• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Vào đến khoang thuyền trưởng, Lê Khiêm vội vàng chắp tay vái.

- Bẩm thiếu chủ, Chế Thanh là cao thủ đi biển mà thần kiếm được. Năm xưa người của Chế Ma Nô Đà Nan đưa được hắn chạy ra Đông Kinh nuôi dạy mười mấy năm dưới thời Ngô thuộc. Hắn lớn lên bèn đem bộ hạ cũ xuống Tân Bình làm cướp biển, cốt là để xây dựng thế lực chờ dịp trả thù. Chẳng mấy chốc dưới tay hắn có ba bốn chiếc thuyền lớn, hơn trăm tên bộ hạ, căn cứ trên đảo Bình Hải (đảo Cồn Cỏ). Chế Thanh mấy lần đánh cướp thương thuyền của ta, thần ba lần bốn lượt thiết kế mới lên đảo bắt sống được, tiếc rẻ một thân bản lĩnh của hắn nên tự ý chiêu nhập thương hội, còn xin thiếu chủ trách phạt.

Lê Ý khoát tay.

- Bỏ đi, một tên chó nhà có tang mà thôi, không gây hại lớn gì, chưa biết chừng bữa trước bữa sau lại có chỗ dùng.

Lý Vĩ gật đầu cho là đúng.

- Thiếu chủ nói phải lắm,người làm đại sự phải có tấm lòng dung chứa người trong thiên hạ, năm xưa Thái Tổ nhờ đâu mà thành được đại sự? Chẳng phải vì người bụng dạ khoan dung, không chấp lỗi lầm nhỏ, không màng hiềm khích quá khứ đó sao. Ví như bọn ngụy quân ngụy quan là Cầm Bành, theo giặc Ngô chống cự với quân ta mấy tháng trời, thế mà y ra hàng, Thái Tổ vẫn bỏ qua lỗi lầm cũ, không mảy may xâm phạm gia viên của y. Sau này Cầm Bành đương đêm đem người bỏ chạy, Thái Tổ bất đắc dĩ phải giết để làm gương. Vì đức độ như thế nên quần hùng khắp thiên hạ không ai không theo về, nghĩa quân cả nước không ai không hướng tới. Ngược lại như Giản Định nhà Hậu Trần, tính cách đa nghi, khí độ nhỏ hẹp. Dù có được bọn lương thần như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân cũng phải chịu cảnh diệt vong mà thôi.

Lê Ý cười trừ lắc đầu.

- Chú Vĩ nói quá rồi, không đến mức như thế, chẳng qua là làm việc không nên xét nét kỹ càng quá. Cứ tỵ hiềm người ta có khuyết điểm này, tâm tư kia thì đào đâu ra người để dùng, gia thần nhà ta cũng chỉ có bảy tám hộ như vậy.

Nhoáng một cái đã đến giờ cơm trưa, Lê Ý cùng với Lê Khiêm, Lý Vĩ ngồi trên bàn thuyền trưởng, thức ăn so với thuyền viên phong phú hơn nhiều. Không phải vì trên thuyền không đủ thức ăn dự trữ, càng không phải Lê Ý không muốn tạo dựng mối quan hệ với thuyền viên. Chẳng qua là với điều kiện đặc thù trên biển phải theo từng tiểu tiết nhỏ mỗi ngày mà tạo ra phản xạ thần phục vô điều kiện của thuyền viên với thuyền trưởng.

Yêu cầu căn bản của thuyền viễn dương, kể cả thương thuyền hay chiến thuyền là những lúc thuyền gặp nguy cơ sống còn, đám thuyền viên phải không do dự chút nào mà tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng. Kể cả những khi thuyền lâm vào bão táp hay tác chiến, mệnh lệnh thuyền trưởng đưa ra cho thuyền viên phần chết lớn hơn phần sống cũng không được phép có chút nào do dự.

Dưới bàn thuyền trưởng là hai chiếc bàn dài, cả bàn và ghế đều được đóng chết xuống boong tàu. Không chỉ bàn ghế ăn, tất cả những thứ có thể di động đều được đóng chết hoặc buộc chặt cố định. Bây giờ bàn ghế hẵng còn một số góc nhọn, nhưng giờ này ngày mai hẳn là sẽ được gọt thành viền cong hết.

Nói đùa cái gì, ra biểm gặp bão lớn mà xô người vào mấy cái góc bàn này chỉ có trời cứu.

Từng tên thuyền viên xếp thành hàng bê khay ăn đến ô cửa phòng bếp, từ lâu người trong thương hội đã quen với cách xếp hàng lĩnh cơm này. Đầu bếp thuần thục chất vào khay ăn một muôi lớn cơm, một món rau, một món mặn cùng một ít dưa chua, cuối cùng là nửa quả chanh.

Đi biển dài ngày không có thứ này sẽ bị bại huyết hàng loạt, đến lúc đó thì quỷ thần khó cứu. Đám thủy thủ quen thuộc vắt chanh vào món rau xào rồi cắm đầu ăn, ăn xong bỏ vỏ nửa quả chanh vào mồm nhai nhóp nhép, vị hơi ngang nhưng mùi rất thơm.

...

Thuyền buồm tụ tập ngày một nhiều, khu vực riêng cho thuyền của thương hội Vĩnh Xương ở mé đông bắc cảng Nghi Sơn đã chi chít cánh buồm, mấy ngày nay bốc vác tất bật đem hàng xuống chất đầy từng thuyền, đến giờ này thuyền nào thuyền nấy đầy ắp hàng hóa.

Riêng hai chiếc Định Hải đang hối hả lắp đại pháo lên thuyền, mỗi bên mạn thuyền trang bị mười sáu khẩu đại pháo, hai bên mạn tổng cộng ba mươi hai khẩu, thượng tầng trước sau đều có năm khẩu nữa, hết thảy là bốn mươi hai khẩu đại pháo.

Đây đương nhiên là cấu hình đi buôn, chỉ trang bị pháo cho một tầng boong, tầng còn lại dùng để chứa hàng. Ở cấu hình tác chiến, toàn bộ hai tầng boong lẫn thượng tầng đều chứa đầy pháo, số đại pháo trang bị cho thuyền có thể dễ dàng tăng lên gấp đôi, nghĩa là tám mươi tư khẩu trên mỗi thuyền.

Ngày hôm kia Lê Khôi đã sai ngựa chạy trạm báo cho Lê Ý biết, đầu tháng bảy này Lê Khuyển sẽ vào đến Tây Kinh, điểm quân ở đại doanh An Tôn, cuối tháng bảy Lê Khuyển sẽ đem hơn một vạn hai ngàn quân Thanh Nghệ vào đóng giữ ở phủ Hà Hoa (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh), từ đây vào đến phủ Triệu Phong (nay là Thừa Thiên - Huế) chưa tới sáu trăm dặm.

Nếu người Chiêm bí quá làm liều ở Thuận Hóa thì chỉ cần độ mười đến mười hai ngày là quân của Lê Khuyển có thể đến nơi. Tính cả thời gian ngựa chạy trạm báo tin, triệu tập thuyền bè, phu phen nữa thì từ khi có biến đến lúc Lê Khuyển đem quân vào Triệu Phong hẳn là không dài hơn một tháng.

Đừng xem thường một tháng là chậm, các cuộc chiến tranh thời đại này thường có tốc độ diễn tiến khá khoan thai. Trong lịch sử, tháng bốn năm Thái Hòa thứ ba (1445), người Chiêm sang đánh cướp Hóa Châu, mãi đến tháng sáu năm ấy triều đình Đông Kinh mới phát binh cứu viện.

Thời gian phản ứng một tháng hiện tại đã coi là cực kỳ thần tốc, người Chiêm hẳn là sẽ bất ngờ lắm.

Lại nói, theo ý Lê Khôi, người Chiêm muốn đánh phá Hóa Châu thì trước hết phải tu bổ xong hai thành Cổ Lũy cùng Chiêm Động. Xây đắp hai thành này có nhanh thì cũng phải tháng giêng năm sau mới xong. Đến lúc đó, ắt là chúng sẽ chờ gió mùa tây nam nổi lên mới giong buồm ra biển, tức là sớm nhất cũng phải tháng tư, tháng năm năm sau người Chiêm mới động binh.

Công suất ở xưởng đóng tàu Nghi Sơn hiện nay cho phép mỗi bốn đến năm tháng hạ thủy một cặp tàu Định Hải, từ nay đến tháng năm năm sau hẳn là đủ thời gian để hạ thủy thêm hai cặp tàu nữa.

Đến lúc đó, với sáu tàu Định Hải trong tay, việc giữ hai cửa biển ra vào phủ Triệu Phong là cửa Eo (nay là cửa Thuận An) cùng cửa Tư Dung (nay là cửa Tư Hiền) không có gì lo lắng.

Chỉ cần bịt kín đường ra vào không cho rút chạy thì đám quân Chiêm Thành đổ bộ vào Triệu Phong không khác gì ba ba trong rọ, Lê Ý thích nhất là trận vây đánh kiểu này.

Nhìn năm mươi tám con thuyền buồm đậu lúc nhúc trong cảng, Lê Ý không khỏi lắc nhẹ đầu, thuyền theo nó đi lên phía bắc chuyến này chỉ có hai mươi bốn chiếc Đại Phàm cùng hai chiếc Định Hải, tổng cộng là hai mươi sáu chiếc.

Ba mươi hai chiếc Đại Phàm còn lại đều là thuyền tải lương thảo, quân nhu cho quân doanh mới của Lê Khuyển ở phủ Hà Hoa.

Mỗi chiếc thuyền Đại Phàm có thể tải mười hai vạn cân (~72 tấn) gạo, riêng lương gạo trên hai mươi bốn chiếc thuyền mang theo đã đủ cho quân của Lê Khuyển ăn trong vòng năm tháng.

Suy cho cùng, Nguyễn thị Anh không có cũng không dám có phách lực của Lê Nguyên Long, vậy nên ứng phó với cuộc chiến sắp tới ngoài sáu ngàn quân lưu thủ Thuận Hóa chỉ còn mười hai ngàn quân tiếp viện ở Hà Hoa.

Lê Nguyên Long không động thì thôi, mười năm nhịn nhục. Đã động thì rung chuyển trời đất, đánh mấy tên mán mọi ở miền núi cũng điều hơn hai vạn quân Thiết Đột. Đến năm ngoái duyệt binh ở Chí Linh chuẩn bị đánh Chiêm Thành hết thảy gần mười vạn đại quân.

Có lẽ cũng vì cái phách lực đó mà Lê Nguyên Long phải chết, mười vạn đại quân tính cả phu phen ít nhất cũng mười tám đến hai mươi vạn miệng ăn. Lê Nguyên Long thấy không có lương xuất chinh bèn ra tay với huân quý ép chúng khai thuế “lộc điền”, thế là bụp ... Lê Nguyên Long băng .

Nói như thế không hẳn là Lê Nguyên Long bị đám huân quý cho lên đĩa, chẳng qua là hắn cho tất cả các phe một thời cơ, một cái cớ để hạ thủ mà thôi. Có quá nhiều kẻ có thể hưởng lợi từ cái chết của hắn, thử nghĩ xem, chỉ cần Lê Nguyên Long băng, hiềm nghi số một sẽ là ai?

Nếu tông tộc họ Lê không giữ được bình tĩnh thì một cuộc chiến không khoan nhượng giữa hoàng tộc và huân quý sẽ nổ ra, đến lúc đó tất cả mọi người đều vui vẻ ăn mừng, không phải sao.

Gài làm sao cho hoàng tộc kết luận huân quý là thủ phạm đâu phải là việc khó khăn gì. Đó là lý do Lê Khôi từ năm ngoái đến nay đã tiệm cận phát hỏa nhưng trước sau vẫn không ra tay tàn ác. Chính hắn cũng không biết những thông tin trong tay mình là thật hay do kẻ khác cố tình bày ra cho hắn thấy.

Ngược lại, cũng không phải là phe huân quý không có chút hiềm nghi nào. Bọn chúng, mà đúng hơn là đám công điền giả danh “lộc điền” của bọn chúng chính là mục tiêu công kích chính của Lê Nguyên Long. Dưới đĩa đèn thì tối, ai biết chúng có đang lợi dụng điểm mù tư duy để ngang nhiên ra tay hay không?

Quốc gia mới bắt đầu ổn định trở lại sau cái chết của Lê Nguyên Long, Nguyễn thị Anh không dám làm bất cứ thứ gì có thể dẫn đến nội loạn. Bà ta nóng lòng tranh phong với bà Ỷ Lan, với Trương Thái hậu nhà Minh xem ai mới là sử thượng đệ nhất Thái Hậu.

Vậy nên chỉ muốn an ổn giao giang sơn Đại Việt vào tay Lê Bang Cơ, có một chút thành tích quân sự kinh tế càng tốt. Đến lúc đó phủi tay rũ áo trốn vào hậu cung ăn nằm chờ chết lấy một cái mỹ thụy kiểu “Chiêu Minh Hoàng Thái Hậu”, “Tuyên Ninh Hoàng Thái Hậu” gì đó nữa là hoàn hảo.

Lê Ý hít một hơi thật sâu, bây giờ đã là đầu tháng bảy, chỉ còn độ ba tháng nữa là gió mùa sẽ đổi chiều, chuyến đi này cũng nên gói gọn trong ba đến bốn tháng là tốt nhất, đến độ tháng mười, tháng mười một thuận gió về còn kịp ăn tết.

Bàn giao công việc cho đám cai phu, nó leo lên xe ngựa về nhà, Lê Khiêm đánh xe lộc cộc chạy qua chính đạo của thành Nghi Sơn. Khác với đa số các tòa thành ở thời kỳ này, thành nghi sơn không có tường bao hay cửa nẻo phân chia các phường.

Vậy nên cả ngày lẫn đêm đều có thể từ cổng chính nam theo đường lớn chạy một mạch về Lê phủ ở thành bắc. Hôm nay là sinh nhật của nó, Lý Vĩ đã sai người tổ chức một bữa tiệc nhỏ.

Vào đến chính đường thấy một lão già độ sáu bảy mươi tuổi mặt hồng tóc bạc ngồi khoanh chân trên sập, tay lần chuỗi phật châu, mồm nhóp nhép nhai trầu, đầu hơi ngửa lên trời mắt lim dim ra điều khoan khoái lắm.

Lê Ý chưa kịp nhận ra là ai thì Lý Vĩ đi theo sau đã cất tiếng giới thiệu.

- Thiếu chủ, đây là Thái phó Lê văn Linh đại nhân.

Nghe thấy ba chữ Lê văn Linh, Lê Ý liền vội tiến tới chắp tay vái dài.

- Vãn bối Lê Ý, bái kiến Thái phó đại nhân.

Nói đùa cái gì, lão già này chính là tam triều nguyên lão, tính tình thẳng thắn cương trực, năm đó Lê Nguyên Long sai giết Lê Sát, lão thẳng thắn bộc bạch, lại xin tội cho Sát, cuối cùng thà chịu phạt chứ không chịu hùa theo ý vua. Lê Ý ở Hải Tây nghe được chuyện này cũng không thể không giơ ngón cái khen một tiếng, hay cho lão đầu thà gãy không cong.

Lê văn Linh nghe thấy Lê Ý vái chào gật nhẹ đầu, đoạn lão mở mắt ra, ánh mắt của lão già gần bảy mươi tuổi mà sáng quắc như mắt ưng, cảm giác được ánh mắt của Lê văn Linh, Lê Ý không khỏi có chút mất tự nhiên.

Được một lát Lê văn Linh thu hồi lăng lệ trong đáy mắt giọng ôn từ.

- Thành Nghi Sơn quản lý rất tốt, nghe đồn là một tay mi bỏ sức quy hoạch.

Lê Ý vội chắp tay cúi đầu đáp.

- Hồi lão đại nhân, mọi người vun hết cho vãn bối mà thôi, Ý chẳng qua góp một phần công sức nho nhỏ.

Thanh âm Lê văn Linh vẫn ngà ngà như vậy.

- Công lao của mi việc gì phải chối, nếu thành Nghi Sơn do công của người khác sao cả Đại Việt không có thành Nghi Sơn thứ hai. Khiêm tốn là tốt, nhưng thái quá thì thành giả tạo.

- Ý, xin thụ giáo. Không biết lần này lão đại nhân về Nghi Sơn có việc gì ạ?

Lê văn Linh chỉ cười không nói, Lý Vĩ ở phía sau cất giọng trả lời.

- Bẩm thiếu chủ, Thái phó đại nhân lần này về Hải Tây bàn chuyện gia nhập thương hội Vĩnh Xương, đã được chư vị lão gia đồng thuận. Hôm nay ngài ấy đến Nghi Sơn quan sát cung cách làm việc của thương hội.

Nghe thấy lý do vậy mà như thế, Lê Ý chắp tay hướng sập gỗ.

- Ra vậy, lão đại nhân muốn đi thăm thú nơi nào? Ý, tùy thời theo hầu.

Lê văn Linh đủng đỉnh nói.

- Không vội, khi nào muốn ta sẽ tự đem phó dịch đi xem.

Nói rồi lão phất tay ra hiệu Lý Vĩ lui ra ngoài, chờ lão Vĩ đã lui ra, Lê văn Linh mới đứng thẳng lưng lên hỏi.

- Nghe nói, sư phụ mi là thế ngoại phương sỹ.

Chuyện Lê Ý là đệ tử tiên nhân ở khắp Cẩm Giang không ai không biết, theo con đường nào đó tới tai các vị đại nhân vật ở Đông Kinh cũng chả phải chuyện to tát gì. Thấy nó thống khoái chắp tay xác nhận, Lê văn Linh ra vẻ hiếu kỳ.

- Sư phụ mi là ai, thời đại nào, là người Lạc Việt hay tộc khác?

Quái đản, Lê Ý vốn tưởng mấy lão già sắp xuống lỗ như Lê văn Linh sẽ hỏi về thuốc trường sinh, ngay cả vạn cổ nhất đế như Tần Thủy Hoàng cũng không vượt qua nổi cái cám dỗ đó. Nó đã chuẩn bị lý do thoái thác với mấy lão già đi tìm phép trường sinh từ lâu. Cuối cùng câu hỏi của Lê văn Linh lại là nguồn gốc của sư phụ nó.

Ngẫm nghĩ thật kỹ, ở cái thời đại người phương đông tự coi mình là cái rốn của vũ trụ này, dù nó có nói sư phụ nó là Socrates, Platon hay Aristoteles trong mắt mấy lão già này hẳn cũng chỉ là phường man di lông lá. Xuay vần chốc lát, nó cẩn thận mở miệng trả lời.

- Hồi lão đại nhân, sư phụ của vãn bối tất nhiên là người Lạc Việt, họ Triệu, tên Hoàn, người đất Chu Diên. Từ khi nước Vạn Xuân mất thì thề không xuống núi nữa, cứ thế cô quả trên núi hoang tu tập không biết năm tháng. Nháy mắt xuân thu, đại đạo có thành đúng lúc người Ngô tứ ngược khắp non sông đất nước ta. Sư phụ lấy họ giả là Trịnh, xưng hiệu là Bạch Thạch, làm phương sỹ chu du khắp nơi tìm người có chí khí đứng ra lo việc đuổi người Ngô khôi phục nước nhà.

Lê văn Linh nghe Lê Ý nói miệng liền lẩm bẩm.

- Triệu ... Hoàn ...Hoàn ... Phục Hoàn ...

Chợt lão mở to mắt lần đầu tiên thất thanh nói.

- Triệu Quang Phục, hắn không phải đã chết ở cửa Đại Nha sao?

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK