• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Mùa hè mặt trời siêng năng thực sự, đã giữa giờ mão (6h tối) mà lão vẫn chưa chịu xuống núi hẳn, phía cuối chân trời vẫn còn vài tia sáng le lói.

Lê Ý nhoài người ra bãi cỏ câu được câu không nói chuyện với Lê Chiêm. Đám người hầu từ lâu đã thắp sáu ngọn đèn chung quanh sáng như trong phòng.

Nằm giữa chúng đèn khoan khoái hưởng thụ làn gió mạnh hiếm thấy có một tia mát mẻ. Từng cơn gió cuối ngày cố gắng vùi dập sáu ngọn đèn ương bướng thổi mãi không chịu tắt.

Lê Ý nhếch mép khinh thường, loại đèn này vốn không phải đèn đĩa truyền thống mà cấu tạo tương tự đèn bão, có lớp chụp ngoài bằng thuỷ tinh. Mấy năm trước nó còn có ý định làm giàu bằng thuỷ tinh nên đầu tư rất mạnh, đến đầu năm ngoái đã hoàn thành kỹ thuật sơ bộ nhưng khi đem cho Lê Khôi cùng Lê Nguyên Long xem thì hai tên man di này đều không có hứng thú gì với thuỷ tinh trong suốt lắm.

Thứ bọn hắn yêu thích là đồ sơn son thiếp vàng, cẩn ngọc, khảm xà cừ kia. Lê Khôi có cái cốc uống rượu khảm xà cừ đẹp lắm. Lê Ý mưu toan mấy lần rồi mà vẫn chưa lấy được.

Lê Ý hiểu rõ từ xưa đến nay không thiếu người thông minh, không thiếu phát minh vĩ đại nhưng vì không được nuôi dưỡng nên phai mờ vào dòng sông lịch sử. Xưởng thuỷ tinh của nó cũng không ngoại lệ, muốn phát triển trước hết phải duy trì được nghề cái đã.

Thành ra nó đành phải lùi lại mà cầu việc khác, sử dụng thuỷ tinh làm chụp cho đèn dầu.

Từ xưa người ta đã biết dùng dầu lạc, dầu sở thắp sáng. Loại đèn này kết cấu đơn giản, chỉ có một đĩa đèn cùng một ngọn bấc được đổ dầu lên đốt, mức độ sáng cũng không tệ, mỗi tội ra gió thì dễ bị tắt. Vậy nên người xưa mới có câu.

"Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng

Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn."

Để khắc phục điểm yếu này người ta chế ra đèn lồng, nhưng giấy dù mỏng đến mấy vẫn ngăn cản một phần đáng kể ánh sáng nên đèn lồng có chất lượng soi sáng cực kỳ tệ hại.

Nó sai bọn công nhân trong xưởng thuỷ tinh thổi chụp đèn sao cho mỏng, có chút bọt khí cũng không là vấn đề gì lớn. Đàng nào cũng dùng làm chụp đèn thôi mà, nào phải sản phẩm thủ công mỹ nghệ gì.

Chỉ từ giữa năm ngoái đến nay đèn thuỷ tinh nhà nó đã lan khắp Đại Việt, nhưng vì sản lượng còn ít, giá thành còn cao nên những nhà dùng đèn thuỷ tinh không là huân quý, sỹ tộc cũng là cao môn, đại hộ.

Lê Ứng xách giỏ thức ăn ra bờ ruộng, kê cái chõng xếp rồi bày biện từng món. Lê Ý không quen ăn uống phức tạp, một món canh, một món mặn, một món xào cùng dưa cà là được, cái này nó giống ông già nó hơn là chú nó.

Chú Long nó mỗi bữa ngự thiện số món đều là bội số của chín, nghĩa là bữa ăn “tiết kiệm” nhất của hắn cũng là chín món, còn không là mười tám, hai bảy món.

Ngự thiện phòng thời Lê Nguyên Long bành trướng gấp ba lần thời Thái Tổ là vì lẽ ấy.

Chủ tớ ba người ăn cơm xong ngồi bó chân quanh chiếc chõng xếp, vừa uống nước chè ăn kẹo lạc vừa nói chuyện.

- ...

- Chú Chiêm biết lược sử của loài người không?

- Thần ngu muội, xin thiếu chủ dạy cho.

- Loài người, vốn không phải do Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, cái truyền thuyết này do tên văn nhân là Lý Triều Uy sáng tác ra, mới có từ thời Đường mà thôi, năm xưa Lê Văn Hưu cũng chả chép chuyện này là vì lẽ ấy. Càng không phải do Nữ Oa nặn ra từ bùn, thuyết này từ khi Khuất Nguyên viết Sở từ Thiên vấn mới có.

Lê Ý vừa nói vừa kéo một chiếc đèn bão soi sáng một miếng đất trống không có cây cỏ. Đoạn vẽ bản đồ thế giới, học khối C mà, không vẽ được bản đồ đại khái từng khu vực bà giáo Địa lý nó cào rách mặt.

- Giống loài chúng ta, vốn xuất phát từ một lục địa ở phía Tây, có người gọi là Vườn Địa Đàng, có người gọi là Nguyên Sơ, lại có người gọi là Trung Địa hay Cựu Địa.

Nó chỉ một lục địa ở trung tâm bản đồ, chính là Châu Phi.

- Từ nơi đây giống loài chúng ta phân tán, di cư khắp thiên hạ. Tổ tiên chúng ta di chuyển từ Cựu Địa chia làm hai hướng, hướng bắc đến chỗ này, đây vốn là đất của một chủng người khác, cao lớn hơn chúng ta, chúng hoà huyết với nhau tạo ra giống người da trắng mắt xanh. Nhánh còn lại di chuyển về phía đông đây gọi là Lưỡng Hà, nơi đây có hai con sông lớn nuôi sống sinh linh.

Chỉ đến khu vực Iraq, nó lại vẽ một đường về phía đông rồi chia thành ba tuyến đường khác.

- Từ Lưỡng Hà họ tiến đến Ấn Độ rồi tách làm ba, tiến về phía đông bắc là nhóm người Hán – Tạng, người Trung Hoa chính là con cháu đám người này. Tiến về phía Đông là nhóm người Thái, về hướng đông Nam là nhóm người Môn – Chân Lạp – Việt.

Lê Chiêm há hốc mồm, gấp gáp hỏi.

- Chúng ta không phải con cháu Thần Nông thị sao?

Cười nhạt một tiếng, Lê Ý khoan thai nói.

- Thần Nông hay Viêm Đế thực chất là Xi Vưu, mà Xi Vưu là thủ lĩnh của bộ tộc Cửu Lê - của người Miêu ở Vân Quý. Năm xưa người Miêu di cư từ cao nguyên Thanh - Tạng xuống trung nguyên thành lập bộ tộc Cửu Lê, tranh giành địa bàn với bộ tộc Thiếu Điển của Hoàng Đế. Hoàng Đế liền tập hợp các bộ lạc Hoa Hạ khác, thân làm minh chủ đánh bại bộ tộc Cửu Lê. Người Miêu thì chạy dạt dần về phía Nam nay là Vân Quý. Người Hán thắng trận thấy Xi Vưu dạy dân trồng cấy, truyền cho y thuật lại vũ dũng hơn người liền nhận xằng là Viêm Đế mà thôi.

Lê Ứng ngồi sau nghe như có điều hiểu ra.

- Nếu như vậy, Lý Triều Uy thời Đường chép truyện âu cơ là con cháu Thần Nông thị là ý gì?

Lê Ý vỗ tay khen Lê Ứng.

- Đầu đất của mi lần này lanh lắm, năm đó Lý Triều Uy viết “Động Đình linh thông truyện” đề cập đến chuyện trăm trứng sao lại không phải là muốn tìm cách liên kết tộc ta với người Đường về mặt huyết thống. Phải biết những năm đó Thuận Tông nhà Đường lên ngôi dọn dẹp hệ quả của Đại Tông, nhà nước tưởng chừng như tan rã đến nơi. Gắn kết được miếng nào hay miếng đó.

Như chợt nhớ ra cái gì, Lê ý vỗ đầu mình cười giả lả.

- Nói chuyện bon mồm quá, lại lạc đề rồi. Đang nói chuyện lịch sử loài người, trong suốt quá trình di cư dài hàng ngàn năm đó, con người dần biết cách tổ chức thành thị tộc, thành bộ lạc rồi phát triển xa hơn thành làng xã, thành quốc gia. Đóng góp vào sự phát triển ấy không thể không kể đến công lao của các loại công cụ.

Thấm một ngụm nước chè, nó điềm đạm giải thích.

- Phát minh ra cung tên, giáo mác cho phép tổ tiên chúng ta đi săn hiệu quả hơn, phát minh ra lửa cho phép tổ tiên chúng ta sống thọ hơn, phát minh ra cuốc, liềm cho phép tổ tiên ta cày cấy được tốt hơn, quần áo cho phép tổ tiên ta đi đến những nơi lạnh lẽo hơn, nhà cửa giúp tổ tiên ta tránh được thú dữ, thành luỹ giúp tổ tiên ta chống lại kẻ thù v.v. Mỗi một phát kiến đều đưa xã hội tiến lên một bước lớn, mỗi phát minh đều là động lực cho loài người tiến lên.

Lê Chiêm trầm mặc không nói, trong đầu lão dường như đã bắt được cái gì nhưng lại không cụ thể hoá thành câu chữ được.

- Ý thiếu chủ là?

Lê Ý tủm tỉm cười, hỏi khẽ.

- Chú chiêm có biết triều đình thưởng cho thợ khéo dâng hiến phát minh, bí kỹ của mình bao nhiêu không?

Lê Chiêm lắc đầu nguầy nguậy.

- Là một đến năm quan tiền. Ngay cả phát minh mang sức mạnh thay đổi cả phương thức canh nông như máy cấy tối đa cũng chỉ được tưởng thưởng năm quan tiền, quy ra không quá bốn lượng bạc. Một tên thợ khéo từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành phát kiến tiêu tốn bao nhiêu tâm huyết, công sức. Những thứ quan trọng như thế, có thể khiến cả một quốc gia hưng vượng mà lại bị triều đình khắc bạc, làm lơ.

Cười thoả mái, Lê Ý nhìn thẳng vào mắt Lê Chiêm lẫn Lê Ứng.

- Không chỉ là nông cụ mà mở rộng ra đến toán học, vật lý, sinh học, thiên văn, địa lý, hàng hải v.v. Chỉ cần là phát kiến có lợi ích cho sự nghiệp học thuật đều nên được tưởng thưởng xứng đáng. Chỉ có như thế mới khiến cho thợ thuyền dốc sức cải tiến kỹ thuật, học trò dốc sức nghiên cứu tân pháp. Chỉ có tưởng thưởng xứng đáng mới có thể khiến cho chúng ta vĩnh viễn nắm được học thuật, kỹ thuật tân tiến nhất. Chúng ta mới có thể vĩnh viễn không phụ lòng tiên tổ hằng ngàn năm phấn đấu mà ngự trị ở trên đỉnh của chuỗi thức ăn. Đó chẳng phải là Ý chỉ của Hạo Thiên sao!

Lê Ứng nghiêng đầu ngốc trệ nhìn Lê Ý.

- Nhưng thiếu chủ, loài người chúng ta vẫn ở trên đỉnh chuỗi thức ăn mà, có loài nào khác đe doạ được chúng ta đâu.

Lê Chiêm cốc vào đầu Lê Ứng, vô vọng nói.

- Đồ ngu, đồ ăn hại, thiếu chủ không nói đến chuỗi thức ăn.

Lê Ý hài lòng cười ha hả, chắp tay với Lê Chiêm.

- Chú Chiêm đúng là gừng càng già càng cay, người càng già càng nhạy, ha ha ha ...

Lê Ý cùng Lê Chiêm nhìn nhau cười, chỉ có Lê Ứng xoa đầu không hiểu vì sao bị cốc, rõ ràng thiếu chủ nói đến chuỗi thức ăn cơ mà. Đột nhiên mắt Lê Ứng trợn trắng, hò hét gọi Lê Ý cùng Lê Chiêm.

- Thiếu chủ, chú Chiêm, nguyệt thực, là nguyệt thực kìa.

Lê Ý cùng Lê Chiêm ngừng cười nhìn lên trời, sắc mặt đều mang vẻ nghiêm trọng, không biết Lê Khôi ở Đông Kinh xử lý vụ này suôn sẻ hay không.

Thành Đông Kinh đêm nay hiếm hoi sáng đèn nến từ Cấm thành ra đến La thành. Mười mấy vạn dân Đông Kinh từ bốn năm ngày nay đã được thông báo là rằm tháng này sẽ có nguyệt thực, toàn thành chuẩn bị cùng Hoàng Đế và Thái Hậu cứu trăng.

Từ ngày hôm qua Thiên tử cùng Thái Hậu đã phải trai giới sạch sẽ. (1) Sáng sớm hôm nay Thượng thiết ty hướng về phía nguyệt thực bày hai cái án (2). Một cái là của Hạo thiên thượng đế, cái còn lại của Hoàng địa kỳ, cả hai đều bày ở sân trước cửa Thừa Thiên.

Đặt bốn cái tàn (3) ở hai bên tả hữu mỗi án, hương bày ở phía trước, lại bày hai cái bàn để đinh hương cùng hộp hương ở hai bên tả hữu. Cả hai án đều bày như vậy.

Vị bái (4) đặt hướng về phía nam. Thuế cân (5), quán tẩy (6) đặt ở bên phải vị bái, chuông trống thì đặt ở bên trái vị bái.

Bày đồ lễ xong vua quan ngồi chờ, Lê Khôi ngồi ngay vị thứ hai bên võ sau Trịnh Khả. Lão bây giờ đã lại được phong làm Hành quân Tổng quản chư vệ Ngự tiền võ sỹ kiêm Thái giám (7) ngự tiền Lục quân.

Cấm quân nhà Lê gồm quân Ngự tiền Thiết đột cùng quân Ngự tiền võ sĩ.

Ngự tiền Thiết đột có năm quân trung, tiền, hậu, tả, hữu thêm hậu tố “dực thánh”. Giả dụ như Thiết Đột hậu quân sẽ có tên gọi đầy đủ là “Thiết đột hậu dực thánh quân”.

Cứ tương tự như thế gọi các quân còn lại. Biên chế mỗi quân Thiết đột gồm ba vệ, mỗi vệ có năm đội, mỗi đội có hai mươi ngũ, mỗi ngũ hai mươi người.

Cứ lấy quân số mỗi ngũ hai mươi người mà nhân lên, mỗi đội có bốn trăm người, mỗi vệ có hai ngàn người, mỗi quân khoảng trên dưới sáu ngàn người. Toàn bộ năm quân Thiết đột có chừng ba vạn người.

Ngự tiền võ sĩ là vệ binh của Hoàng Đế, cũng tính là một quân đặc biệt trong lục quân. Ngự tiền võ sỹ gồm năm vệ: Kim Ngô, Thiên Ngưu, Phủng Thánh, Bảo Ứng, Chấn Lôi.

Biên chế tương tự như quân Thiết đột, mỗi vệ có hai ngàn người. Ngoài ra còn có một đội cận vệ gồm ba đến bốn trăm người gọi là Ngự tiền võ đội. Ngự tiền võ sĩ hết thảy có chừng hơn một vạn người.

Tổng cộng tất cả các lực lượng quân sự ở Đông Kinh có chừng hơn bốn vạn người.

Tay trái cầm hổ phù Ngự tiền võ sỹ, tay phải cầm lệnh bài lục quân Thái giám, quân quyền của Lê Khôi ở Đông Kinh bây giờ còn hơn cả Thái Uý Trịnh Khả. Lão Trịnh bây giờ chỉ còn cầm quân Tây đạo cùng Thiết đột Hậu dực thánh quân.

Tuy vậy, Lê Khôi đối với Trịnh Khả vẫn cực kỳ nể mặt, ngồi ở ban võ chỉ ở vị trí thứ hai. Lão Trịnh đối với hành vi biết điều của Lê Khôi cực kỳ thoả mãn.

Lão Khôi thân mặc Đại Triều phục đang cúi đầu lầm bầm mình thực tủi thân, đã cầm quân quyền nặng như thế mà thằng Ý vẫn khuyên lão không nên ngồi lên chiếc ghế đầu tiên bên ban võ thì có tiếng chân khoan thai tiến về phía lão.

Lê Khôi ngẩng mặt nhìn rồi đứng dậy chắp tay hành lễ.

- Thái Phó đại nhân mạnh khoẻ.

Lê Văn Linh cũng chắp tay hoàn lễ.

- Hồi Thái giám đại nhân, thân già này cãi nhau với bọn chúng thêm vài tháng nữa vẫn chưa xuống lỗ được, ha ha ha …

Lê Khôi nghe thấy thế cũng giật giật khoé miệng. Lão già này đã gần bảy mươi tuổi rồi mà cãi nhau vẫn còn khoẻ chán. Cứ cái giọng hiền hoà ngà ngà như học giả ấy, không dùng lời thô tục chửi cho bọn Trình Hiển, Đào Công Soạn mấy ngày nay khiến chúng không ngẩng đầu dậy được.

Tuy rằng mấy bữa nay chúng còn chống chế nhưng không sớm thì muộn cũng sẽ phải đồng ý với ba điều kiện của Lê Khôi. Chẳng qua chúng đang cần thời gian để hợp thức hoá sổ sách từ điền địa đến dân đinh mà thôi.

Qua đợt này điền địa nộp thuế cho triều đình sẽ tăng ít nhất hai mươi phần trăm, dân số tăng ít nhất mười phần trăm, mười lăm phần trăm cũng không phải không được.

Thế là dân số trong vòng khống chế của triều đình Đông Kinh sẽ tăng lên từ năm triệu mốt lên ít nhất năm triệu sáu, có thể là năm triệu tám. Nghĩ đến đây lão Khôi cũng cảm thấy Lê Văn Linh hôm nay thật đáng yêu. Cười sang sảng chắp tay vái Lê Văn Linh.

- Thái Phó đại nhân càng già càng dẻo dai, một mình khuất phục bọn Đào Công Soạn, Khôi không phục không được.

Lê Văn Linh đang định nói gì thì hoạn quan hì hục chạy vào tâu.

- Muôn tâu Bệ Hạ, muôn tâu Thái Hậu, cóc ba chân đã bắt đầu ăn trăng, người của Thượng thiết ty xin được làm lễ ạ.

Hoàng Đế nhỏ đã được dạy dỗ mấy ngày nay, ngồi trên sập vàng ra vẻ nghiêm trang nói.

- Chuẩn.

Nói rồi Thái Hậu ôm vua ngự ra sân trước của Thừa Thiên đứng ở chỗ đã định ngay trước vị bái.

Điển lễ quan quỳ xuống trước án ngâm xướng:

- Nghệ bái vị …

Thiên tử cùng chư quan tiến về phía trước một bước tiến vào vị bái. Điển lễ quan xướng.

- Cúc cung bái …

Đúng lúc này nhã nhạc nổi lên, chư quan cùng Thiên Tử đều vái bốn vái. Chờ quân thần bái xong Điển lễ quan lại xướng.

- Hưng, bình thân ...

Nhìn đứa nhóc hai tuổi mặc cổn miện cố gắng thực hiện các nghi lễ tế Hạo thiên, ra vẻ như người lớn, Lê Khôi thở dài một hơi, ánh mắt có chút xúc động như nhớ đến thân ảnh nào đó rồi ngay lập tức trở lại vẻ lãnh tĩnh thường ngày.

*Chú thích:

(1) Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí - Phan Huy Chú.

(2) "Án" là một loại bàn để đồ (thường là đồ cúng), hai đầu cong lên. Tương tự như ban thờ bốn chân hoặc bàn xử án trong phim Bao Công.

(3) "Tàn" là cái khăn lụa nhỏ.

(4) "Vị bái" là đồ kê đầu gối khi quỳ bái.

(5) "Thuế cân" là chiếc khăn lông.

(6) "Quán tẩy" là khay nước rửa.

(7) "Thái giám" ở đây đương nhiên không phải là từ dùng để chỉ hoạn quan mà là chức võ quan chuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị quân sự. Đại Hoà, Triều Tiên đều có chức quan này. Ở Đại Việt đến thời Lê Sơ mới có, kéo dài qua thời Mạc đến tận thời Lê Trung Hưng, sau này nhà Nguyễn bãi bỏ chức Thái giám.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK