Trải qua cuộc sống khó khăn gian khổ dưới ách thống trị của Điền ma vương cùng Chiêm ma vương gần một tháng, hôm nay Lê Ý đã quay trở lại cuộc sống công tử con quan giàu sang mục nát. Sáng nay nó ngủ đến nhàm cả mắt mới tỉnh, ngồi ở mép giường xoay cái eo mỏi nhừ, đầu có cảm giác hơi nặng, hẳn là do ngủ quá nhiều.
Gọi một tiếng xuân lan ở bên ngoài đã bưng thau nước, khăn mặt cùng bàn chải đánh răng vào tận giường. Chốc lát sau ba đứa còn lại bê bữa sáng vào dọn ra bàn. Sau đó là màn copslay người tàn tật của Lê Ý, bốn con cận thân nô tỳ thay phiên nhau gắp thức ăn đút cho nó, chỉ việc há miệng ra thụ hưởng mỹ nhân ân.
Cuộc sống như lợn này đúng là thứ làm ăn mòn chí anh hùng, bảo sao bọn nha nội mấy nhà khác mới mười ba mười bốn đã chân đi không vững. Mấy năm trước cha chú chúng nó còn phải vào xin Lê Nguyên Long bỏ quân dịch cho chúng. Loại phế vật ấy vào quân ngũ chỉ tổ mất mặt mấy lão già kia mà thôi.
Lại nói, bốn con cận thân nha đầu này đàng nào cũng thành cơ thiếp của nó, bây giờ đè ra làm gì đó không chừng bà Vân còn mừng. Phải cái chịu ảnh hưởng nặng nề của giáo dục thời đại nào đó, trước mười sáu tuổi không nên phá thân, trước hai mươi ba tuổi không nên quá trầm mê vào mấy trò vui đùa thể xác.
Lê Ý tự dặn lòng mình như vậy, chứ không phải sợ theo gót Lê Công Trứ - con trai Lê Ê mới hai mươi tuổi đã bất lực khoản kia, năm kia cả Đông Kinh đều biết con trai Tư Mã đại nhân là thằng bất lực.
Đang bày tỏ đồng cảm với Lê Công Trứ thì ngoài cửa có giọng trẻ nít long lanh như chuông bạc.
- Lêu lêu anh Ý lớn rồi còn phải ăn đút.
Nhìn ra ngoài thấy một bé gái chừng sáu bảy tuổi, búi tóc sừng dê, còn bé tí đã mặt hoa da phấn, mắt long lanh ngậm nước, má hồng cằm thon đang le lưỡi nhạo báng nó. Cười hèn mọn xua tay cho bọn nha đầu dọn mâm bát, đoạn sủng ái vẫy tay ra cửa, nó cười nói.
- Điềm, vào đây anh bế.
Bé gái chạy xộc vào lòng nó, Lê Ý bế Lê Điềm lên rồi rảo bước ra vườn sau. Một tay bế một tay nhéo mũi em gái.
- Anh còn nhỏ lắm, vẫn thích được đút cho ăn, chỉ có mi là mau lớn, sắp gả ra ngoài được rồi. Nói coi, Điềm muốn lấy chồng như thế nào đây, anh tìm cho nào, hà hà …
Lê Điềm ngồi trong vòng tay Lê Ý, khoanh tay lại, mặt nhướng lên ra điều chua ngoa lắm.
- Ai mà thèm lấy chồng, về nhà chồng phải hầu hạ bố mẹ chồng này, phải tranh sủng với đám cơ thiếp này, thật là mệt óc á. Sau này em sẽ ở nhà làm bà cô tổ, đám con cháu anh nhìn thấy em sẽ phải chắp tay vái “chúng con lạy bà cô tổ ạ”. Biết bao uy phong, đến lúc đó em sẽ học bà cô tổ nhà ta ra vẻ đạo mạo chống gậy muốn đánh đứa nào liền đánh đứa ấy, ha ha ha …
Nhìn em gái chống nạnh ngửa mặt lên trời ra vẻ thiên lão đại, anh Ý lão nhị, cô nãi nãi lão tam, nó chỉ biết đưa tay lên xoa trán.
- Ai bảo với mi về nhà chồng sẽ phải tranh sủng với đám vợ lẽ, cơ thiếp vậy.
Lê Điềm khinh bỉ liếc xéo Lê Ý ra chiều “anh lừa ai vậy”.
- Trong sách viết như thế, cái gì mà thâm cung tranh sủng, cái gì mà hậu trạch ám đấu em đều đọc qua á. Với lại mẹ cũng nói không nên để bố cưới cơ thiếp, nếu không sau này cơ thiếp hại mẹ mà trở thành chủ mẫu thì anh em ta sẽ khổ lắm, sẽ phải ăn bánh đúc có xương á.
Lê Ý bất lực thật rồi, tự tạo nghiệt không thể sống, các cụ dạy cấm có sai. Ai biểu mấy năm trước nó ngứa tay dạy Lê Điềm biết chữ, em gái nó lại quá thông minh. Chưa đến hai năm đã thông thạo ba ngàn chữ thông dụng, bây giờ đã có thể viết văn câu cú đối từ xứng nghĩa đàng hoàng.
Lại được bà Vân chỉ sợ thiên hạ không loạn tiêm nhiễm thứ tư tưởng méo mó này vào đầu em nó.
Nằm xuống võng để Lê Điềm ngồi trên bụng, nó chậm rãi giải thích.
- Đàn ông có thể nạp nhiều nàng hầu, thiếp thất nhưng thê (1) thì chỉ có một. Bất kể cưới ai, về nhà chồng thì mi chính là chủ mẫu trong nhà, chỉ cần chăm chỉ quán xuyến việc nhà thì kể cả thiếp thất xinh đẹp như Tây Thi, quyến rũ như Đát Kỷ cũng không mảy may làm suy chuyển nổi địa vị của chính thê.
Lê ĐIềm trợn mắt nói.
- Lỡ bọn chúng thủ thỉ vào tai chồng em rồi giá hoạ chuyện ác gì đó cho em thì sao?
Lê Ý cười ha hả, nhéo má Lê Điềm chậm rãi giải thích.
- Mi chính là “thê” được cưới hỏi đàng hoàng, được dâng hương bái tổ tử tế. Còn bọn chúng là “ cơ thiếp”, vào nhà bằng cửa sau, tử tế một chút thì có một bữa tiệc tân phòng, còn không vào nhà không ai biết, xóm giềng chẳng người hay. Nói thẳng ra chỉ có mình mi là vợ của chồng mi mà thôi. Tất cả bọn chúng, dù được yêu thích đến mấy chẳng qua là hơn con hầu một bậc. Nếu mi là bố mẹ chồng hoặc tông tộc nhà chồng, mi sẽ để một con hầu ngồi lên vị trí chủ mẫu sao?
Lê Điềm vẫn chưa bỏ qua, lại đặt vấn đề khác.
- Vậy nếu con cái do chúng sinh ra trở thành gia chủ thì sao, đến lúc đó chẳng phải về già em sẽ khổ sao?
Đúng là có đứa em gái quá thông minh cũng chả phải chuyện sung sướng gì, không dễ dỗ chút nào. Mấy năm nay Lê Khôi hết đánh trận lại thuyên chuyển luôn luôn nên không có thì giờ nạp thiếp, vậy nên mô tả chuyện này cho Lê Điềm cũng chả có ví dụ nào thực trực quan.
- Chỗ nào? Đứa nào là con cơ thiếp? Không phải tất cả đều là con của mi sao. Mấy con nô tỳ làm gì có cửa làm mẹ của gia chủ tương lai. Con cái do chúng sinh ra sẽ được đưa về tay chủ mẫu nuôi dưỡng hết, chúng chẳng qua được gọi là dì, tốt một chút được gọi là sinh mẫu. Tất cả bọn chúng lớn lên bên cạnh mi, do mi nuôi ăn, mi nuôi mặc, mi dạy dỗ mà chúng nó không yêu kính mi, để chúng nó hỗn hào với mi là lỗi của mi chứ sao lại trách chúng nó?
Lê Điềm như được mở ra một khoảng trời mới, khí thế nói.
- Thế là lấy chồng cũng rất oách đúng không?
Nó biết em gái đã dính bả, liền bồi ngay.
- Đương nhiên, so với bà cô tổ chắc chắn là oai phong hơn nhiều, không nói đâu xa, mi không chỉ được cầm gậy đánh con cháu anh, còn được cầm gậy đánh con cháu chính mình, đánh con cháu của những con đàn bà khác.
Nhìn Lê Điềm hừng hực khí thế đi tuyên bố với bà Vân là năm sau nó muốn cưới chồng, Lê Ý cưng chiều lắc nhẹ đầu ngồi trên võng buông cần câu xuống ao, khẽ gọi ra ngoài.
- Hạ Hiên, gọi chú Điềm, chú Sái cùng chú Chiêm đến đây.
- Vâng, thiếu chủ.
-Đông Trúc, vào thư phòng lấy báo cáo dưới Ngọc Sơn cùng thương hội ra đây.
- Vâng, thiếu chủ.
Thực ra cũng chẳng phải chuyện gì to tát lắm, tháng bảy này nó đích thân đi thị sát một chuyến thương lộ từ Nghi Sơn đến Đại Hoà, xem xét xem có mở thêm được thương điếm nào không. Nghe nói người Triều Tiên mấy năm gần đây lại động binh với Nữ Chân, chiến tranh mà, đâu đâu cũng là cơ hội.
Năm Hồng Vũ 25 nhà Minh(1392), Cao Ly đại tướng Lý Thành Quế lật đổ nhà Cao Ly, đày Cao Ly Cung Nhượng Vương – Vương Dao đến Nguyên Châu. Thành lập vương triều mới, sau này gọi là Triều Tiên.
Là vương triều mới lập - tương tự như họ Lê ở Đại Việt – họ Lý Triều Tiên so các vương triều trước càng có chí tiến thủ.
Vương quốc Triều Tiên từ Thái Tông vương, Thế Tông vương đều theo đuổi chính sách bành trướng về phía bắc. Viện cớ rằng Cao Ly trước kia và Triều Tiên hiện tại đều là người thừa kế của Vương quốc Cao Câu Ly hùng mạnh năm xưa. Vì vậy Triều Tiên không chỉ khuếch trương về hướng bắc mà còn mở rộng về hướng Tây Bắc, tức là ven bờ sông Áp Lục - Đông Bắc bán đảo Liêu Đông.
Những khu vực này là nơi người Nữ Chân nhiều thế hệ cư ngụ. Trung thực mà nói, đúng là người Triều Tiên có cơ sở để khuếch trương về hướng đó thật. Cao Câu Ly cùng dân tộc Nữ Chân ở Kiến Châu nói thoáng ra là anh em bạn dì cả.
Vương quốc Cao Câu Ly từng đánh tay đôi với cả nhà Tuỳ lẫn nhà Đường, quốc gia này thực chất là tập hợp của các dân tộc Tungus ở núi Trường Bạch lai tạp với dân Cổ Triều Tiên ở phía tây bắc bán đảo Triều Tiên. Huyết thống của bọn họ căn bản là chả liên quan mẹ gì đến đám Tam Hàn ở phía nam.
Nếu Triều Tiên cùng Cao Ly tự nhận là con cháu Cao Câu Ly thì đó đúng là một trong các tổ địa của họ.
Triều đại Triều Tiên được tạo thành do phản chủ, là một điều đại kỵ trong văn hoá nho giáo. Vì vậy, vào thời điểm Lý thị mới cầm quyền ở Triều Tiên, Thái Tổ Lý Thành Quế thi hành chính sách “Sự đại” ngoại giao, phụng Minh triều là “Chính sóc”, hướng Đại Minh xưng thần tiến cống, tỏ vẻ:
“Cẩn đương trước sau như một, ích đàn sự thượng chi thành, hàng triệu triệu năm, hằng cống chúc li chi khẩn”.
Lý thành quế thậm chí “thỉnh (thiên triều) ban quốc hiệu” là “Triều Tiên”.
Tuy nhiên phương diện lãnh thổ, Lý Thành Quế lại kế tục chính sách bành trướng về phía bắc của Vương quốc Cao Ly.
Nhân dịp nhà Minh mới thống trị, chính sự không ổn định, chưa rảnh bận tâm khu vực Kiến Châu, Triều Tiên đã cực lực tăng cường ảnh hưởng đối với chư tộc Nữ Chân ở giữa biên giới Đại Minh và Triều Tiên, có lúc còn sử dụng cả biện pháp quân sự.
Khắp một dải từ đông bắc bán đảo Triều Tiên dọc theo trung – thượng du sông Áp Lục, Triều Tiên ra sức mở rộng lãnh thổ, bức bách người Nữ Chân nơi này thần phục.
Có thể nói Triều Tiên chơi trò hai mặt thực sự là lô hỏa thuần thanh. Một bên tỏ vẻ thần phục ngoan hiền, mặt khác ăn mòn biên cương Đại Minh không một tiếng động.
Cứ như thế, vừa dùng vũ lực trấn áp, vừa dùng lợi ích dụ dỗ, đến đời Triều Tiên Thế Tổ, Lý thị cơ bản đã làm chủ toàn bộ phần phía đông nam lưu vực sông Áp Lục.(1)
So với một trong bốn đứa con của Lê Nguyên Long vài chục năm sau còn to gan hơn. Ít nhất Lê Tư Thành chỉ đưa quân đánh các nước chư hầu khác, cùng lắm là "dạy dỗ" đám thổ ty biên giới cách làm người chứ chưa dám ngang nhiên lấn chiếm lãnh thổ Đại Minh như thế.
Nói đi cũng phải nói lại, vì sao Triều Tiên dám vuốt râu hùm nhà Minh đến thế? Chẳng phải vì Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương cùng Minh Thế Tổ - Chu Đệ mắt nhắm mắt mở nhằm nâng đỡ một “đồng minh chống Bắc Nguyên” hay sao. Lý Thành Quế cùng con cháu nhận ra điểm vi diệu ấy nên mới dám làm càn mà thôi.
Còn các bộ lạc Nữ Chân ở Kiến Châu thì chưa nhận ra cái điểm vi diệu đó, chỉ thấy người Triều Tiên hùng hổ doạ người còn Minh triều ngồi im bó gối. Vậy nên chúng vẫn tương đối hoang mang hoảng sợ, giờ chỉ cần có kẻ đưa tay ra giúp dù là đánh đổi bằng cái giá cắt cổ, dù là uống rượu độc giải khát lại có xá chi.
Đây chính là thời cơ phát tài mà Lê Ý muốn tận dụng, vàng bạc, nhân sâm, da thú, ngựa chiến đều từ đó ra chứ còn ở đâu nữa. Lại nói, nếu mọi chuyện thuận lợi, gặp được mầm mống tốt chưa hẳn không thể tặng cho nhà Minh một chút "kinh hỷ" trước hạn một hai trăm năm.
Đến lúc đó, theo lệnh chủ tử ở Đại Việt bồi cho nhà Minh vài nhát trong thịnh yến Thổ Mộc Bảo chẳng phải là hợp thiên đạo lắm ru.
“Ai bảo một người không thể ảnh hưởng đến hưng suy cả một triều đại nào, chỉ cần chọn điểm hạ đao chuẩn xác có ti tỉ chỗ có thể vận dụng á.”
Lê Ý cười nham hiểm, kéo mạnh cần câu, theo dây câu lên một con cá chép nặng độ năm sáu cân, cá chưa đủ béo, chưa kho, chưa nướng được thì trước mắt ăn cháo cá cái đã.
Chú thích:
(1) Vợ cả.
(2) Từ khi vương thượng (Lý Thành Quế) ở ngôi, dã nhân tù trưởng ở xa đến quy phục, di lan Đậu Mãn (man di ở sông Đồ Môn), đều tới phụng sự, thường đeo cung kiếm theo vương thượng chinh phạt. Như đám người Nữ Chân là Tắc Oát Đóa Đậu Mãn, Ôn Mãnh Ca, Thiếp Mộc Nhi, Hỏa Nhĩ A Đậu Mãn v.v.
Vương thượng ở ngôi, phong cho bọn chúng chức vạn hộ, thiên hộ, dùng Lý Đậu Lan chiêu an Nữ Chân. Bị phát chi tục, tẫn tập quan mang, sửa cầm thú hành trình, tập lễ nghi chi giáo. Cùng người trong nước hôn phối, phục dịch nạp phú, không khác nhập hộ khẩu, từ sỉ dịch với tù trưởng, toàn nguyện vì quốc dân.
Từ Khổng châu phía bắc đến tận Giáp sơn, dựng ấp lập trấn, lấy trị dân sự, lấy luyện sĩ tốt, xây dựng trường học mà dạy kinh thư. Chính sự văn võ vì thế mà được nâng lên. Duyên mậu ngàn dặm, toàn nhập hộ khẩu, lấy Đậu Mãn giang vì giới.
(Triều Tiên vương triều thực lục)