• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Sáng mai Lê Ý lên đường xuống Ngọc Sơn rồi, tối nay bà Vân đích thân xuống bếp nấu một bữa tiễn chân. Không hiểu tiễn chân thế nào chút nữa tiễn nó xuống suối vàng.

Cơm khê thì cũng tạm cho qua đi, tình thương của mẹ mà, miễn cưỡng cũng có thể nuốt được. Nồi cá kho dì Hoa đang nấu ngon lành, bà Vân chỉ việc làm Lý Thông bưng lên nhận công thì không chịu. Cứ thích thể hiện ta đây cũng biết nấu ăn, thế là nồi cá gần xong rồi đuổi dì Hoa ra ngoài, đích thân canh lửa.

Kết quả không mong đợi gì nhiều, không thành than đã là vạn hạnh, chấp nhận ăn cá kho bóng đêm vậy.

Nồi canh chua của bà Vân đúng là ác mộng, cá sống còn máu bả cho vào nồi nước lạnh nấu canh tanh ngòm, bây giờ nó đã hiểu cảm giác của Lê Khôi lúc cố sống cố chết ăn bát cháo cá của nó tháng trước. Thế còn chưa hết, nếu chỉ là canh chua bị tanh đã là vạn hạnh, đàng này dọc mùng bà Vân vắt nước không kỹ ăn vào còn bị ngứa.

Lê Điềm khinh ghét nồi cơm khê của mẹ nên chạy sang chỗ dì Hoa ăn chực từ đầu, chỉ có Lê Ý bị bà Vân hành cho dục tiên dục tử. Chán nản súc miệng bàng nước muối ấm, Lê Ý ngồi vào bàn sách nắn nót viết chữ để tịnh tâm tĩnh khí.

Bà Vân ở phía sau mỉa mai nói.

- Kén cá chọn canh như thế? Có cá có thịt ăn là tốt rồi, cứ vung tay quá trán chẳng mấy chốc nhà ta phải ăn cơm độn.

Bữa ăn hôm nay là do Lê Ý tự chuốc lấy, nó biết bà Vân đang khó chịu chuyện nó bỏ giá lớn mời Thuấn Du tiên sinh dạy cho con cháu đám gia thần. Bình thường con bà đối với phó dịch hầu cận tốt một chút cũng không sao, thu mua nhân tâm mà, bên người không có mấy kẻ thề sống chết vì mình sao được. Đạo Lý này từ thời còn tóc búi sừng dê Phạm Vấn đã dạy cho Phạm Vân.

Lần này Lê Ý chơi lớn thực sự, toàn bộ đám con cháu gia thần ba mươi mốt miệng đều gửi gắm Thuấn Du, Tử Tấn tiên sinh bằng hết. Phải biết hai lão già này vào hàng đế sư, cho dù là phó dịch hầu hạ ở bên cũng là thiên đại ân huệ, đàng này Lê Ý không những xin xỏ mấy chân phó dịch bên cạnh hai vị tiên sinh, còn xin cho chúng nó vào học trường Quốc học Lam Kinh, chơi lớn như này thì phải bỏ ra cái giá cỡ nào.

Còn chưa nói đến chuyện bọn Lê Ứng, Lê Nhiệm, Lý Tiêu đều đã đến tuổi chèo chống gia nghiệp, giờ cho bọn chúng xuống Lam Sơn học ba năm lấy ai đi quán xuyến phân bộ các nơi, chẳng lẽ phó mặc hết cho các nhà khác à?

Lê Ý chậm rãi viết xong bốn chữ “上善若水”(Thượng thiện nhược thuỷ), đoạn ngẩng đầu nhìn bà Vân khoan thai nói.

- Lão Tử nói “thượng thiện nhược thuỷ”, Thuấn Du tiên sinh giải nghĩa rằng, người đại thiện nên giống với nước. Nước tạo phúc vạn vật, tẩm bổ thế gian lại không cùng vạn vật tranh cao thấp, đây là trung dung mỹ đức. Hồ biển sở dĩ có thể để ngàn sông vạn suối quy túc là bởi vì chúng ở vào chỗ trũng, đây là khiêm nhường. Trên thế gian này không có nhiều thứ nhu nhuận hơn nước, nhưng những vật xưng là cứng rắn nhất không gì chịu nổi thế công của nước, nước chảy đá mòn là vì lẽ ấy. Thuỷ đức cực kỳ gần gũi với đạo đối nhân xử thế, đạo đối nhân xử thế không ai không dùng, vậy nên thuỷ đức không chỗ nào bất lợi.

Bà Vân trắng dã mắt liếc xéo Lê Ý.

- Mi nói tiếng người được không?

Lê Ý nhún vai nói.

- Muốn đứng ở thế bất bại thì phải khéo léo như nước. Tĩnh trong biển hồ thì không ai lường được, sông suối cuồn cuộn chẳng làm hại đến ai thì ít kẻ thù, ban phát mưa móc ân huệ của mình đến khắp mọi nơi mà cấu thành vây cánh, mang theo cát sỏi mà mài mòn ghềnh thác. Mẹ cho con hỏi, mưa móc nhà ta ở nơi đâu? Cát sỏi nhà ta lại ở chốn nào rồi?

Bà Vân hơi có vẻ ngộ ra, lầm bầm.

- Ý mi là?

Lê Ý chậm rãi cầm tờ giấy tuyên lên, nhìn bốn chữ “thượng thiện nhược thuỷ” hài lòng thổi thổi hai cái, ý vị nói.

- Thành tín cùng ân đức chính là mưa móc mà nhà ta rải khắp thiên hạ, đó mới là căn bản để cai trị, là di sản lớn nhất mà Thái Tổ để lại cho chúng ta. Thái Tổ giữ tín nghĩa, vậy nên thiên hạ mới cống hiến cho nhà ta mà không sợ chó săn bị nấu. Thái Tổ thiện ban phát “ân đức”, vậy nên nhà ta hô một tiếng mà quần hùng khắp thiên hạ thề sống chết ra sức khuyển mã.

Đứng dậy ghé sát miệng vào tai bà vân khẽ nói.

- Chỉ biết thủ tín nghĩa, ban phát ân đức thôi là chưa được, nhà ta còn cần sỏi đá để đe nẹt ghềnh thác chống đối. Nói cách khác, cho chúng ăn củ cải thì tay ta phải lăm lăm cây gậy. Gia thần chính là lực lượng, là cây gậy của chúng ta. Trong cần gia thần quán xuyến việc nhà, thủ hộ gia viên. Ngoài cần gia thần tai nghe bốn phương mắt canh tám hướng. Sáng cần gia thần quản lĩnh thân binh, hộ tống thương hội. Tối cần gia thần làm chuyện bẩn thỉu ta không tiện làm. Nếu nhà ta có mấy chục hơn trăm anh em có thể trấn giữ một phương hà cớ gì con phải khổ sở tìm cách đào tạo gia thần như thế.

Liếc nhìn bà Vân, nó buông tờ giấy tuyên xuống rồi cầm lát dưa trên bàn, vừa ăn vừa tủm tỉm cười nói.

- Kể cả có là gia thần tin cẩn đến mấy thì cũng không phải máu thịt nhà ta, nào có mấy người được như chú Điền sẵn sàng theo hầu bố mà bỏ cả tập tước. Trung thực mà nói, đến con cháu nhà ta cũng chưa chắc là trung thành tới chết không gì lay chuyển nổi. Chẳng qua cái giá để con cháu trong nhà phản bội cao hơn gia thần, cái giá để gia thần phản bội lại cao hơn ngoại thần mà thôi.

Liếc thấy bà Vân lâm vào cảnh suy tư sâu sắc, nó bóp vai bà Vân nịnh nọt.

- Mẹ không cần lo đến những việc này, để cho con với bố xử lý là được rồi. Việc của mẹ là nặn ra cho con mấy chục hơn trăm đứa em, mẹ sợ đau thì kiếm cơ thiếp về đẻ hộ cũng được, con chẳng để ý đâu, hà hà …

Bà Vân chợt tỉnh cả người, cầm chổi lùa nó từ trong sảnh ra ngoài sân, vừa đuổi vừa chửi.

- Ái chà chà, mi thương bố mi quá nhỉ …

Trong sân vang lên tiếng chổi lông gà quất vào đít lép tép, thực ra bà Vân không thể đuổi kịp nó, chẳng qua là bà Vân thích thì nó tạo cơ hội cho đánh thôi, thi thoảng cố tình chạy chậm lại, đít bị vụt đến đét một phát mới ôm đít chạy nhanh hơn. Phạm Vân dường như không để ý, thi thoảng có giọt nước từ đuôi mắt nó rớt ra, khoé miệng Lê Ý mang chút nét cười yếu ớt.

Dòng Lỗi Giang đóng góp một mảnh quan trọng hình thành xứ Thanh, từ ngàn xưa vùng đất này rặt một màu đồi núi, chỉ có các thung lũng nhỏ có thể canh tác nên gọi là “động”. Năm này qua năm khác, cùng với sông Lường, dòng Lỗi Giang đã mang phù sa đến bồi đắp, kiến tạo nên cả một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, tạo nên vựa lúa gạo thứ hai của Đại Việt.

Đoàn thuyền chậm rãi dọc theo dòng Lỗi Giang bơi xuống công xưởng Vĩnh Xương, dưới đó có mấy chục con thuyền chở hàng đang chờ. Lê Ý chống tay lên lan can, đắm chìm trong ánh bình minh mơn trớn qua từng tấc da, trong lòng nó bỗng có chút cảm giác trống vắng lạ lùng.

Nó phải lẻn đi từ sớm, nếu không em gái nó sẽ bám chặt chân khóc lóc đòi đi theo. Kể cả không có em gái, chỉ mình bà Vân sáng nay nó cũng vất vả lắm mới bước chân ra khỏi nhà được. Hết hỏi có cần thêm áo lạnh hay không lại hỏi mang mấy đôi dày, cầm tấm giáp của nó lên lại hỏi sao nhẹ thế, bà Vân thường giúp Lê Khôi mặc giáp nên biết bố diện giáp của lão nặng tới hơn năm mươi cân.

Nó phải giải thích với bà Vân rằng giáp của nó là giáp kiểu mới, chỉ nặng ba mươi sáu cân nhưng bảo vệ tốt hơn giáp của Lê Khôi. Thế là bà Vân gọi Bùi Sái vào sai lão đôn đốc thợ rèn làm cho Lê Khôi một bộ giáp bằng vật liệu mới, độ năm mươi sáu cân – nặng đúng bằng bộ giáp cũ của Lê Khôi.

Giờ này nó mới biết mình chẳng qua là sản phẩm phái sinh, trong mắt bà Vân nó vẫn chưa quan trọng bằng ông già. Chỉ biết gãi đầu huynh đệ thân thiết tìm chút an ủi rồi xách đồ lên thuyền. Con Trump rất ngoan, biết là huynh đệ đi ra ngoài kiếm cơm nên chỉ đứng ở bờ sông vẫy đuôi tiễn biệt.

Ngay trên thuyền của nó còn chở theo Trình Hiền, Lý Thối cùng hơn hai mươi tên túc nho, cộng thêm bọn Lê Ứng cùng phu chèo thuyền, hết thảy hơn tám mươi người.

Phía sau còn có ba con thuyền như thế nữa, sách vở thua thập được mấy năm nay đều phiên dịch ra chữ tượng thanh rồi sao làm ba bản. Một bản gửi về Đông Kinh, một bản lưu ở Cẩm Giang, bản còn lại đem xuống Lam Sơn.

Hiện giờ xưởng nghiên cứu của Lê Ý chưa hoàn thiện được kỹ thuật in, hay nói đúng hơn là chưa hoàn thiện được loại mực in phù hợp, vì vậy chất lượng bản in rất kém.

Sách vở này đem xuống Lam Sơn phải tiếp tục được sao chép bằng tay thêm ít nhất hơn trăm bản phát cho học sinh. Ai bảo học sinh quốc học Lam Sơn rặt một màu nhị đại đâu, thứ gì cũng thiếu chỉ không thiếu tiền, bán sách cho chúng cũng là một khoản thu nhập nho nhỏ.

Xuôi dòng đến huyện Yên Định đám giáo thụ cùng người hầu, hộ vệ hơn hai trăm người sẽ xuống thuyền đi tắt ngang qua huyện Thuỵ Nguyên sang Lôi Dương, rồi lại từ Lam Kinh qua sông đi về hướng nam thêm bảy tám dặm nữa có một quả núi thấp, trước kia không có tên, từ khi trường quốc học bắt đầu xây dựng thì gọi là núi Kiến Hưng.

Trường quốc học Lam Sơn toạ lạc ở mặt nam núi Kiến Hưng, đã hoàn thành bảy tám phần mười, có thể dọn đến ở được rồi. Đến đầu tháng tám cả triều về Lam Sơn cúng giỗ đầu Lê Nguyên Long, tiện đường sẽ tổ chức khai giảng khoá đầu tiên của trường quốc học luôn.

Lê Ý xác định đi chuyến này là khỏi kịp về ăn giỗ ông chú rồi.

“Đến lúc đó sẽ có nhiều trò hay lắm đây, không đích thân xem, thực là đáng tiếc.”

Đang lầm bầm nuối tiếc không được xem kịch hay mấy tháng, sau Lê Ý nghe thấy mấy tiếng chân lạch cạnh phía sau, quay lại thì ra là hai lão già Trình Hiền, Lý Thối, nó ghắp tay hướng hai lão vái dài.

- Học sinh bái kiến hai vị tiên sinh, các ngài đi thuyền còn ổn đấy chứ.

Lý Thối vẻ mặt ngưng trọng hỏi Lê Ý.

- Ngài không ở lại chờ sau khi khai giảng hẵng đi được à? Vì cái trường quốc học này ngài đã đổ biết bao công sức, không dự khai giảng thì tiếc lắm.

Lê Ý điềm nhiên như không, lại chắp tay vái nói.

- Ngoài kia còn những chuyện hệ trọng hơn cần học sinh đi làm, nó có thể ảnh hưởng đến quốc tộ Đại Việt ta trăm ngàn năm sau. So ra, chút vinh diệu ở đó lại có đáng là gì. Chuyện ở trường quốc học nhờ cậy hết vào hai vị vậy.

Ở chung bốn năm năm, hai lão già đều biết Lê Ý không nói đùa, cống hiến của nó cho Đại Việt nhiều vô kể, chỉ riêng phép canh tác lúa mới đã đủ để truyền lưu trăm ngàn năm sau. Nếu nó đã nói thực sự có chuyện quan trọng cần đi thì không ai nghi ngờ gì cả. Cả hai lão chắp tay hướng nó vái dài.

- Ngài lần này xuất ngoại, bọn lão phu không có gì có thể thêm lời, chỉ trông mong tiểu Hầu gia có thể mã đáo thành công, vạn cát mà trở về. Đợi đến ngày đó bọn lão phu sẽ bày tiệc tẩy trần cho ngài.

Lê Ý cười sang sảng.

- Quốc học Lam Sơn có hai vị trông nom học sinh mới dám yên tâm dong buồm đi làm việc khác. Chỉ mong hai vị chú trọng vào vạn vật nguyên lý, người đời tuy thích cái tiện dụng của vật lý, ưa dùng cái giản tiện nhanh chóng của kỹ thuật, thậm chí coi là trân bảo. Thế nhưng đối với người phát kiến ra chúng lại coi rẻ, bạc đãi, trên đời nào có đạo lý như thế? Việc quan trọng nhất của trường quốc học là khơi dòng cho cả thiên hạ, kiến tạo nếp suy nghĩ mới, thúc đẩy người ta đặt câu hỏi và tìm cách trả lời, đây mới là đại đạo ngàn thu. Nếu quốc học mà coi trọng thi từ ca phú quá đáng, chỉ tôn sùng tứ thư ngũ kinh mà coi nhẹ những học vấn khác thì đó là đi vào đường rẽ, khi đó quốc học Lam Kinh có gì khác văn miếu ở Đông Kinh chăng.

Trình Hiền, Lý Thối nhìn nhau, đoạn chắp tay vái dài nói.

- Hiền (Thối) không dám quên.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK