Chương 56: Hùng Hổ Dọa Người
Quảng Châu phủ hơn ngàn năm qua đều là tỉnh lỵ, đô thành của Đông – Tây Việt (Quảng Đông, Quảng Tây) tiền Tần gọi là Phiên Ngu, thời Thủy Hoàng Đế - Doanh Chính lại đổi là Phiên Ngung, trị sở quận Nam Hải.
Đến thời Tùy Văn Đế - Dương Kiên bãi bỏ quận Nam Hải, đổi Phiêng Ngung thành huyện Nam Hải, thiết lập phủ Quảng Châu.
Từ Đường Tống cho đến Minh Thanh hơn ngàn năm, Quảng Châu vẫn luôn là cửa biển quan trọng nhất ở miền nam Trung Quốc, là nơi văn hóa giao thoa, tiền tài hội tụ, càng là nơi bắt đầu của con đường tơ lụa trân biển.
Cảng biển ở Quảng Châu đã được xây dựng từ thời Tần Hán, nhưng mãi đến cuối thời Đường đến đầu thời Tống, vì người Trung Quốc mất đi quyền kiểm soát thực tế đối với các cảng biển ở Giao Châu (miền bắc Việt Nam) nên vai trò của Quảng Châu mới càng quan trọng.
Không chỉ kinh tế, địa vị chính trị của cảng biển này cũng tương đối đặc biệt, Quảng Châu là một trong số ít các khu vực mà người Hán thực sự có quyền kiểm soát tương đối vững chắc khắp một dải Lĩnh Nam này.
Khắp Lĩnh Nam đều là thiên hạ của các bộ Bách Việt chạy xuống, căn cơ thâm hậu, triều đình trung ương của người Hán thực tế là không thể kiểm soát.
Ngay cả Nam Việt Vũ Đế - Triệu Đà là người kiêu dũng thiện chiến như thế, sinh thời cũng không thể xem nhẹ ảnh hưởng của các gia tộc phù nạm người Thái và quan lang người Lạc ở khu vực này.
Đến mức ngay chính bản thân ông cũng không thể không học theo phong tục của người Việt, lấy vợ Việt, ngồi xổm tiếp khách ... ngay cả người thừa kế cũng có ít nhất một nửa dòng máu người Việt, đủ hiểu thế lực các thủ lĩnh địa phương lớn đến mức nào.
Đến thời Minh, các khu vực này cơ bản vẫn nằm dưới quyền kiểm soát thực tế của thế lực địa phương, nào phải tự nhiên mà từ cuối thời Hồng Vũ (1368-1398) đến thời Chính Thống (1436-), ròng rã hơn bốn mươi năm trời mà thống kê dân số trước sau vẫn là năm trăm vạn.
Nói đùa cái gì, tin vào con số đó chỉ có loài thiểu năng, nói một chút da lông như thế để thấy đám thế lực địa phương ở Lưỡng Quảng đúng là chỉ nhìn triều đình Bắc Kinh bằng nửa con mắt.
Chỉ ở vài nơi như Quảng Châu, Quế Lâm, Hợp Phố v.v. thế lực người Hán mới thực sự lớn mạnh. Khởi nguyên từ thời nhà Lương (thế kỷ VI), trong lúc các nhánh bách Việt khác nổi dậy xây dựng đất nước độc lập như nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế hoặc ít nhất là kimi châu tự trị thì hơn mười vạn hộ người Lê ở khu vực Quảng Châu cùng Hải Nam quyết định đầu nhập vào triều đình người Hán.
Tiển phu nhân là người đứng đầu gia tộc Lạc Tướng họ Tiển gả cho Cao Lương quận Thái thú - Phùng Bảo, từ đó người Lạc Việt ở khu vực này theo hầu người Hán.
Các công việc xử lý mối quan hệ giữa người Hán và người Lạc đều do Tiển phu nhân đích thân thay chồng xử lý, hơn nữa đều xử người Lạc Việt rất nặng, có thể nói người Hán ở Lĩnh Nam đứng vững gót chân, công lao của Tiển phu nhân cư cao chí vĩ.
Nhờ căn cơ ở Quảng Châu, trong mấy trăm năm sau thời Tiển phu nhân người Hán dần bành trướng quyền lực của mình ở Lĩnh Nam như vệt dầu loang, đặc biệt từ đầu thời Nam Tống, khi làn sóng chạy giặc Nữ CHân đẩy hàng chục vạn người Hán xuống khu vực Lĩnh Nam rừng thiêng nước độc này.
Cuối thời Nam Tống, đầu thời Nguyên, đợt chạy giặc Mông Cổ lại cung cấp cho các thế lực người Hán ở đây vốn liếng để nói chuyện với các thế lực địa phương người Thái và người Lạc V ... à không, bây giờ phải gọi là người Lê.
“Phiên Ngung ... Phiên Ngung ngàn năm trước cũng là Lạc Việt cựu địa, ngàn năm nay lại là quận huyện của người Hán, hà hà ... nói gì đất Quảng Châu, ngay cả Giao Châu cũng chỉ mới đạt được độc lập hơn năm trăm năm nay.”
Lại lan man rồi, Lê Ý ngước nhìn mặt trời trắng lóa, chiếu sáng chói lọi xuống biển xanh ngoài xa, từng con tàu chất đầy hàng hóa của thương hội Vĩnh Xương chậm rãi tiến vào bến cảng, thi thoảng có tiếng tù và thổi lên từng tràng dài.
Thu ánh mắt nhìn về cảng Quảng Châu, trùng điệp ven bờ phía nam là hàng dãy công trình mới toanh, đối lập hoàn toàn với mấy tòa nhà lác đác đã rách nát phía đông của cầu cảng. Xem ra cảng Quảng Châu vẫn chưa khôi phục toàn bộ sinh lực của nó.
Từ thời Hồng Vũ đến thời Vĩnh Lạc gần năm mươi năm hải cấm làm xơ xác cả một cái bến cảng đã từng là cửa ngõ phía nam của Trung Hoa.
Tuyên Đức bãi bỏ một phần hải cấm đến nay gần hai mươi năm tuy có chút khởi sắc nhưng muốn khắc phục hoàn toàn hệ quả của thời đại tiêu điều đó, nói nghe thì dễ.
Một dải bờ biển miền đông và nam Trung Hoa hiện tại đều là một dạng này cả, thậm chí cảng Quảng Châu khôi phục đã tính là tốt, những nơi khác còn chán nản gấp vạn lần biết khóc với ai.
Đối với Lê Ý, đây chưa hẳn là chuyện xấu, dù sao Quảng Châu tiêu điều vắng lặng vẫn dễ thao tác hơn là bừng bừng sinh khí. Một khi những nơi này ồn ào tấp nập trở lại, đối diện với cảnh “vắng mợ thì chợ vẫn đông” nó cũng không thể không cân nhắc cái thói đỏng đảnh hất hàm ra điều kiện với bọn đầu nậu như bây giờ.
[Kịch ...] chiếc thuyền tiền trạm của Lý Vĩ bị sóng biển đẩy mạnh vào thuyền của Lê Ý, lão nhanh nhẹn nhảy lên thuyền, đưa cho Lê Ý một phong thư được đút trong ống tre, một đầu niêm phong bằng sáp.
- Thiếu chủ, thư ở Triều Tiên gửi về.
Lê Ý mở niêm phong, lấy thư ra đọc,trong đáy mắt có chút nghiêm trọng. Lê Khiêm thấy Lê Ý sắc mặt hơi đổi, cũng không vội hỏi, chỉ hơi nhích nhẹ bước chân đã lặng yên che hết khuân mặt Lê Ý khỏi tầm mắt Trịnh Đạo đang chậm rãi bước đến, hắn nhẹ giọng nhắc.
- Thiếu chủ, công tử Đạo tới.
Lý Vĩ thỏa mãn gần như không thể nhận ra gật đầu với Lê Khiêm, thằng nhóc này không tệ, làm việc biết phân tấc, là khả tạo chi tài. Lê Ý như thoát khỏi vòng suy tư, thỏa mái cười nói.
- Không sao, chuyện này sớm muộn gì anh Đạo cũng biết.
Nói rồi nó nhét thư vào ống tre, liệng cho Trịnh Đạo, Trịnh Đạo đang ngắm cảnh bên bến tàu, thấy Lê Ý như đang đọc tài liệu gì đó, gia thần nhà nó vô tình hữu ý che khuất tầm mắt mình. Nhận ra hình như mình đến không phải lúc đang định quay đầu đi thì thấy Lê Ý liệng một cái ông tre đựng thư về phía mình.
Vô ý thức móc thư trong ống tre ra, mắt vẫn nhìn Lê Ý đang nhếch miệng âm hiểm cười, dở thư nhìn xuống thì ánh mắt hắn không khỏi thảng thốt.
- Thoát Thoát Bất Hoa, hắn điên rồi sao!
Giọng Lê Ý như ma âm lại ám ảnh cái lỗ tai của Trịnh Đạo.
- Đầu năm ngoái, Thoát Thoát Bất Hoa lấy Bắc Nguyên Đại Hãn danh nghĩa lôi kéo Ngột Lương Cáp tam vệ, đến giữa năm lại liên hợp Ngột Lương Cáp tam vệ chinh phạt Hải Đông Nữ Chân. Cuối tháng năm năm nay, Thoát Thoát Bất Hoa Hãn đã lấy danh nghĩa Đại Nguyên Hoàng Đế gửi quốc thư cho Triều Tiên Quốc vương – Lý Đào, yêu cầu chư hầu Cao Ly tiến cống, hà hà ...
Ánh mắt Trịnh Đạo như đọng lại.
- Đại Nguyên ... Hoàng Đế ...
Lê Ý vỗ vai Trịnh Đạo nói.
- Đúng vậy, người Mông Cổ đã một lần nữa tự xưng là Đại Nguyên, Thoát Thoát Bất Hoa cảm thấy mình có thể tái hiện kỳ tích của Thiết Mộc Chân, lần thứ hai đưa Đế Quốc Mông Cổ khôi phục sức mạnh, trở lại làm bóng ma bao trùm lên cả thiên hạ, hà hà ... hắn gọi Triều Tiên là Cao Ly kia mà. Gọi hẳn quốc hiệu cũ của Triều Tiên từ thời còn là chư hầu cho Đại Nguyên, thật là hùng hổ dọa người, không phải sao.
Trịnh Đạo khó tin nói.
- Tên điên đó, hắn đào đâu ra lá gan, ai cho hắn lòng tin có thể cứng đối cứng chống lại Đại Minh vào lúc này vậy. Lê Ý ý vị nói.
- Nữ Chân nha, có câu nói “Nữ Chân không quá vạn, quá vạn không thể địch”, người của ta báo tin rằng lần nãy Thoát Thoát Bất Hoa bắt được hơn năm vạn người Hải Đông Nữ Chân, trong đó tinh tráng tới hơn hai vạn. Vì sao trước nay người Nữ Chân không đủ gây sợ? Chẳng qua là chúng tản mạn không thống nhất mà thôi. Lần gần nhất chúng có thể thống nhất chả đánh cho Đại Liêu lụn bại, Bắc Tống băng diệt, Mông Cổ bị chúng chăn như dê cừu đó sao. Anh đoán xem, nếu bằng một cách thần kỳ nào đó Thoát Thoát Bất Hoa chỉnh hợp được đám Hải Đông Nữ Chân đó thành một đội quân có kỷ luật, trang bị tinh lương, anh có nghĩ hắn đang nằm mơ giữa ban ngày nữa không ?
Miệng ngáp ngáp một hồi, cuối cùng Trịnh Đạo cũng không nói gì, hắn không thể không thừa nhận Lê Ý nói có lý. Cái dân tộc kia, vừa có cái kiêu dũng thiện chiến của dân du mục, vừa có cái khuôn phép, chịu đựng của dân canh nông, chỉ cần có thể chỉnh hợp lại làm một, sức mạnh quá đáng sợ.
Nuốt một ngụm nước bọt, Trịnh Đạo không khỏi rùng mình.
- Nói như vậy, phải chăng chả mấy chốc người Mông Cổ sẽ một lần nữa nam hạ, đến lúc đó ...
Ngồi thỏa mái trên chiếc ghế dựa, khểnh cẳng kê lên mạn thuyền, Lê Ý nhàn nhã đáp.
- Sớm thì dăm năm, muộn thì mười năm, Thoát Thoát Bất Hoa cùng Dã Tiên sẽ chia binh nam hạ, đến lúc đó Đại Minh mặt bắc có việc, mặt nam chúng ta tha hồ thao tác.
Trịnh Đạo như con nghiện đói thuốc, mắt đỏ lom lom nhìn Lê Ý.
- Ý mi là, Chiêm Động, Cổ Lũy, thậm chí là ...
- Thậm chí là Đồ Bàn, thuận lợi thì từ Đồ Bàn lấy bắc đặt làm quận huyện cũng không phải là không được, không những thế, phía tây cũng có thể có chiến sự. Nghe nói năm kia Hoàng tử Vàng Bu Lý (Wangburi) đã lên ngôi cao ở Mường Sua, hắn là một kẻ điềm đạm và khôn ngoan, trước sau gì hắn cũng sẽ kết thúc thời đại hỗn loạn ở Vạn Tượng. Đến khi đó, thứ chúng ta phải đối mặt không chỉ là một vài vạn quân của các mường Thái phía đông. Một cuộc thư hùng để quyết định ai là bá chủ miền sơn cước miền tây Đại Việt sẽ là tất yếu, nếu Đại Minh bận bịu với Đại Nguyên đủ lâu, ta không ngại chia Vạn Tượng thành vài phần cho chúng đánh giết lẫn nhau.
Thấy Trịnh Đạo đã bị ma âm của mình kéo vào ảo tưởng nam chinh tây phạt, nó ngồi dậy khỏi ghế, xách cổ Trịnh Đạo đến chỗ chiếc thuyền nhỏ đang dán sát vào sườn tàu đoạn xoay người nhảy xuống thuyền gọi với lên.
- Xuống đây, đại pháo một vang, hoàng kim vạn lượng không phải câu nói suông. Muốn hành quân đánh trận phải biết tiền vốn ở đâu cấp cho quân đội, có như thế mới không phát động chiến tranh bừa bãi được.
Chẳng mấy chốc hai tên công tử cũng không thể gọi là bột, hông đeo đai ngọc, tay cầm quạt giấy, trên mặt đeo cặp kính râm dẫn theo mười mấy tên chân chó nghênh ngang dạo bước trên đường phố Quảng Châu. Trịnh Đạo eo lưng thẳng tắm, ngẩng cao đầu bước đi đĩnh đạc, phong độ phiên phiên chính là khoáng thế giai công tử.
Ai biết được dưới lớp kính râm kia mắt hắn đảo liên hồi như rang lạc, hết soi mói người Hán đến cùng là ăn mặc như thế nào lại soi đến khách thương đến cảng Quảng Châu giao dịch.
Chỉ tản bộ một chốc đã thấy được không ít điều mới lạ, chỉ thiếu một nỗi đi sắp mòn cả dày chưa thấy thiên kim tiểu thư Hán gia nào lộ diện. Trịnh lão nhị hắn vẫn cực kỳ mong mỏi một hồi oanh oanh liệt liệt, nồng nàn thắm thiết tình duyên.
Đi nửa ngày mới đến một lầu các rất lớn, trước cửa treo tấm biển ghi bốn chữ “Vĩnh Xương thương hành”. Trịnh Đạo theo chân Lê Ý rảo bước theo cầu thang lên lầu hai, vừa đến cửa phòng tiếp khách liền thấy hai bên ghế dựa đã ngồi sẵn hơn ba mươi thương nhân người Minh.
Thấy bọn Lê Ý bước vào bọn chúng đều đứng dậy nhiệt liệt chào hỏi. Hai bên chào hỏi xã giao vài câu đã khách tùy theo chủ dắt tay nhau thân thiết quy vị.
Không chờ Trịnh Đạo lên tiếng, Nguyễn Tuy ở sau lưng hắn nhẹ giọng nói.
- Hôm nay là ngày thương thuyền cập bến, mấy tháng này quá nửa hàng hóa không được nhập cảng, công tử Ý đã thông báo trước lần này ngài ấy sẽ theo thuyền đến đây. Mấy chục nhà của Quảng Châu thương hành đều đến đông đủ, lần này bọn chúng phải cho công tử Ý một câu trả lời có thể chấp nhận được.
Trịnh Đạo gần như không thể nhận ra gật nhẹ đầu, nhàm chán xem tiểu hồ ly Lê Ý cùng một đám lão hồ ly đánh thái cực quyền.
Gần ba khắc đồng hồ (hơn 43 phút) sau, trà đã đổi đến lượt thứ ba mới thấy người Minh ngồi thứ nhất bên trái có chút ê răng hỏi Lê Ý.
- Thành Quảng Châu gần nhất không an bình, Lê Công Tử đích thân sang đây không khỏi có chút mạo hiểm.
Lê Ý bày một bộ “ta cũng là bất đắc dĩ” khẽ lắc đầu nói.
- Ông chủ Phương, chúng ta đều là người làm ăn cả, mỗ cũng không ngại nói thẳng, tình hình buôn bán mấy tháng nay khiến chư vị đại nhân phía trên xót ruột không chịu được, mỗ không còn cách nào khác phải đích thân đi khảo sát. Hơn nữa ... lần này mỗ cất công sang Quảng Châu chỉ có gia thần thân tín biết được, nếu như thông tin này lọt ra ngoài, hừ ...
Phương Tu không để ý Lê Ý ngôn từ hùng hổ dọa người, chỉ là nghe được ý ở ngoài lời, không nhịn được cười khổ.