Quan trọng là điều khoản mỗi ba năm chia phần lại một lần giữa hai thương hành.
Quảng Châu thương hành thúc đẩy điều kiện này vì Phương Từ tin chắc rằng trước sau gì Bùi Luân cũng sẽ ngồi lên ghế Thủ phụ. Đến lúc đó Triều Châu thương hành ắt sẽ phải nhượng bộ.
Chờ tên văn thư chép xong năm tờ khế ước đưa đến mặt mọi người ai nấy đều tập trung phân tích câu chữ một cách kỹ càng rồi ký tên cùng điểm chỉ cẩn thận.
Thủ tục xong xuôi, Phương Từ đứng dậy chắp tay cười nói.
- Hôm nay sắc trời đã muộn, không bằng các vị ở lại tệ xá cho Phương mỗ được tận tình gia chủ.
Yết Kê nắm chắc được phần lợi tức thuộc về mình cười sang sảng nói.
- Đây là tất nhiên, bản quan sớm đã nghe nói thịt kho Đông Pha nhà ông chủ Phương là nhất tuyệt. Hôm nay bằng mấy cũng phải dày mặt ăn một bữa đã đời, ha ha ha ...
...
Đèo mẹ, hôm qua ăn nhậu ở trang viên của lão Phương nhiệt tình quá, cả quan lẫn thương đều tận hứng ăn uống chơi gái ... à nhầm, chỉ có đám lão già mất nết kia chơi gái thôi, Lê bảo bảo nhà chúng ta vẫn tương đối biết điều.
Thân hình mềm mại của mấy ả ca cơ ra sức khêu gợi mà Lê Ý vẫn thủ lễ quân tử, Liễu Hạ Huệ cũng chỉ đến thế là cùng.
Nói đùa cái gì lời nói thật? Lê Ý lo sợ nối gót mấy tên nhị thế tổ chưa lớn đã bất lực ở Đông Kinh á? Tầm bậy, thuần là nói xấu trắng trợn, Lê bảo bảo nhà chúng ta long tinh hổ mãnh, hằng ngày vẫn luyện quyền múa đao bắn cung không thiếu món nào, sao có thể nối gót bọn ăn hại kia được.
Chẳng qua là đám ca cơ nhà lão Phương chưa đủ khiến Lê bảo bảo tâm động mà thôi. Không đụng vào đám ca cơ nhưng rượu thịt Lê Ý lại không nhường ai miếng nào. Chủ khách tận tình chúc tụng thẳng đến tàn cuộc đã qua giờ tuất (qua 21h) đành phải ở lại trang viên ngủ qua đêm.
Con mẹ nó, Lê bảo bảo nhà chúng ta cũng không thể không thừa nhận mấy lão già kia quá nửa đều là người già nhưng chí không già. Kể cả có tí cồn vào người nó cũng là trọn đêm vì tiếng ồn mà khó ngủ.
Xe ngựa đủng đỉnh di chuyển từ trang viên ngoại thành của Phương Từ trở về thành Quảng Châu, Lê Ý ngồi trong xe vung tầm mắt ra bên ngoài nhìn nông dân làm cỏ vụ mùa.
Đất Lĩnh Nam cũng có thể trồng lúa hai vụ giống miền bắc Đại Việt, tầm này cũng đã gieo cấy xong xuôi được hơn một tháng. Từng bóng hình câu lũ chăm chỉ nhổ từng lùm cỏ khỏi ruộng lúa.
Lê Ý nhìn thật kỹ xuống ruộng không khỏi lắc nhẹ đầu, nông dân Đại Minh thời đại này cũng phạm phải một lỗi căn bản của nông dân Đại Việt, đó là tham.
Cứ sẵn mạ ươm ra cấy rõ dày mà không hiểu mạ cấy càng dày, cây lúa lớn lên càng còi cọc.
Muốn cân đối được mật độ gieo giống cũng không phải đơn giản gì, nào phải tự nhiên mà hai sở nghiên cứu của nó ở Cẩm Giang cùng Ngọc Sơn có phương hướng rõ ràng nhưng vẫn tốn tới ba bốn năm trời mới cơ bản tìm ra mật độ phù hợp với thổ nhưỡng hai huyện Lạc Thủy cùng Tĩnh Gia.
Cộng hưởng với các thiếu sót khác, năng suất lúa buổi đầu thời Minh cũng chỉ tương đương với thời Tống, nghĩa là trung bình 250 - 300 cân/ mẫu TQ mỗi năm, quy ra mẫu Việt cũng chỉ đạt độ 1500 - 1600 cân/ mẫu mỗi năm. So với năng suất lúa ở Đại Việt cũng là một chín một mười mà thôi.
Đến giữa thời Minh, nhờ các tiến bộ trong kỹ thuật chọn lọc giống, gieo cấy, ủ phân mà sản lượng lương thực nhà Minh mới có bước chuyển mình quan trọng, đạt đến mức quy đổi 2600-2650 cân/ mẫu Việt mỗi năm.
Nhờ đó đến thời Vạn Lịch, Đại Minh mới có thể đạt đến quy mô dân số gần hai trăm triệu người, vượt qua đỉnh cao dân số 120 triệu người thời Bắc Tống.
Lê Ý không khỏi thầm cảm thấy may mắn, sản lượng lương thực chưa bành trướng nghĩa là người dân còn có thể thiếu đói, dân chúng còn có thể thiếu đói thì nó còn có không gian thao tác.
Đi một đoạn nữa đến gần tường ngoài thành Quảng Châu thấy lưu dân dựng lều chờ cứu tế, cũng không đông chỉ tầm hai ba vạn người. Nghe đồn mấy tháng trước có tới cả chục vạn, nhưng Quảng Đông Tả Bố chính Sư Yết Kê cùng Quảng Châu Tri phủ Phương Tá ra sức dàn xếp.
Nhóm thì an trí, nhóm thì cho vay lương, lúa giống v.v. bây giờ đã giãn bớt rất nhiều.
Xe ngựa vào thành nam, vừa lên đến tầng hai thương lâu Lê Ý đã thấy Trịnh Đạo cùng bọn Lý Vĩ, Lê Khiêm đang quây lại đọc thư từ gì đó.
Thấy Lê Ý bước vào, Lý Vĩ cầm thư đưa cho Lê Ý nói.
- Thiếu chủ, tin từ trường Quốc học ở Lam Sơn.
Lê Ý đón lấy thư, thì ra là đầu tháng bảy Quốc học Lam Sơn đã xây dựng xong phần thô, bây giờ chỉ còn hoàn thiện bài trí nữa là hết việc. Đốc công ở đó xin hai lão đầu Trình Hiền, Lý Thối cho phép đem mấy bộ cần cẩu cùng ròng rọc ở đó dùng vào việc đào một con sông nhân tạo đi qua mặt bắc núi Kiến Hưng cùng với đắp đê ven bờ sông Chu.
Hai lão già này thấy đó là việc công ích bèn tiền trảm hậu tấu, cho phép rồi mới viết thư báo cho Lê Ý.
Cần cẩu cùng ròng rọc ở Quốc học Lam Sơn cũng không phải phát kiến mới mẻ gì, từ khi đưa người lên xây thành Cẩm Giang nó đã bắt đầu áp dụng hai công cụ kỹ thuật này rồi.
Nếu không dùng những thứ này thì tường thành Cẩm Giang cùng xưởng nghiên cứu đều cao to như thế mấy ngàn người xây đắp kiểu gì?
Lê Ý cũng chẳng nề hà người khác học tập hay sử dụng các “phát minh” của nó, phải cái Lê Nguyên Long cùng Lê Khôi thì quan tâm.
Vậy nên mấy loại công cụ này bốn năm năm nay vẫn chỉ sử dụng loanh quanh trong mấy công xưởng, bến bãi ở Cẩm Giang, Ngọc Sơn cùng Đông Kinh.
Đừng hiểu nhầm, bến tàu ở Đông Kinh không có cần cẩu ròng rọc bốc xếp gì đâu, Lê Nguyên Long dùng mấy thứ này để xây cung điện thôi ... đèo mẹ.
Lê Nguyên Long băng rồi, Lê Khôi hẳn là cũng không vả mặt nó, Lê Ý đặt thư tay của Trình Hiển xuống bàn, nói với Lý Vĩ.
- Chú bảo với Trình sư là mấy thứ đó cứ phổ cập thỏa mái, cháu không nhỏ nhặt đến mức ấy. Không chỉ đắp đê sông Chu, ngay cả đê Lỗi Giang hay cuối năm nay đắp đường đều có thể sử dụng. Mà thôi, chốc nữa cháu sẽ tự tay viết thư phúc đáp.
Nói xong kéo cái khay đồ ăn sáng Lê Khiêm mới bưng lên đánh liền hai bát cháo trai thật to cùng nửa đĩa cà muối. Nó vỗ bụng ra chiều thỏa mái hỏi Lý Vĩ.
- Chú Vĩ, bọn sơn tặc La Khanh sơn thế nào rồi?
Đúng vậy, lưu dân từ năm ngoái đến năm nay nổi lên ở Lưỡng Quảng cùng Vân Quý cố nhiên là do thiên tai cộng hưởng cùng mấy năm liền triều đình động binh với Lộc Xuyên.
Nhưng mấy ai biết được Lê Ý cũng là không chút nào do dự động tay động chân đâu. Từ năm ngoái đến nay người của Nhập nội Kiểm sát ty đội lốt giám sát viên của thương hội Vĩnh Xương khảo sát giá cả hàng hóa bôn đằng khắp một miền Lưỡng Quảng.
Chúng liên lạc với các thủ lĩnh người Tày/ Tráng khắp một miền sơn cước xuống núi chặn đánh dòng chảy lương thực lưu thông giữa hai tỉnh này.
Tuy mỗi một vị lão đại thi thoảng mới đánh cướp một lần, tổng giá trị hàng hóa, lương gạo không lớn nhưng như thế đã là đủ để tạo ra sự ùn ứ dòng chảy lương thực.
Một khi có sự gián đoạn dòng chảy lương thực thì đám thương nhân sẽ giúp Lê Ý làm nốt phần việc còn lại.
Đầu cơ tích trữ đồ, đoạn nguồn đẩy giá đồ, phớt lờ quan phủ đồ v.v. đừng bao giờ đánh giá thấp lòng tham của đám thương nhân, nho thương cũng là như vậy.
Giá lương cao không chỉ giúp chúng thu về hàng núi tiền bạc, lương cao còn là thời cơ để chúng tích lũy bất động sản, nô tỳ phó dịch trong nhà.
Đối diện với cái đói tra tấn, có bao nhiêu người có thể thà chết giữ vững tổ nghiệp đây? Lại có bao nhiêu người có thể vì tình thân mà từ chối tờ khế bán thân đây?
Nạn đói đối với một số người là tận thế, đối với một số người khác lại là thời cơ phát tài trăm năm có một.
Đối với lợi ích to lớn như thế, việc Lê Ý cần làm chỉ là châm một mồi lửa, chỉ ra một dấu hiệu, lòng tham của đám thương nhân sẽ khiến chúng bất tri bất giác thúc đẩy thế cuộc theo ý nó.
Lý Vĩ cười, ra vẻ không quan tâm lắm.
- Hồi thiếu chủ, Hoàng lão đại nói đầu tháng này đã cướp một vố lớn, phải đến đầu tháng sau hắn mới xuống núi quấy rối đường tải lương dưới núi được.
Lê Ý cũng cười, nhạt nhẽo nói.
- Đám ôn con này, đớp của chúng ta nhiều muối sắt như thế lại không chịu làm việc theo lệnh của ta. Liên hệ với Nùng lão đại ở Sa Đường Giang, cháu muốn ít nhất hai phần mười lương gạo từ Quảng Châu đến Thiệu Châu phải bị chặn lại, muối sắt cung cấp cho hắn sẽ tăng ba phần mười. Còn phần đám bùn nhão ở La Khanh sơn, Hoàng lão đại không cần cũng được, phím cho Hoàng lão tam biết ta rất không hài lòng về đại ca hắn. Hoàng lão tam là người khôn ngoan, hắn sẽ biết phải làm gì.
Lê Ý không cần mặt mũi, nói đúng hơn là đứng trước lợi ích thì không cần mặt mũi. Đám sơn tặc ở La Khanh sơn đúng là một tay nó ẩn danh mà thúc đẩy. Hoàng lão đại đúng là do hắn tự tay chọn lựa dựng lên, phế hắn đi đối con mắt nhìn người của nó có hơi châm chọc một chút.
Thế nhưng nuôi chó mà, chủ ra lệnh cắn ai thì phải cắn người đó, chủ nhân không cho ăn thì chết đói cũng chỉ được ở một bên nhìn thức ăn mà thôi.
Hoàng lão đại dám há mồm ra cắn cái thương đội nào đó khi chưa có lệnh của Lê Ý, lại vì như thế mà kháng lệnh nó không xông ra cắn mục tiêu mà Lê Ý chỉ định nghĩa là không nghe lời.
Một khi con chó đã có dấu hiệu không nghe lời thì phải nấu rượu mận.
Đàng nào những kẻ muốn làm chó cho Lê Ý không chỉ có Hoàng lão đại, ngay tam đệ nhà hắn cũng rất xót ruột muốn làm đại đương gia kia kìa.
Thế là số phận của Hoàng lão đại đã được quyết định, Trịnh Đạo ngồi một bên chỉ nghe không can thiệp gì, đến bây giờ mới cất tiếng nói.
- Hành động quân sự của chúng ta ở Mộc Châu bất thành, cuối tháng này Lê Ê tướng quân sẽ cầm năm ngàn Thiết Đột hữu dực Thánh quân lên Tây Bắc dẹp loạn. Trên đó đã có sẵn hơn hai ngàn quân Phủng Thánh, gần hai ngàn quân Ưng Dương cùng hơn năm ngàn thổ binh.
Nghe đến đây Lê Ý cau mày nói.
- Chuyện ở Mộc Châu là sao? Không phải chúng ta đã thiết kế vây diệt chúng ở đó rồi sao?
Nguyễn Tuy ở phía sau Trịnh Đạo ra vẻ không đáng kể nói.
- Công tử Ý, đánh trận không có chuyện ta bày mưu nghĩ kế rồi kẻ địch ngoan ngoãn chui đầu vào rọ như thế. Nhà họ Xa ba bốn đời làm phù nạm Mộc Châu, đường ngang ngõ tắt trên đó không chỗ nào không thông thuộc. Chúng kiếm được một con đường tránh thoát khỏi quân ta vây đánh là cực kỳ bình thường.
Lý Vĩ cũng nói thêm.
- Thiếu chủ, đánh trận không giống Tam Quốc diễn nghĩa của La phong tử, một trận hợp vây không thể nào quyết định thắng bại chiến tranh. Kể cả có vây diệt được phần lớn chủ lực của chúng ở Mộc Châu thì thế lực của người Thái ở Hưng Hóa cũng chưa an tĩnh ngay được. Trước sau gì cũng phải điều thêm quân lên thôi, cái khác là vì không vây diệt được chủ lực của chúng nên giờ đây triều đình phải dùng nhiều sức hơn cho chiến dịch này.
Trịnh Đạo hiếm khi thấy có mảng Lê Ý hơi tỏ vẻ trì độn, hăng hái giải thích.
- Hợp vây hay tập kích cũng chỉ có thể giải quyết một trận chiến dịch, có thể xoay chuyển tình thế nhưng vẫn là chưa đủ để quyết định thắng bại của một cuộc chiến tranh. Chiến tranh là và chỉ có thể là một cuộc đấu vật hạng nặng, hai bên tham chiến tận hết phần sức lực tung đòn và chịu đòn, bên nào chịu đòn tốt hơn chính là người thắng. Chỉ có người chiếm ưu thế trên chiến trường mới có thể thẳng lưng ngồi trên bàn đàm phán. Năm xưa Thái Tổ đuổi giặc Ngô có chỗ nào không phải như thế, Ninh Kiều, Tốt Động, Chúc Động v.v. có trận nào không phải lấy một địch mười, khoáng cổ tuyệt kim. Thế nhưng giặc Ngô có vì thế mà chắp tay bó gối xin hàng hay không?
Thấy Lê Ý chỉ nghe không nói, Trịnh Đạo có một loại thành tựu trước nay chưa từng có, phóng khoáng khoa tay múa chân.
- Phải đến chiến dịch Chi Lăng – Xương Giang, khi Liễu Thăng cụt đầu, Lý Khánh tự vận, quân giặc quay giáo tự đánh lẫn nhau v.v. Cuối cùng ba ngàn Thiết Đột lên trước mở lối, hàng vạn nghĩa quân theo sau tràn vào tàn sát năm vạn quân Minh, lại bắt làm tù binh ba vạn quân còn lại ở cánh đồng Xương Giang. Thằng nhãi con Tuyên Đức ngoảnh lại đã thấy ngay cả quân canh hoàng lăng cũng đã bị điều đến An Nam, trước sau không còn viện quân có thể phát. Lúc này hắn mới thừa nhận Đại Minh đối với An Nam sức đã cùng, lực đã kiệt.