• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Con người, từ xưa tới nay luôn cố gắng giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng thần thoại, truyền thuyết. Tỉ dụ như sấm chớp là do Thiên Lôi, mưa gió là do Vũ Sư, bão táp lũ lụt là do Thủy Tinh giành vợ với Sơn Tinh.

Rồi từ sáng tạo thần tích giải thích cho hiện tượng tự nhiên người ta - mà cụ thể hơn là giai cấp thống trị - bắt đầu biết sử dụng các hiện tượng tự nhiên như một công cụ cai trị bình dân, về sau những công cụ này tiến hóa đến một hình thức cao cấp hơn là vũ khí chính trị.

Giả dụ như khi hạn hán, mất mùa thì người ta sẽ tìm cách liên hệ sự mất mùa đó với đối thủ chính trị của mình, gọi là thiên phạt hoặc thiên khiển.

Lê Nguyên Long chơi trò này cũng khá, sau khi giết Lê Sát, Lê Ngân, vua viện giải rằng:

“Mấy năm nay, hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng tư, tháng năm năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quan tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ.”(1)

Vua nói với cả thiên hạ rằng: “Tao giết hai vị tể thần không phải vì muốn tập quyền mà là vì thiên phạt nên tao buộc phải làm vậy để an lòng trời”. Đó là chiếm lý.

Trịnh Khả trực tiếp nắm trong tay Ngự Tiền Võ Sĩ cùng Thiết Đột Hậu Quân còn có quyền giám sát bốn quân Thiết Đột còn lại. Lê Khôi đang cầm quân Tây Đạo, Dương thị là thế tộc Đông Đạo. Đó là chiếm lực.

Lê Tư Tề thì bị phế làm dân thường còn phải đổi họ thành Nguyễn Hữu, không còn trong danh sách tông tộc họ Lê nữa. Đó là chiếm thế.

Lý lẽ, lực lượng, thời thế đều đã bị Lê Nguyên Long chiếm giữ, tóm lại là Lê Độc Phu đã bịt mọi con đường để đám huân quý học theo lời Tuân Tử (2).

Tuy tin vào mớ lý luận đó trông mình hơi đần độn nhưng thời đại Lê Nguyên Long mà. Chuyện đã đến nước này, kẻ nào không “mê tín” dễ mà được đưa lên vỉ nướng lắm. Vua có nói lợn biết leo cây thiên hạ cùng lắm cũng chỉ có thể tỏ thái độ bất hợp tác mà thôi.

Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Mới mấy năm trước Lê Nguyên Long chơi trò dựa hơi lão tặc thiên trót lọt vụ giết Lê Sát, Lê Ngân.

Đầu năm tới giờ hai trận động đất, vợ con hắn đang khốn đốn ở Đông Kinh, âu cũng là Hạo Thiên có nhân quả vậy. Bà Thái Hậu mới buông rèm nghe chính sự từ tháng chín năm ngoái đến tháng năm năm nay mà đã có kẻ không ngồi yên nổi.

Một mặt, chúng nắn gân tông tộc họ Lê xem sức mạnh ở ngay đất thang mộc còn bao nhiêu, có sẵn sàng sử dụng vũ lực hay không. Mặt khác, chúng ở Đông Kinh tung tin đồn “gà mái gáy sớm”, "Hạo Thiên phẫn nộ giáng tai dị" v.v.

Nếu Trịnh Khả cùng Lê Khôi còn cầm quân quyền nặng như xưa thì đây chẳng phải vấn đề gì, phải cái Lê Nguyên Long năm ngoái mới đuổi Lê Khôi về làm ruộng, Trịnh Khả thay Lê Khôi cầm quân Tây Đạo. Sáu quân ngự tiền bây giờ không hoàn toàn nằm trong tay họ Lê, muốn trấn áp cũng không còn là chuyện dễ.

Lê Ý biết rằm tháng này còn có nguyệt thực. Nếu cha con nó không hành động từ sớm chỉ sợ bọn chúng được đà lấn tới thì lại phải học chú nó chơi trò cực đoan, đến lúc đó chả đẹp mặt ai cả.

“Haiz, đám chó điên này, đều là anh em vào sinh ra tử cả, từ Lũng Nhai đến Đông Kinh biết bao mồ hôi xương máu. Chú Long cũng đã trả giá cho hành động của mình rồi, sao cứ phải làm khó nhau như này.”

Lê Ý vừa ngồi nghe Lê Khôi phân tích thế cục, vừa bực bội lẩm bẩm.

- ...

- Người ta nói nguyệt thực là do mặt trăng bị cóc ba chân ăn mất, là điềm báo không lành. Đó là lời cảnh cáo của Hạo Thiên với chính sự nhũng nhiễu, tụng ngục bất công. Nếu đúng là sư phụ mi nói tháng này có nguyệt thực thì Thái Hậu ở Đông Kinh rắc rối to.

Lê Khôi đè nén vấn đề này từ hôm địa long chuyển mình tới giờ rồi, hôm đó nó chỉ nói ngày rằm có nguyệt thực, hắn lại càng lo lắng.

Giờ chỉ còn bảy tám ngày nữa là nguyệt thực, lão chịu không nổi nữa phải hỏi Lê Ý cho ra lẽ.

- Vớ vẩn, toàn một lũ mông muội chả hiểu gì về nguyên lý đất trời nói xằng nói xiên mà thôi.

Lê Ý biết ở những thời khắc như thế này phải trấn an Lê Khôi, nếu không lão mà điên lên thì nhà nó với một số huân quý ở Đông Kinh chỉ có chiến tranh tới chết.

- Ồ, mi thử nói về nguyệt thực ta xem bản chất của nó là như thế nào?

- Lời con nói có chút ... ờ ... là ra ngoài lối tư duy cũ của bố, bố đừng đánh con đấy.

Lê Khôi thú vị nhìn nó, ý vị đáp.

- Để coi mi nói cái gì đã, nếu như hợp lý thì không phải đòn.

Liếc xéo Lê Khôi có vẻ vẫn chưa từ bỏ ý định cốc đầu mình, Lê Ý học ông già đủng đỉnh đáp.

- Muốn biết mối quan hệ giữa hạo thiên với nguyệt thực, thậm chí là nhật thực hay thiên phạt nói chung phải hiểu "thiên mệnh" là gì cái đã.

Con ngươi Lê Khôi co rụt lại, chuyện này liên quan đến cội nguồn quyền lực của họ Lê. Tính chính danh của họ Lê là dựa vào đánh giặc Ngô mà có, nhưng chỉ đuổi giặc ngoại xâm là chưa đủ, muốn ở ngôi chính thống phải có thiên mệnh do Hạo Thiên ban cho mới được.

Vì vậy mới có truyền thuyết Thuận Thiên kiếm, đánh giặc Ngô xong không trả kiếm ở Thanh Hóa mà phải trả ở Đông Kinh là để thể hiện thiên mệnh của họ Lê không chỉ hữu hiệu ở đất Hải Tây mà cả Kinh Lộ cũng nằm trong cái thiên mệnh ấy.

Đối với người ngoài đã thế, Hoàng Đế họ Lê xưng là thiên tử, đối với bản chất của Hạo Thiên không cẩn thận không được.

Chờ ông già nó bình tĩnh trở lại, Lê Ý nói tiếp.

- Từ khi nhân loại có lịch sử ghi chép tới nay, cái gọi là “thiên mệnh” đầy những điều thần thoại, huyền bí. Không tin không được mà tin thì mình không khác gì thiểu năng. Không chỉ chúng ta, tất cả nền văn minh trong thiên hạ đều như thế. Ví như ở Trung Nguyên khi Tần Thủy Hoàng tế trời ở Vị Thủy có hắc long, Hán Cao Tổ chém bạch xà, rồi loạn khăn vàng có "Thương thiên dĩ tử, hoàng thiên đương lập " v.v. Về nước ta Ngô Vương Quyền mới sinh có ánh sáng đầy nhà, Lý Thái Tổ muốn cướp ngôi họ Lê thì Cổ Tháp phải có bạch khuyển v.v. Từ Tàu đến ta, nhà nào mà không có cái gọi là “thiên mệnh”.

Uống ngụm nước thấm miệng, nó lại nói.

- Bố nói xem, sức mạnh sinh ra thiên mệnh hay thiên mệnh sinh ra sức mạnh? Nói cách khác, mấy nhà đó có được thiên hạ là nhờ thiên mệnh hay nhờ nắm đấm trong tay?

Lê Khôi há mồm ra lại khép lại không nói, trầm tư như đang suy nghĩ cái gì.

- Nhà ta thì sao? Đức Thái Tổ nằm gai nếm mật mười năm, thân trải trăm trận mà có được thiên hạ, căn cơ họ Lê vững như bàn thạch, kiếm chỉ tới đâu quân Thiết Đột người người lên trước, có chỗ nào không phá được? Trung thực mà nói, là khởi nghĩa thành công mới có Thuận Thiên kiếm hay có Thuận Thiên kiếm khởi nghĩa mới thành công ? Nhà chúng ta là người hiểu rõ nhất, suy cho cùng, Thuận Thiên kiếm chẳng qua là sản phẩm phái sinh mà thôi.

Nó lớn tiếng quả quyết.

- Vậy nên, chỉ cần một ngày họ Lê ta còn thứ sức mạnh kinh khủng nhất thiên hạ như quân Thiết Đột thì chẳng cần có thiên mệnh mà thiên mệnh sẽ tự quy túc về nhà ta. Kể cả thiên mệnh không hiện lên chúng ta tùy tiện dựng chuyện Bang Cơ là nhị thái tử của Hạo Thiên hạ phàm cai trị muôn dân cũng không ai dám dị nghị điều gì. Tiếc là chú ấy đuổi bố về Thanh Hóa cũng không đưa người tông tộc lên nắm quân Thiết Đột, nếu không làm sao chúng dám nắn gân nhà ta công khai thế. Khôn ba năm dại một ngày, haiz.

Nó đứng dậy khỏi ghế, ghé vào tai Lê Khôi nói nhỏ.

- Theo một cách hiểu khác, nếu trên đời này nhất định phải có thứ gọi là thiên mệnh thì thiên mệnh chính là sức mạnh. Đó là lý do khi chú Long lạm sát tể thần, chèn ép huân quý, khiến cho chúng bạn xa lánh thì "thiên mệnh" của chú ấy vụt tắt.

Lê Khôi trầm ngâm một lát rồi nhìn Lê Ý cười ha hả, cười ra cả nước mắt.

- Nói hay lắm, suy cho cùng thì cái gọi là thiên mệnh là do con người tạo ra. Họ Lê ta lấy thiên hạ từ mũi tên hòn đạn, chỉ cần chúng ta không bị cô lập há lại sợ bọn chuột nhắt ở Đông Kinh ha ha ha ...

Lê Ý không dám cười theo.

- Thứ này cha con ta nói với nhau thôi, với người ngoài vẫn nên cách một tầng sa.

Lê Ý thấy ông già đã được khơi thông tâm lý, giờ mới vào việc nói.

- Chuyện nguyệt thực, nếu đã biết nó chẳng phải thiên mệnh, không là ý chí của Hạo Thiên thì đơn giản lắm. Cứ cho ngựa chạy trạm ra Đông Kinh thông báo cho triều đình là một tuần nữa sẽ có nguyệt thực. Gọi cả triều đình ra cửa Thừa Thiên chuẩn bị cứu Trăng, cứ bảo là con tính toán ra là được. Người Trung Hoa đã tính được chu kỳ Nguyệt Thực, Nhật Thực từ mấy trăm năm trước rồi, lần sau đi sứ tốt nhất là xin được lịch Đại Đồng cùng Tinh Đồ về mà tính.

Lê Khôi ngờ ngợ ra đối pháp của Lê Ý, tỏ vẻ nghiêm trọng nói.

- Ý mi là từ giờ đến khi Bang Cơ chấp chính sẽ có rất nhiều lần nhật, nguyệt thực, đúng chứ?

Lê Ý gật đầu.

- Nhật Thực, Nguyệt thực năm nào chả có, có khi hai thứ trước sau dắt tay nhau đến chỉ cách nửa tháng.

- Bố sống đến nay bốn mươi bảy năm mới gặp có hai lần nhật thực, một lần thời Minh Vĩnh Lạc, lần thứ hai thời Thiệu Bình, đào đâu ra năm nào cũng có.

Chậm rãi đem lão sư phụ tưởng tượng của nó ra làm tấm thuẫn, đàng nào cũng dùng tốt gần chục năm nay rồi.

- Sư phụ lão nhân gia ông ta nói thiên hạ này thực chất là một khối cầu lơ lửng giữa trời sao gọi là Trái Đất, Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời, Mặt Trăng lại quay chung quanh Trái Đất. Nhật thực hay nguyệt thực là thời điểm Mặt Trời, Trái Đất cùng Mặt Trăng xếp thành một hàng. Khi Mặt Trăng che đi ánh sáng của Mặt Trời xuống Trái đất gọi là nhật thực, khi trái đất che đi ánh sáng của Mặt Trời lên Mặt Trăng gọi là nguyệt thực. Vì Trái đất hình cầu lại quay quanh trục của chính nó nên nhật thực hay nguyệt thực chỉ có thể che khuất một khu vực nhất định, năm nay nhật thực ở Đại Việt thì sang năm có thể là Đại Minh, Đại Thành v.v. Lại nói, người xưa nói nhật thực là điềm xấu mất vua. Sư phụ lão nhân gia ông ta nói sang năm Đại Việt có nhật thực, vậy là tiểu Hoàng Đế phải chết à?

Vừa nói nó vừa lấy ba cái cốc xếp thành hệ mặt trời đơn giản, cố gắng mô tả cho Lê Khôi. Lê Khôi nhìn một lúc, cũng cho là phải, gật đầu nói.

- Thế thì cũng không phải khó giải quyết lắm, chỉ cần khiến thiên hạ cho rằng nhật, nguyệt thực là hiện tượng tự nhiên chứ không phải ý chỉ của Hạo Thiên thì chúng ta vẫn còn không gian xoay xở.

Thấy ông già đã hiểu, nó đứng dậy đi ra bờ ao, ném đồ ăn cho mấy con cá chép.

- Còn chuyện động đất ...

Lê Khôi nhướng mày hỏi.

- Động đất làm sao?

Lê Ý nhếch mép cười.

- Động đất là tai dị, chỉ có điềm lành mới có thể đè át đi. Dân dĩ thực vi thiên, vậy nên trong vạn điềm lành thì được mùa là hơn cả. Năng suất Vụ Chiêm năm nay của Cẩm Giang phải nằm trên bàn nghị sự của Khu Mật Viện, vụ mùa năm nay lộ Thanh Hóa phải phổ cập phương thức canh tác mới, vụ chiêm năm sau Kinh Lộ cũng phải bắt đầu triển khai. Bố phải cho đám nội thị của chú Long về giải trình với Thái Hậu rồi, con nghĩ chúng đã thu thập đủ tài liệu cũng như kỹ thuật để thuyết phục bất cứ ai. Ta không thể để lâu hơn được nữa.

Nghe thấy thế, Lê Khôi chậm rãi đứng dậy, bóng lưng của hắn từ câu lũ như lão nông chậm rãi dựng thẳng dậy, một thân tuyệt thế bá khí từ trên người hắn tỏa ra như có thể lấn át cả hạo nhật.

- Ta sẽ đích thân đem bọn chúng ra Đông Kinh.

Trong ánh mắt Lê Khôi đột nhiên bắn ra một luồng sáng chói. Lê Ý mắt đầy ánh sao nhìn Lê Khôi như con nhang đu idol, trong bụng rên rỉ.

"Run sợ đi, đám chuột nhắt, Kỳ Lân Hổ vệ thượng tướng quân đã trở lại rồi, hà hà ..."

* Chú thích:

(1) ĐVSKTT, bản kỷ, quyển 11, tờ 50b, 51a.

(2) Tuân Tử nói: “Tru bạo quốc chi quân, nhược tru độc phu” (Giết vua tàn bạo cũng như giết độc phu).

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK