• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thấy Lê Ý có vẻ tâm tư chưa dứt, Lý Vĩ ngồi xuống bên cạnh, châm một điếu thuốc rít một hơi thật dài, như chẳng hề gì nói.

- Nhà chúng ta là huân quý, nghĩa là quân công quý tộc, đánh trận là bản lĩnh kiếm cơm. Kiếm nhiều tiền tuy tốt nhưng cũng không thể vì tiền tài mà chểnh mảng quân bị được, làm như thế khác gì bỏ gốc lấy ngọn, lợi bất cập hại. Lần này đi Đại Hòa về gia chủ hẳn là cũng sẽ tăng cường truyền thụ nghề tay phải cho thiếu chủ ngài. Đàng nào năm sau ở Thuận Hóa cũng sẽ có đánh lớn, học lý thuyết xong xuôi để cho thiếu chủ vào đấy thực hành luôn cũng là không tệ. Hơn nữa tân quân cùng chiến tuyến hạm đều do thiếu chủ đề xuất, cũng nên để ngài đích thân đốc sát xem phía dưới phổ biến có đúng ý hay không, có sai sót gì còn sớm đường cải tiến.

Nghe Lý Vĩ nói Lê Ý cũng gật nhẹ đầu, trung thực mà nói nó cũng không bài xích chuyện tầm quân. Phải nói là dẫn đầu ba quân phi ngựa vào trận giặc là niềm mơ ước bất diệt của đám con trai nói chung ... ờ ... năm mươi tuổi vẫn tính là con trai.

Phải cái nó thực sự không có thời gian, từ năm hai ba tuổi đến nay nó dốc lòng cố sức trau dồi kiến thức nhưng người chỉ có một mà kiến thức thì nhiều. Từ luyện thể tập võ đến tứ thư ngũ kinh, từ vật lý, sinh học đến quân khí quân chế đều phải dàn trải thời gian nghiên cứu.

Đến tận bây giờ mỗi ngày nó vẫn phải dành ra ít nhất một canh giờ rèn luyện võ nghệ, hơi có chùng xuống là không yên thân với Lê Khôi, mấy vấn đề này roi mây của lão chưa bao giờ nhẹ nhàng tha thứ.

Ăn đòn xong hôm sau vẫn phải tập luyện như thường, con mẹ nó riêng chuyện này mấy thầy trò Lê Khôi, Lê Điền v.v. vô cùng nhất quán, kể cả Lê Khôi không có nhà vẫn có người khác thay lão thi pháp.

Thời gian ngặt nghèo như thế nên nó cũng không thể chiếu cố hết các mặt được, nhất là đối với một môn khoa học yêu cầu logic nặng như hành quân đánh trận lại càng khó khăn.

Như Lê Khôi đã từng nói, chỉ biết cầm kiếm lên trước, dùng mưu mô tính toán quyết thắng chẳng qua cũng chỉ là một chút da lông, giỏi lắm đủ lĩnh quân một vệ (hơn hai ngàn người) mà thôi.

Lo toan hơn thiệt vạn mối, tính toán thời thế trăm bề, vận dụng tối đa lực lượng trong tay, đó mới là tướng cầm quân, phàm là thân cầm một quân (ba vệ trở lên) đều phải làm được điều đó.

Trên chiến trường nào có nhiều kỳ mưu diệu kế có thể khắc địch chế thắng, ngay cả Gia Cát Lượng nhiều mưu cao kế sâu như vậy. Đến khi gặp Tư Mã Ý lưng dựa đại thế, một lòng cầu ổn, tính toán không để lọt có ra nổi Kỳ Sơn không?

Cũng nào có vũ phu hoành hành vô địch, lấy sức một mình quyết định thắng bại chiến tranh, ngay cả võ giả cấp tông sư như lão Khôi cũng có thể bị quân trận mài chết như bỡn.

Vạn thế danh tướng không gì ngoài phát huy được ưu thế của mình mà hạn chế ưu thế của người, khắc phục khuyết điểm của mình mà khuếch đại khuyết điểm của người.

Tựa như một trận quyền anh hạng nặng, võ sỹ có tầm tay dài hơn lên đài quyết đấu với võ sỹ có thân thủ nhanh nhẹn hơn mà muốn thắng thì phải giữ vững khoảng cách, tung đòn chuẩn xác từ ngoài tầm trả đòn của đối thủ.

Ngược lại, võ sỹ có thân thủ nhanh nhẹn hơn phải bằng mọi cách đưa đối thủ vào tầm đánh của mình rồi sử dụng lợi thế nhanh nhẹn của mình mà liên tục ra đòn không cho đối thủ kéo giãn khoảng cách.

Làm được như thế thì chỉ cần dùng sức một nửa mà được lợi gấp đôi, đó mới là trí kế tối thượng.

Nói thì dễ, hành sự mới thấy muôn vàn gian truân. Nội cái chuyện thấy rõ ưu khuyết của quân ta lẫn quân địch đã không phải tướng lãnh nào cũng làm được rồi, nói chi đến vận dụng ưu khuyết của hai bên mà dày công bố trí.

Vậy nên những tướng lãnh như bọn các ông Đinh Lễ, Lý Triện mới được xếp vào hàng binh chủ.

Trận Tốt Động – Chúc Động quân Lam Sơn chỉ có trên dưới năm ngàn tinh binh, vì dân chúng Kinh Lộ còn sợ oai giặc nên phần nhiều không dám ra giúp. Tính cả các nhánh nghĩa quân khác (nếu có) thì tổng quân số cũng khó lòng vượt qua một vạn.

Kẻ địch thì sao? Cánh quân tiếp viện của Vương Thông chỉ tính riêng tinh binh đã lên đến hai vạn năm ngàn người, cộng với quân thủ thành Đông Quan hơn ba vạn người, quân ở thành Nghệ An vượt biển về cứu v.v. tính ít cũng phải sáu bảy vạn.

Cứ cho rằng kẻ địch cắt một vạn quân ở lại giữ thành Đông Quan, số quân giặc lâm trận tính ít cũng là năm đến sáu vạn người.

Nếu hai ông Lễ, Triện đem quân ra dàn trận đánh thẳng mặt với giặc thì chỉ cần nhổ nước bọt quân Minh cũng đủ sức dìm chết quân Lam Sơn.

Hai ông nhanh chóng nhận định địa hình chiến địa là vùng đầm lầy, thời tiết mấy ngày đó mưa thâm gió bấc khiến hỏa khí của quân Minh không thể phát huy tác dụng.

Tiếp đến nhận thức được lợi thế của quân ta là binh trải trăm chiến tinh nhuệ, có thể một chọi hai chọi ba mà vẫn giữ được thế thượng phong, lại đang nắm thế chủ động trên chiến trường. Vậy nên trên khắp vùng chiến địa này đánh ở đâu, khi nào đánh do quân Lam Sơn quyết định.

Cuối cùng hai ông nắm chắc kế hoạch của định là chia quân làm ba cánh, mỗi cánh cách nhau hai lăm đến ba mươi dặm, quân Minh không thể nào nhanh chóng hỗ trợ lẫn nhau.

Từ những phân tích tình hình địch ta, hình thế chiến trường, điều kiện thời tiết như thế nên Đinh Lễ, Lý Triện khéo léo bố trí lực lượng né tránh vòng vây của địch, tập trung quân tinh nhuệ nhắm từng cánh quân địch mà đánh.

Trước thì bóp chết cánh quân của Mã Kỳ, sau lại tiêu diệt quân chủ lực của Vương Thông, cuối cùng mới vòng lại chặn đánh nhánh kỳ binh của Phương Chính.

Có người nói chẳng qua là hai ông bố trí mai phục, lợi dụng ưu thế bất ngờ mới ăn được Vương Thông, đó cũng là một loại mưu kế.

Thế nhưng sự thực là Vương Thông biết quân Lam Sơn sẽ đặt phục binh từ trước hay không?

Câu trả lời đơn giản và rõ ràng là có. Thậm chí bọn Trần Hiệp cũng biết rõ điều đó và khuyên Vương Thông nên cắt quân tiềm trạm dò xét nhưng Vương Thông phủ định ý kiến này.

Ông ta rõ ràng không phải kẻ ngu, Vương Thông thừa biết mình sẽ bị mai phục nhưng vẫn không cắt quân tiền trạm đơn giản vì cả hai bên đang đánh với nhau một ván bài ngửa.

Vương Thông thừa hiểu rằng quân Lam Sơn đang nắm thế chủ động trên chiến trường, thời gian và địa điểm giao chiến do quân Lam Sơn quyết định.

Vậy nên Đinh Lễ và Lý Triện sẽ không bao giờ giao chiến với ông ta nếu họ không thể khắc phục điểm yếu về quân số hoặc khuếch trương ưu thế quân sỹ cực kỳ tinh nhuệ của mình. Thậm chí là cả hai, quân Lam Sơn sẽ chỉ khai chiến khi làm được cả hai điều đó.

Những lúc như thế này cắt vài ba ngàn quân đi trước chẳng khác gì bánh bao thịt đánh chó, một đi không trở lại.

Rơi vào tình thế bị động, Vương Thông chỉ có thể tận dụng ưu thế cũng như khắc phục nhược điểm của mình mới mong có thể tìm kiếm được cơ hội có một chiến thắng quyết định trên chiến trường.

Phát huy ưu điểm bằng cách nào? Quân Minh có ưu thế tuyệt đối về quân số, kể cả chia làm ba cánh thì mỗi cánh quân vẫn đông hơn toàn bộ quân Lam Sơn.

Khắc phục nhược điểm bằng cách nào? Vì mất thế chủ động trên chiến trường nên quân Minh rơi vào thế bị động chống đỡ, những lúc như thế này không thể phân mảnh lực lượng hơn nữa, phải tập trung lực lượng thành các nhóm quân đủ để gây khó khăn cho phe công khi quân Lam Sơn phục kích.

Thực tế chiến trường cũng chứng minh rằng Vương Thông có cái lý của ông ta, một khi đã bị quân Lam Sơn mai phục thì đừng nói vài ba ngàn quân tiền trạm, ngay cả cánh quân lớn cả vạn lính của Mã Kỳ cũng chống không nổi.

Về phần hai ông Đinh Lễ, Lý Triện, hai ông cũng thừa biết Vương Thông biết rằng hai ông sẽ mai phục và sẽ có biện pháp khắc chế. Vì vậy sau khi bóp chết cánh quân thứ nhất của Mã Kỳ, đánh đến cánh quân chủ lực của Vương Thông hai ông đã khéo léo ém quân để kẻ địch đi qua ổ mai phục thứ nhất ở Chúc Động, chờ khi kẻ địch đã đến ổ mai phục thứ hai ở Tốt Động - nghĩa là đã vào thế chặn đầu khóa đuôi - thì hai ông mới tung quân ra đánh.

Đến lúc này, trên khắp một mảnh chiến địa dài vài mươi dặm, quân Minh khắp nơi bị quân Lam Sơn phục kích xông ra chặn giết cùng lúc, đội hình bị chia cắt, đầu đuôi không liên lạc được với nhau, thế là vỡ trận.

Trong vòng ba ngày quân Lam Sơn đã cơ động bảy tám mươi dặm đường, đánh liền ba trận lớn, làm tan tác năm sáu vạn quân Minh. Trận Tốt Động – Chúc Động được coi là mẫu mực của vận động chiến là vì lẽ ấy.

Lãnh binh đánh trận là khó khăn, là rối não như vậy nên Lê Ý không cho rằng dựa vào mớ kiến thức tạp nham của nó đủ để đưa mình lên hàng chủ soái. Càng không cho rằng chỉ dựa vào một đám súng musket cùng đại pháo nạp tiền là đủ để nó có thể không coi tri thức cầm quân ra gì.

Vậy nên ít nhất là tương lai gần nó chưa có ý định đơn độc cầm quân đánh giặc.

Nó xác định rõ ràng việc chuyên nghiệp nên giao cho người chuyên nghiệp. Giả dụ như bọn Trịnh Đạo, Đinh Mục, Nguyễn Sư Lộ, Lê Niệm, Lê Thọ Vực v.v. mười mấy năm trời như một ngày học tập đạo cầm quân, trước mắt việc binh đao nên để cho bọn chúng.

Thân là đỉnh tiêm huân quý, quân quyền cứ từ từ sẽ có, còn muốn có tiếng nói trong quân đội thì đơn giản, trong dăm năm sắp tới cứ lo liệu về hậu cần, kỹ thuật cho quân là được.

Hoàng Đế Nã-phá-luân (Napole’on) đã từng nói, “một đội quân đánh trận trên cái dạ dày của nó”, nắm được cái dạ dày của quân đội rồi Lê Ý không tin có kẻ trong quân còn dám phớt lờ ý chí của nó.

Trong bụng nghĩ thế, ngoài mặt Lê Ý vẫn quệt quệt mỏ nói.

- Ai mà thèm hành quân đánh trận cơ chứ, cháu chỉ muốn là Đại Việt đệ nhất chó nhà giàu mà thôi.

Bọn Trịnh Đạo thấy Lê Ý ra vẻ hất cùn, ai nấy ôm bụng cười sằng sặc.

...

- Ngòi đầu cầu nước trong như lọc/ Đường bên cầu cỏ mọc còn non/ Đưa chàng lòng dặc dặc buồn/ Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng thuyền/ Nước có chảy mà phiền khôn rửa/ Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây/ Nhủ rồi tay lại cầm tay/ Bước đi một bước giây giây lại dừng/ Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi/ Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San/ Múa gươm rượu tiễn chưa tàn/ Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.

Lê Niệm vừa lẩm nhẩm đọc Chinh Phụ Ngâm của Lê Ý vừa dang hay tay ra để gia thần thắt chặt khôi giáp của mình lại. Lát nữa hắn theo quân xuất chinh Hưng Hóa, bà nội cùng mẹ và các bác các thím sẽ khóc chết mất. Nghĩ đến đây hắn ngoảnh mặt nhìn tên gia thần đang cẩn thận kiểm tra từng nút thắt trên áo giáp khẽ nói.

- Chú Thắng có thấy thằng Ý nhà bác Khôi đúng là quái đản không, đương tuổi gầy dựng sự nghiệp lại đắm chìm vào chút cô quạnh u uất của chinh phụ.

Trình Thắng lui lại một bước, nhìn thật kỹ chủ tử nhà mình một lát mới thở dài nói.

- Có thể do công tử Ý trưởng thành sớm.

Lê Niệm nhíu mày.

- Ý chú là cháu vẫn còn trẻ con à?

Trình Thắng cười sảng khoái vỗ mạnh lên vai Lê Niệm nói.

- Thiếu chủ không nên hiểu nhầm, thần nói là công tử Ý trưởng thành sớm, hơn xa cùng lứa tuổi. Đương tuổi mười mấy đôi mươi phải hừng hực khí thế như thiếu chủ mới là đúng đắn.

Hơi giãn cơ mặt ra, Lê Niệm lấy lại khí thế.

- Nói như vậy cháu là không sai, có đúng không.

Ngẫm nghĩ một lúc, Trình Thắng thấm thía nói.

- Công tử có nghĩ đến lão phu nhân, phu nhân cùng chư vị đường phu nhân là tâm trạng gì khi lão gia chủ, gia chủ cùng các vị đường chủ tử lần lượt chết trận không? Công tử Ý cũng là dựa theo tâm tình của Phạm phu nhân mà viết nên bài trường thi này, tuy công tử Ý luôn nói là sao chép của người khác nhưng mấy ai tin, ngay cả Trình tiên sinh cùng Lý tiên sinh cũng nói lần đầu đọc được. Lê Khôi đại nhân đọc được bài thơ này cũng phải cất công từ Thuận Hóa chạy về thăm Trịnh phu nhân đấy. Thần nghe Cảo nương nói, hôm đó có người đem bản chép tay Chinh Phụ Ngâm lan truyền tới dinh thự ở huyện Thuần Hựu, năm vị phu nhân nghe người ta đọc Chinh phụ ngâm liền ôm nhau khóc. Suy cho cùng, thiếu chủ muốn kế thừa sự nghiệp gia tộc không sai, công tử Ý ngâm nỗi lòng của người chinh phụ càng không sai. Sai là ở tâm thế, hay nói đúng hơn là thời điểm chưa tới mà thôi.

PS: Mấy ngày nay bận quá, hai ba ngày mới có thời gian gõ một chương.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK