Lê Khôi cặm cụi cuốc một rãnh nước dẫn vào ruộng muống mới của lão, lão cho rằng mùa hè vẫn còn bốn năm tháng nữa mới hết, nên có một ruộng muống thi thoảng ngắt vào ăn rau muống luộc, vắt chanh húp miếng nước luộc rau cũng mát.
Mà nào chỉ rau muống, cứ có hứng thú với rau gì là lão hì hục trồng cái đó, mới từ cuối năm ngoái tới nay khắp cả khoảnh vườn cạnh ao cá nào rau cải đắng, nào cà tím, nào dưa chuột nào hành lá v.v.
Trồng cây gì cũng phải có rãnh dẫn nước ao vào, không thì gió Lào thổi vài ngày thành cỏ héo hết, Lê Ý bị ông già nó trưng dụng làm cu ly rải ống luồng dẫn nước mấy lần rồi.
Thành ra giữa mùa hè Hải Tây mà vườn rau của Lê Khôi vẫn một màu xanh mướt.
Lê Khôi ngẩng đầu nhìn thành quả bảy tám tháng qua của lão, lại hít một hơi thật sâu, luồng không khí thanh lương len lỏi qua từng bó cơ mạch máu làm lão khoan khoái.
Bước vào đình nghỉ mát uống hớp nước, đập vào mắt Lê Khôi là Lê Ý nằm vắt vẻo trên võng, thằng quý tử của lão đang chán nản đưa mắt cá chết lên chơi trò đấu mắt với mặt trời.
Lê Khôi buồn cười sút vào đít nó.
- Mấy mẫu ruộng cạn thôi mà, có cần phải nghiêm trọng như thế không.
Lê Ý uể oải.
- Đó nào phải ruộng cạn, đó là bạc, hơn hai vạn lượng bạc mỗi năm đấy bố.
Lê Khôi cười bí hiểm.
- Nếu bố nói bây giờ bố có ít nhất hai cách giải quyết vấn đề nan giải của mi thì sao.
Lê Ý giật mình mém rơi xuống ao, nó trố mắt nhìn ông già nó.
- Thật ?
Lê Khôi ngửa mặt lên trời kiêu ngạo.
- Bố lại cần phải lừa mi!
Nó lay tay Lê Khôi vẻ mặt van nài.
- Bố, bố ruột của con, Đại tướng quân của ta, ngài mau nói đi, ngài không nói con ngay lập tức sẽ chết á.
Lê Khôi cầm ấm chè mát lạnh, uống một ngụm rõ to rồi đủng đỉnh.
- Cách thứ nhất là trồng những thứ lúa có khả năng chịu khô hạn tốt. Trước kia ta còn trấn thủ thuận hóa đã nghe người ở đó nói về giống lúa màu đen du nhập từ Vạn Tượng. Thứ lúa này có thể trồng ở ruộng cạn, sườn núi mà vẫn sinh trưởng bình thường. Bọn chúng nói năng suất khoảng sáu trăm năm mươi đến bảy trăm cân một mẫu. Nếu đem được giống lúa đó về đây mi có niềm tin đẩy năng suất lên gấp rưỡi chứ ?
- Sáu trăm năm mươi đến bảy trăm cân mỗi mẫu? Thế là bằng khoảng gần tám phần mười lúa nước, cũng coi là không tệ.
Kiếp trước kiếp này Lê Ý đều chưa tiếp xúc với các giống lúa cạn nên không biết giới hạn trên của chúng đến đâu. Nhưng nó còn có xưởng nghiên cứu giống cây trồng ở Ngọc Sơn.
“Kể cả giống lúa đó không đưa nổi lên hơn ngàn cân mỗi mẫu thì cũng có thể đưa về Ngọc Sơn lai giống lấy gen chịu hạn. Không năm năm thì mười năm, ta có chính là thời gian, không tin không thuần phục được mi.”
Ý tưởng của Lê Khôi như chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho Lê Ý, nó có chính là tư tưởng, là công nghệ, là phương hướng để làm mấy trò này.
Nghĩ đến đây, nó chợt cười thỏa mái.
- Bố, ngài chính là chỗ dựa vững chãi của con nha. Còn phương pháp thứ hai là như thế nào vậy bố ?
Lê Khôi biết là nó xu nịnh nhưng vẫn hổng mũi, cười ha hả nói.
- Thứ hai à, chẳng phải mi đã đang làm rồi hay sao?
Lê Ý ngớ người ra.
- Đang làm ... đang làm ...
Nó trợt trợn trắng mắt nhìn ông già, Lê Khôi cười vỗ đầu Lê Ý.
- Chính là đám guồng nước của công xưởng Vĩnh Xương cùng xưởng nghiên cứu Cẩm Giang đó thôi. Mi đã dùng guồng nước lấy sức kéo cho hai cái xưởng kia, sao bây giờ không thể dùng guồng nước để đưa nước lên ruộng cạn.
Chuyện là năm sáu năm trước khi khảo sát nơi đặt công xưởng, nó thấy dòng Lỗi Giang đoạn chảy qua huyện Lạc Thủy có sức nước khá tốt, có thể tận dụng sức nước sinh công tiết kiệm nhân lực. Thế là đặt công xưởng ven sông.
Xưởng nghiên cứu Cẩm Giang (phía bắc thị trấn Cẩm Giang) cùng công xưởng Vĩnh Xương (Cẩm Ngọc và một phần Cẩm Phong/ Cẩm Thủy) đặt tới mấy trăm chiếc guồng nước cỡ hai trượng rưỡi (10m). Động lực của máy xay xát, máy thổi, máy nén, bếp lò, hệ thống làm mát của hai xưởng này đều từ đám guồng nước kia cả.
Nhờ có sức nước, cả cái công xưởng Vĩnh Xương to như vậy chỉ cần chưa đến hai ngàn nhân công.
Nghĩ đến giải pháp ngay dưới mắt mình mà nửa ngày đần độn không nghĩ ra, Lê Ý tự vả mặt mình ba bốn cái.
“Đúng nha, sao mình lại đần độn như thế, không nhất thiết phải làm guồng nước cỡ đại như công xưởng, làm mấy trăm hơn ngàn cái guồng nước đường kính cỡ một trượng rưỡi đến hai trượng (6-8m) chẳng phải đã có thể bơm nước lên ruộng cao một trượng đến một trượng rưỡi (4-6m) hay sao.”
Tát xong nó bỗng hờ hờ cười như mất hồn.
Lê Khôi lầm bầm.
“Đúng thật là, có lúc thì khôn ranh như quỷ, có lúc lại đần như lợn.”
Có phương hướng giải quyết vấn đề là được rồi, huống chi Lê Khôi cấp cho hắn tới hai phương án, lần đầu tiên nó cảm thấy ông già nó đáng yêu như vậy.
Nó tạm thời tha thứ cho ông già nó cái tội bắt nó làm cu li vác ống luồng cho lão.
Mà nói đúng ra, Lê Ý cũng chả hiểu sao người có tuổi thích trồng rau nuôi cá đến thế, không có việc gì là ông già lại vác cuốc mai ra vườn. Nằm nhoài người trên võng từ sáng tới chiều như nó có phải sướng không.
Lê Khôi bảo với Lê Ý đây là vui thú điền viên sau này lớn lên nó sẽ hiểu.
Lê Ý cười khinh thường, lão làm như lão chăm điền viên lắm ý, chẳng qua hồi còn mồ ma chú Long đứng ra can gián bị ông chú đuổi về vườn. Từ đó lão mới siêng chuyện cỏ cây rau quả.
Chuyện là đầu năm ngoái, hồi còn mồ ma chú Long. Nó chợt nhớ ra là cuối năm ông chú nó “đột nhiên” băng ở vườn vải, vạ lây cả nhà Nguyễn Trãi bị tru di.
Nó liền mạo hiểm kiếm cớ nói với ông già nó là không nên để chú Nguyên Long tiếp tục cà khịa đám huân quý nữa.
Ông chú nó đúng là có sở thích mấy trò mạo hiểm, sinh vào thời hiện đại hẳn là giỏi mấy môn như parkour, lướt ván, nhảy dù lắm.
Năm Thiệu Bình thứ tư (1437), tháng sáu Lê Nguyên Long cho gọi Trịnh Khả (người có thù với Lê Sát) về chưởng quản cấm quân, lại đưa đám thân thích của Lê Sát là Lê Hiệu, Lê Ê nhậm chức ở bên ngoài (1).
Vài hôm sau liền hoạch tội Lê Sát, thôi cứ cho là ông ta chuyên quyền, với lại thời điểm đó vua chỉ đuổi Lê Sát xuống đài, cũng không ai trách vua cái gì.
Cơ mà sao sau này lại bày trò giết Lê Sát. Đâu phải khắp triều đường đều là người ngu, Lê Sát nuôi võ sĩ để giết ai, giết để làm gì? Chẳng lẽ Lê Sát có thể giết vua lên làm Hoàng Đế hay sao? Chẳng qua mọi người cho là vua còn trẻ, hành động theo cảm tính nên ai nấy đều cho qua.
Đến tháng mười hai vua gọi ông già nó về cầm quân Tây Đạo (2) rồi quen mùi lấn tới bày trò giết Lê Ngân, mà giết vì cái tội giời ơi chả ai nghe nổi. Ừ thì cũng biết Lê Nguyên Long muốn thu quyền tể phụ, tập trung quyền lực vào tay vua, thế nhưng có nhất thiết phải chơi mấy trò tanh máu công khai vậy không?
Thiên hạ này nào chỉ là thiên hạ của họ Lê, cách đối đãi công thần của Thái Tổ đã quyết định thiên hạ này là thiên hạ của huân quý, trong đó Hoàng Đế là lão đại. Bây giờ lão đại giết lão nhị lão tam như giết gà có ai không sợ hãi bất bình.
Tình hình căng thẳng đến mức huân quý tỏ thái độ ra mặt.
Lê Nguyên Long sợ đám huân quý lật đổ hắn đưa Lê Tư Tề lên ngôi bèn phế Lê Tư Tề làm thứ dân, bắt đổi sang họ Nguyễn Hữu (3).
Sau đó lại sủng ái Dương thị Bí để lấy lòng sỹ tộc Kinh Lộ, tăng cường thế lực bản thân, khiến huân quý không dám rục rịch.
Được năm trước năm sau Lê Nguyên Long nhận ra không có quân quyền của huân quý Thanh Nghệ thì quyền lực của mình vẫn nguy như chồng trứng.
Suy cho cùng căn cơ của vua vẫn là huân quý Thanh Nghệ, bèn đền bù cho phe huân quý bằng cách “sủng ái” cháu gái Nguyễn Chích là Nguyễn thị Anh (4) rồi lập con của Nguyễn thị Anh làm Thái Tử.
Như thế quan hệ giữa vua với tập đoàn huân quý mới trở lại bình thường. Dương Phi cùng đứa con trai của bà là Lê Nghi Dân bị vua vứt đi như giày rách.
Làm hòa chưa được hai năm Lê Nguyên Long lại chuẩn bị tìm chết.
Khoa thi năm Đại Bảo thứ ba (1442) lấy mười tiến sĩ, hai mươi ba đồng tiến sĩ xuất thân. Nghe có vẻ không có gì đặc biệt đúng không, đế vương chi thuật mà, nâng đỡ thư hương môn đệ lên cân bằng quyền lực với huân quý, nếu bình thường thì mọi người đều vui vẻ thôi.
Cái tìm chết ở đây là ông chú nó còn cho dựng văn bia vinh danh đám tiến sĩ ở Văn Miếu (5).
Vì sao đây lại là chỗ chết ? Vì đến đám huân quý vung đầu lâu, vẩy nhiệt huyết theo Thái Tổ đuổi quân Minh còn chưa được dựng văn bia tưởng niệm, dựa vào đâu dựng văn bia vạn thế cho lũ toan nho kia ?
Đó chẳng phải là nói toẹt vào mặt đám huân quý rằng: "Toan nho là gốc gác trăm năm của triều đình, chờ chúng nó cứng cáp tao sẽ đồ sát cả lò nhà chúng mày" hay sao?
Nó thấy không ổn liền xui Lê Khôi.
- Chú Long mới mấy năm trước triệt hạ các ông Lê Sát, Lê Ngân. Mới xoa dịu vài năm lại trọng dụng thái quá bọn học sinh mới đỗ đạt sẽ chọc giận huân quý. Đến lúc đó chả đẹp mặt ai đâu.
Lê Khôi cho là chí lý chạy một mạch về kinh khuyên Lê Nguyên Long, vua không nghe đuổi Lê Khôi về Nghệ An. Sau lại mượn cớ chuẩn bị chinh phạt Chiêm Thành cho duyệt binh ở Chí Linh nhân tiện dằn mặt huân quý. Nó lại nửa úp nửa mở nói với ông già nó.
- Chú Long nguy ngập lắm rồi, giờ chú ấy mà chạy sang huyện Gia Định mời Nguyễn Trãi ra cầm đầu lũ toan nho nữa thì hết cứu.
Ông già nó lại lật đật chạy ra Đông Kinh khuyên Lê Nguyên Long không nên đến nhà Nguyễn Trãi, ông chú nó không chịu nghe, còn bãi chức Lê Khôi đuổi về nhà “hối lỗi”.
Từ giờ khắc đó là nó biết không tài nào cứu nổi Lê Nguyên Long rồi. Đúng là trời gây nghiệt, còn đường sống, tự gây nghiệt, cứu không nổi.
* Chú thích: (1) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển 11, tờ 40a, 40b.
(2) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển 11, tờ 49b.
(3) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển 11, tờ 50b.
(4)Trong truyện này mình thiết lập Nguyễn thị Anh là cháu gái Nguyễn Chích vì ba lý do.
Thứ nhất, bà Nguyễn thị Anh vừa vào cung đã được tấn phong làm Thần Phi. Phải biết mẹ vua Lê Thánh Tông là bà Ngô thị Ngọc Dao là dòng dõi công thần khai quốc. Ngô Từ - cha bà - là gia thần nhà Lê Lợi (tương tự như quan hệ Lê Điền với Lê Khôi trong truyện) mà vào cung mới chỉ được phong là Tiệp Dư. Vậy nên, nếu bà Thần Phi xuất thân bình dân thì địa vị của bà trong hậu cung là rất bất thường.
Thứ hai, bà Nguyễn thị Anh đủ khả năng cũng như quyền mưu để trị quốc. Thời kỳ cai trị của bà thiên tai nhân họa liên tiếp nhưng bà vẫn vững tay lèo lái con thuyền nhà Lê đến khi Lê Nhân Tông trưởng thành. Nếu thân phận của bà chỉ là thường dân thì năng lực của bà cực kỳ bất thường.
Thứ ba, từ hai lý do trên mình đi đến kết luận bà Thần Phi gần như chắc chắn là con cháu huân quý, vậy câu hỏi còn lại bà là con cháu ai ? Xem xét đến dữ liệu quê hương của bà ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Đây là quê của tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Chích cũng có đầy đủ địa vị cũng như uy vọng để đưa con/ cháu lên vị trí cao như Thần Phi trong hậu cung nhà Lê.
(5)“Đại Bảo năm thứ ba (1442), tháng 3, tổ chức thi hội cho sĩ nhân trong nước. Cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Nhữ Đổ, Lương Như Hộc 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Lại sai soạn văn bia, dựng bia ghi tên các tiến sĩ. Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây.
(ĐVSKTT, bản kỷ, quyển 11, tờ 55a)