Giữa tháng sáu, mùa gặt đã qua hơn nửa tháng, mấy ngàn mẫu ruộng ở Cẩm Giang bây giờ trụi lủi, lác đác trên bờ là mấy đứa nhóc đang hè nhau dắt chó cỏ đi đào chuột đồng.
Thứ chuột này thịt mềm dai vừa phải, hậu vị lại ngọt, mấy hàng ăn mua chuột đồng móc hàm giá cao hơn cả thịt gà. Vậy nên nếu trúng đậm, bắt được vài cân thì cũng được một khoản kha khá.
Lê Ý ngày trước cũng dắt theo đám chân chó Lê Ứng, Lê Nhiệm, Lý Tiêu học đòi đi bắt chuột đồng. Cả bọn đứa nào cũng có chiến lợi phẩm, duy chỉ có Lê Ý là tay trắng ra về, ai bảo con Trump béo núc ních toàn để chuột chạy mất.
Lý Tiêu vuốt ve con chó bảo bối của nó cực kỳ khinh thường nhìn Lê Ý, lại tiếc nuối con Trump, con chó Lài giống tốt thế bị thiếu chủ nuôi thành phế vật.
Bên bờ dòng Lỗi Giang lộng gió, hai đứa thanh niên đang nằm song song với nhau ngậm cỏ hóng gió, trời cao xanh vời vợi, núi bốn mặt vờn quanh, cảnh tượng như ở bộ phim điện ảnh nào đó, Lê Ý quên mất rồi.
Người Thanh Nghệ đa phần thô tráng mà xốc vác pha một chút lỳ lợm, vì sự lỳ lợm cộng tính kỷ luật bẩm sinh nên lính Thanh Nghệ càng đánh càng hăng, càng chiến càng lỳ lại không sợ khổ. Miễn là tướng có bản lĩnh quản quân đều thích loại lính như thế, vì vậy từ xưa hai xứ này đã là đất dụng binh của hầu hết các triều đại.
Không biết Lê Ý có phải người Thanh Nghệ tiêu biểu không, mới mười bốn tuổi, ngoại hình của nó còn chưa phán gì được, ví dụ dậy thì thành công nhan nhản mà thất bại cũng đâu có thiếu gì.
Nó không mong sẽ phát dục theo hướng thanh tú của bà Vân, kế thừa được vẻ hiền hoà mà không mất quyết liệt của ông già là tốt nhất. Nếu không thì lỳ lợm pha chút hung tàn cũng được, huân quý mà, đàng nào cũng phải cầm quân, vẻ mặt đó vào quân doanh dễ làm việc.
Lê Ứng cao hơn Lê Ý một cái đầu, so với người Thanh Nghệ bình thường trên mặt hắn bớt đi nét bưu hãn mà thêm vài đường nhu hoà di truyền từ Lê Điền, hai mắt to mà sáng, trắng đen rõ ràng tỏ vẻ chân thành, mũi thẳng trán cao, nước da hơi ngăm.
Thường ngày bắt chước ông già nó làm mặt lạnh ít nói cười thì cũng có uy lắm, đám người hầu trong phủ đều sợ Lê Ứng. Mỗi tội đứng trước mặt thiếu chủ hắn chỉ đóng vai tấu hài là chính, đừng hiểu nhầm, không phải do vương bát chi khí của Lê Ý toả ra khiến Lê Ứng bị đần đi khi ở bên cạnh nó.
Nói thẳng ra, Lê Ý cùng Lê Ứng chưa có điều kiện chung lưng đấu cật lần nào, đó là nhân thiết mà Lê ứng lựa chọn để kéo gần khoảng cách giữa hai bên.
Nói đùa cái gì, tín nhiệm nào có từ trên trời rơi xuống, thứ tin tưởng vô điều kiện mà Lê Khôi cùng Lê Điền dành cho nhau được dệt nên từ bao nhiêu lần cùng nhau vào sinh ra tử mới có.
Lê Ý thừa biết Lê Ứng chỉ bày ra nhân thiết đó trước mặt mình, Lê Ứng cũng thừa hiểu Lê Ý biết mình đang giả trân. Lê Ứng biết Lê Ý chưa thể nào tin tưởng mình hoàn toàn, Lê Ý cũng biết sâu trong lòng Lê ứng còn một chút khúc mắc. Cứ như vậy ai diễn phần người ấy, chẳng qua không ai vạch phá sự hiểu ngầm đó mà thôi.
Vẫn câu nói cũ, người thông minh trên đời này không ít, chỉ ít hơn những kẻ tự cho là thông minh mà thôi. Thử hỏi, nếu Lê Ứng không được việc thì Lê Ý có để hắn một tay quán xuyến một phía hay không?
Lê Ứng đang đánh giá vị đắng của từng loại cỏ thì nghe tiếng Lê Ý nói.
- Ta muốn mi đi đọc sách ở trường quốc học.“
Không chút quanh co lòng vòng nào nó vào thẳng vấn đề luôn. Lê Ứng thộn ra mất một lúc, còn ngoáy lỗ tai, nghi hoặc nói.
- Đọc sách à? Thiếu chủ chọn người khác đi, thần đần lắm, không học nổi đâu.
Lê Ý như không nghe thấy Lê Ứng giãy dụa.
- Ta đã bàn xong với Thuấn Du tiên sinh rồi, ngày mai ta lên đường xuống Ngọc Sơn rồi tám đứa bọn mi hộ tống tiên sinh xuống trường quốc học Lam Sơn. Dưới đó xây dựng sắp xong rồi, xong việc ở lại đó giúp Trình tiên sinh chép sách, ngài ấy sẽ tự tay dạy bọn mi, đừng làm ta mất mặt. Công tử ta đây hai tuổi biết chữ, ba tuổi đọc Tam Lễ, tám tuổi đọc Luận Ngữ, mười hai tuổi đọc Mạnh Tử, trước hai mươi tuổi sẽ đọc Trung Dung. Không những thế, chờ thuyền buôn của ta vươn tới phương tây đem sách vở Hy Lạp trở về, ta sẽ còn nắm bắt nhiều tri thức hơn nữa. Thiếu chủ của bọn mi tương lai chính là bác học như thế, ta đã không thể dậm chân tại chỗ chờ đợi bọn mi được thêm nữa, đám bọn mi liệu hồn mà học hành cho đàng hoàng.
Thái độ Lê Ý chính là sự đã rồi, không còn đường chối. Lê Ứng tức giận vô cùng, hắn cứ tưởng lần này mình sẽ theo thiếu chủ đi Đại Hoà, giờ lại bị bắt ở nhà đi học, hắn cảm thấy mình bị sỉ nhục.
Như kiểu Lê Ý đang nhổ vào mặt và nói, năng lực mi chưa đủ, học tập thêm đi. Lê Ứng trong bụng tức sôi máu nhưng vẫn ra vẻ phủ phục hỏi Lê Ý.
- Thần có lỗi lầm gì mong tiểu Hầu Gia chỉ rõ cho?
Nghe thấy Lê ứng không gọi mình là thiếu chủ nữa mà đổi thành tiểu Hầu gia, Lê Ý vừa tức vừa buồn cười lớn tiếng chửi.
- Mẹ nhà mi, thằng ôn con, mi lại còn dám nghĩ ta đoạt nhúm quyền mọn của mi. Đèo mẹ, mới biết được mấy chữ rách đã tưởng mình giỏi giang lắm rồi có phải không. Bọn mi là gia thần, là anh em của ta, ta cần bọn mi trên thì làm tai mắt mũi miệng của ta, dưới thì làm tả hữu thủ túc cho ta. Ta không cần thứ gia thần phế vật vô văn hoá.
Khinh miệt nhìn Lê Ứng bị chửi méo mồm không biết phản ứng ra sao nó phun tiếp.
- Mi nói xem, những lúc ta để bọn mi ra ngoài làm việc, đối tác sẽ coi trọng tên vũ phu mới xoá mù chữ hơn hay là coi trọng người có học há mồm “Khổng tử nói” ngậm mồm “Tuân tử viết” hơn? Không cãi cọ nữa, từ giờ đến tháng sáu năm sau tám đứa tụi bây phải đọc thuộc lòng ít nhất một cuốn trong tứ thư, cuốn nào cũng được, chưa cần hiểu, việc đó để sau.
Anh em? Lê Ứng chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình dám gọi anh xưng em với thiếu chủ, tuy là quan hệ gần gũi nhưng chủ là chủ, tớ là tớ, địa vị quá chênh lệch.
Nghĩ tới chênh lệch địa vị giữa hắn và Lê Ý, lửa giận lại phừng phừng bốc lên, lão Điền đã có cơ hội để thụ tước tập ấm giống gia thần nhà Lê Lợi như bọn Lê Lễ, Ngô Từ. Thậm chí bây giờ Ngô Từ còn có cháu ngoại trai là Hoàng tử.
Vậy mà lão Điền lại từ chối, ở lại làm gia thần cho nhà Lê Ý. Tuy rằng gia chủ đối với cả nhà hắn không có gì để chê, tuy nhiên, tôi tớ vẫn là tôi tớ, không thể cùng chủ tử đánh đồng.
Trung thực mà nói, từ nhỏ đã có thời Lê Ứng khao khát đi học, trước kia trong nhà Lê Khôi cũng có học đường, nhưng cơ bản là chỉ dạy xoá mù chữ cùng làm toán cơ bản. Còn kiến thức cao cấp hơn thầy đồ nói chỉ dạy cho Lê Ý, bọn con cái gia thần hắn coi là tôi tớ nên nhất quyết không dạy.
Lê Khôi túm cổ đánh tên toan nho một trận nên thân, tên đó phải chấp nhận dạy cả cho bọn con cái gia thần nhưng bọn Lê Ứng không muốn học nữa.
Nay có cơ hội đi học, Lê Ứng biết để đại nho Trình Hiền nhận con cháu gia thần như bọn hắn vào học Lê Ý đã phải bỏ ra cái giá không nhỏ.
Nghĩ đến đây, ngọn lửa rừng rực trong lồng ngực Lê ứng bị dập tắt ngúm. Đây là thời đại một số ít người nắm trong tay tri thức cùng quyền diễn giải tri thức, được theo học đại nho như Trình Hiền, Lý Thối đúng là ơn huệ bằng trời, chẳng qua vết thương tâm lý từ tên thầy đồ hồi nhỏ vẫn chưa liền sẹo nên mới phản ứng dữ dội như thế mà thôi.
Đối với thanh niên khao khát tương lai mà nói, sức cám dỗ của đề nghị này quá lớn, dễ dàng xoa dịu vết sẹo trong lòng cùng chút khúc mắc với Lê Điền. Rõ ràng đã sắp bị thuyết phục, nhưng Lê Ứng vẫn cắn răng nói.
- Bảo Lê Ưng đi đi! Thần nhiều tuổi rồi.
Lê Ứng nói xong câu này đôi mắt sáng mà chân thành của hắn nhanh chóng ảm đạm, hơi nhoè đi.
Câu trả lời của Lê Ứng vào tai Lê Ý lại có một hương vị khác, đây đúng là con trâu tốt được chủ nghĩa phong kiến giáo dục ... Ý chết, vạ miệng. Phải gọi là thứ người có tự tôn, có lương tâm, cha hiền con hiếu, huynh đệ tình thâm, nhận ân huệ nhất định lấy cái chết báo đáp v.v. hiếm có quá, loại này mà không lợi dụng ... Ý chết, lại vạ miệng, là trọng dụng, trọng dụng mới đúng. Loại này không trọng dụng thì trái lương tâm.
Lê Ý vả đến bốp vào mặt Lê Ứng, hùng hổ nói.
- Nghĩ gì đấy, không phải là một mình mi, thằng Ưng em trai mi, mà không, không chỉ thằng Ưng, toàn bộ anh em con cháu gia thần nhà ta trước sau đều xuống Lam Sơn đi học cả. Chẳng qua Thuấn Du tiên sinh không dạy được cùng lúc nhiều học sinh đến vậy thôi.
Lê Ứng ngớ người rồi chộp lấy vai Lê Ý hỏi gấp.
- Toàn bộ sao?
Khuôn mặt Lê Ý thản nhiên.
- Ta vốn còn muốn để cả bọn Xuân Lan, Thu Cúc đi học, nhưng Thuấn Du tiên sinh chửi ta một trận không ngóc đầu lên được, lão đầu sống chết không chịu dạy đàn bà.
Lê Ý nghĩ tới cái bộ dạng khinh ghét của lão già Trình Hiền tối qua, ngay khi y đề cập đến chuyện cho bốn đứa thiếp thân nha đầu đi học thì hoà ái trên mặt lão ngay lập tức vụt tắt. Thay vào đó là một loại ánh mắt cực kỳ quái dị, nó có cảm giác Trình Hiền không phải đang nhìn người mà là nhìn một đống c*t.
Kể cả khi có làm một đống c*t thì nó cũng là đống c*t có học thức, có tiền và có quyền, ánh mắt đó của Lê Hiền khiến nó bị tổn thương sâu sắc, sáng nay ăn cháo gà bình thường nó yêu thích nhất cũng không được ngon.
Lê Ý tất nhiên sẽ không vô sỉ đến độ đem chuyện mấy tờ giấy nợ của Trình Hiền, Lý Thối ra bắt chẹt, chút phong độ này nó vẫn phải có. Lại nói, mấy lão đại nho ở Cẩm Giang đã đem đồng chinh cắc bạc cuối dùng ra mua sách cả rồi, bây giờ rặt một đám quỷ nghèo, nói ra sợ mấy lão già đó chạy mất.
Nói đùa cái gì, Trình Thuấn Du, Lý Tử Tấn v.v. rặt một màu đế sư cả, giặc Ngô vào cướp nước đối với mấy lão già này vẫn là lễ ngộ có thừa. Bây giờ chọc cho mấy lão già này nóng máu, cắp đít đi một phát bao nhiêu nhà trải chiếu nghênh đón còn không kịp, làm như vậy đối với Lê thị không có lợi gì hết.
Đang là thời buổi ngàn vàng mua xương ngựa, giáo thụ trường quốc học Lam Sơn đều phải dựa vào danh tiếng mấy lão già này cả.
Con cháu gia thần nhà Lê Ý từ lớn tướng như Lê Ứng đến mới lọt lòng có hết thảy ba mươi tám nam đinh. Bảy đứa đã cưới vợ sinh con cho ra ngoài đi làm chưởng quỹ, ba mươi mốt tên còn lại Lê ý quyết tâm đều bắt bọn chúng xuống trường Quốc học.
Cả cái triều đình Đông Kinh đương nhiên không chỉ mình Lê Ý là tuổi choai choai trên mười lăm dưới hai mươi. Chín mươi ba nhà công thần trừ nhà Nguyễn Trãi mới bị xử tru di thì bỏ qua, toàn bộ chín mươi hai nhà còn lại kể cả nhà Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo nó đều cấp giấy gọi vài đứa đi học ở trường quốc học.
Những người này, Lê Ý không định bỏ qua cũng không thể bỏ qua, ai đọc sách được thì đọc sách, ai ham luyện võ thì nó tìm võ sư, ai thích tạp vật thì nó xây phòng nghiên cứu.
Tóm lại, từ sau khi nghe tin Lê Nguyên Long băng ở vườn vải nó mới chợt nhận ra mình đang sống ở thời đại nào.
Bây giờ mới tính kế trói tất cả huân quý vào một chỗ đã hơi muộn nhưng vẫn phải làm, chửi là mất bò mới lo làm chuồng cũng được, không sao. Nhu cầu thiết yếu hiện tại không chỉ là tạo ra một thế hệ tinh hoa kiểu mới phục vụ thời đại mới, nó còn phải gửi thông điệp đến toàn bộ huân quý rằng tri thức trong trường quốc học mở cửa với tất cả mọi người, bao gồm cả bọn chúng.
Những lúc như thế này chỉ có tồn tại mới là mục tiêu quan trọng nhất, có ân trời oán bể gì cũng phải gạt qua một bên mai này tính sau. Chỉ cần tỏ thái độ rõ ràng lại có đám nhị đại làm đường dây liên lạc với nhau thì sẽ hạn chế được xung đột vượt ra ngoài tầm kiểm soát.