• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Chương 49: Nhân Từ

Mặt trời đúng hẹn ngoi lên như hòn bi sắt khổng lồ bị nung đỏ, lão tặc thiên khoái chí hắt ánh bình minh của mình xuống nhân gian, nhuộm cả mặt biển thành màu vàng cam.

Nghi Sơn tuy gọi là sơn nhưng thực chất chỉ là một quả đồi thấp, điểm cao nhất độ hơn trăm mét so với mặt biển.

Tuy nhiên, Lê Ý cũng không khinh thường quả núi lùn này, từ góc nhìn của nó chỉ thấy ánh ban mai bị Nghi Sơn che khuất, tạo nên một đường ranh giới rõ ràng giữa cái tinh khôi, sôi động, tràn ngập sức sống của ánh bình minh với cái tối tăm, mờ mịt, u tĩnh của cảng biển buổi rạng sáng. Quả là một khung cảnh khơi gợi nhiều cảm xúc.

Chưa đợi Lê Ý ăn trộm bài thơ vịnh cảnh nào đó khoe mẽ với Trịnh Đạo thì lão tặc thiên đã bắt đầu treo cao qua tầm núi, khu đông cảng dưới chân quả núi lùn bị dãy buồm lớn màu trắng hơi ố vàng che kín mít, dội ngược ánh mặt trời làm nó lóa cả mắt.

Lê Ý đã đấu tranh với mấy lão già mãi mà không đổi được màu buồm, cứ để cái màu trắng này vừa dễ bẩn vừa hắt nắng xuống đám thủy thủ, khi đi biển xa rất dễ choáng đầu mệt mỏi.

Theo nó thì màu buồm tốt nhất là xanh lá, tệ một chút màu xanh rêu cũng được, phải cái mấy lão già nhất quyết cho rằng sơn màu trắng trên biển dễ nhìn thấy nhau, nó cũng không thể không thừa nhận là trên góc nhìn nào đó thì mấy lão già có lý.

Văng vẳng khắp bến cảng là tiếng trống, tiếng kẻng điều phối, tiến đến gần còn có tiếng mõ của thầy mo đang cúng biển, mâm cúng chỉ có rượu nếp cùng bánh trái, trầu cau.

“Hẳn là Thủy Tinh cũng thích nhai trầu cho chắc răng, chứ pha hỏi vợ bị chơi một vố cay như thế thì phải nghiến răng nhiều lắm, ha ha ...”

Vừa suy nghĩ tầm bậy nó vừa quỳ xuống trước vị bái ở mũi thuyền, lạy bốn lạy rồi đổ rượu tế xuống biển, hai anh em Trịnh Đạo, Trịnh Bang cũng bê bánh trái trầu cau ném xuống bằng hết.

Lễ tất, từ chiếc Định Hải của Lê Ý vang lên tiếng tù và báo hiệu, cả đoàn thuyền nối đuôi nhau ra khỏi cảng, đi đầu là ba chiếc thuyền Đại Phàm dò đường, kế đến là chiếc Định Hải chở theo bọn Lê Ý, khóa đuôi là chiếc Định Hải còn lại.

Trên biển rộng nắng gió chói chang, cả đội thuyền cứ theo thứ tự tiến về phía trước, đám thuỷ thủ khéo léo chỉnh buồm sao cho cân bằng giữa lượng gió thu được và độ ổn định của thuyền. Một thủy thủ có kinh nghiệm thường rất kiêng kỵ cho thuyền hứng thẳng hướng gió chính.

Đi thuyền như vậy có thể khiến gió tràn ra mặt sau của buồm chính gây những trận rung lắc bất ngờ. Chơi kiểu đó được một lúc là thủy thủ cả thuyền thi nhau nhớ người yêu ngay ... ai nấy đều yêu em Huệ.

Dưới sự hợp tác của thủy thủ đoàn, đoàn thuyền nhanh chóng bắt được luồng gió xiên phù hợp rồi cứ thế dọc theo tuyến đường biển quen thuộc đều đặn lướt trên mặt biển.

...

"Ngu, ngu đến thế là cùng, ở thành Nghi Sơn đàn ca sáo nhị không sướng à, sao mày ngu thế hả Bang ..."

Ba ngày đi trên biển đã làm hao sạch hứng thú của Trịnh Bang, bây giờ nó đang nằm chết dí trong khoang thuyền trưởng, trợn mắt cá chết nhìn nóc khoang, mồm lầm bầm vô nghĩa.

Lê Ý nhú đầu vào nhìn thấy nó sinh không thể luyến như thế lắc đầu chậm rãi sải bước đến cuối thuyền. Chỉ thấy Trịnh Đạo cùng hai tên phụ tá đang tíc cực ném một chiếc phao có buộc dây đánh dấu vạch số. Hết chiếc này đến chiếc khác được ném xuống rồi kéo lên, tên này đang đo đạc các thông số của tàu Định Hải.

Thấy Lê Ý đến, hắn không quay đầu lại, mồm vừa ngậm bút vừa hỏi.

- Thuyền Định Hải này không đi nhanh hơn được à? Trung bình mỗi canh giờ chỉ đi được khoảng hai mươi tám đến ba mươi bảy dặm (5,5-7,4km/h).

Lê Ý nhún vai.

- Không phải không đi nhanh hơn được, loại thuyền này được thiết kế để đạt tốc độ tối đa sáu mươi tới sáu lăm dặm mỗi canh giờ.

- Vậy sao không đi nhanh hơn, thời gian chính là bạc đấy.

Lê Ý cười nhạt.

- Vậy em hỏi anh, anh cưỡi ngựa phi nước đại cả ngày có mệt mỏi không?

Thấy Trịnh Đạo có vẻ hơi ngộ ra, nó đủng đỉnh.

- Đơn giản là không đáng mà thôi, thủy thủ cũng là người, cũng cần chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, thường ngày vắt kiệt sức lao động của họ khi gặp phải gió bão làm sao bây giờ? Lấy ai xoay xở cứu thuyền?

Trịnh Đạo liếc mắt khinh bỉ nhìn Lê Ý.

- Mi nói thì hay lắm, thế hơn hai vạn tù binh người Thái năm đó đưa sang Xương Hóa bây giờ còn lại bao nhiêu người? Anh nghe nói trước sau chỉ có không đến bốn ngàn tên được mi lấy làm lính cho thương hội, số còn lại gần một vạn bảy ngàn tên đầu tắt mặt tối ở cái mỏ sắt Thạch Lục ấy đã ba năm nay.

Lê Ý nhếch mép cười với Trịnh Đạo.

- Anh Đạo, bất chấp việc chúng khai thác mỏ sắt có nguy hiểm, vất vả đến đâu thì ít nhất chúng vẫn được ăn no, vẫn chưa phải chết. Anh có biết chỉ riêng cái tội theo Cầm Cương nổi loạn thì để cho chúng còn sống trên đời đã là nhân từ lớn đến mức nào rồi không? Hơn nữa, bây giờ không có một vạn bảy ngàn, à không, bây giờ chỉ còn một vạn sáu ngàn thôi. Không có một vạn sáu ngàn tên quáng nô ở mỏ sắt Thạch Lục ấy thì gang, sắt hai ba năm nay thương hội cung cấp đến Vạn Tượng (LanXang), Đại Thành (Ayuthaya), Lan Nạp (LanNa) ở đâu ra? Dựa vào mấy cái mỏ ghẻ ở Đồng Hỷ với Trấn Yên à?

Lê Ý ngửa cổ uống một ngụm nước chanh đường rồi liệng cái bình cho Trịnh Đạo, thỏa mái nói.

- Từ trên trời rơi xuống chỉ có mưa và cứt chim mà thôi, em sẽ không ban phát ơn huệ cho chúng một cách hào hiệp như thế, lòng thương hại của em chỉ dành cho đồng bào Lạc Việt, tốt thêm chút nữa thì mở rộng một điểm cho anh em người Mường, chấm hết. Năm đó bọn chúng họp nhau làm loạn nên ta có mấy vạn tù binh, đã là tù binh thì lý lẽ sống duy nhất của chúng là đem lại lợi ích cho ta. Nếu không có mỏ sắt ở Thạch Lục thì sắp xếp để cho chúng canh tác các đồn điền quanh kinh đô cũng được thôi, nhưng ai bảo bên đảo Quỳnh Châu này có cái mỏ sắt to thế.

Nghe Lê Ý thuyết giáo, Trịnh Đạo ngáp một cái rõ dài, giọng chùng xuống.

- Anh mõm thế thôi, thực ra anh cũng biết thả chúng về thì không được, còn đưa chúng đi làm phu đào kênh hoặc đồn điền thì già lắm hai ba năm chúng sẽ chết quá nửa. Đám cai đội ở phía dưới đớp dày lắm, tù binh rơi vào tay bọn này mỗi ngày ăn được quá một nửa lượng thức ăn ở mỏ Thạch Lục thì anh đi đầu xuống đất. Mi nói ngoài miệng thế thôi, trong bụng vẫn tương đối mềm.

Lê Ý bị Trịnh Đạo bóc mẽ có chút cùn, ra sức thanh minh nói.

- Có những nơi cần những kẻ như bọn chúng, chỉ có đám kêu trời trời không thấu, gọi đất đất chẳng thưa như chúng, cả đời không thể sống rời khỏi mỏ quáng mới giữ được bí mật cho chúng ta. Nói đâu xa, gần bốn ngàn hộ vệ của chúng ta ở đảo Quỳnh đã là vượt pháp chế, lộ ra thì cả triều đình được dịp nhiều chuyện.

Đám hộ vệ người Thái của các cứ điểm trên đảo Quỳnh là một thử nghiệm nhỏ về mô hình quân đội mới của hai chú cháu Lê Nguyên Long và Lê Ý.

Đám này là tù binh người Thái lao động ở mỏ sắt có biểu hiện tốt, bị Lê Ý cho người tẩy não, sau đó mộ vào quân đội, nhiệm vụ chính của đám này là bảo vệ các cứ điểm dọc sông Xương Hóa cũng như mỏ sắt Thạch Lục khỏi ánh mắt dòm ngó của đám tù trưởng người Lê.

Đừng tưởng đám tù trưởng này mắt nhắm mắt mở cho người của Lê Ý tuyên truyền thuyết Âu Cơ trăm trứng, xây dựng kho tàng, bến bãi, hầm mỏ v.v. nghĩa là chúng đã quy phục Đại Việt. Như Lê Khôi đã nói, "chỉ có lợi ích mới là sợi dây bền chắc nhất trên cổ bất cứ con chó nào". Nếu để chúng biết cái mỏ quáng mà người của Lê Ý đang khai thác kia là quặng sắt thì nghênh đón cứ điểm của thương hội ở Xương Hóa chỉ có thể là chiến tranh.

Đám lính này bỏ hẳn mô hình vệ - sở chế mà Đại Việt học từ Đại Minh, tổ chức theo mô hình cơ - doanh chế. Cứ mười hai lính là một ngũ, ba ngũ là một đội (36 lính), ba đội là một cơ (108 lính), từ ba đến mười hai cơ hợp lại thành một doanh (324 - 1296 lính). Doanh là đơn vị tác chiến tiêu chuẩn của mô hình này.

Lý do của cải cách quân sự này thực rất đơn giản, súng hỏa mai. Khi triển khai đội hình bắn cấp tập theo hàng, Lê Ý nhận ra thời gian nạp đạn của súng hỏa mai quá lâu. Đội hình toàn súng hỏa mai theo ý tưởng của nó tỏ ra quá dễ bị tổn thương giữa mỗi lần khai hỏa.

Để khắc phục, nó để binh lính sử dụng đội hình bắn cấp tập ba hàng xen kẽ nhau, khi một hàng khai hỏa áp chế đối phương thì hai hàng khác nạp đạn.

Đến đây lại phát sinh một vấn đề khác, mô hình vệ - sở chế hiện tại mà quân đội Đại Việt đang sử dụng tỏ ra quá xơ cứng, thiếu khả năng cơ động chiến thuật cần thiết.

Đơn cử như khi bắn cấp tập cần xếp thành ba hàng, tuy nhiên một đội hai mươi người thì không tài nào xếp đủ ba hàng được, kiểu gì cũng có một hàng thiếu người.

Để giải quyết được tính xơ cứng của đội hình yêu cầu cấp thiết là Lê Ý phải thay đổi ngay từ gốc rễ của vấn đề, tức là mô hình biên chế quân đội.

Xây dựng quân đội theo mô hình cơ - doanh chế cho phép các đơn vị quân đội của Lê Ý thực hiện các mệnh lệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn, qua đó chỉ huy dễ dàng kiểm soát tốt hơn đối với những đội hình phức tạp hơn.

Không những thế, mô hình cơ - doanh chế còn tăng cường tính thích nghi của quân đội. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng đơn vị, từng quân binh chủng, từng hoàn cảnh chiến đấu, một đơn vị chiến đấu tiêu chuẩn có thể thu nhỏ về ba bốn trăm lính, cũng có thể bành trướng lên gần một ngàn ba trăm lính.

Giả dụ như các doanh đệ nhất và đệ nhị, là đơn vị phụ trách thủ vệ mỏ đá cùng bến tàu đều có tới mười hai cơ, biên chế gần một ngàn ba trăm lính. Trong khi đó, các doanh đệ tam, đệ tứ, đệ ngũ chịu trách nhiệm bảo vệ các cứ điểm nhỏ hơn cũng như hộ tống thuyền chở hàng dọc sông Xương Hóa lại nhỏ gọn hơn, chỉ có ba tới bốn cơ, biên chế từ hơn ba trăm đến hơn bốn trăm lính mà thôi.

Đương nhiên, đi kèm với những lợi ích đó thì mô hình quân đội mới cũng có những vấn đề mới.

Nhãn tiền nhất là gia tăng số lượng sỹ quan cấp trung và cấp thấp. Nếu như ở mô hình cũ, để kiểm soát một ngàn hai trăm lính chỉ cần tầm bảy mươi sỹ quan cấp trung và cấp thấp thì ở mô hình mới, con số này lên đến một trăm năm mươi sáu người. Nghĩa là tăng gấp hai lần rưỡi.

Hơn nữa, vũ khí phức tạp hơn chiến thuật phức tạp hơn và phối hợp phức tạp hơn còn đòi hỏi các sỹ quan cấp trung và cấp thấp phải có tố chất cao hơn để đưa ra các mệnh lệnh chỉ huy các đội hình nhỏ hơn.

"Đám tân quân của ta sẽ dùng súng dạy cho lũ man mọi của thời đại này biết thế nào là sức mạnh của sắt và lửa. Để chúng quỳ rạp dưới họng sắt đen thui của thứ đứng đầu trong ba thứ định mệnh của các xã hội loài người đi, hà hà ..." (1)

Lại nghĩ miên man rồi, Lê Ý cũng chả biết nãy giờ Trịnh Đạo đã đang nói đến đâu.

- ... nghe chú Tuy nói chưa đến trăm dặm nữa là đến Hải Khẩu ... đã từng ấy năm rồi đám thổ dân trên đảo Quỳnh vẫn ngồi thuyền độc mộc cùng đinh ba bắt cá nhỉ.

Theo hướng tay Trịnh Đạo chỉ đến, Lê Ý chỉ thấy bờ nam eo biển Quỳnh Châu có ba bốn con thuyền của ngư dân người Lê đang tác nghiệp. Mấy tên thanh niên cầm đinh ba phóng đến ùm xuống nước, ít phút sau lại ngoi lên, trên đinh ba còn con cá rõ to ngoe nguẩy.

Lê Ý cười xòa nói.

- Biển cả không chỉ có mặt lãnh khốc, khắc nghiệt mà còn có một mặt nhân từ, bao dung. Không chỉ giáng thiên tai gió bão mà còn dùng cá tôm mà nuôi sống tất cả con dân của nó, dân ngụ cư ở miền biên viễn của biển cả như mấy làng chài này cũng không ngoại lệ.

Lý Vĩ chẳng rảnh nghe Lê Ý tỏ vẻ nguy hiểm,chỉ thấy đám ngư dân đâm cá có vẻ thú vị bèn chạy khắp thuyền tìm một cái đinh ba, kiếm mãi chẳng được cái nào lão buộc dây vào đuôi mũi tên rồi ngồi trên đầu thuyền bắn cá.

Ấy thế mà lão lại bắn trúng được một con to như bắp đùi mới lạ, đúng là nghề kiếm cá của lão Vĩ không phải bốc phét ra được, Lê Ý vui vẻ xuống bếp, hôm nay ăn cá nhúng mẻ.

* Chú thích:

(1) Ba định mệnh của xã hội loài người là súng, vi trùng và thép.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK