Chắc chắn là không hướng về phía phụ thân như hắn.
Nhưng mà cũng tốt, Cố Vân Khê thích Lục Văn Tình như vậy thì sau này sống chung một nhà cũng sẽ bớt đi nhiều phiền toái.
Cố Tu Văn nở nụ cười hài lòng.
Cố Vân Khê ở trong huyện thành ba bốn ngày, sau đó liền trở về thôn Bạch gia, như thường lệ cùng với Bạch Lập Hạ và Bạch Trúc Diệp cùng nhau đi tộc học và học nữ công.
Chớp mắt đã đến ngày kết hôn của Lưu thị và Thường Đại Lực.
Bạch Thạch Đường và Tô Mộc Lam cùng nhau đi đến thôn Lưu gia.
Hôm nay thôn Lưu gia có thể nói là vô cùng náo nhiệt.
Cửa hàng thịt kho Lưu Ký làm ăn rất tốt, ngày thường vẫn thu mua con thỏ từ thôn Lưu gia nên mọi người trong thôn cũng được lợi theo, nên đối với Lưu thị cũng rất tôn trọng.
Còn Thường Đại Lực thì từ nhỏ đã lớn lên ở thôn Lưu gia, là người có tính tình hiền lành hiểu chuyện, ngày thường cũng nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ nhà này, nhà kia.
Vì vậy nên bất kể là nhà của Thường Đại Lực hay là nhà của Lưu thị thì cũng có rất nhiều người đến giúp đỡ, tạo bầu không khí vui vẻ.
Nhà nông dân làm việc vui thì chú ý đầu tiên chính là náo nhiệt, càng nhiều người thì chứng tỏ danh tiếng của nhà này trong thôn sẽ càng cao, cũng càng có thể diện.
Lưu thị là tái giá nên Lưu Tiên Hưng vốn dĩ cũng có chút lo lắng là mọi người sẽ kiêng kỵ việc này, lại không ngờ rằng người trong thôn cũng đến hơn nửa, lúc này cũng đã hoàn toàn yên tâm, vui vẻ tiếp đón chiêu đãi.
Làm việc vui, khách đến nhiều, có bạn bè người thân cùng với hàng xóm láng giềng, hơn nữa còn phải quan tâm một ít quy định của hôn lễ nên khó tránh khỏi sẽ có một chút không chu đáo trong việc đón tiếp khách khứa.
Nhưng loại chuyện này thì khách khứa cũng đều biết chỗ khó khăn của gia chủ, nên cũng không so đo chuyện nhỏ nhặt này, bản thân tự quản mình, nếu có năng lực còn sẽ giúp đỡ gia chủ thu xếp mấy việc.
Tô Mộc Lam và Bạch Thạch Đường cũng xem như là thân thích của Lưu thị nên cũng đi theo Trần thị và Đinh thị giúp đỡ mọi việc.
Hôn sự nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng các chi tiết và quy tắc thì cũng rất nhiều.
Từ việc nhà trai đi đón dâu vào cửa, đến khi nhà gái ra mặt đưa dâu thì đều có một loạt các quy định về lễ tiết.
Mãi đến nửa canh giờ sau thì nhà gái mới tiễn người thân của nhà trai cùng với tân nương đưa ra khỏi cửa và đi về nhà trai theo nghi lễ tương ứng.
Đợi đến khi người nhà gái đưa tiễn dâu xong thì một lúc sau nhà gái có thể mở tiệc rồi.
Quy củ ở nơi này là hai bên trai gái đều tự tổ chức bàn tiệc ở nhà của họ, không can thiệp vào chuyện của nhau, không xung đột với nhau, cứ căn cứ vào tình trạng gia đình có dư dả hay không thì xem xét làm bao nhiêu bàn tiệc sẽ phù hợp.
Lưu thị là tái giá, Lưu Tiên Hưng lại có ý muốn làm chỗ dựa cho nữ nhi, nên bàn tiệc cũng rất chú ý, tận lực làm tốt nhất.
Bàn tiệc thì tất nhiên là ai đến trước thì ăn trước, từ khi mặt trời còn chưa lên cao, bắt đầu từ món nộm rau, đến cuối cùng khi đã đầy đủ các món, gà, cá, giò nạc, khẩu thịt, xôi ngọt thập cẩm, canh ngọt, canh mặn….
Đến khi tiệc cưới hoàn toàn kết thúc thì mặt trời đã ngả về hướng tây rồi.
Đến lúc này thì tiệc cưới đối với nhà gái là đã kết thúc.
Còn bên nhà trai thì đến thời điểm buổi tối còn có thể đặt thêm vài bàn tiệc để mời thân thích gần gũi đến nháo động phòng.
Nhưng mà nói là nháo động phòng chứ ở thời đại này thì chỉ là rót vài chén rượu cho tân lang, trêu ghẹo vài câu, xem như thêm phần náo nhiệt, vẻ vang cho buổi hôn lễ.