• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thái Hậu muốn dẹp loạn các châu Hưng Hóa từ trong trứng nước, cố nhiên là hung hiểm trùng trùng. Thế nhưng không dẹp loạn sớm mà cứ để cho chúng tạo thế, tụ lực đến khi chiến tranh ở Thuận Hóa nổ ra thì đã muộn.

Đến lúc đó cùng lúc phải đương đầu với hai mặt trận lớn, quân triều đình phần thì được đưa ra mặt trận, phần thì tê liệt vì thiếu lương, không còn sức đàn áp các thế lực địa phương nữa.

Thời thế như vậy thì “anh hào” khắp thiên hạ hẳn là cũng không ngại gì mà nổi lên. Nhà Lê hẳn là sẽ không sụp đổ ngay lập tức, tuy thiếu lương thảo, trang bị bình định các xứ ở xa nhưng mười ba vạn đại quân vẫn còn ở đó chứ chưa tiêu biến đi ngay được.

Hệ quả nghiễm nhiên là các thế lực địa phương thừa dịp nổi lên, triều đình vô lực đánh dẹp ắt sẽ phải thỏa hiệp. Từ đó, mô hình trung ương tập quyền mà Thái Tổ, Thái Tông dày công xây dựng trong phút chốc trở thành bọt biển.

Nói cho cùng, Trình Thanh một tay thúc đẩy xứ Hưng Hóa làm loạn còn không phải vì lấy lại quyền lực địa phương cho gia tộc của mình sao.

Đám thế gia vọng tộc trong triều cũng là vì đâu mà đồng lòng giúp Hà Lật câu tam đáp tứ? Vì đâu mà trên triều đường chúng ra sức vận động chức Tây đạo Hành quân Tổng quản trả công cho Lê Ê? Không phải là vì lợi ích gia tộc hay sao!

Huân quý thì khác, sức mạnh của chúng cùng một nhịp thở với mức độ tập quyền của hoàng triều. Họ Lê còn thì chúng vẫn nghiễm nhiên chấp chưởng binh quyền.

Ngược lại, hoàng triều tàn lụi thì chúng cùng lắm cũng chỉ có thể tính là một quân phiệt, lại còn là dạng quân phiệt tép riu khốn khổ chia nhau đất cằn Thanh Nghệ.

Vấn đề là, bây giờ phần lớn huân quý đang bị tác phong làm việc của bà Thái Hậu hù dọa mà mang tính chọn lọc bỏ qua sự thực này.

Số còn lại, đủ minh mẫn để lựa chọn nhìn vào sự thực thì quá nửa lại đang có mục đích riêng của mình nên hoặc là giữ im lặng, hoặc là thuận nước đẩy thuyền trợ giúp Trình Thanh.

Tỉ dụ như Lê Ê, hắn có điều mong muốn nên để cho người phía dưới giúp Hà Lật chùi đít.

Lê Lễ thu dọn xong hộp cờ, cũng chưa vội đi, thở dài lắc đầu.

- Huân quý Lam Sơn nhiều đến bảy tám mươi nhà, nhưng có thể nhìn thấu triệt như mi thì ít lắm. Từ trong thế cuộc mà vớt được lợi ích lại càng hi hữu.

Lê Ê đứng dậy hướng Lê Lễ vài nói.

- Chuyện lần này, Ê cùng các anh em cảm ơn anh Lễ che chở, ơn này khắc trong tâm khảm, đến chết mới thôi.

Lê Lễ thở dài một hơi, nói khẽ.

- Chỉ một lần này thôi, nếu không phải năm đó thiếu chủ được đà lấn tới giết Lê Sát thì lần này bằng mấy bọn mi cũng chết cả lũ. Dù thiếu chủ không còn ở nhân thế, nhưng đây coi như là lão phu tận một phần sức bù đắp cho lỗi lầm của thiếu chủ vậy.

Bầu không khí dần trở nên đè nén, giữa hồ Lục Thủy có tiếng tỳ bà như nước chảy vờn quanh, tựa hồ muốn chải vuốt tâm thần của ba người đang ngồi trong lương đình.

Lê Ê có chút chán nản hướng Lê Lễ, Lê Khôi chắp tay bái biệt.

- Không quấy rầy hai vị nữa, Ê xin đi trước.

Lê Lễ coi như không nghe thấy, hướng mắt ra nhìn con thuyền hoa đang chậm rãi lướt đi trên mặt hồ Lục Thủy, thả hồn theo từng gợn nước. Lê Khôi thấy vậy liền đứng dậy cười nói với Lê Ê.

- Chuyện lần này anh Phục cùng anh Sao đã đang nói với mấy nhà huân quý khác, sẽ không còn truy cứu. Lần này về kinh, nếu như Tổng quản đại nhân có gì cần có thể đến phủ đệ của ta, nếu có thể giúp Khôi tất không chối từ.

Lê Ê trầm mặc gật nhẹ đầu, ra hiệu đã biết, hít sâu một hơi, liền dứt khoát quay đầu bước ra khỏi lương đình, bóng lưng của hắn lại trở nên thẳng tắp,tràn ngập đấu chí.

Nhìn xem bóng lưng Lê Ê rời đi, Lê Khôi tấm tắc cảm thán.

- Kẻ này tuy tuổi đã lớn nhưng chí chưa già, có thể trở thành trợ lực của chúng ta.

Nghe thấy thế Lê Lễ mới có chút động dung, than thở.

- Trong ấn tượng của chú, thằng Ê không phải người như thế, chẳng qua tàn đảng Lê Sát còn gần chục nhà đều phải trông đợi vào hắn cả. Ngồi ở vị trí đứng đầu, thằng Ê không dám cũng không có quyền buông bỏ mặc kệ thế sự. Hành động vừa rồi của nó đã coi là ngược với sơ tâm, cũng là thân bất do kỷ mà thôi.

Lê Khôi cũng không mở miệng phản bác, suy cho cùng, đeo đuổi của hắn cùng Lê Lễ đơn thuần là đứng góc độ của Hoàng triều Lê thị mà phán xét. Những lý lẽ đó, nào phải các thế lực khác không biết, chẳng qua hết lòng vì uy tín của hoàng triều, vì lợi ích của quốc gia thì phải hy sinh lợi ích của bản thân, gia tộc. Trung trinh như thế đâu phải ai cũng làm được.

Nghĩ đến đây, Lê Khôi không khỏi lẩm bẩm.

"Không quên sơ tâm, hành sự phóng khoáng sao, nói nghe thì dễ!

...

Thời tiết Quảng Đông cơ bản là giống miền bắc Đại Việt, tầm này bất kể là ngày hay đêm đều rặt một kiểu vừa nóng vừa ẩm.

Thời đại này người Hán ở Lĩnh Nam chưa nhiều, vì vậy mô hình chủ yếu vẫn là các biến tấu của tứ hợp viện. Kiểu nhà này được thiết kế chú trọng vào giữ ấm, thích hợp với thời tiết khô lạnh phương bắc chứ không coi trọng tản nhiệt ở phương nam.

Lê Ý ngồi ở khách sảnh hơn nửa canh giờ thầm cảm thán xúi quẩy, kiểu nhà vườn Lĩnh Nam nổi tiếng mát mẻ mãi đến giữa thời Minh mới ra đời, phát triển cực thịnh dưới thời nhà Thanh. Nếu mình đến muộn độ hai trăm năm thì đã không phải chịu đựng cực hình như thế này.

Đang lẩm bẩm chửi rủa chủ nhà thì ngoài cửa chợt có tiếng người cười nói lọt vào tai nó.

- Hà hà ... thật có lỗi, bản quan có chút việc công cán, đã để Lê công tử đợi lâu.

Lê Ý ngẩng đầu lên nhìn đã thấy một người trung niên thân mặc quan phục, dáng điệu đường hoàng, nét mặt nghiêm trang mà không mất hòa nhã đã đang cười nói bước vào khách sảnh. Nó ung dung đứng dậy hướng thân ảnh đang bước vào chắp tay vái chào nói.

- Phương Đại nhân cớ gì nói lời ấy, ngài một ngày trăm công nghìn việc, có thể bớt chút thời gian cho tiểu tử đã là vạn hạnh.

- ...

Chủ khách ai nấy đã vào chỗ, hai người hàn huyên qua ba tuần trà, Phương Tá mới hướng Lê Ý hỏi.

- Nói như vậy Vĩnh Xương thương hành đã chấm dứt hợp đồng với Quảng Châu thương hành?

Nghe Phương Tá bắt đầu vào việc, Lê ý tỏ vẻ mặt bất đắc dĩ nói.

- Cớ sự ra sao Phương đại nhân hẳn là nắm rõ hơn tiểu tử. Đối với sự kiện lần này chúng ta đã coi như là hết sức quan tâm giúp đỡ Quảng Châu thương hành, thế nhưng hậu đài của bọn hắn không đủ vững chắc thì Vĩnh Xương thương hành cũng phải chấp nhận bỏ đi mà tìm đối tác mới.

Phương Tá không cho ý kiến, nhấc khải trà lên làm một ngụm mới đủng đỉnh nói.

- Hợp đồng mới này Vĩnh Xương thương hành thu lợi thế nào?

Lê Ý có chút nhăn nhó đáp.

- Không nhiều, mới hai thành lợi nhuận trong nội lục, tính ra chỉ là già một nửa phần của ngài cùng Yết đại nhân.

Nghe ra Lê Ý có chút không vui, Phương Tá phóng khoáng cười nói.

- Các ngươi nên biết thỏa mãn, càng nên cảm tạ Yết đại nhân cùng bản quan. Đổi lại là quan viên khác làm gì có chuyện được chia phần như thế này, thuyền của các ngươi chỉ có thể đậu ở bến tàu đông cảng trả hàng, bên giao hàng bên trả tiền, chấm hết.

Lê Ý cũng không sợ, thỏa mái hướng Phương Tá chắp tay thi lễ.

- Đại nhân chỉ lộ ra đường viền đã vạch rõ tệ nạn của Đại Minh rồi, Ý không phục không được.

Phương Tá chẳng để ý, phất tay.

- Ngươi là người nước ngoài, cũng biết quốc sự của thiên triều chăng?

Lê Ý ngẫm nghĩ một lát, nói thẳng.

- Quan thương cấu kết, quốc khố eo hẹp.

Tình trạng quan thương liên hợp của nhà Minh có thể coi là quốc nạn, những khó khăn về tài chính của nhà Minh phần lớn là hệ lụy của vấn nạn này.

Nhắc đến thương nhân, phần lớn mọi người sẽ nghĩ đến những người bị coi là mạt hạng trong hệ thống sỹ - nông – công – thương thời phong kiến. Nó có thể đúng ở nhiều thời đại khác nhưng thời Minh thì ... chưa chắc.

Thực tế thì phần lớn các cự thương dưới thời Minh đều là nho sinh, bởi vì thi thố không đỗ đạt nên không thể ra làm quan, thế là tham gia vào làng thương lái. Nhờ vào các mối quan hệ với ân sư, đồng môn mà những nho thương này nhanh chóng có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế Minh triều.

Những nho thương này, sau khi buôn bán thành công rồi quyết định quay lại đầu tư cho con cháu học tập để tiếp nối ước vọng dang dở của bản thân, ai không có con cháu có tiềm năng thì đầu tư cho vài tên học sinh có triển vọng, cũng coi là một đoạn giai thoại.

Ở thời điểm cao trào nhất, quá ba phần tư số cử nhân, tiến sỹ trên triều đường Đại Minh có xuất thân hoặc được đài thọ từ các gia tộc thương buôn.

Đông Lâm đảng, một trong những đảng phái chính trị quyền lực nhất lịch sử nhà Minh chính là tập hợp của những người như thế.

Con cháu cự thương cùng đám học sinh được tài trợ bởi thương nhân này sau khi đỗ đạt ra làm quan thì dây mơ rễ má vô vàn với cha chú hoặc người tài trợ cho mình.

Đơn cử như thời Gia Tĩnh, Tuần phủ Chiết Giang là Chu Hoàn được Hoàng Đế giao nhiệm vụ chế tài, bình định hải tặc “Oa Khấu” làm loạn ở vùng đông nam.

Hoàn được lệnh vua ban, tích cực gia tăng hải phòng, dẹp bỏ cảng lậu, chấn chỉnh thương thuế v.v. kết quả là nhanh chóng dẹp được loạn Oa Khấu ở đây.

Đúng lúc người ta cho rằng Chu Hoàn công thành danh toại thì Hoàn bị Ngự sử Chu Lượng ra sức đàn hặc, kịch liệt đòi luận tội Hoàn. Quá nửa quan viên triều đình đều hùa theo Chu Lượng đả kích Chu Hoàn, cuối cùng Hoàn thất thế, phẫn uất phải tự sát.

Lý do thì đơn giản, Hoàn đẩy mạnh hải phòng, dẹp bỏ cảng lậu làm tổn hại lợi ích của cự thương khắp vùng ven biển Giang Chiết, thế là đám nho thương sử dụng mối quan hệ của mình bóp chết Hoàn trên triều đình.

Hoàng Đế Vạn Lịch tuy biết nhưng cũng đành bất lực, ngồi im bó gối nhìn năng thần của mình bị ép phải tự sát.

Chuyện nhỏ như dẹp buôn lậu đã thế, chuyện lớn như thu thuế thương lại càng vô vọng, kết quả là triều đình gần như không thể thu được thương thuế đáng kể.

Để cho dễ hình dung, những năm Thiên Hi nhà Bắc Tống trung bình mỗi năm thu vào tới 21,44 triệu quan tiền thì đến thời Tuyên Đức nhà Minh, thuế thương trung bình chỉ là 2,02 triệu quan. Tức là chưa bằng một phần mười thương thuế thời Bắc Tống.

Sự vô lực trong việc truy thu thương thuế này khiến quốc khố nhà Minh luôn trong tình trạng eo hẹp, khốn đốn.

Kể cả sau mấy mươi năm tương đối thịnh trị của Tuyên Đức cùng Chính Thống đế thì quốc khố cũng chỉ đủ để triều đình mở một mặt trận bình định vùng Vân Nam. Mấy năm nay người Mông Cổ động tác luôn luôn mà nhà Minh chậm chạp không có phản ứng chính là vì lẽ ấy.

Thương buôn giàu mà nhà nước lại nghèo, đúng là châm chọc.

Nghĩ đến đây, trong mắt Phương Tá chợt ánh lên một vệt sắc bén.

- An Nam đã thẩm thấu vào thiên triều sâu đến như thế sao?

Lê Ý cười sảng khoái cười xòa.

- Chuyện phơi bày rành rành ra trước mắt, đại nhân ngài cho rằng Ý cần phải thẩm thấu mới biết hay sao? Lại nói, quan thương cấu kết, thương phú quốc bần đâu phải vấn đề của mỗi Đại Minh, hà hà ...

Nói rồi nó cười tự giễu, cầm khải trà lên thích thú quan sát lá trà trong chén khải không quan tâm đến Phương Tá nữa. Nghe đến đây, vệt sắc bén trong mắt Phương Tá có chút phai đi, hắn đưa một miếng bánh hoa quế vào miệng, ăn thật chậm rãi, xong xuôi mới thở dài nói.

- Được rồi, từ ngay mai hàng hóa bị giam ở nhà kho phía đông có thể tự do xuất nhập, bọn nha dịch sẽ không gây khó dễ nữa.

Lê Ý nghiêm trang chắp tay.

- Được lời này của đại nhân Ý an tâm rồi, đại nhân cứ thỏa mái thưởng trà, Ý xin lui trước.

Phương Tá phất phất tay, ra hiệu cứ tự nhiên. Lê Ý đi ra đến cửa khách sảnh, Phương Tá mới gọi với theo hỏi.

- Ý chí bình sinh của mi ra sao?

Lê Ý hơi chững lại nhưng cũng không quay đầu, chắc nịch nói.

- Thời loạn trên lưng ngựa làm An Nam đại tướng, thời bình ở nhà làm An Nam đệ nhất chó nhà giàu.

Nhìn bóng lưng Lê Ý rời đim Phương Tá lẩm bẩm.

- Khí phách thời niên thiếu sao, ai lại không có một thời trẻ tuổi khí thịnh đâu, nhưng mà ... nói nghe thì dễ!

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK