• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thấy Lê Ý tỏ vẻ kiêng kỵ, Lê Khiêm hơi rụt đầu, khẽ nói.

- Thiếu chủ an tâm, hôm đó thuyền Định Hải ghé căn cứ của ta ở Xương Hóa đương lúc có bão lớn, tuyệt đối không có ngư thuyền hay thương thuyền nào lảng vảng ở gần.

Lê Ý vẻ mặt trêu tức rên ư ử.

- Hừ hừ ... tốt nhất mi nên cầu trời khẩn phật phù hộ cho căn cứ của ta ở đó không bị ảnh hưởng gì, nếu không... Mà tại sao mi lại rửng mỡ chạy ra đó vậy, hết trò nghịch nghu rồi à?

Lê Khiêm thấy vẻ mặt "hôm nay ta muốn gây sự" của Lê Ý hơi cụp mắt xuống chống chế.

- Hồi thiếu chủ, thử sức chịu mưa gió chính là hạng mục kiểm tra quan trọng trước khi nghiệm thu.Hôm đó thần cố canh ngày có ráng mỡ gà, nghĩa là ngày sắp có mưa to gió lớn đem thuyền ra biển, định đi một vòng quanh vịnh Bắc Bộ rồi về. Ai ngờ đến gần Quỳnh đảo (đảo Hải Nam) thì gặp bão lớn quá, không còn cách nào khác phải đưa thuyền vào bến cảng của ta ở Xương Hóa trú ẩn.

Lê Ý nghe đến đấy cầm vỏ kiếm vừa đánh Lê Khiêm vừa chửi.

- Bố tiên sư, đám lão gia thần nhà ta sao lại dạy ra thằng đần vô trách nhiệm như mi. Là người đi biển mà đối với tạo hóa không có chút nào kính sợ, coi thịnh nộ của thiên nhiên là trò tiêu khiển. Con mẹ nó, mi tìm chết một mình thì cũng thôi đi, lại còn đòi mang theo tính mạng năm sáu chục thủy thủ bảo bối của nhà ta. Aaa ... tức chết ta mất, sao họ Lê ta lại vô phúc có đứa gia thần như mi. Hôm nay ta phải chém chết mi, đồ khốn kiếp, dám đem tính mạng bộ hạ ra làm trò đùa ... mi đứng lại cho ta, aaa ...

Lê Khiêm ra sức thanh minh.

- Thiếu chủ, thần chỉ là theo quy trình mà làm việc thôi. Lại nói, đây là lệnh của bác Điền bàn giao cho thần, bác ấy nói thuyền to đẹp đến mấy, lý thuyết tốt như thế nào mà chưa thử qua mưa dó cũng chỉ là hổ giấy.

Lê Ý nghe thấy Lê Khiêm bao biện bèn quay sang nhìn Lý Vĩ. Thấy Lý Vĩ gật đầu ra hiệu Lê Khiêm không nói phét nó liền ngoái cổ lại nhìn hai con tàu lớn đang neo đậu trong cảng của xưởng đóng tàu Nghi Sơn đăm chiêu đánh giá.

Tính cả chi phí công thợ, nhà xưởng lẫn vật liệu thì đóng mới mỗi chiếc Định Hải tốn chừng trên dưới một vạn lượng bạc, chưa kể đám thủy thủ dày dặn kinh nghiệm vô giá. (1)

Hai con tàu kia không chỉ là tàu đi biển mà còn là trên dưới hai vạn lượng bạc cùng hai thủy thủ đoàn cốt cán của thương hội Vĩnh Xương. Nhẩm tính giá trị hai con tàu xong, Lê Ý bèn gia tốc lùa Lê Khiêm, tay rút kiếm toan chém.

Lê Khiêm người lớn chân dài chạy đàng trước, Lê Ý chân ngắn cầm kiếm hùng hổ lùa đàng sau khắp cả bến tàu, Lý Vĩ cười khành khạch đứng nhìn bọn trẻ "vun đắp tình cảm chủ tớ" với nhau.

Mới được vài chục vòng Lê Ý không nhích nổi chân nữa, sáng nay ngủ dậy muộn chỉ lùa vội bát cháo trai, chạy được một lúc hai chân mỏi nhừ, không nghe lệnh bộ não nữa, ngồi huỵch xuống bên cạnh Lý Vĩ.

Lê Khiêm mon mem lại gần chắp tay phục tùng đứng sau lưng hai chủ tớ, mắt vẫn không rời khỏi bàn tay đang vuốt ve thanh kiếm thép Ấn Độ của Lê Ý. Loại kiếm này tóc thổi qua là đứt lại chém sắt như chém bùn, lỡ may thiếu chủ nghịch dại thì mình một mệnh ô hô ai tai.

Nom thấy bọn chúng không náo loạn nữa,Lý Vĩ ngồi dựa vào cột neo tàu từ tốn nói.

- Thiếu chủ, thuyền làm ra thì phải thử sóng gió, không thể ỷ y vào bản vẽ kỹ thuật rồi vuốt đuôi khen hay được. Chẳng phải thiếu chủ cũng nói người học mà không hành có khác khác gì xây lâu đài trên cát đó sao. Lại nói, đám thủy thủ này thương hội Vĩnh Xương trả lương cao cho chúng không phải để về làm lão tổ tông thờ phụng. Chúng ta cẩn tuân chỉ lệnh của thiếu chủ, tất cả kinh nghiệm đi biển của chúng đều phải được tổng hợp thành sách lưu truyền nội bộ. Thủy thủ giàu kinh nghiệm cũng thay phiên nhau lên lớp truyền dạy kinh nghiệm cho lớp chim non.

Ước chừng Lê Ý đã bình tĩnh trở lại, Lê Khiêm ngồi xuống phía sau nó và Lý Vĩ, tát nước theo Lý Vĩ mà trình bày.

- Từ sau khi thiếu chủ từ Đại Hòa về mang theo cả vạn cân thép thì chư vị lão gia đã nói kể cả các vị ấy ngày ăn một bữa, cách tuần mới được ăn thịt cũng phải đảm bảo ưu thế hàng hải của thương hội chúng ta. Có thể nói sau bốn năm năm đầu tư khổ cực đã qua, từ hơn một năm trở lại đây hạm đội của thương hội Vĩnh Xương nhận được kinh phí đã bành trướng gấp hai. Nhờ đó, hạm đội đã không thiếu thủy thủ thay thế. Đừng nói là tổn thất năm sáu chục tên thủy thủ trên tàu Định Quốc này, kể cả gấp năm gấp mười chúng ta cũng có thể chậm rãi khôi phục.

Lê Ý hơi có vẻ ngạc nhiên, từ sau chuyến đi Đại Hòa lần trước, đã mười lăm tháng nó không can thiệp sâu vào hạm đội của thương hội. Đúng là nó biết thương hội đầu tư rất lớn cho hạm đội, chỉ là không ngờ quay đi nhìn lại mới chưa đến hai năm đã có thành quả to lớn như thế.

Cười thỏa mái hưởng thụ sự kinh ngạc của Lê Ý, Lý Vĩ thỏa mái.

- Thiếu chủ, tình thế trên biển đang biến chuyển hằng ngày, thế và lực của chúng ta trên khắp thương lộ từ Đại Hòa đến Chiêm Thành đã lớn mạnh gấp mấy chục lần năm năm trước. Ngay cả so với lần trước thiếu chủ ra biển, thế lực bây giờ của chúng ta cũng vững mạnh thêm đâu chỉ gấp đôi.

Lê Ý đứng dậy thở dài nói.

- Sỹ biệt tam nhật, quát mục tương đãi (ba ngày không gặp, lau mắt mà nhìn), xem ra là ta đây thủ cựu, cổ hủ. Đi, lên thuyền xem chi tiết cụ thể như thế nào.

Nói rồi vỗ vai Lê Khiêm bảo y đi theo xuống thuyền con, Lê Khiêm đuổi phu thuyền xuống đích thân chèo lái đưa Lê Ý cùng Lý Vĩ lên thuyền Định Hải. Thực sự thành thục hay chỉ được mã ngoài bước lên thấy ngay.

- Sao tỉ lệ truyền động của bánh lái y hệt thuyền Đại Phàm thế này, chúng bây đánh lái thuyền không thấy mệt à ...

- Nút dây thừng lung tung không thống nhất, cái thì thắt thòng lọng, cái thì buộc dây rút, trời ơi, còn thắt cả nơ, aaa ...

- Mấy góc nhọn trên boong được mài tròn rất tốt, sao không mài luôn dưới boong đi, chẳng lẽ sóng gió chỉ tác động lên trên boong à ...

- Tại sao ...

Sàn tàu bằng gỗ thông, cảm giác bước đi khá tốt, không dễ bị trơn trượt. Dù Lê Ý đã lâu không đi thuyền vẫn có thể loạng choạng bước lên sàn thuyền, vừa đi vừa xét nét hách dịch từng chi tiết nhỏ.

Đám thủy thủ mới chưa biết mặt Lê Ý, ném về phía nó những ánh mắt khinh bỉ, rõ ràng là vịt cạn, bày đặt bắt bẻ chỉ trích hết chỗ này đến chỗ khác.

Sau bốn năm chuyến đi biển, thuyền Định Hải đã trở thành tín ngưỡng mới trong lòng bọn chúng. Làm sao có thể nhịn được con vịt cạn đứng trên thuyền còn chênh vênh kia hách dịch, hắn định để thuyền Định Hải leo lên bờ diễn hành chắc.

Nếu Lê Ý mà biết được suy nghĩ của đám này chắc hẳn phải ôm bụng cười sằng sặc, rồi phách lối chỉ mặt từng đứa mà hỏi:

“ Chúng bây có biết siêu cấp lục hành chiến hạm Nhựt Tảo của quân lực hạng tư chăng?”

Rất nhanh, đám loi choi tỏ thái độ đã bị mấy lão làng trên thuyền tát mấy phát chan chát vào mặt. Nói đùa cái gì, kia chính là ông chủ lớn, mấy miệng ăn trong nhà đều phải nhờ vào ông chủ cả, láo nháo bị đuổi về làng chài quay lại cuộc sống ngư dân nay đói mai rét, nghĩ tới đã sợ.

Duy chỉ có một tên thủy thủ từ trên cột buồm tuột xuống, nghe mấy lời của Lê Ý tỏ vẻ khó chịu xì một tiếng khinh miệt.

Lê Ý đang nhận xét hăng say bị tiếng xì này gián đoạn liền quay sang nhìn, chỉ thấy một tên tráng niên dáng người đậm chắc, da màu cánh dán, nét mặt bưu hãn có vẻ là người Chiêm Thành.

Nó quay sang nhìn Lê Khiêm, đợi hắn đưa ra lời giải thích.

Trong tương lai gần Đại Việt hẳn là sẽ động binh với người Chiêm Thành. Đến lúc đó thuyền lớn của thương hội Vĩnh Xương có quá nửa cũng sẽ được trưng dụng cho chiến tranh, đến lúc đó mà có gián điệp của Chiêm tuồn tin hoặc phá hoại hậu cần quân Việt thì chém cả nhà Lê Khiêm cũng không đủ đền tội.

Lê Khiêm biết lúc này không nên chả treo với Lê Ý, nhìn ánh mắt hiền hòa của Lê Ý, hắn liền biết Lê Ý đang muốn giết người. Hơn một năm trước Lê Ý ra lệnh đồ sát cả một bộ lạc thổ dân trên đảo Đài Loan cũng là loại ánh mắt này.

- Bẩm thiếu chủ, hắn họ Chế, tên Thanh, là con trai Chế Ma Nô Đà Nan, cháu gọi Chế Bồng Nga bằng ông nội.

Lê Ý nhíu mày.

- Con trai Chế Ma Nô Đà Nan?

- Đúng vậy, con trai nhỏ của Chế Ma Nô Đà Nan, khi thành Cổ Lũy bị phá, Chế Ma Nô Đà Nan sai người đem các con trai của mình phân tán trốn đi. Những người khác không biết chết sống thế nào, chỉ có Chế Thanh là có thể xác thực.

Nghe đến đây Lê Ý chợt vỡ lẽ, tên này thế mà là vương tôn cựu triều Chiêm Thành. Ánh mắt Lê Ý nhìn Chế Thanh trở nên có chút quái lạ.

Những năm đó, kẻ kia mười hai lần đem quân bắc phạt Đại Việt, trong đó có bảy chiến dịch lớn, ba lần công phá thành Thăng Long.

Lần đầu tiên trong lịch sử, người Lạc Việt kiêu ngạo quỳ rạp dưới chân voi chiến Chiêm Thành. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Lạc Việt kiêu ngạo bất lực trước thuyền chiến mũi cong phương nam.

Đền đài hóa thành rừng hoang, văn vật biến thành tàn tro, đàn bà con gái biến thành công cụ tiết dục cho người Chiêm Thành ... Từ thuở lập quốc đến nay chưa có thời đại nào ô nhục như vậy.

Trong lúc cả triều đình đều vô vọng thì trong chiến dịch lớn thứ bảy, Chế Bồng Nga bị tỳ tướng là Bỉ Lậu Kê chỉ điểm cho quân Trần. Hai bên khai chiến, quân Trần tập trung hỏa khí bắn vào chiến thuyền màu xanh của Chế Bồng Nga, thế là bóng ma đè lên nhà Trần gần hai mươi năm tan biến như mây khói.

Chế Bồng Nga chiến tử, tỳ tướng của hắn là La Ngai cướp ngôi vua, vương triều thứ mười hai của Chiêm Thành kết thúc.

Lúc đó, hai đứa con trai của Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan và Chế Sơn Na đem tàn dư của vương triều thứ mười hai chạy sang Đại Việt. Chế Bồng Nga đánh cho nhà Trần tan nát không gượng dậy nổi nhưng con trai hắn lại được vua Trần phong tước Hầu.

Chế Ma Nô Đà Nan ở Đại Việt từ thời Trần qua đời Hồ, sau này được Hồ Quý Ly phong làm trấn thủ hai châu Tư, Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay). Khi nhà Hồ sắp mất, Chế Ma Nô Đà Nan lại được phong làm Thăng Hoa quận vương, từ ấy cầm quân dân Việt – Chiêm ở Thăng Hoa chống người Chiêm tới chết. Thật là châm chọc

Nghĩ tới ông già của Chế Thanh cũng coi là một nhân vật, không biết hắn kế thừa được mấy phần khí phách của cha. Mặt Lê Ý có chút xuôi xuống, hỏi Lê Khiêm.

- Có thể tin tưởng chứ?

Nhếch mép cười, Lê Khiêm mỉm cười chắc nịch.

- Thù nhà nợ nước, chỉ e là hắn càng mong được tắm máu thành Đồ Bàn hơn cả chúng ta mà thôi.

Lê Ý gật đầu nhìn Chế Thanh, nhếch miệng cười chậm rãi bước đến đối diện hắn nói.

- Người Chiêm, biết nói tiếng Việt sao?

Chế Thanh hài hước nói bằng giọng Đông Kinh tiêu chuẩn.

- Mỗ lớn lên ở Thăng Long.

Nghe thấy danh tự đã lâu này Lê Ý không khỏi ý vị nhìn Chế Thanh.

- Chu cha mạ ui, hóa ra là người Thăng Long à, ta còn tưởng mi nuôi chí báo thù cho cha cùng hơn hai vạn người trong thành Cổ Lũy chứ. Chế Ma Nô Đà Nan ở thế giới bên kia mà biết con trai mình triệt để trở thành người Thăng Long thế này hẳn là sẽ “sung sướng” lắm đây.

Chế Thanh chợt hú lên một tiếng vọt về phía Lê Ý, tay thành trảo như vuốt chim Ưng. Nếu như để ưng trảo của Chế Thanh chạm được vào người thì đừng nói là xương cổ yếu ớt, cứng như gỗ lim cũng chưa chắc đã còn toàn vẹn.

Thế nhưng, trên đời có nhiều nếu như vậy sao? Chế Thanh còn chưa sờ đến góc áo Lê Ý đã thấy Lý Vĩ đứng ngay bên cạnh một chân đạp tới khiến hắn sõng soài trên sàn tàu, mấy tức trôi qua không thấy bò dậy.

Mấy lão già thân binh của Lê Khôi có một môn võ hoặc bí kỹ gì đấy rất tà môn, lần trước Lê Điền bắt ả đàn bà người Thái cũng thế, hôm nay Lý Vĩ vô hiệu hóa Chế Thanh cũng vậy. Đều chỉ ra một đòn mà đối thủ tay chân vô lực không còn sức kháng cự gì.

Trên mặt treo nụ cười ôn hòa, Lê Ý từ trên cao nhìn xuống Chế Thanh, nhả từng chữ.

- Đàn ông sống ở trên đời, không nên thiếu dũng khí cùng quyết đoán, nhưng quan trọng hơn là càng phải biết kính sợ. Ngày trước ta đi dẹp một tên giặc cỏ tên là Bạc Thường ở Tâm Châu, tên đó làm người rất có mị lực, huynh đệ vào sinh ra tử tới ba bốn trăm người. Cá nhân so với mi hẳn là không kém phần dũng cảm, lại càng thêm khôn ngoan, càng thêm quyết đoán. Nhưng hắn thiếu hẳn lòng kính sợ, vì vậy hắn phải chết, tâm huyết mấy năm trời theo hắn hóa thành lửa bụi. Đám huynh đệ dũng mãnh mà trung trinh của hắn đa phần chết trận. Phụ nữ và trẻ em dưới tay hắn ta coi làm dê hai chân đuổi về Cẩm Giang làm nô, là nô lệ đến hết đời. Hiểu?

Nói rồi mây trôi nước chảy phất nhẹ tay bảo đám người tản ra, không thèm hỏi tội Chế Thanh nữa.

Trong khoảnh khắc ấy, không ai để ý vẻ mặt Chế Thanh thay đổi từ quật cường biến thành vô phương, tự vấn, cuối cùng dường như có một tia minh ngộ.

Hai mắt hắn sáng rực nhìn bóng lưng Lê Ý khuất sau cánh cửa khoang thuyền trưởng.

*Chú thích.

(1) Giá đóng tàu dựa theo giá phổ quát của thành bang Venice giữa thế kỷ XVII. Giá đóng mới thuyền carack dao động từ 10-15 ducat mỗi tấn chưa tính lãi. Giá đến tay người mua tầm 20-30 ducat mỗi tấn.

Ducat là loại đồng xu vàng của Đế quốc Đông La Mã, mỗi ducat chứa 3,54g vàng.

Cứ tạm tính 1 lượng vàng = 9,4 ducat = 12-16 lượng bạc. Lấy giá trung bình là 20 ducat/ tấn, tính ra mỗi con tàu xấp xỉ 300 tấn sẽ có giá từ 7600 - 10200 lượng bạc.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK