Lão tặc thiên cuối cùng cũng bắt đầu ngả về tây, tạm ngừng ban phát "tình yêu" nồng nhiệt của mình xuống đại địa.
Trong doanh địa của quân Nam Xương, Lê Ý vừa luyện đao xong đang ngồi trong bồn tắm thuốc, ngâm nga bài hát mà nó tương đối thích nhưng không biết tên.
- Ta đã từng hứa yêu nhau đến muôn đời sau. Anh vẫn luôn khắc sâu nhưng hôm nay ân tình phai màu. Còn gì nữa đâu và đừng buông lơi những câu. Ta phải xa rời nhau như hoa kia dần úa màu ...
Lê Khôi nhìn con trai độc nhất mặt đần ra, rên ư ử như chó phải đòn, buồn cười đập vào vai nó, hăng hái nói.
- Mi thích con gái nhà ai không được mà "hoa kia dần úa màu". Nếu thích bố đến "nói chuyện" với người lớn nhà người ta là được. Đất Đại Việt này tao lo hết, họ Trần đập chậu cướp hoa chả lẽ họ Lê ta làm không được.
Nó chán nản nhìn ông bố, bàn tay lão to như tay gấu, nó thì vừa luyện tập xong cơ xương đang chua hơn giấm vỗ nhẹ một phát như chày gỗ đập vào vai làm nó đau méo cả miệng.
Lê Khôi năm nay đã có tuổi, muốn bế cháu rồi. Bây giờ nhìn người ta con cháu đầy cả sảnh đường lão cũng thèm, vậy nên hai năm nay Lê Ý khốn khổ với ông già nó. Cứ thấy nó có hứng thú với con gái nhà ai, kể cả đã hứa hôn thì lão cũng hừng hực khí thế quyết bắt về làm con dâu.
- Bố à, năm nay con mới mười bốn tuổi, để thư thái bốn năm năm nữa .
- Đợi mi thư thái bốn năm năm, đống xương già này xuống mồ à.
Lão Khôi nói thế làm nó im hẳn, người xưa mà, sống trung bình độ năm mươi, sáu mươi. Chả phải tự nhiên người ta nói "bảy mươi xưa nay hiếm". Ông già nó năm nay đã bốn bảy bốn tám, hên thì sống thêm được mười hai mươi năm. Xui thì giống trong lịch sử, được bốn năm nữa liền bất đắc kỳ tử.
Trung thực mà nói yêu cầu của lão cũng không cao, thời đại này rặt một đám trẻ con mười bốn mười lăm dựng vợ gả chồng, cá biệt tám chín tuổi cũng có, chính ông già cũng cưới mẹ cả năm mười bốn tuổi, sau mẹ cả cùng chị cả nó bị giặc bắt giết, lão già mới tái giá với mẹ nó.
Phải tội nó còn chưa đến mức có hứng thú với loli, muốn mông không có mông, muốn ngực nhìn đám khỉ đột Nam Xương quân có khi còn màu mỡ hơn.... phi phi tại sao lại liên tưởng đến bộ ngực mỡ màng của mấy tên dã nhân đấy cơ chứ.
Lại nói, cứ chê người ta trẻ con, bản thân nó cũng mới mười bốn tuổi, sinh lý đã tới tầm quái đâu mà cưới với chả hỏi.
Không gian chợt tĩnh lặng lại, hai bố con đều không nói gì. Được một lúc lão Khôi lắc đầu kê ghế ra ngoài trướng vừa ăn cơm vừa nhìn quân doanh, trong đầu không biết đang tính toán gì. Nó cũng lặng lẽ đứng dậy khỏi thùng nước thuốc, mặc quần áo, kê cái ghế vừa ăn vừa nhìn xuống bờ sông. Chiều muộn mấy em gái người Thái đang đi tắm tiên ... đèo mẹ đây mới là ngực, đây mới là mông chứ, chả bù cho đám loli ông già nó giới thiệu.
Cái gì, sao các em gái bên đó không sợ đám khỉ đột doanh trại bên đây ý hả? Cái ngữ lên trên này mà không quản được cạp quần thì chết trăm tám mươi lần không biết tại sao chết. Truyền thuyết bùa ngải ở đây không phải chuyện đùa mà được viết bằng máu và nước mắt.
Đám thương nhân trên thương lộ đông tây Đại Việt tới Miến Điện đều không phải hạng lương thiện gì đã bao nhiêu lần bỏ xác viễn xứ là vì lẽ gì? Bất kể vũ lực mạnh đến mấy mà cái cạp quần không trung thực thì ... nói chung là ngu đến thế chỉ có zời cứu.
"Lại nghĩ miên man rồi, không biết các em gái Thái tắm xong lúc nào".
Trong lòng tiếc hùi hụi, nó quay vào nhặt bát cơm ông già ăn xong đem đi rửa. Vừa rửa vừa nói câu được câu không với lão Lê.
- Bố.
-Nói.
- Con muốn làm tướng quân.
Trầm ngâm một lúc, Lê Khôi ngẩng đầu nhìn sang.
- Không muốn làm thiên hạ đệ nhất chó nhà giàu nữa à?
Úp hai cái bát vừa rửa lên giá, cầm khăn lên lau tay, nó thấp giọng đáp.
- Vẫn muốn, nhưng muốn làm thiên hạ đệ nhất chó nhà giàu phải biết cắn người.
Lại trầm ngâm một lát, Lê Khôi đứng dậy, nói.
- Ý, đi săn hươu, đến giờ rồi.
Nó lật đật dọn cái ghế Lê Khôi vừa ngồi rồi đi theo, im lặng nghe lời như năm nó tám tuổi. Năm đó, lần đầu tiên nó bị bố đánh, lần đầu tiên nghe bố giảng giải quân tử chi đạo.
...
Sáu năm trước, nó nằm úp sấp xuống giường, mông nhỏ như hai quả táo chỗ đỏ chỗ tím lồ lộ ra giữa không khí sưng tấy toàn những vằn vện từ roi mây, có chỗ thì rớm máu. Mẹ nó cùng nhũ mẫu bôi thuốc mỡ xong chỉ dám đứng ngoài cửa phòng thút thít, không dám xin xỏ nửa câu.
Lê Khôi bước vào phòng, tay vẫn cầm bình rượu mạnh thằng quý tử vừa đem khoe, nhìn chằm chằm vào cái bình một lúc rồi gọi.
- Ý.
Nó thều thào đáp.
- Dạ.
- Vì sao phải đòn?
Nó nhăn mặt vò đầu một lúc rồi vẫn nghĩ không ra vì sao ông bố hiền hòa hôm nay tự nhiên đánh nó một trận không rõ lý do. Chẳng lẽ rượu mạnh do nó chưng cất là thuốc độc.
- Không biết.
Nhìn đứa con từ nhỏ đã có tiếng là thiên tài của mình, Lê Khôi thở dài rồi nói.
- Mi có biết vừa rồi mi suýt kéo nhà ta vào một cuộc chiến không, nếu không phải ta ở nhà thì nhà ta sẽ sa vào một vũng lầy không thấy máu, không có hồi kết.
Thấy mặt Lê Ý mù mờ, hắn lại hỏi.
- Mi cảm thấy cái gì là chiến tranh?
- Không biết, hẳn là uy phong bát diện, dẫn người đi công thành đoạt đất.
Ngẫm nghĩ một lát, cân nhắc từ ngữ, Lê Khôi chậm rãi.
- Giả dụ đi, Lý Chiêu con chuyển vận sứ Lý Tắc có một con ngựa quý, mi muốn cưỡi nhưng nó chết sống không cho thì mi phải làm sao?
- Mua, con có rất nhiều tiền, đủ mua năm sáu cái nhà rách của cha nó.
- Nhưng nó chết sống không chịu bán thì sao?
- Cướp , con có bôn lôi quyền pháp, rất lợi hại, cướp trước tính tiền sau.
Lê Khôi cười xòa.
- Mi là ăn cướp sao ?
Nó lắc đầu.
- Vậy thì tại sao mi lại cướp ngựa của Lý Chiêu?
- Vì con rất muốn cưỡi ngựa của nó.
Lê Khôi gật nhẹ đầu, thoải mái nói.
- Ý, nhớ lấy. Bất kể trẻ con gây sự đánh nhau, thương trường cạnh tranh, triều đình quan đấu, hay là chiến tranh giữa nước này với nước khác. Bản chất của chiến tranh là lợi ích và phải luôn luôn là lợi ích, là kẻ thắng đối với kẻ bại bóc lột, cướp đoạt, thậm chí là nô dịch. Lý do của chiến tranh là vì tranh giành lợi ích và chỉ được phép là tranh giành lợi ích. Không được phép gây chiến vì ý thích hoặc vì thứ ham muốn chinh phục hư ảo. Con ngựa tốt của Lý Chiêu chính là lợi ích, công thành đoạt đất là lợi ích, uy phong bát diện cũng là một loại lợi ích. Hiểu ?
- Hiểu. Lợi ích chính là nguồn cơn của chiến tranh.
Lê Khôi đặt bình rượu lên bàn, lấy một quả đào bổ đôi bỏ nửa quả vào mồm, nhai xong lão mới hỏi.
- Vậy nếu mi đánh thắng được Lý Chiêu. Nhưng nó không cam lòng, gặp mi ngoài đường nó đem tổ tông 18 đời ra lăng mạ mi phải làm thế nào ?
- Tố cáo nó tội khi quân ạ.
Khóe miệng Lê Khôi giật giật, gõ đến [cốc] vào đầu Lê Ý.
- Bây giờ giả dụ mi không còn là thành viên hoàng tộc mà là con quan bình thường, mi phải làm sao ?
Nó vò đầu ủ rũ.
- Nó bây giờ không còn ngựa, đánh nó không đáng, mà không đánh thì thật khó chịu!
- Việc đầu tiên phải làm, không phải là đấm vào mặt nó, cũng không phải bỏ đi mà là đánh giá tình hình. Suy xét xem nó có ý định đánh nhau với mi hay không. Nếu nó ra tay, nó có thể uy hiếp đến lợi ích của mi hay không? Mi phải suy nghĩ xem nếu mi đấm nó răng rơi đầy đất có thể từ trên người nó đoạt được cái gì?
Nghiêng đầu nhìn Lê Ý đăm chiêu, lão lại nói tiếp.
- Nếu như ... một là nó uy hiếp được lợi ích của mi, hai là giẫm mặt nó dưới chân có thể thu được lợi ích lớn hơn cái giá bỏ ra, vậy thì phải quyết đoán như sấm rền chớp dật mà ra đòn trước. Nếu như nó chỉ biết sính miệng lưỡi, mà trên người nó mẩu lợi ích cuối cùng cũng đã bị mi lấy đi mất rồi thì kệ mẹ nó. Phàm là giao tranh, ắt có tổn thương, mi bị tổn thương là bỏ ra cái giá, lợi ích thu lại không xứng đáng mà vẫn tham chiến là ngu xuẩn.
Thằng nhóc khó khăn điều chỉnh tư thế nằm, cọ vào vết roi làm nó nhăn cả mặt lại, nói.
- Nhưng nó vo ve như ruồi rất khó chịu á.
Lê Khôi thở dài, lão ngồi xổm xuống trước giường, bàn tay to như mo cau chỉnh tầm mắt Lê Ý nhìn thẳng vào mắt mình, chậm rãi nhả từng chữ.
- Làm người, có thể làm những việc thiện nhỏ không thu được lợi ích gì nhưng tuyệt đối không làm chuyện hại nhỏ gây tổn thất cho bản thân. Những kẻ đối mặt với khiêu khích mà không cách nào lãnh tĩnh, vì cảm xúc nhất thời mà làm những việc hại nhỏ nhất định không làm được việc lớn. Hiểu ?
Lê Khôi buông tay ra, bước chậm về phía cửa sổ, ánh mắt từ dinh thự trên đỉnh núi Ngọc Sơn nhìn thẳng ra biển lớn.
Hai cha con cứ im lặng như vậy độ hai mươi phút, chợt có giọng thì thào của đứa nhỏ.
- Hiểu! Giết địch một ngàn tự tổn tám trăm không phải không được nhưng phải thu lại lợi ích tương ứng. Giết địch một ngàn ta tổn một trăm mà không thu được lợi ích thì càng đánh càng yếu, càng đánh càng đến gần diệt vong.
Ánh mắt Lê Khôi chợt sáng lên rồi rất nhanh đạm mạc trở lại, chậm rãi quay thân hình lại, lão dựa vào tường nhìn vào mắt nó từ tốn hỏi.
- Vậy mi giải thích cho bố nghe vì sao mi phải đòn.
Ngẫm nghĩ một lát, sắp xếp từ ngữ xong, nó đáp.
- Rượu mạnh chính là lợi ích, ta cầm lợi ích trong tay mà không chia sẻ với ai tức là tạo cớ cho họ gây chiến. Một nhà, hai nhà, thậm chí năm nhà, mười nhà đều không có ý nghĩa gì với nhà ta. Nhưng quân tử không tham chiến mà không có ích lợi.
- Nói tiếp.
Giọng Lê Khôi gấp gáp hơn một chút.
- Nhà ta đã là hoàng gia tông tộc, lại là tuyệt đỉnh công thần, diệt mấy nhà kia cũng không khiến nhà ta leo lên được bước nào mà qua mỗi một chiến nhà ta đều suy giảm uy vọng, nhân mạch, thậm chí là thánh quyến. Lại nói, nhà ta không thiếu tiền nhưng mấy nhà có quan hệ tốt với nhà ta thì chưa chắc. Ích lợi động nhân tâm, vậy nên ăn một mình là đẩy những nhà có quan hệ tốt với nhà ta về phía đối địch. Ích lợi động nhân tâm, vì vậy ăn một mình là giúp đối thủ của chúng ta đoàn kết. Trăm nhà tranh đua cũng vì chữ lợi, vậy nên ý định độc quyền buôn rượu mạnh là chặt bớt hai cánh của mình mà chắp cho đối thủ, là đẩy nhà ta vào chỗ vạn kiếp bất phục.
- Vậy phải giải quyết làm sao để thu được lợi ích lớn hơn cái giá bỏ ra?
Vò đầu một lúc, nó nói.
- Chia sẻ, chia rẽ, khoác da hổ.
Hơi thở của Lê Khôi chợ trở nên nặng nề như thổi bễ.
- Nói rõ hơn.
- Chia sẻ cổ phần cho mấy nhà thân thiết với nhà ta, ưu tiên mức chia lãi cao hơn cho họ để làm thanh viện, khi bị tấn công có thể dùng mấy nhà này làm khiên giáp cho nhà ta, lợi mình lợi người. Chia rẽ là chọn một số nhà trong ngành buôn rượu cho phép họ phân phối rượu nhà ta để chúng không liên kết với nhau chống nhà ta được. Khoác da Hổ là dựa thế chú Long ở Đông Kinh, hắn là huân quý lớn nhất thiên hạ, bất cứ liên minh nào không bao gồm phần lớn huân quý toàn thiên hạ trước mặt hắn đều là trò cười.
Nó càng nói càng khí thế.
- Làm được ba điều này thì tập đoàn lợi ích của nhà chúng ta không chỉ to lớn hơn mà còn vững chắc như thiết quyền. Đến lúc đó đối thủ muốn cướp miếng bánh từ tay nhà ta cũng phải kiêng dè vạn lần. Kể cả chúng bí quá hóa liều thì ta thừa sức nhất kích tất sát.
Nhìn đứa nhỏ tám tuổi đang nằm sấp trên giường, Lê Khôi cười, ngửa mặt lên trời cười một tràng như điên như dại. Lần đầu tiên trong cuộc đời hắn cười thỏa mãn, suồng sã mà tận hứng đến thế. Ba mươi ba tuổi mới nặn ra đứa con này, xứng đáng.