• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Ngô Sảm thấy Lê Ý lớn tiếng liền vội thanh minh.

- Lạy cậu, con cứ tính mỗi lính béo khoẻ nặng độ một trăm đến một trăm hai mươi cân (60-72kg), tính cả quân trang, lều võng, vật dụng cá nhân mỗi người hẳn là không quá hai trăm bốn mươi cân (144kg), vậy thì hai trăm năm mươi lính tính cả trang bị tối đa cũng không nặng hơn sáu vạn cân (36 tấn).

Thấy Ngô Sảm tính toán có vẻ chỉn chu, nó phất tay ra hiệu y nói tiếp.

- Con lại tính binh lính một ngày ăn tối đa hai cân gạo (1,2kg), uống hai cân nước, rau dưa thịt cá khác thêm hai cân nữa, chết no cũng không thể nhiều hơn sáu cân nhu yếu phẩm (3.6kg). Hai trăm năm mươi người mỗi ngày hết độ một ngàn năm trăm cân(900kg), một tháng hết độ bốn vạn cân (24 tấn), mười bốn tháng cùng lắm độ năm mươi sáu vạn cân (336 tấn) thôi ạ. Thuyền Định Hải tải trọng có ích ít nhất bảy mươi vạn cân (420 tấn), con tính như thế mới hết chín phần sức tải, vẫn đang còn dư ra độ một phần mười sức tải cậu lớn luốn chất gì lên cũng được ạ. Những con số đó con đều tính toán tỉ mỉ nào dám lạm ngôn.

Nghe lời khẳng định chắc nịch của Ngô Sảm, trái tim Lê Ý chợt nhảy lên thình thịch, phải biết hạm đội mà Ma-gien-lăng (Ferdinand Magellan) dùng để vượt Thái Bình Dương chỉ là thuyền Caravel với chiếc lớn nhất có lượng choán nước khoảng một trăm hai mươi tấn (chiếc San Antonio).

Giờ đây đã có những chiếc thuyền với lượng chiếm nước toàn tải hơn bảy trăm tấn như tàu Định Hải thì việc bắt liên lạc với châu Mỹ không còn là chuyện viển vông.

Bây giờ thứ nó còn thiếu chỉ là một thuỷ thủ đoàn giàu kinh nghiệm, có năng lực phán đoán và lợi dụng gió mùa cùng các dòng hải lưu.

Nói đùa cái gì, đó chính là tân thế giới, là quê hương của ớt, cao su, ngô, khoai tây và hàng ti tỉ thứ có thể bơm máu cho cả một đế quốc.

Thứ khiến các Đế Quốc ở Châu Mỹ tỏ ra kém cỏi chẳng qua là không có công nghệ luyện thép cùng với sự thiếu vắng của gia súc lớn mà thôi.

“Khà khà … thiên phủ chi quốc, nơi vàng vương vãi đầy đất, Machacuti đúng không nhỉ? Mi không ngại nếu như ta đến và kết làm đồng minh với mi chứ? Mi hẳn là đã bắt đầu các cuộc chinh phạt ban đầu rồi đấy nhỉ, ta không ngại có một đồng minh hùng mạnh ở tân thế giới đâu.”

Lê Ý xoa xoa tay chải vuốt kế hoạch của mình với Châu Mỹ, trung thực mà nói, như tổng thống Mỹ nào đó đã nói, “thật là đần độn khi giúp lũ ngu của một dân tộc chống lại những kẻ tài năng nhất của dân tộc đó”.

Vì vậy, nó chẳng có ý định trợ giúp mấy thành bang ven biển chống lại vương quốc Cusco, thứ sau này sẽ trở thành Đế quốc Tứ Thần (Đế quốc Inca).

Lại nói, ngay từ ban đầu nó cũng chẳng có ý định di quá nhiều dân hay chinh phạt châu Mỹ làm gì, nó quá xa xôi và tốn kém. Nếu muốn có khoai tây nó chỉ cần bán kiếm thép, muốn có cao su nó chỉ cần bán giáp thép, muốn có vàng nó chỉ cần bán súng hoả mai.

Biết là đất đai châu Mỹ màu mỡ đấy, nhưng cố sống cố chết mở đấy cho to làm gì rồi lại đuôi to khõ vẫy.

Việc quái gì phải đầu tư nhân lực vật lực chinh phạt, xây dựng đồn điền các thứ rồi nơm nớp lo sợ chúng làm phản? Buôn bán với dân bản địa không thơm hơn à. Mục tiêu đã được minh xác từ đầu dẫn đến yêu cầu của nó với tiền đồn ở châu Mỹ không cao.

Có thể là một vài khu định cư của người Việt ở mấy miếng đất nhỏ như Pa-na-ma hoặc đâu đó ven bờ Thái Bình Dương của Cô-lôm-bi-a. Đương nhiên là không cần quá nhiều dân, chỉ vừa đủ để tự vệ trước các mối đe dọa chung quanh là được.

Song song với đó là vài điểm tiếp tế ở Hawaii và Ga-la-pa-gốt (Galapagos).

Mục tiêu và phương hướng nhất quán như thế nên nó chả có mâu thuẫn lớn nào khả dĩ với nhà cai trị Đế quốc Tứ Thần cả, ngược lại, các Đế quốc thống nhất và ổn định lại càng có lợi cho thương hội Vĩnh Xương trong việc vơ vét của cải. Nếu có thể, nó không ngại giúp người Cusco, người Aztec và người Maya thống nhất khu vực của mình thành hai đến ba Đế quốc đồng minh của Đại Việt.

Đàng nào trong vòng trăm năm nữa người Tây Ban Nha cũng sẽ mon mem mò đến châu Mỹ, nó không ngại chiêu đãi các idol kiếp trước của mình món hành châu Mỹ. Hẳn là các idol Hernán Cortés (người chinh phạt Aztec), Francisco Pizarro (người chinh phạt Inca) v.v. sẽ bất ngờ lắm.

Càng nghĩ càng khoái chí, Lê Ý bước đến vỗ vai Ngô Sảm cười nói.

- Bọn mi làm tốt lắm, ta rất hài lòng, ngoài phần thưởng định mức của thương hội Vĩnh Xương, mỗi thợ chính và thợ phụ sẽ được thưởng thêm mười tháng nguyệt ngân, học đồ được thưởng sáu tháng nguyệt ngân. Riêng bác Phùng, chờ ta đi viễn dương về sẽ có thưởng riêng.

Ngô Sảm cùng đám thợ chính nghe thấy hào ngôn của Lê Ý đều ríu rít chắp tay vái tạ.

Lương thợ chính ở xưởng tàu được chia làm hai phần là nguyệt ngân (bạc hàng tháng) và nguyệt lương (lương thực hàng tháng).

Nguyệt ngân với thợ chính là một lượng đến một lượng ba chỉ bạc, thợ phụ thì trả sáu đến bảy chỉ bạc, học đồ thì một đến ba chỉ bạc.

Nguyệt lương chỉ có hai bậc, bậc một dù là thợ chính hay phụ mỗi tháng đều được cấp một trăm hai mươi cân gạo, bậc hai cho học đồ mỗi tháng được cấp sáu mươi đến tám mươi cân gạo.

Cả nguyệt ngân lẫn nguyệt lương cộng lại đủ để một học đồ nuôi sống một nhà hai đến ba miệng ăn. Thu nhập như thế đã tính là hậu hĩnh, nhưng khoản thưởng mười tháng nguyệt ngân vẫn là khoản thưởng lớn, đủ để vợ con bọn chúng thường xuyên thấy thịt trong mâm cơm hơn trong khoảng thời gian tương đối dài.

Nhìn bọn thợ chính thoả mãn vái tạ cáo lui, Lê Ý thoả mái quay sang hỏi Lê Khiêm cùng Lý Vĩ..

- Thuyền đã thử biển mấy chuyến rồi?

Lê Khiêm chắc nịch đáp.

- Hồi thiếu chủ, từ khi hạ thuỷ đến nay thuyền đã liên tục đi năm chuyến, trong đó có hai chuyến vào Thuận Hoá đưa hàng cho biên quân, hai chuyến ra An Bang, một chuyến đi Xương Hoá. Tất cả đều chịu tải tối đa, trải sóng to mưa lớn mà an toàn ạ.

Lê Ý nhíu chặt mày.

- Xương Hoá? Ai bảo bọn mi cho thuyền sang bên đó?

Không trách Lê Ý nhạy cảm, Xương Hoá ở đây không phải là một đơn vị hành chính của Đại Việt mà là một huyện thuộc phủ Quỳnh Châu, Quảng Đông Thừa tuyên Bố chính Sứ ty (nay là huyện Xương Giang, tỉnh Hải Nam).

Khác với suy nghĩ của nhiều người, Đảo Hải Nam tuy gần Trung Quốc đại lục nhưng được người Trung khai phá khá muộn. Trước thời Nguyên, đoả Hải Nam được gọi là Quỳnh Châu với thủ phủ là Nhai Châu được coi là nơi lưu đày quan lại thất bại trong tranh đấu chính trị.

Không nói đâu xa, ngay cả một trong bát đại gia thi từ Đường – Tống là Tô Thức (Tô Đông Pha) cũng từng bị đày đến Đam Châu (ngay bên cạnh huyện Xương Hoá) trồng rau nuôi cá làm từ. Từ đây ở Hải Nam mới bước đầu có dấu vết của văn hoá Trung Hoa.

Chủ nhân của hòn đảo này từ xưa là người Lê, họ là một nhánh của cái gọi là “Bách Việt” di cư từ Quảng Châu xuống. Vì vậy, giống với người Lạc Việt và Âu Việt, người Lê cũng thi hành chế độ mẫu hệ, ở nhà sàn, cũng sử dụng trống đồng, cũng xăm mình xõa tóc v.v.

Thậm chí một số nghiên cứu nhân khẩu học của người Trung Quốc cho thấy mối liên hệ về văn hóa, ngôn ngữ giữa người Lê và người Lạc còn gần hơn mối liên hệ với người Âu Việt (người Tày, Tráng). (1)

Người Lê hông mạnh bằng người Lạc Việt và người Âu Việt nhưng họ cũng từng có một thời huy hoàng, đỉnh điểm là góp một vạn năm ngàn quân vào quân nhà Nguyên xâm lược Đại Việt thời Trần.

Sự khống chế tuyệt đối của người Lê đối với đảo Hải Nam chỉ suy giảm từ khi người Hán chạy giặc Nguyên di cư ồ ạt xuống hòn đảo này. Từ đó đến nay, mâu thuẫn giữa người Hán ở Nhai Châu (Tam Á), Quỳnh Sơn (Hải Khẩu), Đam Châu cùng người Lê trên đảo ngày càng dữ dội.

Đỉnh điểm vào thời Minh, khi các thổ ty người Lê ở Hải Nam từ chối cung cấp thông tin về nhân khẩu trong các châu huyện kimi cho chính quyền trung ương. Kết quả là thời Nguyên người Lê có tới hơn bốn mươi vạn người nhưng đến đầu thời Minh, dân số toàn đảo Hải Nam chỉ thống kê được là hai mươi chín vạn, đến cuối thời Minh còn tàn tệ hơn, năm Vạn Lịch thứ 19 (1617) chỉ còn thống kê được hai mươi lăm vạn người cả Hán lẫn Lê.

Đương nhiên là tài liệu chính thức của triều đình thì vẫn báo cáo là “người Hán giáo hóa cho người Lê, Lê – Hán đã không có gì khác biệt, chung lưng đấu cật khai khẩn ruộng vườn, trao đổi nông sản thổ cẩm các thứ.

Thông cảm, chọn lọc bỏ qua thông tin bất lợi mà, đông tây kim cổ đều thế cả, có khác gì sau này nhà Lê vỗ ngực tự xưng sáp nhập Trấn Ninh nhưng thực tế vẫn trong tay họ Cầm?

Tận dụng mối mâu thuẫn ngày càng tăng giữa người Lê với người Hán ở Hải Nam cũng như sự tương cận về văn hóa giữa người Lê và người Lạc, nó dễ dàng truyền bá vào đất của người Lê truyền thuyết con rồng cháu tiên.

Cái truyển thuyết bắt đầu từ thời Đường này cũng chả phải chỉ người Việt mới có, người Mường cũng có truyền thuyết trăm trứng, nhưng trứng là của hai con chim thần chứ không phải của Âu Cơ – Lạc Long Quân, người Tày – Tráng cũng có tổ mẫu Ngu cơ. (2)

Dựa vào những truyền thuyết này cùng với nét tương đồng về văn hóa trống đồng, xăm mình v.v. người của Nhập nội Kiểm sát ty mấy năm qua ngàn ngày như một len lỏi khắp các cộng đồng sử dụng trống đồng tuyên truyền về tư tưởng “bách Việt đồng nguyên” của hai chú cháu vô sỷ Lê Nguyên Long và Lê Ý.

Ai quan tâm thật giả cơ chứ, nếu thành công thì trăm năm sau giả cũng thành thật, nếu thất bại thì ngàn năm sau thật cũng thành hư. Quan trọng là trước kia Lê Nguyên Long “tin”, bây giờ Lê Ý “tin” và tương lai Lê Bang Cơ “tin” vào truyền thuyết đó.

Chỉ cần một ngày giai cấp tinh hoa của Lạc tộc còn tin tưởng và tuyên truyền thì bất cứ lúc nào nó cũng có thể trở thành kiếm sắc trong tay Hoàng Đế.

Dựa hơi truyền thuyết này, Lê Ý đã mượn lực lượng thương hội đội lốt “oa khấu” thực hiện một hành động táo bạo chưa từng có. Đó là xây dựng hẳn một hệ thống đồn trại cảng biển dọc theo dòng Xương Hóa, dựa vào đó mở rộng ảnh hưởng của Đại Việt lẫn "viện trợ nhân đạo" cho đám thổ ty ở Hải Nam.

Bọn mi đừng vội chửi “sao lũ thổ ty ngu thế, nói gì cũng tin”. Ngay cả một đứa trẻ ba tuổi cũng không đủ ngây thơ để tùy tiện tin vào cái truyền thuyết từ mộtt răm tám mươi đời trước.

Cái đúng đắn, cái đả động đến tâm can bọn chúng là ích lợi đem lại từ việc “tin” cái truyền thuyết đó.

Trong cuộc đấu tranh với người Hán ở Hải Nam, người Lê cần một nơi quy túc về tư tưởng để đoàn kết hết thảy người Lê về một mối, đó mới là điều quan trọng.

Vậy nên, Lê Ý thì cứ giả vờ tin rằng đám thổ ty đã bị truyền thuyết của mình thuyết phục, còn đám thổ ty cũng thừa hiểu Lê Ý biết chúng đang giả ngu nhưng vẫn tiếp tục giả ngu. Đều là người thông minh cả, cứ theo thời thế mà làm, đúng sai quan trọng gì.

*Chú thích:

(1) Ủy ban Dân tộc Quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: https://www.neac.gov.cn/seac/ztzl/lz/lsyg.shtml

(2) Hoàng văn Chí/ Duy văn Sử quan (1990)

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK