở thành võ đạo tông sư từ khi nào mà không ai biết vậy.

Trịnh Khắc Phục là người trong hoàng tộc, biểu huynh đệ với Lê Khôi, Lê Nguyên Long. Mẹ Lê Khắc Phục - trưởng công chúa Lê thị Ngọc là chị cả trong nhà, xếp trên cả Lê Học. Vậy nên anh em hoàng tộc bây giờ Khắc Phục là lớn nhất.

Nghe Trịnh Khắc Phục hỏi han Lê Khôi, Thái Hậu cùng gần năm mươi đình thần đều dỏng tai lên hóng chuyện.

- Đấm chết một tên, đá chết một tên khác, bốn đứa còn lại đều là tử sĩ không chịu khai câu nào …

Lê Khôi nhún vai, cả triều nhìn đôi bàn tay to như mo cau của lão rùng mình. Trịnh Khắc Phục nghe chuyện xong tỏ vẻ ngạc nhiên đến khoa trương.

- Há há há … ở phủ Lị Nhân cách kinh thành chỉ hơn trăm dặm mà có đứa ngang nhiên triệu tập sáu tên nhất phẩm cao thủ, hơn hai trăm tử sĩ tập sát bản triều Hầu gia, hoàng tộc Đại Tông Chính kia à. Há há há …

Trịnh Khắc Phục cười một tràng rõ dài, càng cười giọng hắn càng lạnh nhạt, nhìn một vòng quanh cả đám triều thần, hắn gằn từng chữ.

- TỐT, rất tốt, cực kỳ tốt. Ta cho rằng ta có thể hiểu là một số kẻ ngồi đây không còn tuân thủ quy tắc trò chơi nữa, đúng chứ.

Trịnh Khả thấy Trịnh Khắc Phục có vẻ mất kiểm soát, liền quay sang quát khẽ.

- Tư Khấu đại nhân nên bình tĩnh, chú ý kiềm chế lời nói.

Trịnh Khắc Phục trực tiếp đứng dậy, khí thế hung hung chỉ cả bá quan văn võ mắng.

- Ngài Nhập nội Đô đốc Bình chương sự kêu ta bình tĩnh? Kêu ta kiềm chế? Mười chín ngày trước con trai ta bị hạ độc giữa thành Đông Kinh cũng thôi đi. Bây giờ bọn chúng đã đang ngang nhiên tập sát con cháu hoàng tộc rồi. Giờ này ngài vẫn còn kêu ta bình tĩnh? Nếu không phải em ta giữ kín bí mật trở thành võ đạo tông sư, lại có mười ngũ thân binh bí mật đi theo hộ vệ thì nó có sống qua được tối hôm kia không? Bình tĩnh để chết oan chết uổng giống Tiên Đ …

Lê Khôi kéo áo hắn.

- Anh Phục, anh nói hơi nhiều rồi.

Lê Khôi chậm rãi đứng dậy, hướng Thái Hậu vái dài nói.

- Bẩm Thái Hậu, thần có chuyện muốn tâu.

Thái Hậu Lê thị Anh vẫn chưa hết bàng hoàng, phất tay.

- Chuẩn.

Lê Ý lại duỗi thẳng lưng lên, bừng bừng khí thế nói.

- Muôn tâu Bệ Hạ, Thái Hậu. Năm vừa rồi Cẩm Giang canh tác năm ngàn hai trăm mẫu ruộng, trong đó có ba ngàn một trăm mẫu ruộng nước, hai ngàn một trăm mẫu ruộng cạn. Ruộng cạn ước tính thu hoạch được tám đến chín tạ một mẫu, ruộng nước ước tính thu hoạch được mười ba đến mười bốn tạ mỗi mẫu.

Bùm … cả triều đình lâm vào xì xào, phải biết trồng lúa ở Đại Việt đất tốt mới được tám chín tạ mỗi mẫu, còn đất còi chỉ được sáu đến bảy tạ mỗi mẫu. Đất ở Thanh Nghệ nào có gì là màu mỡ, thông thường mỗi năm bảy tám tạ mỗi mẫu đã là tốt. Nay mỗi mẫu mười ba mười bốn tạ chính là tăng lên tám chín phần mười.

Nếu thực sự ở Cẩm Giang có phép trồng lúa cỡ này thì giới hạn trên của dân số Đại Việt không còn là sáu đến bảy triệu dân nữa mà có thể tăng lên mười hai đến mười ba triệu dân.

Kể cả chưa tính xa như thế, chỉ tính lợi trước mắt, nếu phổ cập thành công thì nguy cơ đói kém mấy năm tới coi như thành phù vân.

Lại nói, đối với những kẻ lòng mang tâm tư, đây chắc chắn không phải tin tốt lành gì. Có điềm lành cỡ này chống lưng đứa nào dám bước ra thở nửa chữ phỉ báng bà Thái Hậu cả thiên hạ cộng tru nó không phải nói cho vui.

Nguyễn thị Anh tuy đã biết từ trước nhưng lúc này vẫn phải diễn cho tròn vai. Liền bế tiểu Hoàng Đế đứng dậy, “thất thanh” hỏi.

- Lời Đại Tông Chính nói là thật chăng?

Lê Khôi quỳ một chân xuống nền đá, hai tay chắp trước đầu gối, kính cẩn.

- Trăm triệu lần thật, chuyện này có thể triệu thân tín của Tiên Đế là Chưởng vệ sứ Nhập nội Kiểm sát chỉ huy sứ ty - Nguyễn Cung làm chứng. Năm năm nay Nguyễn Cung thụ mệnh của Tiên Đế ở Cẩm Giang trực tiếp giám sát việc trồng lúa theo kỹ thuật mới. Đến vụ Chiêm Xuân năm nay đã có kết quả cuối cùng.

Kỹ thuật vốn thành thục từ năm kia, nhưng vì chèo kéo cái “điềm lành” này lên người tiểu Hoàng Đế cùng Thái Hậu nên Lê Khôi buộc phải nói là vụ Chiêm năm nay mới thành thục. Nếu không cứu vãn được thế khó của bà Thái Hậu thì tốn công nhọc sức để làm gì?

Nguyễn thị Anh vô cùng phối hợp, gọi hoạn quan bên cạnh.

- Mau triệu Nguyễn Cung vào điện.

Chỉ dăm phút sau, Nguyễn Cung đã quỳ mọp trước mặt Hoàng Đế.

- Lão nô Nguyễn Cung, ra mắt chủ mẫu, tiểu chủ tử.

Nghe thấy xưng hô của Nguyễn Cung, sâu trong ánh mắt Nguyễn thị Anh có chút dịu xuống, hiền hoà cười nói.

- Đứng lên đi.

Nguyễn Cung cung kính khom lưng.

- Dạ.

Trên người Lê thị Anh bỗng bốc lên một luồng khí thế, khí thế của kẻ chiến thắng nhìn qua văn võ trọng thần hơn năm chục người, giọng lại nhẹ nhàng mà uy nghi.

- Quả nhân nghe Đại Tông Chính nói mi tuân di mệnh của Tiên Đế đích thân giám sát ruộng lúa ở Cẩm Giang.

Nguyễn Cung lại quỳ mọp xuống khóc.

- Bẩm chủ mẫu …

*Chú thích:

(1) Năm Vũ Đức thứ 7 đời Đường Cao Tổ (624), Hiệt Lợi khả hãn cùng Đột Lợi khả hãn đem đại quân Đột Quyết xâm phạm nhà Đường. Quân Đường chống không lại, Lý Thế Dân phải dùng kế ly gián, sau lại phải giết ngựa trắng ăn thề, ký hiệp ước hoà hảo với Đột Quyết.

(2) (3) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển XI, tờ 59a.

(4) Đầu thời Lê Sơ trang phục cho quan lại bao gồm ba loại sau:

+ Triều phục: Thời Lê Sơ vào các ngày Lễ Tế Giao, Lễ Đăng Cơ, Thánh Tiết, Tế Tổ, Tế Thái Miếu, mùng 1 Tết Nguyên Đán thì trang phục vua quan mặc gọi là "Triều Phục". Vua mặc Cổn Miện, các quan mặc Chu Phục, đầu đội lương quan.

+ Thường phục: Các ngày mùng 5 -10 -20 – 25 hàng tháng thì vua mặc long bào đội mũ xung thiên, quan mặc viên lĩnh đội phốc đầu.

+ Thị phục: Các ngày còn lại vua quan mặc thị phục, vua không có ghi chép rõ ràng, quan mặc viên lĩnh, đội mũ ô sa.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK