Nghe nói sư phụ sẽ hạ táng trước thời hạn, người trong thôn sợ hãi về đóng hết cửa sổ, sợ xui xẻo. Mới 10h tối mà cả thôn đã yên tĩnh đến rợn người.
Tôi và ông già mù ra bờ sông Hoa Lưu, con sông không rộng lắm, chỉ cỡ bảy tám mét gì đó với cây cầu đá xanh bắc ngang. Tôi cắm bốn ngọn nến đỏ bốn góc cầu, sau đó châm lửa. Ánh nến lập lòe giữa màn đêm, y như những đốm lửa ma trơi chập chờn. Đây gọi là đèn dẫn đường.
Ông già mù dặn: "Phải là nến đỏ đấy nhé."
"Không sai đâu, là nến đỏ mà."
Sau đó tôi cầm một chiếc đỉnh đổng nhỏ ra giữa cầu, lại thắp một nén nhang rồi cung kính cắm nó vào đỉnh, miệng lẩm bẩm đoạn chú ngữ mà ông già mù dạy trước đó.
Niệm xong, tôi cũng quên luôn mình vừa niệm những gì, lo lắng quay sang hỏi: "Tôi niệm đúng chứ?"
Gương mặt đen sì của ông già lộ vẻ tươi cười hiếm có: "Cậu có nhớ mình vừa niệm gì không?"
Tôi lắc lắc đầu.
"Quên sạch ư?"
Tôi cố gắng nhớ lại, lúc ông mù dạy chú ngữ mình còn nhớ rõ, sao mới niệm một lần lại quên hoàn toàn thế này? Gặp ma à, đến một chữ cũng không nhớ? Tôi cả kinh: "Sao lại như vậy?"
Ông già mù nói: "Cậu cứ niệm lại lần nữa xem."
"Tôi quên hết rồi còn niệm làm sao?"
"Bảo cậu niệm thì cứ niệm đi!"
Tôi nhắm mắt bắt đầu lẩm bẩm, nói ra cũng thật kỳ quái, tự nhiên những chữ trong mồm tôi cứ thế bật ra. Lúc niệm chú, tâm tư tôi tĩnh lặng, quên hết mọi thứ xung quang, trong đầu trống rỗng. Bất tri bất giác đã niệm xong đoạn chú ngữ, vừa dứt lời, tôi khó tin nói: "Tôi...tôi vừa niệm?"
Ông già mù gật đầu: "Quả nhiên là thông linh!"
"Thông linh?"
"Mỗi một nghề đều cần có thiên phú. Ca hát thì cần chất giọng, vận động viên cần thể chất, mà nghề của chúng ta đây cần nhất là thông linh. Cứ làm việc trước đã, sau này tôi sẽ nói tỉ mỉ cho cậu sau."
Ông tưởng nói mà tôi muốn nghe đấy à?
Nếu chẳng phải vừa mới chọc dính thứ không sạch sẽ, tôi thèm vào hỏi, cứ làm như tôi đây muốn biết lắm vậy.
Vốn dĩ ông già mù còn bảo tôi chuẩn bị một con heo quay, nhưng tôi làm gì có tiền, đành đổi thành một con gà, mà không được là gà trống bởi dương khí quá mạnh, phải là gà mái già.
Gà mái già là bảo bối đẻ trứng, có dễ kiếm đâu, cuối cùng tôi phải lén ăn trộm gà nhà mình. Mẹ mà biết chắc chửi tôi thối đầu quá.
Đặt con gà mái nướng thơm trước cái đỉnh trên bàn, tôi chạy về bên cạnh ông già mù, ông ta nói: "Được rồi, bắt đầu gọi đi."
"Gọi thế nào?"
"Cậu chưa từng đi xem gọi hồn à? Những người chết đuối không tìm thấy xác hay chết tha hương đều phải gọi hồn đó."
À, cái này thì nghe rồi, tôi bèn đọc to: "Trở về đi sư phụ, trở về đi..."
Ông già mù nói: "Gọi tên, cậu gọi sư phụ thì ai biết đó là ai?"
Sư phụ mình tên họ Trần: "Trở về đi, Trần Kiên...Trở về đi, Trần Kiên..."
Tiếng gọi vang vọng trong đêm, tuy biết là chính mình gọi, nhưng âm thanh vẫn khiến tôi toát mồ hôi hột.
"Trở về đi, Trần Kiên..."
Âm phỏng chợt nổi, thổi ngọn gió bốn góc cầu lay động không ngừng, ông già mù ra lệnh: "Rải tiền giấy!"
Tôi túm một nắm tiền giấy trong túi nylon, vứt lên không trung, vừa ném vừa gọi: "Trần Kiên trở về đi...Trần Kiên trở về đi..."
Những thứ này đối với chúng tôi chỉ là giấy, nhưng trong mắt sư phụ lúc này thì là tiền thật.
"Trở về đi...Trần Kiên..."
Thời gian gọi hồn đều là 15p, qua quãng này thì vô dụng, nhưng tôi gọi đến mười mấy hai mươi phút vẫn chẳng thấy tung tích sư phụ đâu. Ông già mù nói: "Chỉ e là sư phụ cậu sẽ không về, hoặc vướng mắc gì đó chưa về được."
Nghĩ đến cảnh sư phụ phải trở thành cô hồn dã quỷ dãi nắng dầm mưa, trong lòng tôi chua xót: "Tại sao lại như vậy, sao sư phụ tôi lại không về?"
"Có khả năng ông ấy muốn về, nhưng về không được."
Đúng lúc này, trong thôn có tiếng kèn trống nổi lên, kèm theo đó là tiếng khóc nấc liên hồi. Đưa tang!
Nông thôn rất mê tín, họ cho rằng đưa tang trước đầu thất sẽ xui xẻo nên nhiều bạn bè thân thích không dám tới, chỉ có vài người tiễn đưa linh cữu. Đội ngũ thưa thớt xuất phát từ nhà sư phụ, hướng ra ngọn núi phía sau.
"Chúng ta mau qua đó đi." Ông già mù nói.
Phía trước là đội đưa ma, vừa đi vừa ném tiền giấy, miệng hô lớn: "Tân nhân đưa tang, người sống tránh ra!"
Đi ngay phía sau là Xuyến Xuyến ôm di ảnh sư phụ, rồi đến quan tài. Nhất Diệp cũng ở trong đội ngũ, hắn mặc một chiếc áo đạo sĩ màu vàng, sau lưng in hình bát quái nổi bật. Hai chúng tôi vội đuổi theo đám tang.
Lão lưng còng nói: "Không ngậm tiền, đinh con cháu không thắt chỉ đỏ, quan tài cũng không không thêm gỗ sam."
Những lời này tôi đều đã đọc qua trong cuốn sách cũ, ngậm tiền tức là cho đồng tiền cổ vào miệng thi thể rồi lại lấy ra, nghe nói nếu không làm thì kiếp sau sẽ thành người câm. Nhưng nếu cho vào miệng rồi không lấy ra, thì gia tài sẽ bị mang đi.
Đinh con cháu là chiếc đinh trấn chính giữa bảy cây đinh trên quan tài, nhất định phải cột một sợi chỉ đỏ, hiếu tử kéo một chút, thợ mộc gõ nhẹ là xong, có ý nghĩa lưu lại.
Quan tài nhất định phải thêm gỗ sam, nếu chỉ dùng nguyên gỗ bách mộc thì sẽ hút sét, khi trời giông tố, mộ dễ bị sét đánh.
Ông già mù biến sắc: "Rốt cuộc thì Nhất Diệp này muốn sắp xếp cái gì?"
Giọng hô tan lẫn trong gió, một cơn gió đêm mãnh liệt quét tới, tiền giấy bay tứ tung đầy trời. Áng mây đen che khuất ánh trăng, bóng đêm lập tức bao phủ, không khí trở nên âm u quỷ dị.
Có người run rẩy nói: "Trời sắp mưa à?"
Nhất Diệp hô: "Mọi người nhanh chân một chút, chúng ta mau lên núi."
Không khí đáng sợ không khỏi khiến đám người bước nhanh hơn, tôi cũng cố gắng chạy theo, chợt bị ai đó kéo áo.
Quay người nhìn lại, phía sau nào có ai? Đập vào mắt tôi là một con đường mòn đi thông sang rừng cây nhỏ phía trường học, nháy mắt toàn thân tôi nổi da gà.
Mẹ ơi!
Chân vội bước nhanh hơn về phía trước, bỗng bên tai văng vẳng tiếng nữ giới quỷ dị: "Không được lên núi..."
"Không được?"
Đêm khuya mà lên núi, có rất nhiều kiêng kỵ. Nói chuyện phải cẩn thận, chỉ một câu nói lơ là có thể sẽ chọc phải hung ách. Đi đường cũng phải cẩn thận, đặc biệt là lúc đi qua mộ người khác, thái độ cần cung kính, ngộ ngỡ giẫm phải hoặc đụng phải thứ gì đó thì nhất định phải xin lỗi.
Trong núi vang lên tiếng côn trùng, cú đêm kêu, đường vốn khí đi, mây đen lại che mất ánh trăng làm đoàn đưa tang lầm lũi càng nhìn càng quái đản.
Bốn người khiêng quan tài mệt thở hồng hộc, nhưng quan đã nâng lên thì không được buông xuống cho tới khi hạ huyệt, họ chỉ có thể cắn răng mà chịu đựng.
Một bóng đen đột ngột nhảy vọt qua, ai nấy hoảng sợ, suýt thì cỗ quan tài rơi xuống đất. Nhất Diệp nói lớn: "Là mèo rừng, tất cả vây quanh lấy quan tài, đừng để nó lại gần!"
Bóng đen dừng lại trên cành cây đại thụ trước mặt, toàn thân nó đen tuyền, xem ra có vẻ là mèo rừng thật, đôi mắt phát ra ánh sáng xanh lấp lánh.
Meoooo!
Đột nhiên nó gầm lên, co chân nhảy vọt từ cành cây xuống, cành cây rung lên, bóng đen vụt về phía quan tài. Lập tức cả đoàn đưa tang hỗn loạn.
Con mèo nhào vào mặt một người khiêng quan, anh ta hét lên chói tai, giơ tay che chắn, cánh tay đã bị móng vuốt cào rách một đường.
Con mèo thừa cơ nhảy lên cỗ quan tài, một người trong đội đưa ma vội cầm cây gậy vụt nó, nhưng cây gậy chưa đập trúng thù con mèo đột nhiên rùng mình, rồi như bị điểm huyệt, ngã lăn xuống đất.
Nó nằm im trên đất bất động, hiện trường lại đột ngột trở nên yên tĩnh đáng sợ, ai nấy mở to mắt mà nhìn.
Đã chết?
Đừng nghĩ đông người như vậy mà lại nhát gan bị một con mèo rừng dọa. Họ sợ hãi đều có nguyên nhân cả. Mèo là loài vật có linh tính, nếu nó nhảy lên quan tài, dương khí của nó có khả năng sẽ truyền xuống tử thi bên trong. Thi thể hấp thu dương khí sẽ xảy ra thi biến, đây cũng là lý do nhìn thấy mèo trên mộ là một điềm xấu.
"Không chết thật đấy chứ?"
Con mèo rừng tứ chi cứng đờ, nằm im dưới đất. Nếu nó chết thật, như vậy thì chứng tỏ dương khí đã truyền hết vào tử thi.