• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Đại Việt từ xưa là một quốc gia nông nghiệp, dân chúng cơ bản có thể sống đến hết đời mà không cần đi quá xa khỏi lũy tre làng. Nếu có nhu cầu trao đổi buôn bán gì thì cũng có thể sử dụng đường thủy.

Vì vậy triều đình Đại Việt từ buổi đầu lập quốc không mấy coi trọng chuyện làm đường, trong mắt các nhà cầm quyền ở Hoa Lư và Thăng Long làm đường chỉ là nhu cầu thứ cấp đứng sau vét kênh và đắp đê.

Mãi tới cuối thời Trần, với nhu cầu tập trung quyền lực ngày càng cao cũng như vận chuyển vật tư, lực lượng quân sự ngày càng tăng những năm đầu niên hiệu Long Khánh (1373-1377), vua Trần Duệ Tông đã cho xây đắp đường xá nối từ Thăng Long vào đến Hà Hoa (Hà Tĩnh).

Đến thời Hồ, năm Thiệu Thành thứ hai (1402), vua Hồ Hán Thương lại cho đắp đường đến tận Hóa Châu (Huế), đặt phố xá cùng dịch trạm, đường Thiên Lý có từ đây.

Thời Lê Sơ từ lộ Lạng Sơn (Bắc Đạo) đến huyện Tư Vang (Thuận Hóa) hơn hai ngàn dặm đường, mỗi ba mươi đến bốn mươi dặm lại có một trạm dịch. Mỗi trạm có 12 người, trong đó có một đội phu, một đội phó và 10 phu trạm cùng 4 con ngựa.

Mỗi trạm bốn ngựa tuy không nhiều nhưng cơ bản là đủ để truyền tải công văn của triều đình đến trạm kế tiếp. Đám phu trạm vì kiếm thêm thu nhập cũng kiêm luôn việc ăn ở cho khách thương, quan lại công cán ngang qua.

Giả dụ như đoàn người của Lê Khôi chiều hôm nay chẳng hạn, Lê Khôi đem theo hai tên gia thần Lê Cẩn, Đỗ Hậu cùng đám nội thị của Lê Nguyên Long và sáu mươi thân binh. Hết thảy gần trăm người đến dịch trạm ở huyện Duy Tân, chỉ còn cách thành Đông Kinh tầm trăm dặm nữa.

Ý Nguyễn Cung muốn đi thâu đêm rạng sáng mai về đến Đông Kinh nhưng Lê Khôi ý vị cười lắc đầu.

Bốn ngày đi hơn bốn trăm dặm, dù người hay ngựa đều đã mệt mỏi vô cùng, Kinh Lộ đang phong vân biến ảo, ai mà biết được có con chó điên nào cùng đường dứt dậu không cơ chứ.

Binh lính phải được giữ vững thể lực để sẵn sàng đối mặt bất cứ tình huống phát sinh nào.

Vào dịch trạm, rửa ráy qua loa một chút Lê Khôi liền gọi đám người Lê Cẩn, Nguyễn Cung vào phòng bàn bạc.

Nghiêm trang ngồi trên chủ vị, Lê Khôi nhìn Nguyễn Cung, hắn đầu đội mũ mềm, trên khảm một miếng bạch ngọc, người mặc áo viên lĩnh, hông thắt đai, chân đi đôi giày đế mỏng, mặt đen không râu. Tuy đã ngoài bốn mươi nhưng hai mắt linh động vô cùng, trông rất có tinh thần, môi hơi cong có vẻ chưa nói đã cười.

Nguyễn Cung là viên hoạn quan thân cận nhất của Tiên Đế, năm xưa Lê Sát thấy Lê Nguyên Long tin dùng Cung, tâu xin Hoàng Đế giết đi, vua không nghe. Đến mức Lê Sát cáo ốm không vào chầu vua vẫn không nghe là vì Nguyễn Cung giỏi xu nịnh sao?

Thái Tổ nói: “Hoạn quan chỉ dùng để hầu hạ, dọn dẹp trong cung thôi, chuyện trong nhà trên triều phải dựa vào gia thần”.

Lê Khôi cho là phải, trong nhà lão mấy tên gia thần đều thân như tay chân, có việc gì đều có thể nương cậy vào. Vì vậy ban đầu nghe tin Lê Nguyên Long vì một tên hoạn quan mà làm phật lòng Lê Sát thì lão khá khó chịu.

Đến hôm nay Lê Khôi cũng không thể không thừa nhận Lê Nguyên Long có phép dạy hoạn quan, gần trăm tên thiến hoạn phục thị hắn đều trung thành cảnh cảnh, kể cả vua chết cũng không ảnh hưởng chúng tiếp tục thi hành nhiệm vụ được giao.

Mười bảy tên nội thị năm năm như một ngày theo Lê Chiêm khai hoang, không ngại việc tay chân vất vả mà ngày ngày quan sát tiến độ, ghi chép luôn luôn.

“Thằng Long đúng là có đám nô tỳ được việc.”

Lê Ý thầm than, đoạn bình thản hướng Nguyễn Cung hỏi.

- Chuyện ở Đông Kinh mi nắm được hết chứ.

Nguyễn Cung vẫn đứng khom người, Lê Khôi là Lê thị Đại Tông Chính, chủ tử đã băng, tiểu chủ còn nhỏ tuổi, làm nô tài như hắn bây giờ cứ nghe theo Lê Khôi là được, chẳng lẽ Lê Khôi còn có thể cướp ngôi cháu mình hay sao, nghĩ đến đây hắn lại khom lưng cung kính.

- Bẩm Đại Tông Chính đại nhân, lão nô đúng là có nghe qua một chút.

Nghĩ đến thế cục Đông Kinh, Lê Khôi không khỏi nhức đầu, với thế và lực hiện tại của tông tộc họ Lê mỗi một nước cờ đều cần cẩn trọng như đi trên cầu khỉ. Hít một hơi thật sâu, lão chậm rãi nói.

- Tình hình hiện tại căng thẳng, tháng trước có kẻ nhịn không nổi nắn gân Lê thị, ta đã cho chúng bài học nhỏ. Nhưng tình thế kinh thành vợ goá con côi không dễ thao tác, vả lại, ở Đông Kinh ta cũng không thiện mở sát giới. Bọn mi lần này về kinh phải giải trình sản lượng lúa gạo ở Cẩm Giang, đây là chuyện lớn, chỉ cần vụ mùa năm nay có thể triển khai ở lộ Thanh Hoá, vụ Chiêm sang năm phổ cập khắp Kinh Lộ thì không còn đứa nào dám dị nghị gì Thái Hậu nữa. Khi đó quyền lực sẽ suôn sẻ truyền đến tay tiểu Hoàng Đế.

Nguyễn Cung biết kỹ thuật gieo trồng mới chính là con bài quan trọng nhất trong tay tông tộc họ Lê, sắc mặt phục tùng mà nghiêm túc.

- Hầu gia an tâm, hồ sơ năm năm nay lão nô đã kiểm kê đầy đủ, đều chép làm hai bản, một bản chuyển về Đông Kinh do Trần Hanh coi giữ, bản thứ hai vẫn trong tay lão nô. Người có thể chết hết nhưng hồ sơ sẽ đầy đủ về kinh.

Nghe viên hoạn quan trình bày, Lê Khôi nhẹ gật đầu, Lê Cung làm việc cực kỳ cẩn trọng, năm năm ở Cẩm Giang lão chưa thấy Lê Cung chểnh mảng bao giờ, giọng lão xa xăm.

- Cuối năm ngoái có kẻ lấy lời than của Nguyễn Trãi trước khi bị hành hình xin giết bọn Đinh Phúc, Đinh Thắng. Hẳn là bọn chúng muốn nhúng chàm đến Nhập nội Kiểm sát ty. Ta đã đảm bảo tính mạng cho bọn Phúc, Thắng, lại sai bọn chúng đi làm việc công cán ở nơi khác. Bây giờ tả hữu đô đốc do gia thần Thái Tổ là Lê Lễ cùng nội thị Lương Hy đảm nhiệm. Lần này mi về Đông Kinh phải chấn chỉnh lại con dao trong tay Hoàng Đế, Lương Hy còn trẻ tuổi chưa biết hết đường ngang ngõ tắt, còn Lê Lễ lại kiêng kỵ quá nhiều, những kẻ ở Đông Kinh kia đã không còn lòng kính sợ.

Chuyện là năm Thiệu Bình thứ tư (1437), Lê Khôi về Đông Kinh nhậm chức Nhập nội Tư mã ghé qua nhà ở Ngọc Sơn nghe lời Lê Ý nói gần nói xa liền xúi Lê Nguyên Long thành lập tổ chức tương tự như Cẩm Y Vệ của nhà Minh.

Về cơ bản “Nhập nội Kiểm sát chỉ huy sứ ty” (gọi tắt là “Nhập nội Kiểm sát ty” hoặc đơn giản hơn là “Kiểm sát ty”) cũng có các chức năng giám sát, thẩm tra, thu thập thông tin về quan lại, huân quý, thế tộc đến cả thường dân.

Tuy nhiên, khác với Cẩm Y Vệ, Nhập nội Kiểm sát ty không chỉ chịu trách nhiệm trước Hoàng Đế mà còn với Đại Tông Chính. Nghĩa là, đây không chỉ là tai mắt của Hoàng Đế mà còn là tai mắt của tông tộc họ Lê.

Hơn nữa, so với Cẩm Y Vệ, Nhập nội Kiểm sát ty là lực lượng thuần về kiểm tra, giám sát và mật vụ hơn chứ không có quyền xét xử.

Phải biết, Cẩm Y Vệ nhà Minh có chiếu ngục riêng, cơ quan tư pháp riêng v.v. nghĩa là có quyền độc lập điều tra, bắt giữ, xét xử. Người bị Cẩm Y Vệ điều tra thì “tam pháp ty” (tức là Hình Bộ, Đô Sát Viện, Đại Lý Tự) không có quyền can thiệp.

Ban đầu Lê Nguyên Long cũng đòi quyền này cho Nhập nội Kiểm sát ty. Tuy nhiên, sao chép y nguyên Cẩm Y Vệ thì Kiểm sát ty có khác gì thanh kiếm sắc gác lên cổ cả triều đình lẫn huân quý. Thế là cả quan văn lẫn quan võ, cả huân quý lẫn sỹ tộc đều sống chết phản đối, ngay cả thân tín như Trịnh Khả, Lê Ngang, Lê Thụ v.v. cũng không ủng hộ Lê Nguyên Long.

Hoàng Đế cũng không làm gì hơn được, đành phải thoả hiệp.

Kể cả như thế, hơn hai ngàn người của Nhập nội Kiểm sát ty vẫn là cái gai trong mắt, cái đinh trong thịt quan lại cả triều đình.

Nếu Lê Nguyên Long không băng sớm chỉ cần mười đến hai mươi năm tìm một cơ hội mở rộng quyền lực cho Nhập nội Kiểm sát ty không phải việc khó. Tiếc là hắn “tự nhiên” băng ở vườn vải, thế là có một số kẻ nhìn thấy cơ hội để nhúng chàm vào lực lượng khủng khiếp này.

Đó là lý do chúng không chờ đợi được đòi bắt tả hữu Đô đốc Đinh Phúc, Đinh Thắng đem chém. Nếu lúc đó Lê thị mà tỏ vẻ núng thế thì chúng đã đòi đưa người vào Kiểm sát ty luôn cũng chưa biết chừng.

Nghe Lê Khôi nói có người muốn chấm mút dao sắc do Lê Nguyên Long dày công rèn đúc, trong cặp mắt linh động của Nguyễn Cung ánh lên một tia hung tàn rồi rất nhanh lại bị vẻ phục tùng che khuất. Hắn chắp tay vái.

- Đại Tông Chính đại nhân an tâm, tâm huyết của ngài cùng chủ tử Cung tuyệt không để kẻ nào chạm tới, một chút cũng không được.

Nguyễn Cung kiểm soát tâm tình rất tốt, nhưng Lê Khôi là ai, trong đáy mắt ánh lên một tia hài lòng, lão vỗ vỗ vai Nguyễn Cung thoả mái nói.

- Buông tay hành sự đi, cái ghế Nhập nội Kiểm sát chỉ huy sứ ty Chưởng vệ sử của mi bỏ trống hơi lâu rồi đấy.

Làm gia nô trung thành đến mức này cũng là hiếm, lão thấy mình nên cho Lê Cung một liều thuốc trợ tim. Ngự hạ chi thuật mà, từ năm tám tuổi lão đã được Lê Lợi xách tai dạy dỗ rồi. Thế là lão ghé vào tai Lê Cung nói nhỏ.

- Hung tàn trong mắt mi ta đã thấy, không cần phải che dấu lệ khí của mi trước mặt ta. Mi không nên quên, thằng Long là em ta, làm Hoàng Đế vẫn thế, hiểu?

Lê Cung nghe Lê Khôi gọi chủ tử là “thằng Long” chứ không phải Tiên Đế hay gì khác, liền biết thái độ của Lê Khôi với chủ tử nhà hắn. Hai hàng nước mắt chảy dài, phủ phục xuống đất lạy Lê Khôi.

- Tông Chính đại nhân tại thượng, Cung thề cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi.

Hài lòng biết liều thuốc trợ tim của mình đã phát huy tác dụng, trước khi trả thù cho chủ đám tử trung này sẽ không tìm đường chết, Lê Khôi chậm rãi bước về phía cửa sổ ngẩng đầu nhìn nửa vầng trăng treo ngang trên bầu trời đầy sao,giọng lão trầm rền mà lãnh tĩnh.

- Đứng lên đi, đợi giải quyết xong những kẻ ám hại em ta, ta sẽ để bọn mi đi theo hầu nó. Tưởng ta không biết đám hoạn quan bọn mi mấy chục đứa đều quyết chí xuống hoàng tuyền theo hầu thằng Long à? Chẳng qua đại thù chưa báo tụi bây chưa dám chết thôi.

Lê Cung đứng dậy lau nước mắt rồi thoả mái cười the thé.

- Được lời này của đại nhân lão nô không còn lo lắng chi nữa.

Đúng lúc này Đỗ Hậu bê mâm cơm vào, Nguyễn Cung bèn lui ra.

Lê Khôi ăn được mấy miếng, chợt hỏi Đỗ Hậu đứng hầu bên cạnh.

- Hậu, mi nói xem lời thằng Ý nói hôm đó như thế nào?

Đỗ Hậu biết lúc này không phải là Lê Khôi đang thực sự cần một câu trả lời từ hắn, chẳng qua là suy nghĩ vương vấn trong đầu cần xả bớt ra để tư duy được mạch lạc hơn mà thôi. Vậy nên hắn chỉ cúi đầu không nói.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK